Những người gieo cảm hứng
Hồi xa rừng về biển, mỗi lần từ đồng bằng ngước mắt về những dãy núi mờ xa là tâm hồn tôi lại lâng lâng những cảm xúc khó tả. Một nỗi nhớ thật khó lý giải, không có cách diễn đạt nhưng nhiều khi lửng lơ quay quắt. Nhớ về Tây Nguyên lại nhớ về họ, những người đã góp phần giúp tôi hiểu hơn, cảm hơn dòng âm hưởng đại ngàn. Họ là những ân nhân trực tiếp và gián tiếp, góp phần nhuận sắc, gợi mở cho tôi thêm nhiều điều mới mẻ khi tiếp cận với vùng đất, con người, lịch sử và văn hóa miền thượng.
Buổi tối Đà Lạt của một ngày đã xa. Trong ngôi nhà nhỏ ấm áp dưới tán rừng thông ở đường Lý Tự Trọng, GS Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, đã dành cho tôi, cậu phóng viên tập sự, những bài học kiến văn và luận pháp bổ ích. Chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á học ấy đã không tiếc thời gian để giảng giải tôi nghe những đúc rút cơ bản nhất về dân tộc học, về địa văn hóa. Ông cũng cung cấp danh mục những công trình nghiên cứu lừng danh của các tên tuổi trong giới khảo cứu dân tộc học quốc gia và quốc tế mà tôi cần tham khảo. Giáo sư nói: “Cháu sống và làm nghề viết ở Tây Nguyên, nếu không ít nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa, căn tính người bản địa thì bài viết sẽ nhạt nhẽo, đi bên rìa, không thể cung cấp cho người đọc những lớp trầm tích thú vị bên trong...”. GS Phạm Đức Dương tạ thế từ lâu, nhưng tôi đã ghi vào đầu lời dạy của bậc thầy khả kính, và bao nhiêu năm qua vẫn tìm đọc, suy ngẫm về những tác giả, những công trình mà ông tâm huyết chỉ giáo, giới thiệu. Dù kiến văn và khả năng của bản thân có hạn, chưa thể làm những điều tốt hơn, nhưng tôi biết rằng, tình yêu và sự gắn bó với vùng đất và con người ở nơi chốn này từ những cuộc tiếp xúc như thế đã được nhân lên.
Vâng, không chỉ tôi mà bạn bè tôi và bất cứ ai muốn có những kiến thức đầu tiên về văn hóa các tộc người Tây Nguyên không thể không tìm đến những con người lừng danh mà những khảo cứu của họ đã trở thành mẫu mực. Những học giả người Việt đầu tiên nghiên cứu có chủ đích về các sắc tộc bản địa vùng này phải kể đến Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi bằng tác phẩm “Mọi Kon Tum” rồi Toan Ánh và Cửu Long Giang với công trình “Cao nguyên miền Thượng”. Trước và sau khi ra đời Viện Viễn Đông bác cổ, đã có rất nhiều học giả người Pháp đã đến Việt Nam và chọn miền thượng du Trung phần làm nơi chốn ký thác tâm huyết và trí tuệ, các tên tuổi với những công trình lớn về dân tộc học Tây Nguyên đã hình thành trong thời kỳ này.
Để có những khảo cứu vô cùng giá trị như “Rừng, đàn bà, điên loạn - Đi qua miền mơ tưởng Gia Lai”, “Pơtao - một lý thuyết về quyền lực ở người Jơrai Đông Dương” hay “Xứ Jơrai”, giã từ nước Pháp văn minh, Jacques Dournes đã dành những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho vùng đất của bộ tộc này thời đời sống hoang dã. Nhà dân tộc học xuất thân linh mục đã cải đạo của mình để theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, sống hòa trong đời sống đồng bào. Người bản địa không gọi ông bằng cái tên tiếng Pháp mà họ gọi Dournes bằng bản ngữ là Đam Bo - người đàn ông tóc trắng. J.Dournes nói thạo năm thứ tiếng của các tộc người, đóng khố cởi trần, lấy vợ bản địa và ròng rã 20 năm sống với buôn làng. Ông viết về tộc người Jơrai như chính người Jơrai kể chuyện chính mình chứ không phải là cái nhìn suy luận, áp đặt từ bên ngoài vào. Ở vùng Nam Tây Nguyên, những người già chưa quên hình ảnh chàng trai Pháp Georges Condominas, người đã xin già làng buôn Sarluk của người M’nông Gar bên dòng K’rông Anô được làm ngôi nhà sàn lợp bằng cỏ tranh và sống ngay tại làng, được nói tiếng M’nông Gar, được lên rừng săn thú, hái