Những người cha nuôi nơi biên giới Phiêng Pằn

Thực hiện mô hình 'Con nuôi đồn Biên phòng' do Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai cán bộ, chiến sĩ Biên phòng có thêm vai trò mới là trở thành những người 'cha nuôi'. Và ở nơi vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn như xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, những người cha mặc áo lính đã và đang chăm sóc cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở đây có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đưa 2 “con nuôi” đi học vào mỗi buổi sáng. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đưa 2 “con nuôi” đi học vào mỗi buổi sáng. Ảnh: Kim Nhượng

Em Vì Văn Hoàng, 11 tuổi, ở bản Nà Nhụng, xã Phiêng Pằn sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngay từ nhỏ đã thiếu vắng tình cảm của cha, mẹ nên Hoàng lúc nào cũng lầm lì, ít nói, tự ti với hoàn cảnh của mình. Từ năm 2019, Hoàng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, BĐBP Sơn La đón về đơn vị làm con nuôi. Được sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của những người cha nuôi, Hoàng dần dần hòa nhập với cuộc sống trong đơn vị, bớt tự ti hơn.

Bà Lò Thị Doan, là dì nuôi của Hoàng chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình cháu khó khăn, bố mẹ mất từ nhỏ nên càng thiếu thốn hơn. Gia đình tôi nhận cháu về nuôi, nhưng do hoàn cảnh gia đình cũng nghèo khó nên không đủ điều kiện cho cháu đi học. Nhiều khi Hoàng bảo nhớ bố lắm, tôi nghe lại càng thương cháu nhiều hơn. Thật may mắn, cháu được các chú BĐBP đón về đồn làm con nuôi, gia đình tôi biết ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn nhiều lắm. Từ khi Hoàng được đón về đơn vị, cháu vui hơn nhiều. Về nhà, cháu khoe là có các bố nuôi làm bộ đội, được ăn ngon, được kèm cặp học hành, dạy dỗ chu đáo. Tôi rất mong các chú bộ đội nuôi dạy bảo ban cháu thật tốt, để mai sau cháu trở thành người có ích cho xã hội”.

Ngoài em Hoàng, Đồn Biên phòng Phiêng Pằn còn nhận nuôi em Lò Văn Anh Khoa, ở bản Kết Hay, xã Phiêng Phằn. Khoa mồ côi bố từ nhỏ. Mẹ em phải cáng đáng việc gia đình, nuôi mẹ già và 2 anh em Khoa. Từ ngày Khoa được các chú Biên phòng nhận về nuôi, em rất có ý thức trong sinh hoạt ăn, ở, học tập. 2 năm liền Khoa đạt học sinh giỏi. Tâm sự với chúng tôi, Khoa tự tin nói: “Cháu cố gắng học thật giỏi để sau này sẽ thi vào Học viện Biên phòng, ra trường giống như các bác, các chú ở đây”.

Tại Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, Hoàng và Khoa được bố trí ăn, ngủ, sinh hoạt trong một phòng riêng, được các chiến sĩ chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Trong “ngôi nhà chung”, các em được dạy bảo thêm nhiều kỹ năng sống để trở thành những công dân tốt. Trung úy Lò Văn Tâm, nhân viên thông tin Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, người trực tiếp chăm sóc cũng như bảo ban 2 em chia sẻ: “Hằng ngày, đơn vị đều cắt cử cán bộ, chiến sĩ kèm dạy các cháu, đưa đến trường và đón về. Cùng với việc định hướng, bảo ban trong học tập, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều gần gũi, tâm sự với các cháu để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời định hướng cho các cháu theo những nếp nghĩ, hành động tích cực. Nhiều khi chúng tôi phải lựa chọn các đồng chí có kỹ năng sư phạm trực tiếp dạy Hoàng và Khoa, không phải riêng việc học hành mà dạy cả nếp ăn ở, sinh hoạt. Phải uốn nắn ngay từ khi các cháu còn nhỏ để các cháu có ý thức tạo tính tự lập cho bản thân”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn kèm cặp 2 em Vì Văn Hoàng và Lò Văn Anh Khoa học tập. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn kèm cặp 2 em Vì Văn Hoàng và Lò Văn Anh Khoa học tập. Ảnh: Kim Nhượng

Thiếu tá Lò Văn Thinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phiêng Pằn cho biết: Đồn Biên phòng Phiêng Pằn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 6,89km, gồm 4 cột mốc, tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Đơn vị phụ trách 1 xã biên giới là xã Phiêng Pằn với 19 bản, trong đó có 4 bản giáp biên giới với 5 thành phần dân tộc sinh sống. Đời sống bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, chúng tôi luôn tích cực củng cố, thắt chặt thêm tình quân - dân nơi biên giới của Tổ quốc. Trong vai trò là những người “cha nuôi”, chúng tôi luôn mang trên mình trách nhiệm chăm sóc các em nhỏ như những người con, người cháu trong gia đình.

Với những lính Biên phòng, mỗi sự tiến bộ, trưởng thành của những người con nuôi chính là niềm vui vô bờ bến. Chắc chắn, sự trưởng thành của các em sau này sẽ là món quà lớn nhất dành cho những người cha mang quân hàm xanh nơi vùng cao biên giới Phiêng Pằn.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-cha-nuoi-noi-bien-gioi-phieng-pan-post432649.html