Những người điều dưỡng thầm lặng
Tỷ lệ trẻ sinh non, nhẹ cân được điều trị, chăm sóc thành công và phát triển khỏe mạnh ngày càng nhiều. Phía sau tín hiệu vui ấy là sự đóng góp thầm lặng của những điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh (Bệnh viện Phụ Sản Thanh Hóa). Họ không những vững chuyên môn mà còn nhiệt tình, chu đáo và quan tâm chăm sóc trẻ bằng tình yêu thương.
Điều dưỡng Vũ Thị Hải chăm sóc trẻ sinh non.
Cách đây khoảng một năm, câu chuyện về bé gái sinh non 26 tuần tuổi nặng 800 gram được chăm sóc, điều trị thành công tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh đã khiến bao người cảm động. Ngày bé được về với gia đình là ngày các y, bác sĩ, điều dưỡng trong khoa cùng người nhà vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Với y, bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, việc chăm sóc, điều trị thành công các bé nhẹ cân, non tháng là công việc quen thuộc, nhưng với bé 26 tuần tuổi thì được xem là một dấu mốc ấn tượng; là động lực để các y, bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục cống hiến hết mình để giữ lại sinh mệnh cho những trẻ sinh non.
Có mặt tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, chắc hẳn mọi người sẽ hiểu hơn về công việc tưởng đơn giản nhưng rất khó khăn, cần đầy tình thương, sự tỉ mỉ của những người điều dưỡng chăm sóc trẻ sinh non mà không phải ai cũng làm được. Đây là nơi tiếp nhận và chăm sóc hàng trăm trẻ sinh non, nhẹ cân đi kèm với các bệnh lý. Thường các bé được đưa vào đây ngay sau sinh với tình trạng sức khỏe khác nhau. Đặt chân tới đây, bất kỳ ai cũng sẽ thấy một cảm giác rất khác. Đầu tiên là tốc độ làm việc của y, bác sĩ, điều dưỡng với công suất gấp đôi, ba bình thường. Không kể ngày đêm, bước chân của các điều dưỡng nơi đây vẫn đến khắp các phòng bệnh. Tiếp đó, luôn có điều dưỡng trực 24/24 ngay bên ngoài mỗi phòng điều trị. Và, trong các căn phòng, mỗi em bé được nằm gọn gàng trong một chiếc lồng ấp, quấn quanh là dây truyền, ống xông, máy thở..., máy móc, phòng bệnh luôn được vệ sinh sạch sẽ.
Gắn bó 10 năm với trẻ sinh non, điều dưỡng Vũ Thị Hải, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh chia sẻ: "Lần đầu chăm sóc bé sinh non, tôi bỡ ngỡ và run lắm, vì chưa bao giờ tiếp xúc với bé nhỏ như vậy. Việc bế bé cũng khó khăn chứ chưa nói đến việc tìm mạch máu để tiêm, truyền. Điều dưỡng Hải cho biết thêm: Đối với các bé sinh non việc cho ăn rất khó. Nguyên tắc trong khi cho ăn là không được để bé bị sặc sữa. Mỗi lần cho ăn xong là theo dõi tình trạng của bé. Bé nào bú tốt thì mới cho bú, tuyệt đối không để bé gắng sức".
Vừa cho một em bé ăn, điều dưỡng Hải vừa kể; "Bé vào khoa đã được 9 ngày, khi vào viện bé nhẹ cân, non tháng kèm các biểu hiện tím môi và các đầu chi, được chẩn đoán suy hô hấp độ 2. Các y, bác sĩ và điều dưỡng đã nỗ lực chăm sóc, điều trị cho bé. Sau 3 ngày thở máy CPAP, truyền dịch, bé đã khá hơn được chuyển sang thở oxy, ăn qua ống thông dạ dày. Cứ 1 - 2 giờ, chúng tôi lại kiểm tra sức khỏe của bé. Cứ đều đặn 3 giờ/lần, điều dưỡng cho các bé ăn, thay bỉm, đổi tư thế nằm, hút nhớt dịch, kiểm tra việc tiêu hóa của bé. Bởi, với những bé sinh non tháng đi kèm nhiều bệnh lý phức tạp cần được chăm sóc, theo dõi sát sao. Hệ tiêu hóa non nớt khiến trẻ rất khó tiêu hóa, dễ chướng bụng, không tiêu. Vì thế việc cho các bé “đặc biệt” ăn được thực hiện một cách khoa học với sự tính toán kỹ lưỡng phù hợp với sức khỏe, thể trạng của các bé".
Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, điều dưỡng Vũ Thị Hải đã luôn nỗ lực học tập, rèn luyện bản thân. Đến nay, điều dưỡng Hải đã trở thành “người mẹ thứ hai” của hàng nghìn bé sinh non. Vừa trò chuyện điều dưỡng Hải vừa cẩn thận, tỉ mỉ kiểm tra nhiệt độ, kiểm tra dịch dạ dày, thay bỉm cho các bé... Mọi hành động diễn ra liên tục, thuần thục và rất nhẹ nhàng. Trước mỗi lần thực hiện các bước chăm sóc bé, điều dưỡng Hải lại sát khuẩn tay sau đó nở nụ cười âu yếm với các bé. Điều dưỡng Hải chia sẻ: “Nhìn các bé nhỏ xíu, non nớt nằm trong lồng ấp, chốc chốc lại vặn mình, cựa mình thậm chí là cất tiếng khóc để tìm hơi ấm của mẹ nên những người điều dưỡng như chúng tôi luôn muốn mang đến sự ấm áp cho các “thiên thần nhỏ” ấy”.
Cũng như điều dưỡng Hải, điều dưỡng Trịnh Thị Phượng luôn tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo, dành tình yêu thương cho các bé sinh non. Điều dưỡng Phượng cho biết: Các bé sinh non đi kèm các bệnh lý: "Suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh, vàng da, sức đề kháng của các em rất non yếu, thường có nhiều diễn biến nhanh bất thường, do đó yêu cầu vô khuẩn luôn được đặt lên hàng đầu để tránh nhiễm khuẩn cho bé. Bên cạnh đó, việc chăm sóc trẻ sinh non rất khó khăn. Điều dưỡng phải theo dõi sát sao, không chỉ từng nhịp thở, nhịp tim trên máy móc mà còn phải liên tục bên cạnh các bé, quan sát từng cử chỉ, từng cái cựa mình, gồng bụng hay tình trạng nôn trớ để nắm bắt tình trạng của các bé, từ đó có điều chỉnh phù hợp".
"Mỗi ngày ngoài thực hiện y lệnh thuốc của bác sĩ, chỉ định cận lâm sàng (nếu có), theo dõi spo2, oxy, thân nhiệt, kiểm tra dịch dạ dày cho các bé, điều dưỡng tại khoa còn đảm nhận nhiệm vụ của người mẹ: thay tã, cho ăn sữa, tắm, vệ sinh cho bé... Niềm vui và hạnh phúc của chúng tôi là thấy các bé ổn lên từng giờ, đủ sức khỏe để ra viện, trở về với vòng tay yêu thương của gia đình. Do đó, không quản ngày đêm, vất vả, khi vào với các bé là chúng tôi luôn gác lại muộn phiền, mệt mỏi. Đến với các bé bằng sự nhiệt tình, cẩn thận, chu đáo và tình yêu thương vô hạn" - điều dưỡng Phượng chia sẻ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/nhung-nguoi-dieu-duong-tham-lang/198563.htm