Những người chống lại 'thủy thần'
Đuối nước và nỗi đau nhức nhối nó mang lại luôn là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Năm học sắp kết thúc, hè về là thời điểm mà nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ gia tăng. Đây cũng là lúc những người chống lại 'thủy thần' tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cao cả của mình.
Bà Sáu Thia – người phụ nữ truyền cảm hứng
Hàng năm, khi thời tiết nắng nóng, học sinh được nghỉ học, số vụ trẻ em tử vong do đuối nước lại tăng cao, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi và biên giới biển, nơi có tỷ lệ cao về đuối nước ở trẻ em. Cụ thể, chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay đã có 113 trẻ bị tử vong do đuối nước. Nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra vụ việc đuối nước thương tâm mà nạn nhân là các em học sinh đang trong thời gian nghỉ học tại nhà.
Cứ đến thời điểm này, nỗi lo của các bậc phụ huynh và của toàn xã hội về vấn nạn đuối nước lại hiện hữu rõ rệt. Đó cũng là nỗi lo đau đáu của những người thầy, người cô không quản ngại khó khăn, vất vả dạy bơi miễn phí cho trẻ em với mong muốn ngăn ngừa nỗi đau đuối nước.
Nổi bật trong số đó chính là bà Trần Thị Kim Thia (64 tuổi, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) hay còn được người dân gọi với cái tên thân thương là bà Sáu Thia, người phụ nữ bán vé số dành 20 năm dạy bơi miễn phí cho hơn 4.000 em nhỏ. Có lẽ dân miền Tây không ai không biết đến bà Sáu Thia bởi bà đã góp phần không nhỏ trong việc giảm hẳn trường hợp trẻ bị đuối nước tại tỉnh Đồng Tháp.
Đã nhiều năm nay, cuộc sống của bà Sáu Thia là hàng ngày vừa đi bán vé số kiếm sống vừa dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cứ hè đến, mùa nước lũ sắp về là bà gác hết mọi công việc để dành thời gian dạy bơi cho trẻ.
Bà bén duyên với công việc này từ những năm 2002, khi UBND xã triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, với kinh nghiệm bao năm lăn lội trên sông nước, bà Sáu được mời làm “cô giáo” dạy bơi cho hàng ngàn trẻ ở nơi đây. Để an toàn cho trẻ, thời gian đầu, bà Sáu Thia tự đóng cọc, quây lưới mùng dưới mé sông làm hàng rào xung quanh thành hồ bơi dã chiến. Dù không học qua trường lớp bài bản mà chỉ với kinh nghiệm dạy bơi “miệt vườn” nhưng những đứa trẻ được bà dạy rất nhanh biết bơi, nhanh nhất thì 5 ngày, chậm cũng 10 ngày là “tốt nghiệp”.
Tiếng lành đồn xa, suốt 20 năm qua, bà Sáu Thia được nhiều phụ huynh tin tưởng, quý mến gửi con học bơi. Trung bình mỗi năm, bà dạy khoảng 8 lớp với khoảng 240 trẻ từ 7 - 15 tuổi. Thời gian mở lớp thường trong dịp hè, nước lũ sắp về. Mỗi buổi học khoảng 1 giờ rưỡi, kéo dài không quá 15 ngày. Đặc biệt, ngoài khoản trợ cấp của UBND xã Hưng Thạnh khoảng 300.000 đồng/lớp, bà tuyệt đối không nhận bất kỳ đồng tiền nào của phụ huynh và không phân biệt giàu, nghèo đều có thể đưa con đến học.
Theo thống kê của xã Hưng Thạnh, có hơn 4.000 trẻ biết bơi lội và kỹ năng sinh tồn vùng sông nước thông qua lớp dạy bơi lội miễn phí của bà Sáu. Tình trạng đuối nước ở trẻ em cũng giảm đáng kể khi mỗi năm có hơn 200 em nhỏ tham gia học bơi lội với tỉ lệ biết bơi đạt trên 95%.
Hàng ngày, khi có lịch dạy bơi mỗi buổi sáng bà Sáu Thia dậy sớm chạy chiếc xe máy cà tàng đến chỗ dạy bơi, sau đó về đi làm thuê, hoặc nhận vé số đi bán dạo. Dù còn nhiều khó khăn về kinh tế, phải lo “cơm ăn, áo mặc” mỗi ngày nhưng bà vẫn hết lòng tận tụy với công việc dạy bơi của mình.
Khi được hỏi vì sao bà không dành thời gian để lo cho kinh tế gia đình mà lại dồn hết cho việc dạy bơi không công và làm công tác xã hội? Bà Sáu Thia từng trả lời rằng: “Tôi không sợ nghèo, không sợ đói mà chỉ sợ trẻ em không biết bơi sẽ nguy hiểm. Tôi còn mạnh giỏi, còn dạy các cháu được thì cố gắng. Vật chất tôi không có, chứ tình thương của trẻ em, cô bác xóm giềng dành cho tôi rất là nhiều, đó là giàu quá đi chứ. Cống hiến cho xã hội được bao nhiêu thì nên bao nhiêu, làm gì được thì tôi cứ làm”.
