Những người bảo vệ nguồn sinh thủy

Sự sống phát sinh từ môi trường nước. Từng xảy ra những cuộc chiến khốc liệt tranh giành tài nguyên nước giữa các bộ tộc, các quốc gia. Nước - tài nguyên quý giá không phải là vô tận và ngày càng có nguy cơ suy giảm, nhất là trong điều kiện khí hậu biến đổi bất thường. Có những người lính cận vệ rừng đêm ngày canh gác, tuần tra gìn giữ từng tán cây, thảm cỏ để nước trời được giữ lại trong lòng đất.

Thành ngữ có câu: Rừng vàng, bể bạc. Bác Hồ kính yêu từng nói: Rừng là vàng. Hiểu theo cách đó thì rừng đặc dụng Na Hang - vùng lõi của Di sản thắng cảnh quốc gia đặc biệt Lâm Bình - Na Hang là kho vàng quý giá.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang tăng cường công tác tuần rừng. Ảnh: Quang Minh.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang tăng cường công tác tuần rừng. Ảnh: Quang Minh.

Địa hình ở đây bao gồm dạng núi đá vôi, núi đất và thung lũng, cùng với điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều tạo nên hệ động, thực vật phong phú và rất đặc trưng. Thảm thực vật gồm trên ba trăm loài, có những loài cây gỗ lớn quý hiếm như pơ mu, kim giao, mun đen, hoàng đàn, trai, nghiến, đinh, lim, sến, lát... Cây dược liệu gồm họ cúc, họ ngũ da bì, họ bạc hà, họ trúc đào... Các loài cây ăn quả có sấu, bứa, tai chua, trám đen, trám trắng, dâu gia, roi rừng... Các loại rau, quả thực phẩm có ngót rừng, bồ khai, rau dớn và các loại măng, nấm... Tại đây sinh sống nhiều loài chim, thú quý hiếm. Loài chim có phượng hoàng đất, gà lôi trắng, gà lôi hạc, gà gô; loài thú có cầy, hoẵng, sơn dương, tê tê... và 8 loài linh trưởng, trong đó voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam, cũng là quần thể lớn nhất với khoảng 150-200 cá thể.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Giá trị của khu bảo tồn lớn hơn nhiều, quan hệ đến an ninh quốc gia và sự sinh tồn của con người. Cùng với sông Gâm, sông Năng, Rừng đặc dụng Na Hang là rừng phòng hộ đầu nguồn, là nguồn sinh thủy trực tiếp của hồ thủy điện Tuyên Quang - công trình đa năng, vừa dùng cho phát điện vừa cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế lũ lụt cho vùng hạ du.

Bảo vệ nguồn sinh thủy vô cùng quý giá ấy có vai trò hết sức quan trọng của lực lượng Kiểm lâm. Huyện Na Hang có hai hạt Kiểm lâm là Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang và Hạt Kiểm lâm Na Hang. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang quản lý 3.450 ha rừng tại các xã: Thanh Tương, Sơn Phú, Khâu Tinh và Côn Lôn.

Theo anh Lục Văn Thiên, trưởng chốt Bắc Vãng thì nhiệm vụ cụ thể của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang là phải trông coi, bảo vệ cỏ cây, động vật trên cạn đến nước hồ và các loài thủy sản. Mọi hành động đào bới đất đai, chặt cây, săn bắt, đặt bẫy chim thú cũng như những hành vi đánh bắt thủy sản bằng phương pháp hủy diệt, tác động làm ô nhiễm nước hồ đều bị nghiêm cấm. Ngay cả việc trồng cấy, đất nào được trồng cây ngắn ngày, đất nào trồng cây lâu năm phải theo theo đúng quy hoạch. Việc nuôi thủy sản cũng vậy. Những loài thủy sinh ngoại nhập có tính “hung dữ” đều không được phép nuôi thả trong hồ.

Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề, quản lý “kho vàng” quá rộng, lại không hề có “cửa”, với chỉ ba mươi biên chế, hạt bố trí lực lượng thành 6 đơn vị trực thuộc. Gồm trạm Phia Phoong (đặt trên sông Năng), trạm Khâu Tinh (đặt tại xã Khâu Tinh), trạm Sơn Phú (đặt tại xã Sơn Phú), trạm Bản Chủ (đặt tại Thị trấn Na Hang), trạm Thanh Tương, và trạm Phoòng Mạ (đặt tại xã Thanh Tương). Trong đó trạm Phoòng Mạ, tiếp giáp huyện Chiêm Hóa làm nhiệm vụ chốt chặn việc vận chuyển gỗ trái phép về xuôi.