lượm, được xuống suối bắt cá, được tiễn đưa người chết và dự phạt vạ. Với ba năm làm người Sarluk “trong mơ cũng nói tiếng M’nông Gar thay cho tiếng Pháp”, và sau đó nhiều lần trở lại, G.Condominas đã cùng dân làng khai quật bộ đàn đá tiền sử có từ hơn 3000 năm trước, một phát hiện chấn động giới khảo cổ trên toàn thế giới. Ông cũng là người tạo nên bộ khảo cứu làm giới dân tộc học châu Âu sửng sốt “Chúng tôi ăn rừng Đá - Thần Gô”, công trình được đánh giá là một mẫu mực về sự cách tân trong phương pháp tiếp cận dân tộc học. Một người đến Tây Nguyên trước G.Condominas là Henri Maitre. Người đàn ông tài hoa và tâm huyết này đã bỏ xác giữa rừng thiêng Tây Nguyên bởi những sự hiểu nhầm đau lòng sau khi đã hoàn tất công trình nổi tiếng “Rừng người Thượng”. Cùng thời với H.Maitre là L.Sabatier. Không nói đến chức phận của một viên Công sứ, người ta nhớ đến Sabatier chính là người đầu tiên phát hiện sử thi Đam San, một sử thi hùng vĩ của người Tây Nguyên và ông cũng là người đầu tiên hệ thống hóa bộ Luật tục Ê Đê. Linh mục Gioan Cassaigne trong quá trình trải nghiệm cùng những bệnh nhân phong ở vùng cao nguyên D’Jiring ở phía Lâm Đồng cũng đã sưu tầm bộ Luật tục Cơ Ho và công phu dịch bộ luật tục đó qua ngữ hệ Latinh...
Những cái tên của những người yêu Tây Nguyên đắm đuối. Những bộ khảo cứu lừng danh hình thành sau quá trình gắn bó mật thiết với không gian rừng. Những nguồn tâm huyết và năng lượng tràn trề khi đối diện hay hòa mình với các tộc người sinh tồn ngàn đời giữa thiên nhiên hoang dã. Những gì họ công bố đã đặt những nền tảng cơ bản. Đó là nguồn tư liệu quý giá, nguồn kiến thức dồi dào, nguồn cảm hứng bất tận cho những ai muốn tiếp cận với xứ sở đầy huyền bí và hấp dẫn này. Dù cách xa thời đại mà họ từng sống, từng cống hiến, nhưng tôi luôn nghĩ và cảm về họ bằng sự biết ơn. Các học giả người Việt, người Pháp vừa kể trên đây đã về với đất sâu xa xôi, nhưng những trước tác mô tả sinh động đời sống, sản xuất, văn hóa, tâm linh... của các tộc người Tây Nguyên vào hồi đầu thế kỷ trước của họ còn đây như minh chứng về những hành trình khám phá không mệt mỏi. Mỗi khi đến với một địa danh nào đó ở xứ sở này, tôi lại xúc động khi lật lại những trang khảo cứu và lần theo vết chân của những bậc thức giả đã dành thời gian, sức lực và tài năng cho những khai mở đầu tiên về dân tộc học ở xứ sở đại ngàn...
* * *
Trần Quốc Vượng, tên của vị giáo sư Sử học nổi tiếng ấy không chỉ được nhắc đến như “một uy tín khoa học” được thời gian kiểm chứng mà còn là “một nguồn cảm hứng” với những người đam mê lịch sử và văn hóa. Giáo sư qua đời đã gần thập kỷ, nhưng tên của ông thì các thế hệ học trò luôn nhắc. Tôi nhớ, lần đầu tiên được gặp và hỏi chuyện cố giáo sư là vào năm 1995, người dẫn tôi đến với ông là nữ thi sĩ Thảo Phương, tác giả tập thơ “Người đàn bà do đàn ông sinh ra” nổi tiếng. Mới đó mà cả hai nhân vật vừa nhắc đã là người thiên cổ. Trong cuộc rượu bên lề một hội thảo ở Buôn Mê Thuật, giáo sư Vượng chăm chỉ nâng chén hơn là giải đáp những thắc mắc của thằng bé con cái gì cũng muốn biết. Nếu tôi hỏi về âm nhạc dân gian Tây Nguyên, cụ Vượng bảo: “Cái này cậu hỏi Tô Ngọc Thanh, lão ấy sâu”. Nếu tôi hỏi về các bộ luật tục, cụ lại bảo: “Cái này Ngô Đức Thịnh làm kỹ”. Nếu tôi hỏi về văn hóa sử thi, cụ lại chỉ: “Phan Đăng Nhật rất rành khoản này”. Rồi cũng giống như cố giáo sư Phạm Đức Dương, cố giáo sư Trần Quốc Vượng lại bảo tôi giở sổ tay viết nhanh một danh mục sách trong khi cụ vẫn nhiệt tình nâng chén. Dù không biểu đạt nhiều bằng lời nhưng phong thái ấy, cốt cách ấy và tầm hiểu biết sâu sắc của cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã tạo cho người đối diện sự tin cậy và cảm hứng lan tỏa.
