Những người giải mã các vụ án
Nhanh chóng lên đường, bất chấp khó khăn, khẩn trương , tỉ mỉ thu lượm các dấu vết tại hiện trường và thực hiện các thao tác giám định một cách chính xác và khoa học để 'giải mã' các vụ án. Mỗi vụ án được điều tra, khám phá thành công đều có sự đóng góp thầm lặng của cán bộ , chiến sĩ Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an Thanh Hóa.
Khám nghiệm hiện trường vụ giết người tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát.
“Bắt” dấu vết phải lên tiếng...
Có mặt tại Phòng KTHS vào một buổi sáng đầu tuần khi Chuyên án đấu tranh với các đối tượng cưỡng đoạt tài sản đối với các đồng chí lãnh đạo UBND thị xã Nghi Sơn vừa khép lại. Chúng tôi chứng kiến các CBCS của đơn vị suốt nhiều ngày đêm không nghỉ, trở về từ hiện trường, nén mệt mỏi, lập tức bắt tay ngay vào công việc của mình. Người miệt mài bên chiếc kính hiển vi, máy xử lý ảnh, tài liệu; người tập trung giám định mẫu vật… phục vụ cho công tác điều tra. Tất cả đều được các anh, chị thực hiện vô cùng tỉ mỉ, thận trọng. Bởi mỗi kết luận giám định sẽ là cơ sở quan trọng để vụ việc được làm sáng tỏ. Sau đó, có thể là kết tội hoặc minh oan cho một con người.
Thượng tá Trịnh Anh Tuấn, Trưởng phòng KTHS Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Kết quả giám định dấu vết, vật chứng là bằng chứng khoa học duy nhất giúp cơ quan điều tra có định hướng đúng đắn khi phá án cũng như củng cố chặt chẽ nguồn chứng cứ, truy nguyên thủ phạm hoặc bị hại… Chính vì vậy, bất kỳ vụ án nào, dù lớn hay nhỏ, công tác khám nghiệm hiện trường là bước đi đầu tiên có vai trò hết sức quan trọng. Cùng với các đồng nghiệp khác, lính KTHS chúng tôi phải là những người có mặt tại địa điểm xảy ra vụ việc sớm nhất để thu thập và khai thác một cách triệt để các dấu vết, vi vết mà nghi phạm bỏ lại, nhằm phục vụ công tác truy tìm danh tính thủ phạm. Việc tiếp cận hiện trường càng nhanh càng có ý nghĩa to lớn trong việc phát hiện, bảo toàn dấu vết, nhất là các loại dấu vết có giá trị truy nguyên như: dấu vết công vụ, dấu vết đường vân, dấu vết sinh học (AND) hay nguồn hơi. Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có thể nhanh chóng lần tìm được dấu vết bởi có nhiều vụ việc, hiện trường gần như bị xáo trộn buộc những người lính KTHS phải vận dụng những kinh nghiệm của mình để thu thập chứng cứ, làm sáng tỏ được nguyên nhân, giúp cơ quan điều tra phá án thành công. Trong khi đó, Thanh Hóa là một tỉnh rộng về diện tích, phức tạp về địa hình. Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa lên đến trung tâm xã xa nhất của tỉnh lên đến trên 350 km, chưa kể vào tận các làng, bản. Các vụ án có thể xảy ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào thì cán bộ KTHS đều phải có mặt tại nơi đó.
Những vụ án xảy ra ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh thì cán bộ tham gia khám nghiệm phải đi từ sáng đến tối mới tới được hiện trường, chưa kể là vào mùa mưa có khi lở núi, tắc đường vài ba ngày mới tới hiện trường được. Có lúc phải nhịn đói cả ngày vì xe hỏng hoặc tắc đường ở những nơi xa khu dân cư. Chuyện bỏ bữa hoặc ăn muộn và anh em bị hạ đường huyết do đói là câu chuyện rất bình thường đối với chúng tôi.
Điển hình ngày 4-3-2020, Phòng KTHS nhận được lệnh của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh về việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vụ chị Sung Thị Xua, SN 1980, trú tại Bản Chim, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bị giết chết tại chòi chăn nuôi của gia đình, trên thân thể có nhiều thương tích.
Xác định đây là một vụ trọng án chưa rõ đối tượng có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, Phòng KTHS đã phân công đoàn công tác do Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng làm Trưởng đoàn cùng các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn công tác nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc ở địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh, là vùng đồng bào người Mông sinh sống, có thói quen tập quán trong canh tác ở các vùng núi cao. Khu vực hiện trường tại thời điểm xảy ra vụ án thời tiết rét đậm, rét hại, luôn bị sương mù và mưa phùn bao phủ có lúc đứng cách nhau chỉ 1m nhưng vẫn không nhìn thấy nhau.