Sáu trạm này lại rải lực lượng thành 15 chốt. Thuộc trạm Khâu Tinh có các chốt Bắc Vãng, Lũng Vai, Nà Tạng, Đội 5, Bản Lãm. Trạm Sơn Phú có các chốt: Lũng Vai, Bản Tàn, Cốc Kẻo, Nậm Trang, Mu Măn. Thuộc trạm Thanh Tương có các chốt Nà Lộc - Bản Bung, Khau Tấu, Bắc Danh, Tát Kẻ. Các chốt Bắc Vãng, Đội 5, Bản Lãm đặt ở lòng hồ, mười hai chốt còn lại ở trên bờ.

Anh Thiên cho biết, chốt Bắc Vãng có anh và hai người nữa là Dương Văn Cường, Thèn Văn Hiệp. Mặc thời tiết nắng nóng hay mưa rét, ngày ngày chốt của anh cũng như các chốt khác luôn có người đi tuần rừng để có thể phát hiện và kịp thời ngăn chặn mọi hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn mình phụ trách. Nhiệm vụ đòi hỏi phải thường xuyên bám rừng nên anh em quê ở ngay Na Hang vẫn phải sống xa nhà và cũng ít khi được nghỉ phép, ngoại trừ gia đình có việc đột xuất.

Trong ngành có quy chế, kiểm lâm viên công tác 5 năm tại một địa bàn thì được luân chuyển. Song dù có luân chuyển sang địa bàn khác thì vẫn là ở rừng, vẫn ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang tuần tra bảo vệ rừng tại xã Côn Lôn, huyện Na Hang.Ảnh: Quang Minh.

Hỏi về những thủ đoạn của lâm tặc, anh Thiên vui vẻ nói:

- Trước đây không chỉ lâm tặc mà cũng có cả trường hợp người dân phá rừng lấy đất trồng ngô lúa. Song do phong trào toàn dân bảo vệ rừng phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu nên hiện tượng này đã chấm dứt hoàn toàn. Hoạt động của lâm tặc cũng giảm nhiều cả về số vụ, số đối tượng và quy mô. Để đối phó với lâm tặc thì phải bám rừng không rời mắt. Lực lượng Kiểm lâm được trang bị công cụ hỗ trợ gồm súng AK, súng trường CKC, dùi cui điện, hơi cay… Tuy nhiên gặp phải những kẻ hung hãn lắm mới phải dùng đến súng đạn.

Năm trước nữa, ở chốt Lũng Vài, tổ tuần tra bốn người đi tuần rừng, nghe có động liền nhằm hướng phát ra tiếng cưa ập tới. Những người trộm gỗ bị bất ngờ đã ném đá ra bốn phía để mở đường tháo chạy. Không sợ nguy hiểm, bốn anh em áp sát, bắt gọn cả ba người. Anh Lê Hồng Binh bị một hòn đá ném trúng vào má gần mi mắt, hôm sau phải đưa đi chữa ở viện Mắt Hà Nội. Anh Binh nguyên là phó hạt trưởng đã nghỉ hưu nay hợp đồng lao động với hạt. Mức lương hợp đồng chỉ là ba triệu rưỡi một tháng. Mức lương như thế mới chỉ bù đắp phần nào công sức tuần tra đêm hôm vất vả. Nhưng anh Binh nói: Cái chính là lòng yêu nghề, yêu rừng.

Thủ phạm vụ xẻ gỗ hôm đó là bốn người ở xã Thanh Tương do đối tượng tên Tuấn cầm đầu. Một cây nghiến to, trước đó đã bị xẻ còn lại chừng một phần ba thân, nay các đối tượng định cưa cho đổ hẳn. Nhưng lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Tháng 10, năm nay, phát hiện một nhóm người bẫy chim cuốc ở khu vực lòng hồ, đã lập biên bản thu giữ, kiểm tra sức khỏe và thả 41 cá thể chim cuốc ngực trắng về môi trường tự nhiên. Chim cuốc ngực trắng là loài chim nước có tên trong sách đỏ, cấm săn bắt, mua bán.

Những vụ việc tuy không lớn nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Vì thế, từng cán bộ nhân viên luôn phải đề cao cảnh giác, không một ngày bỏ việc tuần rừng.

Hiện tại, Na Hang là một trong những huyện có tỷ lệ che phủ rừng cao của tỉnh. Bảo vệ, phát triển rừng trở thành nhiệm vụ tự giác của mọi người dân, được thực hiện bởi nhiều giải pháp. Một giải pháp quan trọng là có việc làm cho người lao động, nhất là những lao động trẻ. Số thanh niên địa phương làm việc tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động ngày càng tăng. Những ngành nghề mới do hồ sinh thái đem lại như nuôi cá, dịch vụ du lịch cũng thu hút nhiều lao động, cho thu nhập ổn định.

Giờ đây, Hồ thủy điện luôn ăm ắp nước trong xanh, Di sản thắng cảnh quốc gia đặc biệt Lâm Bình - Na Hang trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch khám phá và du lịch mạo hiểm hấp dẫn du khách. Nơi đây còn thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu về tài nguyên sinh vật, địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng.

Ghi chép: Phù Ninh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhung-nguoi-bao-ve-nguon-sinh-thuy-128447.html