Những người đi vào tâm bão

Những ngày sau lũ, tới Đèo Ngang thật đau lòng khi thấy cả một vùng giang sơn cẩm tú bị biến dạng, biển chia đôi màu, nửa đục ngàu nửa xanh biêng biếc, như một vết thương, trải dài từ Hà Tĩnh tới Quảng Bình. Bão chồng bão, lũ chồng lũ đã gây ra biết bao tang thương cho người dân miền Trung, trong đó có cả những người làm công tác Mặt trận ở nơi này. Nhưng trong gian khó ấy, họ vẫn gác lại bộn bề, thiệt hại của chính mình, đi trong bão cứu đói, cứu hộ, giúp dân tái thiết lại cuộc sống.

Các thành viên Ban Công tác Mặt trận và Trưởng thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lên danh sách các hộ dân bị thiệt hại do lũ ngay trong đêm. Ảnh: Q.Nghĩa.

Các thành viên Ban Công tác Mặt trận và Trưởng thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lên danh sách các hộ dân bị thiệt hại do lũ ngay trong đêm. Ảnh: Q.Nghĩa.

“Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”

Xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) là một trong những “tâm lũ” của Hà Tĩnh, người dân nơi đây phải chịu 2 trận lũ liên tiếp trong tháng 10/2020. Lũ lên nhanh không ai kịp trở tay. Chưa thể gượng dậy gây dựng lại cuộc sống nhiều người đã phải khăn gói đi sơ tán.

Trong guồng quay của lũ lụt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Lâm Hương Phạm Thị Lục trở nên vất vả hơn bao giờ hết. Lũ tràn vào nhà ngày 19/10 sâu 1,3m, sau khi chồng và con đi sơ tán, chị Lục đến UBND xã “trực chiến” phòng chống lũ, triển khai công tác cứu hộ, cứu trợ cùng cán bộ xã, thôn.

Phụ trách thôn Phái Nam, những ngày nước lũ vây kín làng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Lâm Hương là người phụ nữ duy nhất lên thuyền cùng cán bộ thôn đưa đồ ăn, nước uống cho 25 hộ dân ở lại trong thôn để bảo vệ tài sản.

“Thôn Phái Nam có nhà ngập đến nóc, nhà cao cũng đến giữa tầng 1. Tất cả 149 hộ dân đều bị nước lũ nhấn chìm. Bằng chiếc thuyền gỗ, chúng tôi vừa sơ tán, cứu hộ, vừa cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân. Tôi không nhớ nổi thuyền đã đưa bao nhiêu người đi sơ tán và cấp phát thực phẩm cho bao nhiêu hộ, chỉ biết rằng tất cả người dân trong thôn đều an toàn, không ai phải chịu cảnh đói, rét. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như nhân dân toàn xã chứ không riêng gì cá nhân tôi” - chị Phạm Thị Lục chia sẻ.

Nhà của Chủ tịch MTTQ xã Tân Lâm Hương cũng ở thôn Phái Nam, nước ngập hơn nửa nhà, mọi vật dụng, của cải hai vợ chồng chị tích góp bao năm đều bị nước lũ phá tan tành. “Chiếc xe máy của vợ chồng tôi, 2 chiếc xe đạp điện của con đều hư hỏng hết, 7 tạ lúa vụ Hè Thu vừa rồi tích trữ lại cũng bị dầm nước lũ, đàn gà nuôi nhốt chết sạch. Thiệt hại thì hầu như nhà nào cũng bị nhưng điều tôi băn khoăn nhất là lúc nước rút, tôi không thể ở nhà dọn dẹp mà tất cả đều trên tay chồng và con” - chị Lục tâm sự.

Theo Chủ tịch MTTQ, Trưởng ban tiếp nhận cứu trợ xã Tân Lâm Hương, trong cơn bĩ cực, người dân Tân Lâm Hương nhận được sự động viên, chia sẻ, hỗ trợ của rất nhiều tổ chức, cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc. Đến ngày 31/10, Ban tiếp nhận cứu trợ đã đón 173 đoàn đến ủng hộ nhân dân toàn xã, với tổng số tiền và quà quy ra tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Tất cả đều được Ban tiếp nhận cứu trợ phân bổ đúng người, đúng hoàn cảnh.

Đồng hành với vị Chủ tịch MTTQ và tập thể xã Tân Lâm Hương là hệ thống Ban Công tác Mặt trận các thôn, cả guồng máy Mặt trận quay cuồng trong lũ dữ. Ai nấy mặt bơ phờ, hốc hác sau khi lũ rút.

