Những người chống nạn tảo hôn nơi địa đầu tổ quốc
Có những người con vùng núi rừng Đông Bắc của tổ quốc đang ngày ngày nỗ lực nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại vùng cao Hà Giang.
Những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại vùng cao Hà Giang đã trở thành một vấn nạn gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, nhưng cũng chính tại đây có những người con vùng núi rừng Đông Bắc đang ngày ngày đấu tranh bằng nhiều biện pháp nhằm từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu này.
- S. ơi, đi học về thì tranh thủ nấu cơm để bố còn trông cháu
- Vâng, con lấy gạo xong rồi, trưa nấu cơm với gì vậy ạ?
- Có cây bắp cải bố để sẵn ở bếp rồi đó
- Vậy để con đi rửa rồi luộc rau luôn.
Bữa cơm trưa của gia đình 4 người chỉ có duy nhất hai món cơm trắng và bắp cải luộc nhưng S. đã quen với việc ấy. Gia đình có 7 người thì mẹ, anh trai và chị dâu đều vào Nam làm công nhân ở khu công nghiệp, bố S. ngoài công việc lên nương làm rẫy, bán rau ngoài chợ thì còn phải trông đứa cháu nội nay mới lên hai, mọi công việc trong nhà đều do một tay S. cáng đáng.
"Mỗi ngày đi học 8 tiếng trên trường thì em mất 4 tiếng để đi và về, hồi bé thì còn thấy mệt chứ giờ em đi mãi cũng thành quen rồi", cô gái bẽn lẽn nói.
"Mà giờ em cũng vui lắm, vui vì được ở nhà cùng gia đình, được đi học, được gặp bạn bè nên dù có phải vất vả thêm nữa thì em vẫn vui vẻ. Em không muốn quay lại con đường ấy nữa.
Em nhất định không quay lại con đường ấy, vì em đã có cơ hội làm lại cuộc đời
"Con đường" mà S. nhắc đến là mảng ký ức tối mà cô gái tuổi mới lớn này chẳng khi nào muốn nhớ lại.
Đó là một buổi chiều chủ nhật tháng 8/2022, khi ấy S. đang cùng bạn đi chơi với đám bạn dưới chợ xã thì tình cờ gặp lại người bạn trai mà mình quen qua mạng vài tháng trước, cậu trai ấy hơn cô 5 tuổi, nhà ở xã Thèng Phàng (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) cùng chúng bạn đến xã Nàn Ma để vui chơi dịp chợ phiên cuối tuần.
Để kiếm cớ làm quen, chàng trai giật điện thoại của S. và yêu cầu cô lên xe để anh chở đi chơi rồi mới trả lại điện thoại.
Dù đã nhiều lần xin chàng trai trả lại điện thoại nhưng không được, lo sợ bố mẹ mắng vì làm mất điện thoại, S. đành đồng ý lên xe máy của chàng trai mới gặp lần đầu ấy.
Lừa được S. lên xe máy rồi, chàng trai ấy đèo em một mạch về nhà ở xã Thèng Phàng. Khoảnh khắc bước chân vào nhà, S. mới biết mình đã bị lừa, ép làm vợ người ta khi mới bước sang tuổi 13.
"Lúc xảy ra sự việc, tôi, vợ, cùng con trai và con dâu đều đang đi làm xa ở Bình Dương. Lúc ấy tôi chỉ biết điện thoại về và nói không đồng ý cho con gái đi lấy chồng sớm nhưng gia đình họ nhất quyết không thả người, họ còn bảo đã về nhà họ rồi thì phải là người của gia đình họ", bố S. nhớ lại.
Tiếp sau đó là khoảng thời gian 3 tháng sống trong đau buồn, sợ hãi cả thể chất lẫn tinh thần. S. buộc phải làm đủ mọi công việc phục vụ gia đình "nhà chồng".
"Nó" thậm chí còn đánh em nữa".