Từ trung tâm xã lên khu vực hiện trường phải lần theo con đường mòn hiểm trở do tàn dư của trận lũ quét kinh hoàng xuống khu vực vào cuối năm 2019. Đường trơn, dốc và nhiều chướng ngại vật nên nhiều đoạn phải bò mới có thể di chuyển được. Đây cũng là một trong những điểm nóng, phức tạp tội phạm về ma túy do giáp ranh với bản Khằm Nàng của Lào (khu vực này các đối tượng có thể xin nhau ma túy để sử dụng). Hiện trường xảy ra ngay trong khu vực lán canh tác của gia đình, lại ở sườn núi dốc nhỏ hẹp nên việc triển khai phương tiện cũng như con người phục vụ cho công tác là rất khó khăn. Với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao trong công việc, các đồng chí trong đoàn công tác đã hết sức tỷ mỷ trong việc phát hiện và đánh giá từng dấu vết trên hiện trường và tử thi.
Từ kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân bị giết bằng vật tày có cạnh và vật sắc nhọn, thời gian chết sau bữa ăn cuối dưới 2 giờ. Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, nhiều khả năng giữa đối tượng và nạn nhân có sự quen biết, đối tượng đã ở trong chòi từ trước. Đặc biệt, tại khu vực bếp trong chòi phát hiện 1 ống điếu làm bằng vầu dạng tự chế còn mới, trong đó ống vầu còn tươi, phần nõ điếu bằng ống vầu loại nhỏ, phần đầu đốt thuốc bị muội khói và than hóa nhẹ. Kiểm tra trong lòng điếu nước điếu vẫn màu trắng trong, thể hiện điếu mới được làm và được sử dụng 1 hoặc 2 lần. Cạnh điếu cày là 1 bát sứ màu trắng bên trong còn khoảng 20ml nước trắng, 1 ấm nhôm đã cũ dùng để đun nước trong ấm còn khoảng 0,5 lít nước. Từ những vật chứng thu thập được tại hiện trường, đoàn công tác đã đánh giá ống điếu, bát sứ và ống nhôm nhiều khả năng được đối tượng sử dụng trước hoặc sau khi gây án. Các dấu vết trên ống điếu, bát sứ và ấm nhôm đã được thu giữ hết sức cẩn thận và nhanh chóng được chuyển về bộ phận giám định AND và bộ phận đường vân để phát hiện dấu vết. Kết quả giám định dấu vết trên các mẫu vật thu được tại hiện trường đủ điều kiện giám định truy nguyên để xác định đối tượng. Tại thời điểm này cơ quan điều tra cũng tiến hành đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ để rà soát các đối tượng nghi vấn trên địa bàn, trong đó tập trung vào các đối tượng nghiện ma túy.
Trong đó, cơ quan điều tra tập trung đặc biệt vào đối tượng hiềm nghi số 1 là Sung Văn Chứ, SN 1980, có hộ khẩu thường trú tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Bởi lẽ, tại thời điểm sau khi phát hiện ra sự việc, nhiều người thấy Sung Văn Chứ đi ra từ khu vực hiện trường trong tình trạng rất vội vã, quần áo bẩn thỉu, ướt át, vẻ mặt hốt hoảng rất đáng ngờ. Đặc biệt, đối tượng này nhanh chóng đi về phía bên kia biên giới Việt - Lào. Qua tài liệu điều tra xác định, khi sang bên kia biên giới, Chứ đã bán con dao nhọn thường mang bên mình cho 1 cán bộ biên phòng người Lào với giá 150.000 đồng. Một tổ công tác nhanh chóng được cử sang Lào phối hợp với Công an tỉnh Hủa Phăn - Lào để truy bắt đối tượng và thu thập con dao nghi là hung khí. Sau 2 ngày phối hợp điều tra, được sự giúp đỡ tận tình của Công an tỉnh Hủa Phăn, đối tượng đã được di lí về Việt Nam, kèm theo con dao nghi là hung khí vụ án. Kết quả giám định nhanh, trên con dao của đối tượng đã bán có dương tính với máu người. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả khám nghiệm dấu vết trên tử thi, đặc biệt là các vết thương do vật sắc nhọn tác động thì chiều rộng vết thương và đặc điểm bờ mép vết thương không phù hợp với con dao thu được của đối tượng nghi vấn. Từ các phân tích, đánh giá của Phòng KTHS, đối tượng hiềm nghi số 1 của vụ án đã bị loại. Rất may trong vụ án này, mặc dù có nhiều đối tượng nghi vấn nhưng do làm tốt công tác khám nghiệm hiện trường và dấu vết, đặc biệt là dấu vết sinh học thu được tại hiện trường là yếu tố then chốt để gỡ nút thắt vụ án, giúp cơ quan điều tra sàng lọc các đối tượng và nhanh chóng xác định đối tượng là Sung Văn Cơ, SN 1994, ở bản Chim, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát là đối tượng để lại các dấu vết ở hiện trường và là thủ phạm gây ra vụ án.