Cụ Vượng là người thông thái thích đùa, mà ai thông thái lại không thích đùa. Học trò thì không đếm xuể và luôn kính cụ như thánh, những gì họ nghe được từ cụ đều là lời vàng, ý ngọc. Cũng có khi, những câu đùa trong cuộc vui của giáo sư lại rất tai hại. Ví như có lần xe chở cố giáo sư Vượng đi qua một ngọn núi ở Đạ Huoai (Lâm Đồng), thấy cái chóp đá thuôn thuôn, cao cao trên đỉnh núi, cụ Vượng phán: “Đó là cái Linga to nhất châu Á”. Thế là thỉnh thoảng đâu đó, tôi lại được đọc câu “cái Linga lớn nhất châu Á đang ở miền rừng núi Đạ Huoai, Lâm Đồng”. Nói thế để hiểu thêm về tầm ảnh hưởng của cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa nước nhà.
Ngày miền Nam giải phóng, nhiều học giả phía Bắc lần đầu tiên có điều kiện điền dã, thâm nhập thực tế với văn hóa Tây Nguyên, trong đó có GS-TS-nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh. Trong lần tiếp xúc đầu tiên, ông kể với tôi, mấy ngàn trang tư liệu và rất nhiều băng cassettes, mà đặc biệt nhất là những băng thu âm thô về âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã được ông thực hiện trong những chuyến công tác khởi đầu ấy đã trở thành nguồn vốn căn bản cho đến bây giờ. Cùng hành trình với Tô Ngọc Thanh, GS-TSKH Phan Đăng Nhật lại mê mải “lạc” vào kho tàng sử thi. GS Ngô Đức Thịnh thì chăm chú nghiên cứu luật tục nên nhiều tháng, nhiều ngày ngồi chứng kiến hội đồng già làng các tộc người xử tội, phạt vạ. GS - nhạc sĩ Tô Vũ thì thức uống rượu cần trắng nhiều đêm với đồng bào để ghi những làn điệu dân ca. Các giáo sư Hà Văn Tấn, Hoàng Xuân Chinh đặt bàn tay lên khắp Tây Nguyên để lắng nghe, kiếm tìm những trầm tích ẩn sâu trong lòng đất. Các giáo sư Mạc Đường, Phan Huy Lê truy tìm những nghi vấn khoa học bằng những dẫn luận lý thuyết vén dần những bức màn bí ẩn...
Thật may mắn, trong hành trình học hỏi của mình, tôi đã có được những lần tiếp xúc quý giá với các vị ấy, lúc ở Đà Lạt, khi Buôn Mê Thuột, dịp Plâyku. Có buổi chiều mưa ngồi dưới hiên nhà GS - nhạc sĩ Tô Vũ bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở TP Hồ Chí Minh nghe cụ hát Ayray, Kơứt, hay buổi tối giữa quán cà phê ồn ào giữa Thủ đô Hà Nội được GS-TS Ngô Đức Thịnh giảng giải thêm nhiều điều thú vị về luật tục Tây Nguyên. Những câu chuyện với các chuyên gia hàng đầu ngành sử, dân tộc học, khảo cổ học, âm nhạc dân gian hay folklore tổng hợp... thực sự là những cuộc mà các vị trưởng lão đã “khai tâm, mở trí” cho kẻ ít học, hiểu biết nông cạn. Từ những kiến thức mà các bậc thức giả đã “sấy khô, cô đặc” trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình đã khai mở cho, cùng với những trang khảo cứu vô giá của các trưởng bối, đã giúp cho người viết báo non trẻ ở chốn núi rừng có thêm chút hành trang nhỏ bé khi đến với đồng bào nơi miền đất mà mình yêu quý.
Đó thực sự là những hiểu biết có ích. Chỉ tiếc rằng, kho tàng ấy vô tận mà năng lực tiếp nhận của người học hỏi thì quá non kém. Chưa thể làm những điều tốt hơn, nhưng nguồn cảm hứng đã được gieo thì luôn là những giá trị mà tôi xin tạc dạ trân quý.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/201908/nhung-nguoi-gieo-cam-hung-2958431/