S. bất giác sờ tay lên má phải nơi vẫn còn lưu dấu một vết sẹo nhỏ. Vết sẹo là dấu tích của một cuộc bạo hành khi "chồng" em trong một cơn thịnh nộ đã bấm móng tay rất mạnh khiến gò má em bật máu.
Đỉnh điểm là một đêm tháng 11/2022, sau một trận rượu say cùng chúng bạn, "chồng" S. về nhà, đánh và bóp cổ em. Quá sợ hãi trước những trận đòn roi vô cớ, S. chạy sang nhà người hàng xóm và xin ngủ nhờ một đêm. Suốt đêm hôm ấy, S. không ngủ được, em nằm lặng yên đếm từng tiếng tic tak trên chiếc đồng hồ treo tường, thấp thỏm chờ trời sáng. Ánh mắt em nhìn chằm chằm về phía cánh cửa chính, nếu em không phải là người trực tiếp mở nó ra, em sẽ mãi bị trói buộc trong cuộc hôn nhân cưỡng ép này. Khi những ánh sáng đầu tiên của ngày mới lấp ló sau dãy núi phía xa, S. vùng chăn bật dậy và chạy nhanh ra ngoài, con đường trở về với gia đình dài hơn 30 km trải đầy đất đá, cheo leo và hiểm trở nơi vùng cao biên giới in hằn dấu chân em. Con đường ấy chỉ có một chiều.
"Em nhất định không quay lại con đường ấy, vì em đã có cơ hội làm lại cuộc đời". S. khẳng định.
Vì đã nghỉ học quá 3 tháng, theo quy định S. buộc phải học lại một năm.
"Đầu năm học mới, thấy cô học trò nhỏ đã thoát được cuộc tảo hôn và trở lại trường, tôi vui lắm, cũng động viên em rất nhiều để sớm làm quen với bạn mới. Đến giờ dù không còn là giáo viên chủ nhiệm của S. nhưng tôi vẫn thường xuyên qua lớp và đến nhà em để thăm hỏi, động viên em học tập", cô Quyên (giáo viên trường PTDTBT THCS Nàn Ma) chia sẻ.
Ở lớp học mới, S. được giao nhiệm vụ làm lớp phó học tập, dù nhà xa trường nhưng suốt năm học vừa qua chưa bao giờ em đến lớp muộn. S. cũng cho biết, em rất yêu thích môn lịch sử vì qua môn học này mà em biết được thêm nhiều sự kiện cả ở trong nước và trên thế giới. "Giờ đây, khi đã được trao thêm một cơ hội để làm lại cuộc đời, em đã có ước mơ mới, em ước sau khi học xong cấp 3 em sẽ cố gắng học thêm tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động", cô gái người dân tộc H'Mông tươi cười nói.
Nằm cách nhà S. chừng hơn 30 km xuôi về phía Nam là căn nhà nhỏ của gia đình em L. T. L người dân tộc H'Mông. L. năm nay 15 tuổi, cô đang là nữ sinh năm cuối của một trường THCS nằm trên địa bàn huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang).
Bố mẹ L. từ đầu tháng 3 đã đi Đồng Nai làm công nhân, ở nhà chỉ có L. và cậu em trai 6 tuổi tự chăm nhau. Ngoài việc học tập trên lớp, L. còn có nhiệm vụ cày cấy mảnh ruộng của gia đình, chăm em, dọn dẹp nhà cửa. Cô gái với dáng người nhỏ bé còn tự hào khoe rằng em đã thành thục lái máy cày từ khi mới lên 10.
Phải gánh vác trách nhiệm của người chủ gia đình khi còn quá trẻ nhưng trong thâm tâm L. vẫn mang nhiều suy tư đặc trưng ở cái độ tuổi mới lớn.
Những lúc rảnh rỗi em thích tự mình đan vải thổ cẩm mang hoa văn đặc trưng của người H'Mông, diện váy đẹp để được chụp ảnh, đôi khi em trốn ra một góc sân sau nhà lén viết những dòng nhật ký rồi lại vội vàng đốt bỏ vì sợ cậu em tinh nghịch của mình đọc trộm.
