Những người 'canh giữ' vùng lộng
Những ngư dân ngày ngày đi thuyền ra vùng biển gần bờ đánh bắt thủy sản để mưu sinh cho cuộc sống, nhưng lại 'tiếc nuối' với những sản vật của biển nên đã cùng nhau tham gia tuyên truyền nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang trên đà cạn kiệt nếu đánh bắt không kiểm soát. Đó là những Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển của TP Đà Nẵng.
Những ngư dân ngày ngày đi thuyền ra vùng biển gần bờ đánh bắt thủy sản để mưu sinh cho cuộc sống, nhưng lại “tiếc nuối” với những sản vật của biển nên đã cùng nhau tham gia tuyên truyền nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang trên đà cạn kiệt nếu đánh bắt không kiểm soát. Đó là những Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển của TP Đà Nẵng.
Lão ngư vịnh Kim Liên
Vừa trở về sau một đêm đi biển, lão ngư Nguyễn Quang (1965) nhập hết cho các tiểu thương mớ cua, ghẹ thu về được 500 nghìn đồng. Tiện tay lựa vài con ghẹ ngon, lão ngư đưa cho mấy người cùng đi biển trong tổ dân phố cũng vừa về để “góp” ăn sáng. Ở đó, người đưa con cá, người đưa ít mực, tôm, cá… để anh em cùng ăn với nhau sau một đêm thức trắng. Tại bữa ăn đó, mỗi người lại kể cho nhau nghe về hành trình đêm qua của mình, vừa tâm sự, hỏi thăm lẫn nhau, cũng vừa nắm bắt được tình hình của từng người và cũng là dịp thuận lợi để lão Quang tuyên truyền đến những ngư dân về việc đánh bắt đi kèm với bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển. Đây là một trong những cách làm, tuyên truyền hiệu quả của Tổ bảo vệ thủy sản phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) mà chú Nguyễn Quang làm tổ trưởng.
Tổ bảo vệ thủy sản do chính những ngư dân đánh bắt gần bờ là thành viên được thành lập năm 2017 do Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng đề xuất với UBND phường Hòa Hiệp Bắc và Đồn biên phòng Hải Vân cùng phối hợp thực hiện. Chú Quang là một trong những cái tên được “xướng” đầu tiên vào danh sách và được mọi người tín nhiệm làm tổ trưởng với 27 thành viên lúc đó.
Mục đích hoạt động của tổ nhằm tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt những thủy, hải sản nằm trong danh mục nghiêm cấm, hoặc chưa đến tuổi khai thác; không sử dụng những cách đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy sản gần bờ như đánh mìn, xung điện, sử dụng điện cao áp, giã cào; không hái rong biển, san hô; kiểm tra, theo dõi những đối tượng vi phạm, chụp hình hành vi, chụp số tàu, số ghe để báo cho Chi cục và Bộ đội biên phòng đến kịp thời xử lý. Mỗi thành viên trong lúc khai thác ở một vùng biển khác nhau sẽ kết hợp tuần tra những tàu cá ở vùng biển đó.
Ăn xong bữa sáng, mọi người chia tay để về nhà… đi ngủ, chú Nguyễn Quang dẫn chúng tôi ra vùng biển Kim Liên, lên thuyền và đi tuần tra. Từ trên thuyền, chỉ cho chúng tôi “bãi lò vôi” ở gần rạn Nam Ô, có tên gọi như vậy là vì trước đây, người dân hay xuống lấy san hô ở những rạn đá gần đó lên bãi nấu để làm vôi bán. Nhiều người cũng tùy tiện lấy san hô về chưng, làm hòn non bộ, hàng tấn san hô đã không còn. Nhưng sau khi các cấp, ngành ra quân tuyên truyền, nghiêm cấm, người dân hiểu được vấn đề nên đã không còn lấy san hô về nữa, bãi lò vôi cũng chỉ còn là tên gọi.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền để người dân trong vùng và mọi người khi đến Nam Ô, Kim Liên tham quan, vui chơi hiểu được tầm giá trị của những loài rong biển, san hô đối với sự sinh tồn và phát triển của các sinh vật biển thì vẫn luôn cần thiết. Vì vậy, tổ vẫn thường xuyên theo dõi.
Cả phường Hòa Hiệp Bắc có khoảng hơn 100 tàu cá đánh bắt gần bờ ở phạm vi dưới hai hải lý, các sản vật là những loài cá nhỏ như cá cơm, cá ve, ghẹ, mực nhỏ… còn có những người dân chài lưới ở sông Cu Đê cũng được Tổ tuyên truyền rộng rãi.
Tính đến nay, gần như tất cả mọi người làm nghề đánh bắt trong phường đều thực hiện chấp hành những điều Nhà nước nghiêm cấm trong việc đánh bắt thủy sản. Mặc dù đều làm việc trên tinh thần tự nguyện, nhưng tổ của chú Quang cũng đã lên đến 42 thành viên, tất cả đều xin vào để cùng hoạt động.
“Chúng tôi lấy tình đoàn kết là trên hết để duy trì tổ cho đến nay. Ở trên biển cũng như ở đất liền, chỉ cần một người gặp vấn đề hoặc khó khăn thì tất cả đều sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ. Nhưng trên hết, ở đây đều là những người con của biển, gắn bó cả đời với biển nên tất cả đều thấy đây là một việc làm đích thực, có lợi cho bản thân và vì cộng đồng, vì nguồn lợi thủy sản của mình nên ai cũng sẵn sàng tham gia” - chú Nguyễn Quang chia sẻ.
