Những người bị coi là dân ngoại quốc ngay trên chính quê hương Ấn Độ

Khoảng 2 triệu người - chiếm 5% dân số bang Assam - có thể bị tước quyền công dân nếu không thể trình giấy tờ từ năm 1971 chứng minh tổ tiên họ nhập cảnh hợp pháp vào Ấn Độ.

Krishna Biswas sống trong tâm thế sợ hãi. Khi không thể chứng minh mình mang quốc tịch Ấn Độ, anh có nguy cơ bị đưa đến trung tâm giam giữ.

Biswas cho biết anh và cha đều sinh ra ở bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, chính phủ nói để chứng minh anh là người Ấn Độ, anh phải cung cấp những tài liệu có từ năm 1971.

Điều này đồng nghĩa người bán rau 37 tuổi cần tìm kiếm chứng thư tài sản hàng chục năm tuổi hoặc giấy khai sinh có tên tổ tiên trên đó. Trong tay anh Biswas không có những giấy tờ ấy.

Không phải mình anh rơi vào hoàn cảnh này. Có gần 2 triệu người - hơn 5% dân số bang Assam - đang đứng trước viễn cảnh bị tước quyền công dân nếu không thể chứng minh mình là người Ấn Độ.

Hàng triệu người không rõ ràng quốc tịch

Những câu hỏi về việc ai là người Ấn Độ đã tồn tại từ lâu ở Assam. Nhiều người tin nơi đây tràn ngập những người nhập cư từ nước láng giềng Bangladesh.

Vào thời điểm Ấn Độ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, những lo ngại này dự kiến tiếp tục tăng lên. Đảng Bharatiya Janata cầm quyền cam kết triển khai chương trình xác minh quyền công dân trên toàn quốc, dù quá trình này ở Assam phải tạm dừng sau khi một cuộc kiểm toán liên bang phát hiện nhiều sai sót.

Tuy nhiên, hàng trăm người ở Assam đã bị đưa đến các trung tâm giam giữ mà chính phủ gọi là “trại trung chuyển”. Lo sợ bị bắt, hàng nghìn người trốn sang các bang khác của Ấn Độ. Một số đã tự sát.

Hàng triệu người như Biswas sống trong tình cảnh quốc tịch không rõ ràng. Họ được sinh ra ở Ấn Độ với cha mẹ là người nhập cư từ nhiều thập niên trước.

Nhiều người trong số này có thẻ bầu cử hoặc các giấy tờ tùy thân khác, nhưng cơ quan đăng ký công dân của bang chỉ kiểm đếm những người có thể chứng minh bằng tài liệu rằng họ hoặc tổ tiên họ là công dân Ấn Độ trước năm 1971.

1971 là năm Bangladesh ra đời.

 Các thành viên gia đình Biswas ở làng Murkata, bang Assam. Hầu hết không thể chứng minh họ có quốc tịch Ấn Độ.

Các thành viên gia đình Biswas ở làng Murkata, bang Assam. Hầu hết không thể chứng minh họ có quốc tịch Ấn Độ.

Đảng Bharatiya Janata - nơi kiểm soát Assam - lập luận việc chứng minh là cần thiết để xác định những cá nhân nhập cảnh bất hợp pháp. Assam là một bang có ý thức sắc tộc sâu sắc. Các cuộc biểu tình chống người nhập cư vào những năm 1980 lên đến đỉnh điểm trong vụ thảm sát hơn 2.000 người Hồi giáo nhập cư.

“Cha tôi và các anh em ông ấy sinh ra ở đây. Chúng tôi được sinh ra ở đây. Con chúng tôi cũng được sinh ra ở đây. Chúng tôi sẽ chết ở đây nhưng không rời bỏ nơi này”, anh Biswas nói.

Gia đình Biswas có 11 thành viên, nhưng tới 9 người vướng vào tình trạng quyền công dân lấp lửng. Vợ và mẹ Biswas được tuyên bố là người Ấn Độ bởi một tòa án cho người nước ngoài. Ba người con, cha và gia đình anh trai của Biswas bị coi là “người nước ngoài”.

Biswas thắc mắc tại sao một số người bị coi là định cư bất hợp pháp, còn những người khác thì không, dù tất cả được sinh ra cùng một nơi.

 Trung tâm dành cho những người nghi ngờ nhập cư bất hợp pháp vào Ấn Độ tại làng Matiya.