Đầu năm 2023, L. quen được một bạn trai cùng dân tộc qua mạng xã hội, sau vài lần gặp em đã nhận lời yêu, đến giữa năm 2023, bố mẹ L. đã đồng ý nhận lễ của nhà trai.
Tiếc cô học trò nhỏ tháo vát nhanh nhẹn, khéo tay lại yêu thích những môn học xã hội sắp lấy chồng ở cái tuổi 15, cô Hằng (Hiệu phó trường THCS Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) tức tốc báo cho nhiều đơn vị làm công tác phòng chống tảo hôn trên địa bàn huyện cùng phối hợp để động viên, khuyên bảo em và gia đình. Từ đó đến nay dù chưa chính thức tổ chức lễ cưới, nhưng L. đã được coi là người đã có chồng.
Trường hợp những em gái vướng vào tình trạng tảo hôn tại vùng cao Hà Giang không hề hiếm. Theo một báo cáo được đăng tải trên trang web của Cục thống kê tỉnh Hà Giang về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được thực hiện vào năm 2019 cho thấy, tỷ lệ tảo hôn của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 32 %, nghĩa là trung bình cứ 100 trường hợp kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng (từ 10 đến 39 tuổi) thì có 32 trường hợp kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chống chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ này của Hà Giang cao hơn so với của cả nước 10,1% (32% so với 21,9%); cao hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 7,4% (32% so với 24,6%).
Tình trạng tảo hôn xảy ra tại tất cả đơn vị hành chính cấp từ cấp huyện cho đến thành phố của tỉnh. Tuy nhiên, xét theo khu vực thành thị và nông thôn, tỷ lệ tảo hôn của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang có sự chênh lệch tương đối lớn. Tỷ lệ tảo hôn của dân tộc thiểu số khu vực nông thôn cao gấp gần 5 lần so với khu vực thành thị (34,1% so với 7,2%), điều này được lý giải bởi tỉ lệ người dân tộc thiểu số của Hà Giang sinh sống tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Bất chấp các khó khăn còn tồn tại, các đơn vị chức năng địa phương cùng tổ chức quốc tế đã liên tục thực hiện nhiều dự án nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên, thanh niên khỏi bạo lực trên cơ sở giới và hướng tới chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Để trẻ em không còn tiếp tục sinh ra trẻ em
"Tôi tên là Quang Trung Kiên, cán bộ dự án của văn phòng Plan International, đang hoạt động tại khu vực tỉnh Hà Giang. Hiện nay tôi đang hoạt động chính trong hai chương trình dự án là: Bảo vệ trẻ em có trách nhiệm về giới và Kỹ năng sống, kỹ năng nghề, sinh kế và việc làm cho Thanh thiếu niên. Trong đó có dự án "Tăng cường vai trò của thanh thiếu niên trong việc xóa bỏ tảo hôn ở Việt Nam” và dự án “Trẻ em gái sắn sàng cho tương lai - hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp và phát triển kinh tế cho thanh niên”.
Sau những lời giới thiệu ngắn gọn về bản thân và công việc, anh Kiên lập tức quay trở lại góc làm việc của mình để đọc lại một lần nữa cuốn tài liệu hướng dẫn việc truyền thông cho thanh thiếu niên về xóa bỏ tảo hôn chuẩn bị cho chuyến công tác. Là người con sinh ra ở miền biển, theo học ngành xây dựng nhưng vì nhiều cái duyên mà anh Kiên lại gắn bó với công việc xã hội đến nay đã được 10 năm 6 tháng.
Nhớ lại những ngày đầu làm công tác xã hội, anh Kiên cũng rất băn khoăn phải gác lại công việc chuyên môn mình được đào tạo, có kinh nghiệm làm việc nhiều năm và bước chân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới.
