Những người đam mê sáng chế ở Gia Lai

Từ thực tiễn lao động sản xuất, những công nhân, nông dân làm việc trong các nhà máy, công xưởng hay ngoài ruộng đồng đã sáng chế, cải tiến kỹ thuật và công cụ nhằm nâng cao hiệu suất lao động góp phần tiết kiệm sức lực, thời gian, tạo ra của cải vật chất cho gia đình, đơn vị và cộng đồng.

Đam mê sáng chế

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, anh Nguyễn Ngọc Thạch về làm việc tại Công ty cổ phần Chè Biển Hồ (huyện Chư Păh). Trong vai trò là Tổ trưởng tổ cơ khí của Nhà máy Chế biến chè và cà phê, anh Thạch đã đề xuất lãnh đạo Công ty đầu tư, sửa chữa, hoàn thiện dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm.

Đầu tiên là thiết kế sử dụng băng tải dây chuyền thay thế lao động thủ công. Trước khi có băng tải, công nhân phải trực tiếp đưa lá chè vào lồng quay, máy vò, máy sấy… Trước thực tế ấy, anh Thạch đã nảy ra ý tưởng thiết kế hệ thống băng tải.

Dẫn chúng tôi tham quan hệ thống này, anh Thạch giải thích: “Hệ thống băng tải giúp công nhân tiết kiệm thời gian vận chuyển nguyên liệu giữa các công đoạn, không phải sử dụng bằng tay, lại an toàn. Hơn nữa băng tải làm dây chuyền sản xuất hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn”.

Anh Nguyễn Ngọc Thạch bên băng tải tại Nhà máy chế biến chè và cà phê (Công ty cổ phần Chè Biển Hồ). Ảnh: Khôi Nguyên

Anh Nguyễn Ngọc Thạch bên băng tải tại Nhà máy chế biến chè và cà phê (Công ty cổ phần Chè Biển Hồ). Ảnh: Khôi Nguyên

Không dừng lại ở đó, năm 2017, anh Thạch đã cải tiến thành công hệ thống bể héo chè búp tươi. Lá chè tươi sau khi thu hoạch được làm mát, tránh bị thâm, ố vàng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trước đây, mỗi lần nhập chè tươi về, công nhân phải xới đảo liên tục bằng tay khoảng 6-7 giờ đồng hồ cho đến khi chè “nguội” hẳn mới có thể tiến hành công đoạn tiếp theo.

Anh Thạch mô tả: “Sau khi nghiên cứu, bể héo được đào sâu xuống đất 1 m, đặt phía dưới hệ thống quạt hút không khí từ bên ngoài, trên mặt bể trải các tấm lưới. Chè tươi sau khi nhập về sẽ được rải đều trên lưới, hệ thống quạt sẽ thổi gió làm mát chè. Công nhân không cần đảo thường xuyên mà thời gian cũng được rút ngắn còn khoảng 4 giờ đồng hồ”. Hiện tại, Nhà máy có 5 bể héo, mỗi bể có thể làm mát 7 tấn chè tươi. Hệ thống bể héo ra đời giúp tăng năng suất lao động của Nhà máy lên 15-20%.

Trong khi đó, nông dân Phạm Văn Bình (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại nổi tiếng với những sáng chế máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chiếc máy phun thuốc sử dụng năng lượng mặt trời gắn trên xe máy của anh đã đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2019 và được nhiều người đặt hàng. Anh cũng đã thành công khi thử nghiệm ghép giống cà ta trên gốc cà gai để kéo dài tuổi thọ, tăng năng suất cũng như nâng cao khả năng phòng-chống sâu bệnh. Phương pháp này đang được nhiều nông dân học hỏi và áp dụng hiệu quả.

Anh Bình tâm sự: “Trực tiếp thấy bà con làm nông còn vất vả nên tôi muốn làm ra máy móc hỗ trợ, giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất”. Vì lẽ đó mà chưa bao giờ anh Bình ngừng sáng tạo. “Tôi đang sáng chế máy phun thuốc bảo vệ thực vật có tắt-mở từ xa bằng năng lượng mặt trời và máy làm cỏ đa năng 4 trong 1 (làm cỏ, phun thuốc, bỏ phân, xới đất). Tôi cũng đang thiết kế chiếc máy cắt hom mì sử dụng năng lượng mặt trời, giúp nông dân chỉ trong 1 phút có thể chặt được 20 cây mì để ươm giống”-anh Bình cho biết thêm.

Lan tỏa rộng khắp

Nhờ những ý tưởng cải tiến của anh Thạch mà công suất của Nhà máy Chế biến chè và cà phê (Công ty cổ phần Chè Biển Hồ) ngày càng nâng cao. Anh Lê Xuân Định-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật (Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ) bày tỏ: “Các sáng kiến của anh Thạch giúp ích rất nhiều cho công nhân trong quá trình lao động, hiệu quả công việc được nâng cao. Cũng từ đây, anh em trong đơn vị tích cực tham gia sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất”.

Chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật sử dụng pin năng lượng mặt trời do anh Phạm Văn Bình sáng chế. Ảnh: Phương Linh

Chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật sử dụng pin năng lượng mặt trời do anh Phạm Văn Bình sáng chế. Ảnh: Phương Linh

Bằng tình yêu nghề, những người nông dân, công nhân luôn phát huy sức sáng tạo, đóng góp tích cực cho đơn vị, gia đình và cộng đồng. Không chỉ có anh Thạch, anh Bình mà những tấm gương lao động, sáng tạo có mặt ở khắp các cơ quan, ngành nghề, lĩnh vực.

Tiêu biểu như: Tiến sĩ Y khoa Phạm Tỵ-Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh-Cột sống (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) với nhiều nghiên cứu mới trong điều trị phẫu thuật; anh Ksor Huết (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Sê San 3A cải tiến hệ thống phanh trong vận hành nhà máy; “lão nông” Vũ Văn Tam Lang (đường Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) cải tiến máy cày cầm tay thành máy đào rãnh banh bồn, ép xanh gốc cà phê và ý tưởng táo bạo ghép dây hồ tiêu lên gốc trầu; ông Đỗ Đức Quang (đường Trường Chinh, TP. Pleiku) với sáng chế máy xới bồn cà phê…

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-nhận định: “Việc áp dụng khoa học-kỹ thuật, áp dụng các phương tiện, máy móc hiện đại vào quy trình lao động sản xuất là đòi hỏi tất yếu. Sáng kiến, cải tiến của đội ngũ công nhân, nông dân trong tỉnh đã phát huy hiệu quả thực chất, giúp tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Đáng mừng hơn, ngày càng có nhiều công nhân, nông dân đam mê sáng tạo, mang lại những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng”.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202104/nhung-nguoi-dam-me-sang-che-o-gia-lai-5733558/