“Chìa khóa” mở những vụ án
Trong lực lượng KTHS, bộ phận giám định pháp y và những người làm công tác khám nghiệm hiện trường là vất vả nhất. Với đặc thù công việc tiếp xúc trực tiếp với tử thi nên có thể lây nhiễm bệnh tật, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhất là những trường hợp chết có liên quan dến HIV mà chưa kịp xét nghiệm hoặc những nạn nhân bị bệnh lý khác.
Ám ảnh nhất là vụ việc cháu bé 23 ngày tuổi bị sát hại tại thị xã Bỉm Sơn. Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 25-11-2017, Phòng KTHS Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được tin báo của cơ quan CSĐT Công an tỉnh về sự việc cháu Lê Minh Anh, sinh ngày 3-11-2017 (23 ngày tuổi) bị 2 đối tượng gồm 1 nam, 1 nữ cầm dao vào nhà khống chế đe dọa và bắt cóc khi bà Xuân (là bà nội) đang bế cháu Minh Anh trên tay. Khi xảy ra sự việc, trong nhà có chị Phạm Thị Thanh Huyền, SN 1979, là mẹ cháu Minh Anh, còn anh Thuận là bố cháu Minh Anh đang đi đón con trai đầu (là Lê Hữu Thắng) đi học gần nhà.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng KTHS đã kịp thời phân công lực lượng lên đường làm nhiệm vụ, phối hợp cùng Cơ quan CSĐT CA tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường và khẩn trương phát hiện, ghi nhận, thu lượm, giám định các dấu vết tại hiện trường.
Qua hệ thống dấu vết để lại và công tác giám định, đặc biệt là dấu vết máu trên chiếc khăn là máu nhỏ giọt, không phải là vết máu quệt hay máu thấm; mẫu máu trên cổ tay trái bà Xuân và trên chiếc khăn là máu AND của cháu Minh Anh; mẫu ADN thu được trên chiếc dép tại hiện trường là mẫu ADN của chồng và con bà Xuân, không phải là của đối tượng để lại... Phòng KTHS đã đưa ra nhận định với cơ quan điều tra và ban chuyên án đây không phải là vụ bắt cóc bình thường như tin báo của gia đình. Trong đó, nhiều khả năng đây là một vụ án mạng, nạn nhân có thể đã bị giết, đối tượng có thể là người trong gia đình. Đặc biệt hướng điều tra cần tập trung đấu tranh với bà nội cháu bé, nhằm khả năng những thông tin về vụ án bắt cóc chỉ nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng.
Những đánh giá, nhận định trên là một trong những cơ sở quan trọng giúp cơ quan điều tra tiến hành các biện pháp điều tra đi đúng hướng, không bị ám thị bởi thông tin sai lệch do gia đình nạn nhân cung cấp.
Đặc biệt, trong quá trình điều tra vụ án, đến ngày 27-11-2017, khi phát hiện thấy xác cháu bé tại khu vực bãi tập kết rác ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Căn cứ vào các dấu vết trên tử thi để xác định thời gian chết và nguyên nhân chết của cháu Minh Anh kết hợp với cơ chế hình thành vết máu trên chiếc khăn và trên cổ tay trái bà Xuân, Phòng KTHS đã nhận định bà Xuân phải là người liên quan trực tiếp đến cái chết của cháu bé.
Mặc dù rất gian ngoan, xảo quyệt trong việc tạo dựng hiện trường giả và tìm mọi cách để chối tội nhưng với những phân tích khoa học cùng với những kết luận chính xác, bà Xuân đã phải cúi đầu nhận tội.
Vụ án này nối tiếp vụ án khác, nhưng với trách nhiệm và đặc thù nghề nghiệp, CBCS Phòng KTHS Công an Thanh Hóa luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, bất chấp mọi thời gian, điều kiện địa hình, thời tiết để có mặt tại hiện trường phục vụ quá trình điều tra nhanh chóng, hiệu quả nhất. Trung bình hàng năm Phòng KTHS tiến hành giám định từ 2.300 đến 2.700 vụ trưng cầu yêu cầu của các cơ quan điều tra trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là về giám định ma túy, sinh học, hóa học, giám định tài liệu, giám định dấu vết cơ học trong các vụ tai nạn giao thông. Kết luận giám định của đơn vị luôn khách quan, kịp thời, chính xác, là cơ sở quan trọng để các cơ quan điều tra xác lập chứng cứ trong các vụ án. Với thành tích và kết quả đạt được, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Phòng KTHS Công an tỉnh đã được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen; nhiều năm liền tập thể đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh.
Có thể nói, tuy không trực tiếp tham gia đấu tranh trực diện với tội phạm nhưng trong mỗi vụ án, những công việc thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ phòng KTHS Công an tỉnh Thanh Hóa đã góp phần quan trọng cho các nên một chiến công, thành tích lớn trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm. Giải tỏa những bức xúc, tìm đến chân lý và công bằng, để lại nhiều ấn tượng, hình ảnh đẹp trong nhân dân là điều mà cán bộ Phòng KTHS Công an Thanh Hóa luôn hướng tới.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuyen-vu-an/nhung-nguoi-giai-ma-cac-vu-an/123890.htm