"Để thi đỗ và trở thành cán bộ dự án, có những dạo tôi phải thức trắng nhiều đêm liên tục để đọc các tài liệu về giới tính, tâm lý học, sức khỏe sinh sản vị thành niên hay thậm chí phải học thuộc hàng trăm chính sách, quy tắc dành riêng cho cán bộ dự án khi tiếp cận đối tượng là thanh thiếu niên, toàn những thứ mới lạ khác xa với bản vẽ kỹ thuật hay thông số khiến tôi rất mệt mỏi và khó ghi nhớ. Nhưng tôi cũng tự nhủ mình đã hạ quyết tâm được thì mình cũng phải làm bằng được mục tiêu đã đề ra. Và rồi tôi cũng may mắn thi đỗ và trở thành cán bộ dự án của tổ chức Plan International từ năm 2013". Anh Kiên tâm sự.
Cũng theo anh Kiên, thời điểm bắt đầu công việc những tài liệu khó đọc và khó ghi nhớ nhất có lẽ là tài liệu liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên như chu kỳ kinh nguyệt, an toàn tình dục... toàn những chuyện tế nhỉ khiến anh cảm thấy ngượng đỏ cả mặt mỗi khi đọc. "Ấy vậy mà yêu cầu công việc bắt buộc mình phải học thuộc, đồng thời phải học cách biến tấu những câu chữ kỹ thuật khô khan thành bài nói chuyện sao cho các trẻ thành niên, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số dễ nghe, dễ hiểu, dễ ghi nhớ và làm theo. Dần dàn mình cũng quen dần và đến nay có thể trò chuyện cùng các em một cách thoải mái và nhận được phản hồi rất tốt từ phía các em. Đó cũng là một phần động lực để giúp mình theo đuổi công việc này", anh Kiên cho biết.
9h sáng, gấp vội chiếc laptop, anh Kiên cùng đồng nghiệp lên đường đi thực địa. Không chỉ thực hiện công việc tại văn phòng, nhiệm vụ chính của các cán bộ dự án phải thường xuyên đến tận nhà đồng bào để thực hiện công tác tuyên truyền người dân những hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và các giải pháp giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đó, tập trung chủ yếu là người ở độ tuổi kết hôn và học sinh Trung học phổ thông.
Quãng đường có hơn 20 km thôi nhưng từ trung tâm xã đến đó mất gần 2 tiếng đấy nên phải đi từ bây giờ mới kịp lúc các em đi học về, anh Kiên nói.
Theo quy định, cán bộ dự án không được phép gặp trực tiếp trẻ vị thành niên mà bắt buộc phải có sự có mặt và đồng ý của người giám hộ. Có những trường hợp mình phải hẹn trước vài ngày để bố mẹ các em hoặc thầy cô giáo phụ trách sắp xếp được thời gian thì mình mới đến tuyên truyền vận động được. Thời gian để tiếp xúc, trò chuyện cùng các em không nhiều, chính vì vậy mình phải lựa chọn ngôn từ sao cho thật gần gũi, dễ hiểu và chính xác. Dẫu biết việc thay đổi tập quán của cả một cộng đồng dân tộc là công việc rất khó thực hiện trong một sớm một chiều nhưng mình tin mưa dầm thì sẽ thấm lâu và với nỗ lực của cả hệ thống thì nạn tảo hôn sẽ sớm được xóa bỏ. Anh Kiên chia sẻ.
Những tài liệu của dự án được xây dựng và tùy chỉnh sao cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, tập quán của từng nhóm dân tộc thể hiện bằng hình thức trực quan như tranh vẽ, hoặc những trang truyện tranh ngắn. Cách tiếp cận này khiến những dòng chữ, điều luật khô khan trở nên sống động và dễ hiểu hơn đối với các em thiếu niên người dân tộc thiểu số.