Và sự cống hiến thầm lặng của người phụ nữ bán vé số có tinh thần vì xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Tinh thần thiện nguyện của bà Sáu Thia đã được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác dạy bơi cho trẻ em. Vào năm 2017, bà Sáu Thia vinh dự trở thành đại diện Việt Nam lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do hãng tin Anh BBC bình chọn.
Năm 2018, bà cũng đạt một giải thưởng về hạng mục sống đẹp, tấm gương tiêu biểu trong xã hội. Năm 2020, bà vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Và gần đây nhất, bà sáu Thia tiếp tục gây bất ngờ khi được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 vì hoạt động cộng đồng.
Bắt đầu công việc từ năm 2002, đằng đẵng suốt thời gian qua với biết bao gian nan nhưng bà sáu Thia vẫn tâm huyết với nghề dạy bơi cho trẻ. Dù đã hơn 60 tuổi nhưng bà Sáu Thia vẫn tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu với trẻ, bà cho biết “Bản thân tôi như chiếc xe, khi nào máy còn chạy, bánh còn lăn thì còn dạy bơi cho trẻ”.
Làm việc tốt giúp người, giúp đời là điều mà ai cũng đều mong muốn nhưng không phải ai cũng làm được. Vậy mà bà Sáu Thia đã làm được điều đó, bà đã có đủ sự nhẫn nại, kiên cường vượt qua mọi rào cản, hy sinh cả hạnh phúc bản thân để xả thân vì cộng đồng.
Những người thầy ở muôn nơi
Nghị lực vượt khó cùng tấm lòng nhân ái bao la của bà Sáu Thia phần nào đã và đang lan tỏa thông điệp yêu thương và truyền cảm hứng cho tất cả con người Việt Nam dù trong bất kỳ hoàn cảnh hay lứa tuổi nào. Giờ đây, ở muôn nơi đều có những người thầy mở lớp dạy bơi miễn phí để giúp các em nhỏ chống lại “thủy thần”.
Cũng giống như bà Sáu Thia, tại tỉnh Quảng Trị cũng có người thầy với mong muốn giúp học sinh ở vùng rốn lũ biết bơi. Đó là thầy giáo Nguyễn Viết Tước, người đã phối hợp cùng Đoàn xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), suốt 8 năm ngăn dòng chảy, mở lớp dạy bơi miễn phí.
Từ năm 2012 đến nay, thầy Tước đã trải qua 8 mùa hè không có một ngày nghỉ, một ngày phải ngâm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ dạy bơi cho các em nhưng với thầy Tước đó là niềm vui, niềm hạnh phúc. Mô hình dạy bơi của thầy Tước đã nhanh chóng đạt kết quả, nhiều năm nay tại xã Hải Hưng không còn học sinh đuối nước.
Không chỉ lan tỏa đến từng cá nhân, nghĩa cử cao đẹp trên còn lan tỏa đến cả những nhóm thiện nguyện. “Tình yêu sông Hồng” cũng có một nơi giống như vậy. Đây là một hoạt động thiện nguyện của nhóm “Bơi khám phá” nhằm tổ chức các lớp dạy bơi cứu hộ miễn phí và cung cấp kiến thức đúng nghĩa về bơi lội cho các em nhỏ tại các tỉnh dọc sông Hồng. Anh Nguyễn Ngọc Khánh (35 tuổi, Hà Nội) là trưởng nhóm tình nguyện vốn là người từng suýt chết vì đuối nước. Sau lần “chết hụt” đó, Khánh quyết tâm đi tập bơi bài bản để “phòng thân”. Từ niềm đam mê bơi lội, đầu năm 2020, Khánh thành lập câu lạc bộ “Bơi khám phá” với mục đích ban đầu là thỏa mãn đam mê của anh và những người có cùng sở thích. Tuy nhiên, khi biết thông tin về những vụ đuối nước thương tâm, Khánh và bạn bè đã bắt tay vào hành trình thiện nguyện của mình.
Nhóm “Bơi khám phá” bắt đầu hoạt động “Tình yêu sông Hồng” vào tháng 3/2022. Ý tưởng hành trình thiện nguyện “Tình yêu sông Hồng” được anh Khánh chia sẻ trên mạng xã hội. Chỉ chưa đầy một ngày đã có đến hơn 50 tình nguyện viên ủng hộ và cùng anh thực hiện.
Hành trình “Tình yêu sông Hồng” với hoạt động chính là trực tiếp dạy bơi miễn phí tại tất cả các tỉnh thành ven sông Hồng, khởi nguồn từ Lào Cai và kết thúc tại Thái Bình. Hiện tại anh Khánh cùng các cộng sự đã đi đến được 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và dạy bơi miễn phí cho nhiều em nhỏ là học sinh cấp I, cấp II tại đây.
Và cứ như thế, tấm lòng của những người chống lại “thủy thần” đã được lan tỏa muôn nơi. Tin rằng với những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, vấn nạn đuối nước sẽ không còn là nỗi lo mỗi khi hè về của toàn xã hội. Cũng như mong rằng sẽ có ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức tâm huyết với việc dạy bơi miễn phí cho trẻ - một công việc bình thường nhưng thật phi thường.
Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi tại nước ta. Mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm 48,8% tai nạn do thương tích.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-nguoi-chong-lai-thuy-than-post448762.html