Trung tâm dành cho những người nghi ngờ nhập cư bất hợp pháp vào Ấn Độ tại làng Matiya.

Giống nhiều nhà khác, gia đình Biswas không khiếu nại vụ việc lên tòa án hoặc tòa án cấp cao hơn do thiếu tiền và các thủ tục giấy tờ phức tạp cần thiết trong quá trình này.

Cơ quan đăng ký cập nhật lần cuối vào năm 2019 và loại trừ cả người theo đạo Hindu và đạo Hồi. Nhiều người cho rằng đây là nỗ lực nhằm trục xuất hàng triệu người Hồi giáo thiểu số.

Những người ủng hộ nói việc cần thiết là phải bảo vệ bản sắc văn hóa của người bản địa Assam. Họ cho rằng những người nhập cư bất hợp pháp đang lấy đi công việc và đất đai của người Assam.

“Dòng người nước ngoài bất hợp pháp từ Bangladesh là mối đe dọa với bản sắc của người dân bản địa Assam. Chúng tôi không thể ở lại như công dân hạng hai dưới những người Bangladesh bất hợp pháp. Đó là vấn đề về sự tồn tại của chính chúng tôi”, Samujjal Bhattacharya - người từng tham gia phong trào chống nhập cư bất hợp pháp ở Assam - nói.

Là dân ngoại quốc trên chính mảnh đất mình sinh ra

Lo sợ có thể mất quyền công dân, nhiều người ở Assam đã tự sát.

Khi Faizul Ali bị đưa đến trung tâm giam giữ với tư cách "người nước ngoài" vào cuối năm 2015, các thành viên trong gia đình ông lo sợ mình sẽ là người tiếp theo. Viễn cảnh bị tống vào tù khiến con trai Ali tự kết liễu đời mình. Một năm sau, người con trai khác của Ali treo cổ tự tử.

Ông Ali được tại ngoại sau khi rời trại giam vào năm 2019. Ông qua đời hồi tháng 3, bỏ lại vợ, cậu con trai bị bệnh tâm thần, 2 con dâu và các cháu. Tất cả sống trong căn phòng đơn làm bằng tôn ở ngôi làng Bahari đa số theo đạo Hồi. Tất cả đều bị coi là “người nước ngoài”.

 Khoảng 2 triệu người ở bang Assam không thể chứng minh quốc tịch Ấn Độ dù sinh ra ở đây.

Khoảng 2 triệu người ở bang Assam không thể chứng minh quốc tịch Ấn Độ dù sinh ra ở đây.

 Subur Banoo (60 tuổi) cầm bức ảnh của người chồng quá cố tại Bahari, bang Assam.

Subur Banoo (60 tuổi) cầm bức ảnh của người chồng quá cố tại Bahari, bang Assam.

Do không đủ sống, vợ của Ali là bà Sabur Bano phải đi ăn xin. Bà không đủ tiền mua củi nấu ăn và sử dụng quần áo bỏ đi trên đường phố làm vật liệu đốt.

“Tôi là công dân của đất nước này. Tôi 60 tuổi. Tôi sinh ra ở đây, các con tôi lớn lên ở đây, tất cả đồ đạc của tôi đều ở đây. Nhưng họ biến tôi thành người ngoại quốc trên chính mảnh đất của mình”, bà nói, lau nước mắt bằng gấu áo sari trắng.

Nhiều người khác vẫn đang chờ đợi người thân của mình.

Vào buổi sáng gần đây, Asiya Khatoon lên chiếc xe kéo và đi gần 31 km từ nhà đến một trại tạm giam ở thị trấn Assam. Chồng bà đã bị giam giữ tại đây từ tháng 1.

“Họ (cảnh sát) đến đón chồng tôi và nói anh ấy là người Bangladesh”, người phụ nữ 45 tuổi nói. Bà vội vã đi về phía khu nhà bao quanh bởi hàng tường cao và tháp canh có camera an ninh, cùng với lính canh có vũ trang.

Trên tay bà là chiếc túi nhựa nhàu nát, trong đó có áo phông xanh lá cây, quần dài và chiếc mũ lưỡi trai bà muốn đưa cho chồng.

Phương Linh

Ảnh: AP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-bi-coi-la-dan-ngoai-quoc-ngay-tren-chinh-que-huong-an-do-post1426465.html