Những người 'cấm kỵ' uống nước đậu đen kẻo biến 'lợi thành hại'
Theo các chuyên gia, nước đậu đen là một loại nước uống bổ gan thận, giải nhiệt mùa hè cực hiệu quả nhưng những người sau thì không nên dùng.
Nước đậu đen có tác dụng thế nào với sức khỏe?
Lương y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho biết, trong Đông y, đậu đen là vị thuốc có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ thận âm, bổ gan, thanh nhiệt giải độc lợi tiểu.
Trong dân gian đậu đen được dùng để chữa một số chứng phong nhiệt nhức đầu, sốt nóng, sợ gió do thận gan yếu: Đau lưng, mỏi gối, bí đái, mụn nhọt, nở ngứa... Đậu đen còn được dùng nấu nước tẩm chế một số vị thuốc khác.
Trong những ngày hè nóng bức có thể dùng nước đậu đen uống giải nhiệt rất tốt. Đi nắng về đang khát ra mồ hôi dùng nước đậu đen uống để hạ nhiệt dương có tác dụng giảm nhiệt cơ thể, giải cảm nắng.
Người lớn trẻ nhỏ thường xuyên bị táo bón nên dùng nước đậu đen có tác dụng bổ gan thận. Người huyết áp cao suy nhược cơ thể dùng đậu đen cũng sẽ rất tốt. Người bị nóng trong phá nhiệt ra ngoài nên dùng đậu đen.
Những người không nên uống nước đậu đen
Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho biết, đậu đen tuy là loại hạt lành tính nhưng khôn nên lạm dụng uống thay nước lọc. Đặc biệt, không phải ai cũng có thể dùng được nước đậu đen để giải nhiệt trong những ngày hè.
Những người đang uống thuốc
Một công dụng rất quý của đỗ đen đó chính là có tác dụng giải độc, vì trong thành phần của nó chứa các loại photpho hữu cơ, protein, các kim loại nặng có thể kết hợp thành các chất kết tủa. Tuy nhiên đối với những người đang sử dụng thuốc uống thì khi ăn đỗ đen có thể làm các thành phần trong đậu phản ứng với các thành phần của thuốc làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh. Vì vậy cần cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định uống nước đậu đen, tốt hơn hết bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những người cơ thể yếu, suy nhược
Đỗ đen uống để giải khát nhưng lại không có tác dụng đối với những người có thể trạng yếu như thường xuyên mệt mỏi, tứ chi lạnh, loét đại trạng, sợ lạnh, dễ bị đi ngoài khi ăn đồ lạ, đi ngoài có phân lỏng hay tiêu chảy thì không nên dùng đỗ đen. Thậm chí những đối tường này nếu ăn đỗ đen vào cơ thể có thể biểu hiện trầm trọng hơn như tiêu chảy, kiết lị, buồn nôn, choáng váng,...
Người bị tiểu đường tránh uống nước đỗ đen có đường
Những người bị tiểu đường nên hạn chế uống nước đỗ đen có đường vì có thể làm gia tăng lượng đường trong máu khi sử dụng thường xuyên. Với người bị tiểu đường, nước đỗ đen rang, không cho đường lá tốt nhất. Còn với những người phải lao động nặng, khi uống nên cho một chút muối để tăng cường yếu tố điện giải cho cơ thể.
Người mắc bệnh về đường tiêu hóa
Người mắc bệnh viêm đại tràng, người tùy vị hư người đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Trong trường hợp muốn dùng thì nên rang hạt đậu đen để ôn ấm vị và dùng với số lượng ít, thưởng thức là chính.
Trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ dưới một tuổi không nên sử dụng nước đậu đen, trên một tuổi sử dụng với mức vừa phải.Trẻ nhỏ thường xuyên bị đái dầm do bàng quang hàn không nên cho trẻ uống nước đậu đen. Nếu uống nhiều sẽ làm cho trẻ đi tiểu nhiều hơn. Trẻ nhỏ thường xuyên đi phân lỏng, tiêu hóa kém tuyệt đối không dùng nước đậu đen.
Uống nước đậu đen bao nhiêu thì tốt?
Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng trẻ em (Viện dinh dưỡng Quốc gia), không thể dùng nước đỗ đen để thay thế cho nước uống hàng ngày bởi sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể.
Đối với trẻ nhỏ trong những ngày nắng nóng mẹ dùng nước đậu đen cho con uống thay nước có thể khiến cho trẻ không hấp thu được dinh dưỡng dẫn tới thấp còi, suy dinh dưỡng.
Đậu đen thuộc vào nhóm thực phẩm có chứa nhiều phytat, chất này gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho… Nếu cơ thể kém hấp thu các vi chất trên sẽ dẫn tới thiếu máu, loãng xương. Phytat nhiều có thể ức chế một số enzyme tiêu hóa.
Để tốt cho sức khỏe các chuyên gia khuyên nên dùng nước đậu đen như một thứ nước uống thưởng thức. Đối với người khỏe mạnh không có bệnh lý như đã kể trên ngày uống một ly là đủ. Người có bệnh lý tiêu hóa chỉ nên dùng tuần 1-2 ly.