Những người di cư bất chấp tính mạng vượt biển từ Pháp sang Anh
Những người di cư đang bất chấp nguy hiểm để vào được Anh bằng mọi giá, trong đó có cả việc vượt biển Manche trên những con thuyền phao.
Biển Manche là khu vực biển nào ở phía Tây Bắc châu Âu, đồng thời cũng là biên giới tự nhiên giữa hai nước Pháp và Anh. Để di chuyển từ Pháp sang Anh và ngược lại, một tuyến đường hầm vượt biển Manche dài khoảng 50 km, trong đó 38 km nằm dưới biển, đã được xây dựng từ những năm 1990, nối thành phố Calais, tỉnh Pas-de-Calais của nước Pháp với thành phố cảng Folkestone của Anh. Thời gian di chuyển từ Pháp sang Anh thông qua đường hầm này chỉ vỏn vẹn 35 phút.
Đó là cách di chuyển thường ngày của người dân châu Âu hay khách du lịch. Đây cũng là tuyến đường thường được người di cư lựa chọn để đến Anh một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên, việc kiểm soát biên giới giữa Anh và Pháp thông qua tuyến đường này diễn ra ngày càng chặt chẽ, đặc biệt vào thời điểm Anh sắp rời Liên minh châu Âu (EU). Người di cư đang tìm mọi cách khác để đến Anh. Những tháng gần đây, vượt biển Manche bằng thuyền là con đường được nhiều người di cư lựa chọn.
Khoảng cách gần nhất giữa hai Anh và Pháp qua biển Manche chỉ là 33 km. Nếu tính từ thành phố Calais (Pháp), nơi tập trung phần lớn người di cư muốn vượt biển sang Anh, khoảng cách này cũng chỉ là 34 km. Tuy nhiên, vượt biển Manche bằng thuyền là một con đường nguy hiểm, tiềm ẩn những rủi ro, thậm chí đe dọa tính mạng của người di cư.
Đầu tháng 10 vừa qua, 30 người di cư, bao gồm đủ lứa tuổi, trong đó có ít nhất 7 trẻ vị thành niên, đã cố vượt biển Manche, ngoài khơi khu vực tỉnh Pas-de-Calais, trên 02 chiếc thuyền phao, nhưng không thành. Chiếc thuyền phao thứ nhất chở tới 11 người di cư.
Sau khi di chuyển được khoảng 6,5 km trên biển, chính những người di cư này đã buộc phải gọi cứu hộ khẩn cấp. Sau đó vài giờ, lực lượng cứu hộ tiếp tục nhận được cuộc gọi khẩn cấp khác khi một chiếc thuyền phao khác chở 19 người di cư, bị lỗi động cơ trên biển.
Trước đó, vào cuối tháng 8, 22 người di cư cũng đã được lực lượng cứu hộ đưa trở lại bờ biển Pháp. Để vượt biển Manche sang Anh, người di cư cũng phải trả số tiền rất lớn, khoảng 3.000 Euro, có người thậm chí phải trả tới 13.000 Euro để được lên thuyền.
Người di cư bất hợp pháp vượt biển Manche từ Pháp sang Anh không phải hiện tượng mới. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, hiện tượng này đã gia tăng đột biến và hiện đang diễn ra hầu như hàng ngày.
Từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 8 vừa qua, cơ quan chức năng Pháp ước tính có 237 vụ người di cư tìm mọi cách vượt biển sang Anh, với tổng cộng gần 1.500 người, tăng gần gấp 3 lần so với số lượng của cả năm 2018.
Để đến bằng được nước Anh trước thời điểm Anh rời EU, người di cư đang bất chấp các nguy hiểm như nguy cơ hạ thân nhiệt, va chạm với tàu thuyền khác hay nguy cơ sóng lớn. Đối với họ, nước Pháp không còn là lựa chọn để ở lại nữa.
Những nguy cơ này đã khiến nhiều trường hợp phải trả giá đắt, thậm chí bằng cả tính mạng. Giữa tháng 10 vừa qua, hai người di cư gốc Iraq được tìm thấy đã chết tại khu vực bãi biển du lịch Touquet-Paris, phía Bắc nước Pháp.
Trước đó, vào ngày 09/8, một phụ nữ trẻ người Iran cũng đã thiệt mạng sau khi rơi xuống biển từ một con tàu chở đầy người di cư. Ngày 23/8, một người Irắc khác cũng được tìm thấy đã thiệt mạng tại khu vực ngoài khơi thành phố Zeebruges (Bỉ).
Theo cơ quan chức năng Pháp, các mạng lưới đưa người vượt biển trái phép này được tổ chức rất tinh vi, đặc biệt mạng lưới của người Cuốc và người Iran. Nhiều mạng lưới đã bị cơ quan chức năng Pháp triệt phá từ cuối năm 2018 nhưng tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Nội vụ Anh và Pháp đã tăng cường phối hợp, kiểm soát bờ biển tại mỗi bên. Bên phía Pháp, lực lượng cảnh sát tuần tra dọc 100 km bờ biển tại tỉnh Pas-de-Calais cả ngày lẫn đêm.
Trong khuôn khổ phối hợp, nước Anh đã hỗ trợ tài chính để trang bị thêm phương tiện giám sát cho cảnh sát Pháp như các phương tiện bay ghi hình hay mô tô tuần tra. Lực lượng cảnh sát dự bị của Pháp cũng đã bắt đầu được huy động để tham gia công tác tuần tra bãi biển. Một kế hoạch hành động với ngân sách hơn 7 triệu Euro đã được triển khai nhằm mục tiêu lần ra dấu vết và triệt phá các vụ vượt biển có thể diễn ra./.