Những người đỡ đẻ 'di động' ở xã biên giới Dân Hóa

Vì nhiều lý do, nhiều sản phụ người Khùa, người Mày ở xã biên giới Dân Hóa (Minh Hóa) đã không đến được trạm y tế để sinh con. Và để xử lý những tình huống hiểm nguy có thể xảy ra, những y, bác sỹ ở Trạm y tế xã Dân Hóa đã phải băng rừng, vượt suối trong đêm đến tận nhà để đỡ đẻ cho các sản phụ được 'mẹ tròn con vuông'. Thế nên, bạn bè, đồng nghiệp và người dân nơi biên giới Dân Hóa vẫn gọi vui họ là những người đỡ đẻ 'di động'…

Luôn trong tư thế sẵn sàng

“Ở Trạm y tế xã Dân Hóa có một thứ luôn được kiểm tra hàng ngày và luôn trong tư thế sẵn sàng đó là bộ đồ nghề và thuốc men phục vụ cho việc hộ sinh, đỡ đẻ. Chỉ cần nhận được thông tin có sản phụ đang chuyển dạ ở nhà là chúng tôi lập tức lên đường”, bác sỹ Cao Xuân Tiêm, Trạm trưởng Trạm y tế xã Dân Hóa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Theo bác sỹ Tiêm, Dân Hóa là một trong những xã nghèo nhất của huyện Minh Hóa, có tới 87% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Khùa và người Mày), trình độ dân trí còn thấp. Do địa hình đi lại khó khăn và nhiều lý do khác về phong tục tập quán, nhiều sản phụ nơi đây đã không đến được trạm y tế để sinh con. Vì vậy, những y, bác sỹ ở trạm y tế phải luôn trong tư thế sẵn sàng để kịp thời đến tận nhà đỡ đẻ cho các sản phụ.

Một bàn làng của người Mày ở biên giới.

Một bàn làng của người Mày ở biên giới.

Với sản phụ Hồ Thị Lan ở bản Tà Rà, các y, bác sỹ ở Trạm y tế xã Dân Hóa là những ân nhân của gia đình, khi họ đã không quản ngại hiểm nguy, vượt dòng lũ dữ, kịp thời giúp đỡ chị Lan sinh nở an toàn. Chị Lan kể, lúc đó là khoảng 7 giờ sáng ngày 18-10-2020, chị bắt đầu đau bụng, chuyển dạ muốn sinh con.

Thời điểm đó trời mưa rất lớn, nước lũ ở thượng nguồn sông Gianh dâng cao, cô lập bản Tà Rà với bên ngoài. Chồng chị Lan điện thoại cho các y, bác sỹ ở Trạm y tế Dân Hóa và rất lo lắng vì nước lũ đã chia cắt mất con đường đến bản, không biết các y, bác sỹ có đến được hay không?

Vậy nhưng, khi nhận được tin báo, bác sỹ Cao Xuân Tiêm (trạm trưởng) và điều dưỡng Hồ Kinh đã lập tức lên đường. Sau gần 2 giờ đồng hồ vượt qua dòng lũ dữ và băng qua những con dốc trơn trượt, 2 người đã đến được nhà của sản phụ Hồ Thị Lan ở bản Tà Rà. Với sự giúp đỡ của bác sỹ Tiêm và điều dưỡng Kinh, chị Lan đã “vượt cạn” an toàn trong niềm vui của gia đình và dân bản.

Mới đây, đêm 9-3-2021, chị Hồ Thị Phai (19 tuổi) ở bản Ôốc chuyển dạ, sinh con đầu lòng. Do có con lần đầu, chị Phai đã không tính được thời gian sinh con của mình. Thế nên, trước đó 2 ngày, chị Phai đã đau bụng râm ran, nhưng gia đình vẫn không chịu đưa chị đến trạm y tế. Chỉ đến khi sản phụ Phai vỡ ối, người bắt đầu kiệt sức, thì gia đình mới gọi điện đến trạm, lúc đó đã 12 giờ đêm. Trực ở Trạm y tế xã Dân Hóa lúc này bác sỹ Hồ Văn Khăm và nữ hộ sinh Đinh Thị Mai.

