Những người 'giữ lửa' đồ chơi Trung thu truyền thống
Mỗi món đồ chơi được làm ra là sự kết tinh mồ hôi, công sức, có cả tình yêu, lòng nhiệt huyết, những lo lắng, trăn trở của những người đang 'giữ lửa' đồ chơi Trung thu truyền thống không bị mai một theo thời gian.
Những năm trước đây, Trung thu ngập tràn đồ chơi ngoại nhập hiện đại, sặc sỡ, đồ chơi truyền thống gần như không còn sức hấp dẫn và dần dần đi vào quên lãng. Tuy nhiên, đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn luôn được “giữ lửa” bởi những con người, những gia đình ngày đêm miệt mài làm đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, phỗng đất, ông tiến sĩ giấy, thiên nga bằng bông, diều sáo, đèn ông sao, tò he... Họ đang “giữ lửa” cho đồ chơi truyền thống có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.
Gặp Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi ông đang tất bật hướng dẫn các bạn trẻ làm đèn kéo quân. Năm nay đã ngoài 80 tuổi và có trên 60 năm làm đèn kéo quân nhưng ông Quyền vẫn miệt mài với từng thanh tre, từng mảnh giấy để tạo ra những chiếc đèn kéo quân phục vụ các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ: Ngoài kế mưu sinh, đây còn là tâm nguyện của ông khi muốn thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống của dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một. Ông Quyền rất vui khi thời gian gần đây số lượng người tìm đến đặt mua đèn kéo quân đông hơn. Đây là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của ông vì người dân Việt Nam không quay lưng lại với đồ chơi dân gian truyền thống, cũng là động lực để ông tiếp tục gìn giữ và truyền lại niềm đam mê làm đèn kéo quân cho con trẻ.
Bằng tâm huyết và tất cả tình yêu dành cho nghề làm mặt nạ giấy bồi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1954) và bà Đặng Hương Lan (sinh năm 1960) bên căn nhà nhỏ tại số 73 phố Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hằng ngày vẫn cần mẫn với công việc làm mặt nạ giấy bồi. Ông Hòa, bà Lan luôn cố gắng đưa nghề đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Mỗi dịp Trung thu, ông bà tham gia sự kiện, giới thiệu nghề làm mặt nạ giấy bồi cho lớp trẻ. Nhiều phụ huynh còn tìm đến gặp và cảm ơn ông bà đã giữ nghề, để con họ biết được ngày xưa bố mẹ đã từng có những đồ chơi như thế. Thậm chí đã có bạn trẻ tìm đến tận nhà ông bà để theo học làm mặt nạ giấy bồi…
Gần 60 năm gắn bó với nghề, ông Phùng Đình Giáp, thôn Đông Khê (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) là nghệ nhân cuối cùng nặng lòng với nghề nặn phỗng đất dân gian. Phỗng đất có bề ngoài đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật nặn đất cầu kỳ, công phu.
Theo ông Giấp: Phỗng đất không có nhiều chi tiết phức tạp mà toát lên vẻ dân dã, thanh thoát, đường nét trên tượng phỗng không góc cạnh mà mềm mại, tự nhiên. Màu sắc để vẽ phỗng chỉ là những màu cơ bản gồm trắng, vàng, xanh, đỏ, đen nhưng vẫn giúp phỗng đất trở nên sinh động. Ông Giáp tâm sự, giờ hai vợ chồng tôi già rồi, con cháu cũng đã lớn, mình làm cho vui, cái nghề nó đã ngấm vào máu, vừa là tình cảm vừa có thể giữ gìn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện hồn cốt của làng quê Việt Nam.
“Người phải lòng ông tiến sĩ giấy” - là tên gọi thân thiết mọi người dành cho nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội - một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn lại trong làng vẫn gắn bó với nghề làm ông tiến sĩ giấy. Nặng lòng và tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha, cô Tuyến tâm sự: Bao nhiêu năm nay tôi vẫn cố giữ nghề truyền thống này một phần vì đây là nghề gia truyền không muốn để đến đời mình thì bị thất truyền, một phần cũng là muốn giữ lại những nét đẹp trong ngày Tết Trung thu cho con cháu sau này.
Vào các dịp lễ, Tết, cô Tuyến thường được mời đến các khu vui chơi như Bảo tàng Dân tộc học, nhà cổ 87 Mã Mây hay 38 Hàng Đào hoặc các trường học để dạy cho các em thiếu nhi cách làm ông tiến sĩ giấy. Dù học trò của cô làm ra những sản phẩm chưa được đẹp, chưa đúng chuẩn, nhưng cô nhận thấy sự thích thú của các con khi tự tay làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh. Không những thế, nhiều du khách nước ngoài cũng khá tò mò về ý nghĩa của món đồ chơi này. Đây cũng là một động lực lớn giúp cho cô Tuyến tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông. Ngày nay, trong những mâm cỗ truyền thống vẫn không thể vắng bóng những ông tiến sĩ giấy như một nét đẹp còn lưu giữ trong văn hóa của người dân Việt Nam.
Tâm huyết với công việc đang làm, không đành lòng khi để món đồ chơi gắn với tuổi thơ của bao thế hệ trôi vào dĩ vãng, những nghệ nhân làng nghề đang âm thầm, lặng lẽ “giữ lửa” đồ chơi Trung thu truyền thống để những loại đồ chơi này có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam. Nhờ có họ mà đồ chơi dân gian truyền thống không bị mất đi, từ đó trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với đồ chơi xưa, tìm hiểu về nó, thích thú, yêu mến nó và có một tuổi thơ đúng nghĩa.