Nhiều trường hợp các em gái sau khi được chúng tôi vận động đã quyết định hoãn việc kết hôn sớm để tập trung học tập, đây là điều rất đáng mừng. Nhưng cũng còn một vấn đề khác nảy sinh khi độ tuổi quan hệ tình dục của các em vẫn còn quá trẻ trong khi vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về an toàn tình dục. Chúng tôi phải khắc phục tình trạng này bằng cách tạo ra các góc tư vấn tâm lý về Sức khỏe sinh sản vị thành niên, ở đó có các tài liệu, sách hướng dẫn về các biện pháp tránh thai an toàn, ngoài ra còn có các mô hình, tài liệu trực quan như: Bao cao su cho cả nam và nữ, thuốc tránh thai, cốc nguyệt san, băng vệ sinh...
Có ý kiến cho rằng chúng tôi đang vẽ đường cho hươu chạy nhưng chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng đằng nào hươu cũng đã chạy rồi thì mình nên hướng dẫn cho nó chạy đúng hướng, để trẻ em không còn tiếp tục sinh ra trẻ em nữa. Anh Kiên kết luận.
Không chỉ có những hoạt động tại thực địa, các cán bộ dự án như anh Kiên còn thường xuyên tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm và các cán bộ tham vấn tâm lý học đường, các học sinh trong nhóm lãnh đạo trẻ của nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại các trường đều có phòng tư vấn học đường - đây là một biện pháp, công cụ hữu hiệu để các em học sinh có thể chia sẻ với thầy cô những tâm tư tình cảm của tuổi mới lớn cũng như các vấn đề tế nhị mình đang gặp phải...
Những nỗ lực của cả cộng đồng
Điểm trường PTDT bán trú THCS Chiến Phố (huyện Hoàn Su Phì, tỉnh Hà Giang) nằm cheo leo trên vách núi dựng đứng, con đường từ trung tâm huyện dẫn lên điểm trường nhỏ hẹp quanh co kéo dài hơn 20 km với một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi đá dựng đứng.
Đây là mái nhà thứ 2 của 312 học sinh dân tộc trong đó có hơn một nửa là học sinh bán trú. Thầy Nguyễn Hồng Lương (Hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS Chiến Phố) cho biết, trong số các em học sinh bán trú đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, hiện các em vừa đi học vừa đang được hưởng trợ cấp theo Nghị định 116 của Chính phủ, 40% lương tối thiểu tương đương 720 nghìn đồng/tháng và hỗ trợ thêm 15 kg gạo.
Là ngôi trường dành cho các em học sinh dân tộc vùng cao nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng bên cạnh việc giáo dục trên lớp, các thầy cô tại trường PTDT bán trú THCS Chiến Phố cũng rất quan tâm đến việc giảng dạy thêm cho các em học sinh về những kỹ năng mềm phục vụ cuộc sống. Nhiều nội dung quan trọng được nhà trường quan tâm và thường xuyên phối hợp với nhiều tổ chức, quỹ từ thiện trong nước và quốc tế có thể kể đến như bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; các chuyên đề nội dung về giáo dục giới tính, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Đồng hành cùng tổ chức Plan International, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều cuộc thi tổ chức các hoạt động, cuộc thi truyền thông bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng. Em L.T.N (học sinh lớp 8) trường PTDT bán trú THCS Chiến Phố cho biết: "Trước đây, ở bản em có rất nhiều anh chị đi lấy vợ lấy chồng sớm, từ khi mới có 13-14 tuổi, từ khi được thầy cô hướng dẫn và được tham gia các hoạt động truyền thông về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, em đã nhận thức được rõ ràng về vấn đề này và bản thân em cũng tham gia tích cực trong việc tuyên truyền đến người dân trong bản".