Ông Nguyễn Thành Đồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xuyên tâm lũ đưa hàng cứu trợ đến người dân. Ảnh: H.Nguyên.

Ông Nguyễn Thành Đồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xuyên tâm lũ đưa hàng cứu trợ đến người dân. Ảnh: H.Nguyên.

Còn nhớ, 11h trưa Chủ nhật, chúng tôi gọi điện cho anh Nguyễn Thành Đồng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), giọng anh gấp gáp: “Bây giờ anh phải lên thuyền đưa đồ cứu trợ cho dân kẻo dân đói, có nhiều xã vùng hạ huyện bị nước lũ cô lập chưa thể nấu ăn được…!”. Bên trong điện thoại vọng lại chỉ còn tiếng mái chèo gõ lách cách trên mặt nước, chiếc thuyền đang vượt dòng nước bạc đưa cán bộ Mặt trận về với dân.

Đêm muộn hôm đó, chúng tôi mới có thể liên lạc lại với anh Đồng, lúc này anh vừa từ vùng lũ ở các xã Sơn Tiến, Sơn Trung, Sơn Bằng trở về. “Mình vất vả một thì dân chịu khổ mười nên phải cố gắng hết sức có thể để cứu trợ cho dân” - anh Đồng chia sẻ.

Được biết, Hương Sơn là địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ lần 2 ở Hà Tĩnh, trận trước không bị ảnh hưởng cho nên vào thời điểm đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn đã kêu gọi người dân ủng hộ nhân dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ bị ngập bao gồm huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh…và nhận được hơn 2 tỷ đồng (bao gồm tiền và hàng quy ra tiền).

Nhận được hỗ trợ, Chủ tịch MTTQ huyện Hương Sơn cùng các thành viên của Ủy ban MTTQ huyện xuyên tâm lũ cứu trợ người dân, vừa thông qua hệ thống MTTQ Hà Tĩnh trao tiền, hàng giúp dân các huyện khắc phục hậu quả sau lũ.

Cho đến khi Hương Sơn bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 9, cán bộ Mặt trận huyện lại chạy đua với thời gian, lên thuyền, vượt lũ trở về, đưa nguồn hàng cứu trợ đến với người dân. Trong suốt 20 ngày không ngơi nghỉ, người Mặt trận ở Hương Sơn nỗ lực thực hiện sứ mệnh “người đưa đò” cho người dân vùng ngập lụt.

Những ngày tiếp theo của người dân vùng lũ chắc chắn sẽ còn nhiều vất vả nhưng nhiệt huyết của người Mặt trận thì vẫn đong đầy. Và ở vùng đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” như Hà Tĩnh, mỗi cán bộ Mặt trận đều đặt mình ở sứ mệnh tiên phong, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên khó khăn để cùng người dân vượt qua hoạn nạn.

“Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”

Cho đến bây giờ, khi mầm non của cây lá đã lên xanh, ngoài đồng tiếng máy cày nổ liên hồi để chuẩn bị cho vụ mùa mới, với ông Phạm Văn Diệu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vẫn cần có thời gian để xóa nhòa mọi vết thương.

Những năm gần đây, ở Lệ Thủy chỉ xảy ra lũ nhỏ nên người dân thường gọi là “mùa nước nổi”. Bởi sau mùa lũ, phù sa bồi đắp cho người dân nơi đây cánh đồng lúa vàng bội thu, tôm cá sinh sôi. Nhưng đợt lũ tháng 10 lần này thì khác. Mưa dội nước xuống trắng trời không ngớt. Nước lũ dâng cao. Khắp thôn xóm đâu đâu cũng nước. Nước biến các trục đường thành sông. Nước ngấp nghé thành giường, nhấn chìm chum lúa, phi thóc, tủ bàn, gà heo kêu ré… và tất cả cuốn trôi theo nước lũ.

Một miền Trung bấy lâu vẫn lặng lẽ hứng chịu nỗi đau bão lũ, một miền Trung không được sự ưu ái của thiên nhiên nhưng vẫn luôn mỉm cười, luôn vươn lên số phận. Cho nên, người Mặt trận ở miền Trung cũng vậy, vẫn luôn đong đầy tinh thần đoàn kết, chan chứa yêu thương. Dẫu cho mưa gió thét gào, họ vẫn gác lại bộn bề, thiệt hại của chính mình, đi vào tâm bão cứu đói, cứu hộ, lau đi những giọt nước mắt và giúp người dân vượt lên những khó khăn.

