Những người 'đặc biệt' vượt gần 2 ngàn km để hỗ trợ đồng bào miền Bắc

Chứng kiến cảnh đồng bào miền Bắc oằn mình gánh bão, tổn thất nặng nề về người và của do bão lũ gây ra, nhiều người dân Đồng Nai không đành lòng.

Đoàn thiện nguyện trao quà cho bà con thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh:Q.T

Đoàn thiện nguyện trao quà cho bà con thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh:Q.T

Mới đây, anh Phạm Hồng Minh (tên thường gọi là Minh Râu), anh Từ Quang Tú (Tú cụt chân) và anh Nguyễn Nam (Nam liệt 2 giò) đã trực tiếp kêu gọi và đến tận các bản làng phía Bắc xa xôi để hỗ trợ bà con chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng thể hiện nghĩa đồng bào, giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Những “sợi chỉ” xanh

Anh Minh quê ở xã Suối Nho, huyện Định Quán. Thường ngày anh bán rau, tặng rau củ quả miễn phí cho sinh viên, công nhân nghèo hoặc bất cứ ai cần. Sạp rau và cửa hàng bán nước giặt xả của anh Minh ở khu phố 4, phường Bình Đa (thành phố Biên Hòa). Sau lầm lạc của tuổi trẻ, anh Minh quyết định thay đổi cuộc đời mình bằng những việc làm tích cực, giúp đỡ những người khó khăn, học cách cho đi để cứu rỗi chính mình.

Anh Minh Râu nhắn nhủ các anh chị em công nhân ở thành phố Biên Hòa: “Chờ vài ngày nữa khi Minh Râu ra Bắc về sẽ tiếp tục bán và miễn phí rau hàng tuần cho anh chị em”.

Còn anh Tú quê ở tỉnh Thái Bình, vào Biên Hòa lập nghiệp từ năm 2010. Trong một lần đi buôn trái cây năm 2018, anh Tú bị bạn buôn cướp tài sản, hãm hại khiến anh vĩnh viễn mất đi chân trái, chân phải bị thương nặng. Cuộc sống tưởng chừng lâm vào ngõ cụt nhưng nhờ có tình yêu thương của người vợ hiền và mọi người xung quanh, anh Tú dần vượt qua. Nhiều năm nay, anh Tú trích một phần thu nhập từ bán hàng trên mạng, lái xe ba gác vận chuyển nhà trọ, kết nối mạnh thường quân thực hiện Trạm gạo 0 đồng, Trạm xe lăn 0 đồng, quần áo cũ 0 đồng, thường xuyên tặng quà giúp đỡ người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn ở Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận.

Còn anh Nam liệt 2 giò đang là chủ cơ sở bán vé máy bay ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước cảnh tang thương của đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc, cả 3 anh Minh, Tú, Nam đã gác lại công việc riêng, đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ đồng bào thông qua tài khoản cá nhân. Sau 4 ngày kêu gọi, từ ngày 12 đến 15-9, các anh nhận được số tiền ủng hộ hơn 300 triệu đồng. Riêng anh Minh góp thêm 20 triệu đồng, anh Nam hỗ trợ toàn bộ vé máy bay khứ hồi để các anh em bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội.

“Toàn bộ số tiền nhận được của mạnh thường quân, chúng tôi đều chụp hình, quay video, sao kê công khai rõ ràng. Tất cả số tiền quyên góp được, chúng tôi sẽ trao tận tay người dân. Riêng chi phí đi lại, ăn, ngủ, nghỉ dọc đường, anh em chúng tôi tự bỏ tiền túi để chi, tuyệt đối không sử dụng một đồng nào tiền mạnh thường quân hỗ trợ bà con, tránh tình trạng nhận được 10 đồng mà chi tiêu hết 9 đồng, khi đến tay bà con chỉ còn 1 đồng” - anh Minh chia sẻ.

Tối 15-9, một nhà xe ở Biên Hòa chở miễn phí anh Tú và anh Minh lên Sân bay Tân Sơn Nhất. Mỗi anh đeo một chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo. Anh Tú một tay chống nạng, còn anh Minh đội mũ phớt, chân đi đôi dép tổ ong, chiếc màu đỏ, chiếc màu xanh lá. Họ gặp anh Nam đang ngồi xe lăn, đi cùng có một số nhân viên của phòng vé máy bay của anh Nam.

Ra đến Hà Nội, một người bạn của các anh quyên góp thêm gần 100 triệu đồng để cả đoàn cùng di chuyển đến các bản làng ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái bằng xe ô tô.

Từ trái tim chạm đến trái tim

Sau hơn 6 giờ đồng hồ, vượt hơn 200km từ Sân bay Nội Bài, đoàn thiện nguyện đã đến xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Anh Tú cho hay, từ ngoài đường lộ vào đến thôn Làng Nủ khoảng 40km, đoạn đường gần nhất vào bản bị sạt lở phải đi đường vòng 3-4 tiếng mới đến nơi. Dọc đường đi, hàng đoàn xe tải, xe container chở đồ cứu trợ đậu kín. Do có nhiều đoạn đường sạt lở đất đá 2 bên đường, để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương chỉ giải quyết cho những đoàn tặng tiền mặt vào gặp và trao quà cho bà con Làng Nủ. Riêng những đoàn chở nhu yếu phẩm đều được đề nghị để lại đồ ở điểm tiếp nhận.

