Những người đi ghế phụ trên chuyến tàu về quê đón Tết
Tấm vé tàu tết là những chiếc ghế phụ trên tàu mà ngành đường sắt đã duy trì trong nhiều năm qua ít nhiều đã thể hiện được tính nhân văn, sự sẻ chia và nỗi thấu hiểu của nhà tàu.
Mấy chục năm qua, vào Sài Gòn học tập và làm việc, dịp cuối năm, mỗi khi tết đến xuân về tôi thường về quê ở Quảng Ngãi bằng tàu lửa.
Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, nhà tàu mở bán vé tàu và trong đó không thể thiếu những tấm vé tàu là ghế phụ dành cho hành khách có nhu cầu hoặc khi những loại ghế chính là ghế ngồi cứng, ghế ngồi mềm, các loại giường nằm trên các khoang tàu không còn.
Thường trong mỗi khoang tàu, nhà tàu dành khoảng trên dưới chục chiếc ghế phụ theo quy định để bán cho hành khách có nhu cầu mua vé về quê ăn tết. Ghế phụ là những chiếc ghế nhựa nhỏ, được nhà tàu đặt chính giữa lối đi trong các toa tàu.
Vì là chiếc ghế phụ và di động nên mỗi khi có người nào hay có xe đẩy của đoàn tiếp viên trên tàu đi ngang để bán đồ ăn thức uống, phục vụ hành khách đi tàu, những người ngồi ghế phụ lại cầm ghế đứng lên nép vào chỗ trống hoặc cũng có thể đứng nép vào chỗ những hành khách đang ngồi ghế cứng hoặc ghế mềm, nhường chỗ cho xe đẩy hoặc hành khách qua lại.
Có thể thấy, trong cuộc hành trình về quê đón tết của mình, hành khách đi ghế phụ không biết bao nhiêu lần đứng lên rồi ngồi xuống để nhường chỗ cho người và xe đẩy của đoàn tiếp viên qua lại. Việc liên tục đứng lên và ngồi xuống chỉ "chấm dứt" vào đêm khuya khi nhu cầu đi lại của mọi người đã giảm hẳn.
Phần lớn khách đi ghế phụ là những người lao động nghèo, họ có thể là một bà cụ lớn tuổi vào nam mưu sinh bằng việc đi bán vé số dạo ở Sài Gòn hay đó là một anh công nhân làm thợ hồ...gom chút tiền để mua tấm vé tàu lửa là ghế phụ trở về nhà ở đón tết với người thân.
Bỏ tiền mua tấm vé tàu tết là chiếc ghế phụ trên tàu đối với họ cũng là cách để tiết kiệm một khoảng chi phí không nhỏ. Thường thì đến tối khuya, những hành khách đi ghế phụ sẽ tìm một khoảng trống nào đó trên toa tàu, có thể là gần bồn rửa mặt, gần sát nhà vệ sinh và "thoải mái" và "được" nhất là khoảng trống chính giữa các lối đi lại của khoang tàu để tranh thủ trải chiếu hoặc lót giấy báo nằm ngủ vùi, sáng ngày mai hay hết ngày sau là tàu đã dừng bánh tại ga quê nhà.
Đã từng có ý kiến cho rằng ngành đường sắt cũng như nhà tàu nên bỏ việc bán ghế phụ trên tàu vào những dịp lễ, tết, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Bởi việc bán loại ghế phụ này thường gây ra cảnh chật chội, nhếch nhác trên mỗi khoang tàu, thậm chí những người đi ghế phụ ít nhiều cũng làm phiền đến những hành khách khác.
Tôi cũng từng có ý kiến góp ý với ngành đường sắt và nhà tàu về chuyện nên bỏ hẳn việc bán ghế phụ trên tàu trong những dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng nghĩ lại, tôi thấy việc đề nghị này hoàn toàn không chính đáng và chưa thật sự hợp lý. Nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều người còn khó khăn, phải thắt lưng buột bụng để có thể về quê đón tết, đoàn viên cùng gia đình sau một năm hay nhiều năm xa quê nhà để lao vào cuộc mưu sinh.
Đối với rất nhiều người, cuộc sống tha hương còn nhiều khó khăn thì tấm vé tàu tết là chiếc ghế phụ vào mỗi dịp tết đến xuân về có thể nói là "cứu cánh" đối với họ và gia đình. Tấm vé tàu là chiếc ghế phụ là nhu cầu có thực và hoàn toàn chính đáng của rất nhiều người nghèo tha hương. Với họ, mua tấm vé tàu tết là chiếc ghế phụ cũng là cách để gói ghém, tiết kiệm được một phần chi phí trên chuyến hành trình về quê đón tết của mình và người thân.
Tôi chợt nghĩ, tấm vé tàu tết là những chiếc ghế phụ mà ngành đường sắt duy trì trong nhiều năm qua, để dành bán cho những hành khách, cho những người có nhu cầu, đặc biệt là cho những người nghèo khó tha hương trở về quê đón tết ít nhiều cũng đã thể hiện được tính nhân văn, sự sẽ chia và nỗi thấu hiểu của nhà tàu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-nguoi-di-ghe-phu-tren-chuyen-tau-ve-que-don-tet-post772812.html