Nằm không xa điểm trường xã Chiến Phố là tiệm cắt tóc nhỏ của em Nùng Thị Đơn (22 tuổi, người dân tộc Nùng). May mắn nhận được học bổng toàn phần về dạy nghề của tổ chức quốc tế, Đơn đã có cơ hội được học nghề làm tóc và nail ở Hà Nội trong 6 tháng, sau khi kết thúc chương trình học, Đơn đã quyết định quay trở về quê hương để giúp đóng góp và phát triển kinh tế tại địa phương của mình. Nhận thấy tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ngay tại cộng đồng mà mình sinh sống, Đơn tình nguyện tham gia ban tham vấn thanh niên của tổ chức Plan International.
Hàng ngày, tiệm làm tóc nhỏ của cô gái người dân tộc Nùng tiếp cả chục khách hàng từ đủ độ tuổi, giới tính. Đơn bật mí, khi cắt tóc hoặc gội đầu là lúc mọi người cảm thấy thoải mái, thư giãn nhất nên cũng rất dễ để tâm sự và trò chuyện.
Từ tiệm làm tóc nhỏ của mình, em có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với các bậc phụ huynh, các em thiếu niên, từ đó em có thể vận động và tuyên truyền để chính đồng bào của mình có nhận thức tốt hơn, từ đó dần xóa bỏ dần hủ tục tảo hôn và kết hôn cận huyết.
Bà Nguyễn Thị Minh Mùi (phó Bí thư Huyện Đoàn Hoàng Su Phì) cho biết, huyện đoàn luôn coi trọng công tác tuyên truyền vận động lên hàng đầu đối với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với đặc thù là vùng có đa dân tộc. Đặc biệt trong năm vừa qua, chúng tôi đã tổ chức một phiên tòa giả định tại trường PTDT nội trú huyện Hoàng Su Phì với sự tham gia của toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện. Nhận thấy hiệu quả của hình thức truyền thông đặc biệt này, chúng tôi đã cho nhân rộng mô hình phiên tòa giả định đến với 6 xã trên địa bàn huyện và thường được tổ chức vào các buổi chợ phiên khi có lượng người tập trung đông đúc nhất.
Là giáo viên đoàn đội đã công tác tại Hà Giang 16 năm, cô Hoàng Thị Sáu 1987 (giáo viên tổng phụ trách trường THCS Tân Tiến, xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) cho biết, những ngày đầu về trường công tác tôi rất sốc khi thấy có những em học sinh lớp 6 đã xin nghỉ học để ở nhà lấy chồng, nguyên nhân nhiều là do bố mẹ ông bà hai bên nhận thức chưa đầy đủ, nhiều em gái ở độ tuổi 17-18 nếu chưa có ai hỏi cưới đã bị coi là ế. Thậm chí vì kinh tế khó khăn mà một số gia đình còn bắt côn nghỉ học để cưới chồng, tiền lễ cưới được họ sử dụng trang trải cho các sinh hoạt trong gia đình.
Sau mỗi kỳ nghỉ Tết thấy lớp cứ vắng dần học sinh vì nạn tảo hôn tôi buồn và tiếc lắm nên khi biết tổ chức Plan International hỗ trợ nhà trường xây dựng phòng tham vấn học đường, tư vấn sức khỏe tâm sinh lý cho học sinh tôi xung phong tham gia ngay, hi vọng đóng góp chút sức lực của mình để các em vẫn được tiếp tục đến trường và có được cuộc sống tương lai phát triển ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần.
Cứ thế cô Sáu và căn phòng tư vấn học đường suốt hơn 10 năm qua đã đồng hành cùng hàng nghìn học sinh trải qua những biến động của tuổi mới lớn, giúp các em nhận thức, hiểu rõ hơn về mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bè bạn, về tuổi dậy thì, tình yêu học trò, tình dục an toàn...
Ngoài giờ học, cô và trò trường THCS Tân Tiến còn thường xuyên tổ chức các hoạt động thể chất như giải đá bóng mà ở đó các đội đều có sự tham gia của cả thành viên nam và nữ, từ đó giúp xóa bỏ khoảng cách về giới, tạo ra môi trường để các em hiểu rõ về nhau hơn.