Nước lũ lên cao chạm mái nhà. Giữa đêm khuya tiếng kêu cứu của người dân liên tục phát đi. Trên chiếc đò nhỏ, ông Phạm Văn Diệu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thủy cùng với lực lượng phòng, chống lũ lụt địa phương tiếp cận nhiều gia đình bị ngập sâu để di chuyển người về nơi tránh trú lũ an toàn ở tầng 2 trụ sở UBND xã.

“Lũ về trong đêm nên rất nguy hiểm. Đỉnh lũ cao, nước lên nhanh khiến cả người dân và chính quyền xã trở tay không kịp. Trước tình thế đó, suốt đêm chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng để khẩn trương ứng cứu người dân di dời đến nơi an toàn” - ông Diệu nhớ lại.

Trong mưa lũ, những người phụ nữ làm công tác Mặt trận cũng đã có mặt trên những chiếc thuyền, ca nô để hỗ trợ người dân. Bà Lê Thị Minh Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh đến từng thôn ở các xã Hàm Ninh, Duy Ninh, Tân Ninh… để cứu người và trao hàng cứu trợ.

Sau những lượt đưa hàng, di chuyển người đến nơi an toàn thì bất ngờ chiếc thuyền của bà Hải vướng phải chướng ngại vật trên mặt nước khiến con thuyền lật úp. May mắn thay, dòng nước lũ không chảy xiết, các thành viên trên thuyền đều mặc áo phao nên không nguy hiểm đến tính mạng…

Hay như ở thị xã Ba Đồn, nước lũ lên nhanh cũng đã nhấn chìm nhiều làng quê vùng cồn bãi sông Gianh. Lo cho người dân thiếu thức ăn, thiếu nước uống, chị Trần Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Ba Đồn đã cùng với các chiến sĩ công an, quân đội, biên phòng lái ca nô trên dòng nước xiết sông Gianh để trao hàng cứu trợ…

Ông Võ Văn Thông - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) chia sẻ rằng, rất nhiều công việc “bám riết” lấy ông suốt ngày, suốt đêm vì trong mưa lũ thì ứng cứu, sau mưa lũ thì tiếp nhận, phân bổ những chuyến hàng, đoàn từ thiện đến cứu trợ.

“Ngay cả việc lên danh sách các hộ gia đình nhận hàng cứu trợ cũng khiến chúng tôi lo lắng làm thế nào để đúng hoàn cảnh. Chẳng hạn như, trong thôn có nhiều nhà ngập lũ nhưng thiệt hại mỗi nhà mỗi khác, rồi việc cứu trợ mỗi đoàn mỗi khác. Ngay cả chuyện hộ nhận nhiều quà, hộ nhận ít quà, khiến chúng tôi phải khéo léo, linh động trong xử lý tình huống” - ông Thông chia sẻ.

Nếu bão chồng bão, lũ chồng lũ thì với người Mặt trận ở Quảng Bình là việc chồng việc. Nhưng điều cảm động mà chúng tôi luôn nhận thấy ở họ một tinh thần vươn lên trong giông bão “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Tinh thần ấy đã lan tỏa, gắn kết và nhân lên yêu thương, để kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giúp người dân vùng lũ vượt qua gian khó.

Đoàn kết và yêu thương

Khi chúng tôi đến huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nắng đã chiếu vàng khắp các đường quê. Bên sân nhà, mọi người đưa chăn màn, áo quần ra hong nắng, màu sắc rực rỡ y như màu Tết đang cận kề. Không ai nghĩ rằng, mới đây thôi, khắp các làng quê ở xã An Thủy và vùng trung tâm huyện Lệ Thủy vừa trải qua một đợt lũ lịch sử. Biết bao tài sản đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Và rồi, người làng lại động viên nhau “còn người còn của”, rũ bùn đứng dậy sau khi lũ rút đi.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa bão lũ, tiếng gọi miền Trung - khúc ruột của Tổ quốc lại vang lên tha thiết và đầy day dứt. Mưa lũ tràn về cuốn trôi tất cả. Năm 2020 này, khi vừa thoát cơn đại dịch Covid-19, kinh tế tê liệt, người miền Trung gần như kiệt quệ thì liên tiếp bão, lũ lại giáng xuống mảnh đất vốn còn quá nhiều khốn khó này.

Bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình trao quà cho người dân vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: Q.Nghĩa.

Bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình trao quà cho người dân vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: Q.Nghĩa.

Trên chuyến xe về huyện Lệ Thủy đi cứu trợ, điện thoại của bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình không ngừng rung chuông. Bà Hân chia sẻ rằng, trận lũ vừa qua đã xô đổ mọi kỷ lục về lũ lụt ở Quảng Bình, cho nên cán bộ Mặt trận làm việc với tinh thần như trong thời chiến.

Ngày nào cũng có hàng tấn hàng hóa gửi về Mặt trận. Tất cả cán bộ công nhân viên của Mặt trận Quảng Bình căng mình “một người làm nhiều việc”. Nghe điện thoại bằng hai tai. Vừa tiếp nhận ủng hộ, vừa bốc vác hàng hóa, vừa chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cứu trợ, vừa hướng dẫn các đoàn cứu trợ, cá nhân từ thiện đi về các địa phương.

Nếu như trong mưa lũ, cán bộ Mặt trận Quảng Bình làm việc trên tinh thần vừa cứu hộ vừa đảm bảo dân không bị đói thì ngay sau nước rút, Mặt trận phối hợp với các ngành địa phương, gom các mặt hàng từ tất cả các siêu thị, đặt hàng từ các nơi khác để cấp phát cho các địa phương cứu đói cho dân; đồng thời phân bổ cứu trợ khẩn cấp về các địa phương.

Tất cả đều làm việc hết công suất, điện thoại rung chuông cả ngày lẫn đêm, cho nên chúng tôi thực sự xúc động khi bà Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Bình chia sẻ rất chân thành, nhiều lúc “thèm một miếng ngủ” nhưng lại phải vùng dậy đi làm vì tấm lòng bà con đang hướng về miền Trung, vì đồng bào quê hương đang trông chờ cứu trợ.

Cũng trong bão lũ, dù nhà ở trong vùng bị ngập sâu nhất của TP Hà Tĩnh, nhưng ông Hà Văn Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh vẫn phải lo việc tiếp nhận, phân bổ các nguồn hàng cứu trợ, giúp dân, phó mặc chuyện gia đình cho vợ con ở nhà xoay xở. Vậy mà, trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hùng không một lời than thở, vẫn chỉ lo toan chuyện cứu trợ làm sao cho hiệu quả.

Ông Hà Văn Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh (thứ hai bên phải) tiếp nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Ảnh: H.Nguyên.

Ông Hà Văn Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh (thứ hai bên phải) tiếp nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Ảnh: H.Nguyên.

“Đợt lũ này, trách nhiệm của mỗi cán bộ Mặt trận ở Hà Tĩnh nặng nề, vất vả nhưng chuyên nghiệp hơn. MTTQ tỉnh đã công khai thông tin, số điện thoại của Chủ tịch MTTQ, Trưởng ban tiếp nhận cứu trợ từ tỉnh đến huyện, xã của tất cả các vùng ngập lụt. Từ đó, công tác cứu trợ vận hành suôn sẻ, khoa học, tránh được những bất cập, hạn chế phát sinh từ công tác cứu trợ. Lương thực, thực phẩm, tiền cứu trợ đến được đúng người, đúng đối tượng, đảm bảo công bằng” - ông Hùng khẳng định.

Thực tế cho thấy, miền Trung luôn là điểm đến của nhiều cơn bão, kéo theo nhiều thiệt hại về người và của. Ở một đất nước mà hàng năm có tới hơn mười cơn bão đổ bộ, chủ yếu ở khu vực miền Trung, chưa kể mưa lũ bất thường, cơn bão cơn lũ nào cũng hung hãn và tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản và cướp đi mạng sống của bao người. Việt Nam chưa bao giờ hết gian nan trong cuộc chiến với thiên tai. Và miền Trung vẫn là một mảnh đất còn quá nhiều khắc nghiệt khi “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”…

Tại cuộc làm việc với 5 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam về kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với những mất mát của người dân miền Trung, trong đó có hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình liên tục gặp lũ chồng lũ, bão chồng bão, tai nạn nối tiếp tai nạn. Trong gian khó, Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành đã xử lý kịp thời vấn đề lương thực, thuốc men, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Các tỉnh đã nêu cao trách nhiệm phòng chống bão lũ. Trong đó người đứng đầu Chính phủ đã ghi nhận sự lăn xả của đội ngũ cán bộ Mặt trận và Hội Chữ thập đỏ trong công tác cứu trợ, giúp dân.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-nguoi-di-vao-tam-bao-523980.html