Những người đưa phim về bản

Đại ngàn Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị là quê hương của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô và cũng là vùng đất mà các thế hệ những người làm công tác chiếu phim miền núi Quảng Trị đã gắn bó nghĩa tình, chung thủy. Một cách thầm lặng, từ năm này sang năm khác, các anh miệt mài vượt núi cao, suối sâu để đưa phim về với bản làng, không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, mà còn góp phần xây dựng bản làng trên tuyến biên giới Việt - Lào xa xôi ngày mỗi ấm no, văn minh và giàu đẹp.

 Niềm vui của trẻ em miền núi khi phim về bản

Niềm vui của trẻ em miền núi khi phim về bản

Đèo Sa Mù dài hơn 18 cây số, có độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển. Vắt qua đỉnh Sa Mù quanh năm sương giăng mây phủ là nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, cung đường vừa gợi cảm giác lãng mạn bởi điệp trùng núi non hùng vĩ, vừa luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm vì thường bị sương mù hạn chế tầm nhìn, vì độ dốc quá lớn và tình trạng sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào vào mùa mưa lũ.

Mùa mưa, mỗi ngày thi thoảng mới có vài ba chuyến xe qua lại đỉnh Sa Mù, chủ yếu là xe gắn máy của những người lính Biên phòng, của các thầy cô giáo cắm bản đi về và một số ít người dân có nhu cầu ra thị trấn Khe Sanh. Dù đã rất quen thuộc với cung đường Trường Sơn đèo dốc hiểm trở, nhưng mỗi lần vượt đỉnh Sa Mù, những thành viên của Đội chiếu phim miền núi số 1 thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Quảng Trị vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Mà cũng đâu chỉ riêng với Sa Mù, hầu hết những con đường kết nối các bản làng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên đỉnh Trường Sơn, nơi các anh đến rồi đi cũng đâu kém phần gian nan vất vả. Vì vậy có người không khỏi băn khoăn, đâu là lí do để các anh gắn bó với công việc của mình giữa chốn non cao còn nhiều nghèo khó suốt hai mùa mưa nắng?

Đội chiếu phim miền núi số 1 của Quảng Trị cũng chính là đội chiếu phim lưu động duy nhất trong cả nước được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động, đó cũng chính là lí do để anh Phan Thanh Lương lựa chọn tiếp nối công việc mà ba anh đã gắn bó suốt mấy chục năm qua. Còn Hồ Văn Ngởi, một chàng trai Pa Kô lại duyên nợ với công việc chiếu phim miền núi từ sâu thẳm tình yêu của mình với quê hương luôn mơ ước được đi hết những ngọn núi để phục vụ chiếu phim cho đồng bào của mình.

Nằm trải dài theo tuyến biên giới Việt- Lào, dưới chân đèo Sa Mù là bản Tà Rùng của xã Hướng Việt, một trong số 114 điểm dừng chân trong năm của Đội chiếu phim số 1 trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa. Trong lúc người lớn vẫn còn đi rẫy xa chưa kịp về, đón đội chiếu phim là các già làng cùng đàn em nhỏ. Vừa trải qua một chặng đường dài chưa kịp nghỉ ngơi, nhưng vẫn như mọi khi, công việc đầu tiên của những người chiếu phim miền núi là kiểm tra máy móc, thiết bị, dựng màn hình để chuẩn bị cho buổi chiếu. Ngoài ra các anh còn tranh thủ dựng thêm một số hình ảnh để kết hợp tuyên truyền về các tệ nạn xã hội, nhất là công tác đấu tranh phòng chống buôn bán và sử dụng ma túy, buôn bán người… đang là những vấn đề phức tạp trên địa bàn khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa hiện nay. Trường Sơn đang mùa mưa lũ, những cơn mưa rừng bất chợt có thể kéo đến bất cứ lúc nào, những con đường nối các bản xa thường bị chia cắt bởi khe suối, vì thế việc đi lại luôn gặp khó khăn. Nhưng khi nghe tin có đội chiếu phim về bản là bà con đều tranh thủ sắp xếp công việc, dành thời gian để đón xem.

