Những người giữ lửa cho nghệ thuật trình diễn dân gian Hoằng Hóa
Hoằng Hóa được biết đến là một vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa. Nơi đây còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc như, hát chèo, ca trù, trống hội cung đình... Có được những văn hóa đặc trưng ấy là nhờ một phần không nhỏ của những nghệ nhân - những người luôn tâm huyết với nghệ thuật dân gian.
Một tiết mục ca trù của nghệ nhân Nguyễn Thiên Hương.
Về mảnh đất có nhiều người nặng lòng với nghệ thuật dân gian, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Như Chi (thị trấn Bút Sơn). Ông được mọi người nhắc đến với cái tên quen thuộc gần gũi - Chi chèo. Một người nổi danh vì đam mê và hết lòng với môn nghệ thuật chèo. Ông Chi sinh năm 1950 và là một người yêu thích chèo từ khi còn tấm bé. Khi lên 18 tuổi, ông xin vào gánh hát chèo của địa phương và được các nghệ nhân truyền dạy. Hơn nửa đời người gắn bó với nghệ thuật chèo, ông đã tự nghiên cứu, sưu tầm và có một khối tài sản “khủng” về tri thức, kỹ năng trình diễn chèo. Ông đã học và biểu diễn thành thạo tới 30 làn điệu chèo cổ và sử dụng điêu luyện nhiều loại nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt... Say chèo, mải miết phiêu lưu trong thế giới chèo nên ông không chỉ là diễn viên, nhạc công mà ông còn là người sáng tác, đạo diễn, biên đạo múa. Trở nên đa tài vậy là nhờ ông Chi đã hoạt động với cái tâm, hy sinh vì nghệ thuật, vì đam mê. Những người đã từng đi diễn cùng, đều phục ông bởi cái tinh thần trách nhiệm, đam mê với nghề. Chưa bao giờ ông ngã giá với nghệ thuật, ông luôn làm không quản khó khăn. Được bao nhiêu tiền bồi dưỡng ông lại dùng để đầu tư cho nghệ thuật, mua nhiều loa, đài, các loại nhạc cụ đàn, trống... phục vụ cho nghệ thuật. Nhớ về giai đoạn còn khó khăn, chèo có nguy cơ mai một, ông cho biết: Để phục vụ các buổi diễn, tôi phải vay mượn tiền để mua dụng cụ biểu diễn. Bởi tôi nghĩ, có trình diễn thì chèo mới có đất sống.
Gắn bó máu thịt với mảnh đất chèo, ông Chi hiểu bản thân phải trân trọng và giữ gìn mạch nguồn văn hóa của quê hương, ông đã từng bước xây dựng phong trào văn nghệ cho địa phương và mang cái tài, cái tâm của mình đi lan tỏa các làn điệu chèo, sức sống của chèo đến với đời sống, với mọi người dân. Vì vậy, ông đã tham gia thành lập Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian Bút Sơn. Với cương vị chủ nhiệm câu lạc bộ ông đã thường xuyên tổ chức các hoạt động, tạo đất diễn cho những người yêu chèo. Đồng thời, truyền dạy tại nhà cho những người yêu thích chèo; phối hợp với các địa phương tổ chức truyền dạy cách chơi các nhạc cụ dân tộc, các điệu múa, hát chèo cho những người yêu chèo và cho các thế hệ sau. Với những đóng góp tích cực cho nghệ thuật dân gian, nhiều năm qua ông luôn nhận được bằng khen, giấy khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, năm 2019, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian – đây được xem là phần thưởng ghi nhận những đóng góp của ông trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Cũng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, chị Nguyễn Thiên Hương, sinh năm 1975, xã Hoằng Phượng xem đây là một món quà ý nghĩa, là động lực, trách nhiệm để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật. Chị Hương sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Những lời ca, nhạc điệu ca trù đã thấm vào máu thịt của chị và nó trở thành một phần không thể thiếu của chị. Chị Hương chia sẻ: Được thấy bà ngoại hát ca trù từ nhỏ nên những câu hát ngấm trong tôi lúc nào không hay. Dù không có cơ duyên theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng cái đam mê, tình yêu với nghệ thuật truyền thống của gia đình, của quê hương thôi thúc tôi phải có trách nhiệm hoạt động để bảo tồn những di sản văn hóa, bảo vệ những làn điệu chèo, xẩm, ca trù của quê hương mình đang sống. Bản thân chị Hương đã khẳng định tài năng của mình qua nhiều sân khấu, nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ say mê với ca trù, chị Hương còn tâm huyết phục dựng môn nghệ thuật chèo - nghệ thuật truyền thống của quê hương. Chị tham gia hát, soạn lời, biên đạo và làm đạo diễn cho các tiết mục văn nghệ tham gia thi diễn, trình diễn tại các sự kiện quan trọng của địa phương. Tuy hoạt động không chuyên song chị Hương đã có những đóng góp to lớn trong sự phát triển của phong trào văn nghệ cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cho địa phương. Đến nay, tại Hoằng Phượng những làn điệu chèo, ca trù đã khẳng định được sức sống bền bỉ của mình. Có được thành công ấy nhờ một phần không nhỏ từ hoạt động truyền dạy của chị Hương. Từ năm 2002, chị Hương chính thức tổ chức truyền dạy các làn điệu truyền thống của quê hương cho người dân. Có những gia đình 3 thế hệ đều tham gia học hát chèo với chị. Và từ đây nhiều người đã đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Tiêu biểu như em Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 1999, xã Hoằng Phượng), hiện đang công tác tại đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Hằng chia sẻ: Em theo học hát với bác Hương từ khi 6 tuổi và tham gia các hoạt động trình diễn nghệ thuật của địa phương. Những kiến thức, kỹ năng bác dạy đã làm nền tảng vững chắc cho em trên con đường phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều người tại huyện Hoằng Hóa đã đóng góp tích cực trong nghệ thuật trình diễn dân gian. Được biết, hiện nay huyện Hoằng Hóa đã có 7 người được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” về loại hình trình diễn dân gian. Các nghệ nhân là những nhân tố quan trọng, tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, đồng thời góp phần lưu truyền và khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Hoằng Hóa.