Anh Tú tâm sự, chứng kiến cảnh thôn Làng Nủ bị san phẳng, tan hoang mới thấy được sự khốc liệt của mưa bão. Cả thôn có 33 hộ với 40 nóc nhà, tổng số 168 nhân khẩu. Đến trưa 15-9, các cơ quan chức năng thống kê trận lũ quét sáng 10-9 làm chết 52 người, 14 người mất tích, 15 người bị thương đang được điều trị ở bệnh viện, 87 người an toàn.

Bà con kể, 16 năm trước, Làng Nủ cũng gặp một trận lũ nhưng chỉ cuốn trôi một ngôi nhà, không có ai tử vong. Còn trận lũ năm nay khiến mọi thứ chỉ còn là ký ức. Có những hoàn cảnh như gia đình anh Hoàng Văn Thới có 6 người giờ chỉ còn lại mình anh, còn mẹ, vợ và 3 con anh đều bị lũ cuốn trôi. Trong đống hoang tàn đổ nát, anh Thới cặm cụi mò mẫm để tìm kiếm thi thể đứa con trai 1 tuổi.

“Mất mát quá lớn khiến bà con dân tộc Tày chưa hết bàng hoàng. Mấy hôm nay, bà con không có nhà ở, đi ở nhờ ở một số nhà ở khu vực gần UBND xã Phúc Khánh để chờ chính quyền hỗ trợ tái định cư. Bà con cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các đoàn từ thiện trên cả nước cả về tiền mặt lẫn nhu yếu phẩm, nhưng không gì có thể so sánh được những mất mát mà bà con phải gánh chịu. Khi thấy đoàn của chúng tôi, người thì cụt chân, người thì liệt giò đến tận nơi để trao quà (mỗi hộ nhận được từ 5-10 triệu đồng), bà con ôm chúng tôi và khóc rất nhiều vì không ngờ có những người như chúng tôi không quản ngại đường sá, từ phương Nam xa xôi đến chia sẻ phần nào mất mát với bà con” - anh Tú tâm sự.

Chia tay bà con thôn Làng Nủ, ngày 17-9, nhóm thiện nguyện tiếp tục di chuyển đến thôn Yên Thắng, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Theo chia sẻ của anh Nam, 2 bên đường vào thôn Yên Thắng đất đá sạt lở nhiều, cây cối đổ rạp, đường lầy lội bùn đất. Ngoài đoàn xe cứu trợ còn có xe cứu thương chạy vào để sơ, cấp cứu cho bà con, có những đoạn đường sạt lở 2 xe ô tô tránh nhau không được.

Sau khi thông qua chính quyền, nhóm thiện nguyện tiếp cận được 16 hộ gia đình của thôn Yên Thắng bị mất trắng nhà cửa, bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ tài sản. Trong đó, có gia đình cụ bà 80 tuổi nuôi 2 con bị bại liệt; có gia đình cụ bà thuộc diện gia đình có công với cách mạng, chồng mất, nhà cửa trôi hết giờ phải đi bè qua suối ở nhà các con. Hay trường hợp ông cụ Ninh Văn Sự nuôi 2 cháu giờ mất hết nhà cửa đang phải ở nhờ trụ sở UBND xã Tân Hương. Tùy thuộc vào hoàn cảnh của các gia đình, nhóm thiện nguyện đã trao tặng từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng, 20 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình.

Mặc dù rất muốn đến với tất cả các hoàn cảnh khó khăn trong thôn nhưng do đường sá đi lại khó khăn, địa hình trơn trượt, hiểm trở, trong khi các thành viên trong đoàn bị khuyết tật, đi lại không thuận lợi nên đoàn đã đến thăm một số gia đình có hoàn cảnh éo le để động viên, khích lệ họ.

Trong video phát trên các nền tảng mạng xã hội, anh Quang Tú kêu gọi các mạnh thường quân tiếp tục chung tay, chia sẻ với bà con ở thôn Yên Thắng vì bà con nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn và chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ.

Nói về lý do thực hiện chuyến thiện nguyện này, anh Minh Râu bộc bạch: “Sông có khúc, người có lúc. Mình là người Việt Nam, khi thấy đồng bào gặp hoạn nạn, mình giúp đỡ là chuyện rất bình thường, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát. Minh Râu cũng khó khăn nhưng còn nhiều người khó khăn hơn Minh Râu nhiều nên giúp bà con được chút nào hay chút ấy. Không giúp nhau bây giờ thì bao giờ?”…

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202409/nhung-nguoi-dac-biet-vuot-gan-2-ngan-km-de-ho-tro-dong-bao-mien-bac-89b5d45/