 Gian nan đường đến bản

Gian nan đường đến bản

Thật cảm động khi chứng kiến người dân không chỉ có mặt rất đông từ sớm, mà còn chịu khó “đội mưa” để được xem phim. Cõng phim về bản là công việc khó nhọc, nhưng buổi chiếu bóng miền núi như thế này, chợt nghĩ phần thưởng lớn nhất dành cho người làm công tác chiếu phim cũng thật xứng đáng khi mang lại niềm vui hiện rõ trên từng ánh mắt trẻ thơ và cả những người già. Và hơn thế, sau mỗi đợt chiếu phim kết thúc, người dân lại mong cho thời gian trôi nhanh để đội chiếu phim sẽ sớm quay trở lại với bản làng, cho dù mỗi năm, mỗi bản chỉ có từ một đến hai lần đội chiếu phim về phục vụ từ 2 đến 4 buổi tối.

Vượt qua những dãy núi cao, phía Bắc dòng Sê Băng Hiêng là xã Hướng Lập. Từ trung tâm xã ở bản A Xóc vào đến bản Cù Bai hơn 10 cây số, đường đi vẫn còn lắm gian nan. Nhận tin báo có đội chiếu phim đang trên đường đến với Cù Bai, chính quyền xã Hướng Lập và già làng bản Cù Bai liền cử thanh niên kịp thời giúp sức cùng đội chiếu phim vượt dòng Sê Băng Hiêng để về bản. Bản Cù Bai của người Vân Kiều còn được biết đến với tên gọi là “Cửa tử Cù Bai”, vì nơi đây là một trong những khu vực bị máy bay Mỹ thường xuyên tập trung đánh phá hết sức ác liệt trong chiến tranh. Cù Bai cũng là địa danh đã gắn với Đồn Biên phòng Cù Bai hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Nhà sinh hoạt cộng đồng của bản Cù Bai hôm nay được chọn là địa điểm để tổ chức buổi chiếu phim. Cũng như các bản làng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên đỉnh Trường Sơn, sau một ngày lên nương lên rẫy, người Vân Kiều ở Cù Bai thường đi ngủ sớm. Nhưng hôm nay mọi người từ trẻ em cho đến người già đều có mặt đông đủ từ rất sớm ở địa điểm chiếu phim. Cù Bai một đêm không ngủ! Phía bên kia biên giới, một số bà con các bộ tộc Lào ở phía bản đối diện, nghe tin có phim về bản cũng đã xin phép lực lượng chức năng của hai nước và cất công vượt chặng đường cả chục cây số để đến với Cù Bai.

 Đội chiếu phim miền núi số 1 đến với bản làng

Đội chiếu phim miền núi số 1 đến với bản làng

Trở lại Cù Bai lần này, cùng với Đội chiếu phim miền núi số 1, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Quảng Trị còn dành những tình cảm ấm áp cho các em nhỏ nơi vùng đất xa xôi này.

Những bộ phim phục vụ đồng bào miền núi được chọn lựa kĩ lưỡng nên có nội dung phong phú và đa dạng với những đề tài về chiến tranh cách mạng, về Bác Hồ, gương người tốt việc tốt, về xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị và giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt Nam...“Chúng tôi rất thích xem những bộ phim phản ánh về cuộc sống của các dân tộc anh em trong cả nước, ngoài ra bà con cũng muốn xem các phim tuyên truyền về đấu tranh phòng chống ma túy để bảo vệ cuộc sống bình yên…”, anh Hồ Văn Thới, trưởng thôn Cù Bai tâm sự. Qua tiếp thu kiến thức từ phim ảnh, thực tế có nhiều gia đình đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt một cách hiệu quả. Trong đó có những gia đình không chỉ thoát khỏi cuộc sống khó khăn, mà còn vươn lên làm giàu ngay trên bản làng quê hương mình.

Trung bình mỗi năm, hai đội chiếu phim miền núi số 1 và số 2 của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Quảng Trị phục vụ hơn 330 suất chiếu phim tại các bản làng miền núi của các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Vĩnh Linh. Các thành viên của mỗi đội chiếu phim chỉ tạm nghỉ 3 tháng vào mùa mưa, còn lại 9 tháng trong năm là khoảng thời gian các anh gắn bó với bản làng, cùng ăn, cùng ở với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.

Theo bước chân của các anh, những người làm công tác chiếu phim miền núi, điện ảnh đã về đến những bản làng xa xôi, heo hút nhất, góp phần xua đi những đói nghèo, suy nghĩ, tập tục lạc hậu từ ngàn xưa để lại, giúp cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên đỉnh Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị dựng xây cuộc sống mới. Và những đổi thay của bản làng, của mỗi nếp nhà, mỗi cuộc đời chính là động lực thôi thúc các anh, những người làm công tác chiếu bóng vượt qua gian nan, thử thách để nối dài những chuyến đi, để cống hiến công sức của mình cho quê hương vùng cao Quảng Trị.

Phan Tân Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=143523