Bảo vệ san hô Sơn Trà
12 năm qua, từ khi thành lập tổ đầu tiên ở Thọ Quang, đến nay, TP Đà Nẵng đã có thêm ba tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thành lập ở các phường Mân Thái (Sơn Trà), Thanh Khê Đông (Thanh Khê), Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) với tổng cộng 100 thành viên. Đây là lực lượng đắc lực cùng với thành phố tham gia bảo vệ và phát triển rạn san hô, nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển từ Hòn Chảo đến nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà trên địa bàn thành phố. Mỗi tổ được hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, máy ảnh cầm tay, áo đồng phục, loa, ống nhòm, tài liệu tuyên truyền… để phục vụ cho nhiệm vụ của mình.
Từ năm 2017 đến nay, bốn tổ đã thông báo gần 250 trường hợp được các thành viên phát hiện để đơn vị chức năng tiến hành xử lý. Công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về biển cũng được mọi người thực hiện xuyên suốt bằng nhiều phương pháp đã đạt hiệu quả cao.
Tháng 6 vừa qua, có hai tàu cá giã bay (giã cào) ở địa phương khác vào sát bờ biển Thọ Quang (Sơn Trà) để khai thác cá bằng cách dùng súng điện. Những thành viên trong Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản và san hô Thọ Quang đã kịp thời chụp hình lại, đồng thời báo với lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng khu vực nhanh chóng có mặt kiểm tra và cảnh cáo.
Cũng trong tháng đó, ở Vũng Đá một tàu lớn đang bủa lưới vây (theo quy định, tàu lớn không được đánh bắt vùng lộng), tổ cũng nhanh chóng báo cáo đơn vị chức năng có mặt và xử phạt răn đe. Đây là tổ được thành lập đầu tiên của TP Đà Nẵng năm 2008 với 21 thành viên.
Vùng biển Thọ Quang có lượng khách du lịch khá lớn, ngoài tham quan Sơn Trà, vui chơi ở các bãi biển, các bãi du lịch thì còn có dịch vụ lặn ngắm san hô. Vì vậy, các thành viên của tổ ngoài nắm tình hình tàu cá đánh bắt, còn kiểm tra những tàu cá, canô và khách du lịch tại những rạn có san hô. Tất cả các thành viên trong tổ đều được thành phố tập huấn thường xuyên về kiến thức thủy, hải sản, về san hô nhằm giúp mọi người hiểu rõ tấm quan trọng của những loài sinh vật biển.
Mỗi ngày, tổ phân công tám người chia làm hai ca trực tại bốn điểm: Bãi Bụt, Bãi Nam (bãi Nồm), Hục Lỡ - Vũng Đá, đông Bãi Bắc. Tại các điểm đó, những ngư dân tranh thủ thả lưới bắt cá và đi tuần. Nếu phát hiện có ca nô hoặc tàu cá chở khách ra lặn ngắm san hô không đúng quy định sẽ báo cáo để biên phòng có mặt kiểm tra.
Chú Ngô Hội (83 tuổi), thành viên lớn tuổi nhất của tổ tham gia từ những ngày đầu thành lập tâm sự: “Chú lớn tuổi, nghỉ đi biển về làm bảo vệ ở chung cư nên được phân công trực trên bờ, nhiều lần các anh em báo có khách du lịch tự phát lấy san hô từ các bãi du lịch đi ngược lên đường núi Sơn Trà để xuống phố thì liền tới ngay cùng với các đơn vị phối hợp để tịch thu san hô đưa về biển, tuyên truyền với du khách, nếu trường hợp nặng thì cảnh cáo, hoặc xử lý theo quy định”.
Tổ cũng phối hợp phường Thọ Quang, Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà thực hiện tuyên truyền phổ biến đến các đơn vị lữ hành, điểm du lịch để thực hiện nghiêm túc những quy định khi đưa tàu và du khách ra lặn ngắm san hô.
Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về điều gì làm mọi người còn canh cánh trong lòng, với lão Quang, đó là việc ngư trường gần bờ quá nhỏ bé, mà ngư dân khai thác thì nhiều, điều đó không tránh được việc sẽ khai thác cả những hải sản chưa đến tuổi thu hoạch. Trong khi đó, đa số ngư dân trong phường đều là tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ, mỗi ngày thu về vài trăm nghìn ổn định cuộc sống không có đủ điều kiện để cải hoán, đóng tàu lớn để khai thác xa bờ.
Những thành viên trong tổ của lão ngư Nguyễn Dinh (67 tuổi) tổ trưởng tại Thọ Quang thì mong muốn cơ quan nhà nước quản lý chặt hơn dịch vụ lặn ngắm san hô và tàu du lịch chở khách ở những bãi du lịch, vẫn còn nhiều trường hợp “đi chui”, tự phát, các đơn vị cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định để bảo vệ rạn san hô và các loài cá dưới biển.
Mỗi ngày, các tổ bảo vệ thủy sản vẫn đều đặn thực hiện nhiệm vụ của mình, ai cũng mong muốn bảo vệ biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, như lão ngư Nguyễn Dinh nói: Mình làm tốt thì con cháu mình hưởng, mình phá thì con cháu sẽ mất”…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/nhung-nguoi-canh-giu-vung-long-625939/