Trong đêm tối, 2 người chỉ kịp cầm lấy hộp đồ nghề, băng rừng, lội suối chạy đến bản Ôốc, đến nơi thì sản phụ Phai cũng đang trong tình trạng nguy hiểm, 2 người phải vận dụng hết khả năng của mình để giúp chị Phai “vượt cạn”. Thật may mắn, khi bế đứa bé gái khóc oe oe trên tay, biết ca đỡ đẻ đã thành công, nữ hộ sinh Đinh Thị Mai mới vỡ òa trong hạnh phúc…

Vẫn còn lắm nhọc nhằn…

Bác sỹ Cao Xuân Tiêm, Trạm trưởng Trạm y tế xã Dân Hóa cho biết, sống ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nên nhận thức về hôn nhân gia đình và sức khỏe sinh sản của người dân nơi đây vẫn còn rất kém. Nhiều cặp vợ chồng tảo hôn, người mẹ đang trong độ tuổi vị thành niên, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản, nhiều đứa trẻ suy dinh dưỡng ngay từ trong bào thai, đã dẫn đến chuyện sinh đẻ gặp nhiều rủi ro…

Cùng với đó, trước đây, trong cộng đồng, đặc biệt là người Mày tồn tại một luật tục về sinh đẻ rất khắt khe. Theo quan niệm của đồng bào, phụ nữ người Mày trong thời gian sinh con được gia đình làm cho một cái chòi để ở riêng. Đứa trẻ sinh ra, đến khi biết cười, phải tiến hành làm lễ đuổi cái “dơ mà bẩn” đi, 2 mẹ con mới được đón vào nhà…Có lẽ do hủ tục người phụ nữ lúc sinh phải ra ở một mình ngoài chòi riêng, không được chăm sóc sức khỏe sinh sản chu đáo nên trước đây, tai biến sản khoa của phụ nữ người Mày nhiều không đếm xuể.

Bà Hồ Thị L. ở bản Ka Ai (xã Dân Hóa) đã 5 lần sinh nhưng chỉ nuôi được 2 đứa con. 3 đứa con trước bà L. sinh ở nhà chòi nên bị tai biến sản khoa mà mất. Cũng may, 2 đứa sau, nhờ sự vận động của các y, bác sỹ, bà L. đã đến trạm y tế xã để sinh nên mới được “mẹ tròn con vuông”…

Theo bác sỹ Cao Xuân Tiêm, bây giờ, mỗi lần sinh đẻ, đồng bào người Khùa, người Mày ở xã Dân Hóa đã dần biết tìm đến các cơ sở y tế để “vượt cạn” cho an toàn. Để có được thành quả tưởng chừng rất đỗi bình thường này, hàng chục năm qua, các y bác sỹ, bộ đội biên phòng và cán bộ xã ở đây... đã mòn vẹt chân lặn lội về các bản làng xa xôi nhất để tuyên truyền cho đồng bào hiểu về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả rất đáng mừng, nhưng xem chừng vẫn còn đó những nhọc nhằn, đòi hỏi các y, bác sỹ nơi đây phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Trong cộng đồng người Khùa, người Mày vẫn còn đó những cặp vợ chồng kết hôn trong độ tuổi vị thành niên. Đặc biệt, vẫn còn nhiều sản phụ sinh con ở nhà và được đỡ đẻ theo phong tục của đồng bào, rất nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và bé nếu gặp tai biến sản khoa.

Theo thống kê của Trạm y tế xã Dân Hóa, trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, toàn xã có 113 trường hợp sinh con, thì vẫn còn đến 43 trường hợp sinh con tại nhà. Có nhiều trường hợp sinh con tại nhà, khi gặp nguy hiểm, người nhà mới gọi điện đến trạm kêu cứu… Thế nên, cùng với việc thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào hiểu về sức khỏe sinh sản, cần phải đến trạm y tế để sinh con cho an toàn, các y, bác sỹ ở Trạm Y tế Dân Hóa luôn trong tư thế sằn sàng để kịp thời ứng cứu trường hợp mà người dân không đến được trạm y tế để sinh đẻ…

Phan Phương

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202105/nhung-nguoi-do-de-di-dong-o-xa-bien-gioi-dan-hoa-2189209/