Những người gieo mầm sự sống
Những chuyên viên phôi học gần như sống cùng phòng lab, gác lại niềm vui cá nhân để đổi lấy từng sự sống nhỏ bé được hình thành mỗi ngày.
Nhân ngày Phôi học 25/7, hãy cùng gặp gỡ “những người gieo mầm sự sống”, cùng họ bước vào thế giới thầm lặng nhưng đầy kỳ diệu này.
Không tiếp xúc với bệnh nhân, không nghe những câu chuyện hiếm muộn đầy day dứt, cũng chẳng được ôm lấy những em bé khỏe mạnh chào đời... nhưng những kỹ thuật viên nuôi phôi lại là người đầu tiên nhìn thấy một sự sống vừa chớm nở, là người nâng niu những giấc mơ làm mẹ, làm cha, trong từng giọt tinh trùng, từng tế bào trứng.
Chị Phạm Thị Tú Anh, Chuyên viên phôi học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: "Trên kính hiển vi là những chiếc phôi, không nhìn được bằng mắt thường, chúng tôi chưa cảm nhận được. Nhưng khi chúng tôi thấy được em bé qua hình ảnh những chiếc phôi thì đó thật sự là rất kỳ diệu, đặc biệt là những ca hiếm muộn, tinh trùng ít, trứng ít. Và đó cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng".
Có những gia đình chỉ còn duy nhất một phôi, hay gia đình sinh con đầu bị dị tật thì những chiếc phôi này được những người nuôi phôi nâng niu như những viên kim cương. Trong phòng lab, người nuôi phôi nín thở dõi theo từng dấu hiệu sống. Mỗi lần phôi phát triển tốt, đủ điều kiện chuyển là một lần họ vỡ òa, như chính mình vừa cứu lấy một hy vọng cuối cùng của những gia đình hiếm muộn.
Phòng nuôi phôi được xem là trái tim của các trung tâm hỗ trợ sinh sản và những người nuôi phôi phải có nhiệm vụ giữ cho trái tim ấy luôn khỏe mạnh.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng labo hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho hay: "Nhờ sự chuẩn bị rất chu đáo của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, chúng ta đã có thể tạo ra những phôi thai từ những trứng vốn rất khó, kết hợp với những tinh trùng cũng không dễ dàng. Và cuối cùng, điều kỳ diệu đã xảy ra: bệnh nhân đã có em bé. Điều tuyệt vời nhất là chúng ta còn được nhìn thấy em bé trước cả khi bác sĩ trực tiếp bế trên tay. Khoảnh khắc đó không hề khô khan, mà chứa đựng rất nhiều cảm xúc.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng tôi luôn đặt trái tim mình vào, đó chính là trách nhiệm - trách nhiệm để đảm bảo em bé khỏe mạnh, không có bất kỳ lỗi lầm nào và trái tim nhỏ bé ấy vẫn đập đều đặn, liên hồi".
Đằng sau một ca IVF thành công không chỉ có y học hiện đại, mà còn có sự chỉn chu từ những điều tưởng chừng nhỏ nhất. Bởi vì, với những người nuôi phôi, sự sống bắt đầu từ một tế bào thì sự chuẩn bị luôn phải hoàn hảo nhất. Những chuyên viên phôi học gần như sống cùng phòng lab, gác lại niềm vui cá nhân để đổi lấy từng sự sống nhỏ bé được hình thành mỗi ngày.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-nguoi-gieo-mam-su-song-348889.htm