Những người chăm sóc cầu Long Biên
Mỗi ngày, các công nhân vẫn cần mẫn chăm sóc cầu Long Biên, Hà Nội để đảm bảo cho người tham gia giao thông và mỗi chuyến tàu đi qua được an toàn.
Cầu Long Biên là một trong hai cây cầu ở Hà Nội có kết hợp đường sắt và đường bộ. Hàng ngày có khoảng 14 chuyến tàu qua cầu, phương tiện đường bộ qua lại rất đông.
Để những chuyến tàu an toàn, những người làm công việc "đi bộ" tuần tra đường sắt như anh Nguyễn Giám Khảo phải thức khuya, dậy sớm, không ít lần đánh cược với tính mạng. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng anh vẫn lặng lẽ, tâm huyết gắn bó với nghề. Anh Khảo, công nhân tuần cầu Đội cầu Long Biên, cho biết: “Tôi đã gắn bó với công việc này hơn 30 năm, công việc thường ngày là kiểm tra mặt cầu, các mố trụ. Đặc biệt, mố trụ chính phải được thường xuyên kiểm tra".
Mỗi ca trực của Đội cầu Long Biên kéo dài 12 tiếng, từ 6h chiều hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Hàng ngày, nhân viên tuần cầu khi lên ban có nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi trạng thái toàn bộ kết cấu cầu từ hệ mặt cầu đường bộ, hệ mặt cầu đường sắt, dàn thép trên cao, dầm đỡ bên dưới, mố, trụ và cả dòng chảy.
Chưa bao giờ những người trong đội cầu Long Biên có ý nghĩ sẽ bỏ nghề. Sinh ra, gắn bó và chăm sóc cầu Long Biên hàng ngày, đối với họ, cây cầu giống như là ngôi nhà thứ hai.
Anh Nguyễn Như Quỳnh, thành viên Tổ bảo vệ Đội cầu Long Biên, chia sẻ: “Bố mẹ tôi cũng làm trong ngành đường sắt, nên tôi nối nghiệp gia đình và gắn bó với nghề từ rất lâu rồi, khi biết tin cầu được đại tu thì rất vui. Tôi nghĩ cây cầu này đã gắn bó với lịch sử của đất nước, trải qua nhiều thăng trầm và sau khi được sửa chữa, cây cầu còn có thể trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa".
Trước kia, ngành đường sắt quy định phải là thợ duy tu đường sắt bậc 4/5 mới được bố trí làm nhân viên tuần cầu vì khi đó mới có đủ tay nghề, kĩ năng xử lý sự cố. Bây giờ, để làm nghề tuần cầu, người thợ phải trải qua đào tạo trường lớp và được cấp chứng chỉ.
Anh Nguyễn Giám Khảo tiếp tục chia sẻ: “Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với cây cầu này, điển hình như mùa mưa bão, chúng tôi phải trực chiến liên tục, không quản ngày đêm. Khi cơn bão đi qua, anh em mới thấy những cái tấm bộ hành bị tốc hết lên, phải gần 100 tấm. Sau đấy, chúng tôi đã phải bố trí người để xử lý nhanh chóng".
Công việc của những người gác cầu Long Biên ẩn chứa không ít rủi ro, nguy hiểm. Công việc có nhiều khó khăn từ vật chất đến tinh thần nhưng trong suy nghĩ của những người gác cầu Long Biên, khó khăn không có nghĩa là buông bỏ, lơ là, thiếu trách nhiệm. Từ công việc nhỏ nhất họ cũng luôn cẩn thận, tỉ mỉ, làm hết trách nhiệm để bảo vệ sự an toàn cho những chuyến tàu, an toàn cho tài sản, tính mạng của người dân.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhung-nguoi-cham-soc-cau-long-bien-320458.htm