Những người giữ lửa nghề cào, đãi hến
Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều ngư dân ở dọc sông Trường Giang (H. Núi Thành, Quảng Nam) phải dầm mình dưới nước cào hến kiếm tiền trang trải. Công việc tuy vất vả, có ngày làm chưa đủ ngày công, nhưng họ vẫn bám nghề suốt mấy chục năm qua. Cũng từ đó, nghề đãi hến cũng phát triển như một nghề truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.
Ông Bảo cùng nhóm thợ cào hến trên sông Trường Giang suốt mấy chục năm qua.
Nhọc nhằn mưu sinh
Chúng tôi có dịp được theo chân nhóm thợ cào hến của ông Phạm Văn Bảo (55 tuổi, trú TP Tam Kỳ) trải nghiệm một ngày mưu sinh trên sông Trường Giang. Tiếp nối nghề của cha, ông Sơn đã có kinh nghiệm cào hến hơn 30 năm. Khi trời còn chưa sáng tỏ mặt người, họ đã chuẩn bị ghe, dụng cụ đi cào hến dọc sông Trường Giang. Nhìn dòng sông, ông Bảo tâm sự: "Bây giờ chúng tôi phải xuôi theo con sông ra ngoài huyện Thăng Bình cào hến. Bởi nơi đó có nhiều đoạn sông hẹp, rớ nhiều nên ghe cào hến ít chạy vào, nhờ vậy hến mới còn nhiều. Nghề này thì đi theo con nước, phải đúng thời điểm nước xuống, hến nổi mới cào bắt được. Chúng tôi thường không cào hến ở một dòng sông mà thường đi nhiều nơi khác nhau lắm. Cái nghề này vất vả, cơ cực lắm, nhưng vẫn phải làm, tất cả vì miếng cơm manh áo".
Cặm cụi chuẩn bị dụng cụ cào hến, anh Hồ Văn Tâm (33 tuổi) cười bảo: "Cào hến phải đi thụt lùi, vợt lưới cào sâu xuống bùn vì hến ở dưới đó. Khi đầy bùn thì chao rửa sạch, loại bỏ rác ra ngoài rồi cho hến vào bao". Nói xong, anh Tâm lội ra giữa dòng sông, rồi cắm sào ghìm xuồng và bước giật lùi dưới đáy sông mà cào. Bước một quãng, anh lại ngoi lên vừa lấy hơi vừa giũ vợt cho bớt bùn đất bám vào hến, xách lên những mớ hến lẫn sỏi đá, cành cây mục và rác.
Ngâm mình trong dòng nước đục ngầu cào hến, anh Nguyễn Tiến (34 tuổi) trải lòng: "Điều sợ nhất với người theo nghề này là giẫm phải vỏ hến, vỏ ốc găm vào chân, tay tứa máu ra. Hôm sau xuống nước chỗ vết thương ấy rất đau. Nhiều người bị mưng mủ, tấy đỏ phải nghỉ ở nhà cả một thời gian dài. Rồi chưa nói những bệnh ngoài da, trong làng đã có nhiều người phải bỏ nghề vì các bệnh về xương khớp".
Sau một buổi cào vất vả, nhóm ngư dân cào hến phải sàng sẩy cho sạch đất, sỏi, rong rêu rồi lọc phân loại ốc, hến thành những loại riêng. Công việc này tuy nhìn đơn giản, nhưng tốn rất nhiều thời gian và công sức do lượng bùn bám trên vỏ hến chắc, phải vừa sàng, vừa rửa mới đủ sạch. Nhặt, đãi đến chiều, các thợ cào kiếm được lưng chừng bao hến, rồi vội vác bao lên đường. Điểm đến là các lò chế biến hến nằm ven sông. Chủ lò cân hến, rồi phân loại, hến lớn giá chừng 50.000 đồng/ang (8kg), loại nhỏ, giá chỉ chưa bằng phân nửa. Cả ngày làm việc vất vả, nhóm thợ cào hến của ông Bảo thu được mỗi người từ 350-500.000 đồng. Ông Bảo phấn khởi tâm sự: "Hôm nay được chừng này là trúng, nhiều bữa cào hến không đủ ngày công. Nghề mà, phải có lúc này lúc khác chứ…".
Bà Nga chia sẻ kinh nghiệm trong việc đãi hến.
"Giữ lửa" nghề
Hiện nay, làng hến Tân Phú có hơn chục hộ theo nghề cào hến và có gần 5 cơ sở trực tiếp tách ruột hến bán ra thị trường. Chúng tôi đến lò nấu hến của bà Trần Thị Thêm (50 tuổi) nằm trong làng Tân Phú (TP Tam Kỳ) đang đỏ lửa. Lò nấu hến của bà Thêm được lợp tôn nằm sát bờ sông và đã hoạt động hơn 20 năm qua. Mỗi ngày lò của bà Thêm thu mua khoảng 5 tấn hến, có 5 người làm việc. Mỗi ngày lò của bà Thêm tách được từ 300 đến 400 ang hến, loại nhỏ bán 60.000 đồng/kg, loại lớn 70.000 đồng/kg.
Có thâm niên hơn 20 năm làm nghề tách ruột hến, bà Trần Thị Nga (60 tuổi) chia sẻ, 7kg hến vỏ, lấy được 1kg hến ruột, mà phải "ba lần sôi, hai lần trào", rồi đều tay đãi đằng cho tách vỏ. Khi hến đạt độ chín thì dùng vợt vớt hến ra khỏi nồi để thợ đãi tiếp tục tách ruột hến. Muốn đãi được hến đòi hỏi người thợ phải chịu khó, tỉ mẩn đưa sang nhịp nhàng tránh làm hến bị dập nát. Thường tiếp xúc với hến, mẻ chai, vật sắc nhọn nên thợ đãi hến phải đeo găng cao su bảo vệ. Ruột hến mới tách vẫn chứa nhiều chất bẩn. Để loại bỏ, người thợ cho vào chậu nước muối đảo nhiều lần, đến khi hến được sạch, màu trong đẹp mắt là đã đạt yêu cầu. "Nghề làm hến không khó nhưng không phải ai cũng làm được. Những người như tôi luôn làm việc trong môi trường khói, lửa, hơi nước bốc nghi ngút nên phải đeo khẩu trang thường xuyên. Một ngày chịu khó làm thì tôi có thể thu nhập được hơn 300.000 đồng", bà Nga tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Hựu (50 tuổi) chia sẻ, mỗi ngày 5 người có thể đãi được 300 - 400 ang hến vỏ. Tiền công được trả 3.000 - 4.000 đồng/ang. Trung bình một ngày bà có thể thu nhập được 300 - 400.000 đồng. Những tháng được mùa, có thể thu nhập cao hơn. "Khi mới làm, tôi cũng thấy có nhiều vất vả, nhưng lâu rồi thành quen. Với nghề nấu hến này, chúng tôi cũng phải chăm chú làm cho sạch sẽ rồi mới bán được. Giá được tiểu thương bán lẻ ngoài chợ rơi vào 80 - 100.000 đồng/kg. Ruột hến chứa nhiều vitamin B12 và sắt nên có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, mát, bổ dưỡng như: Xào xúc bánh đa, nấu lẩu, cháo, cơm hến... nhất là vào những ngày cận Tết", bà Hựu nói.
Từ những lò lửa nhỏ này, hến đi đến muôn nơi, theo chân thương lái ra Đà Nẵng, ngược vào Quảng Ngãi, tỏa đi các chợ gần xa. Lửa lò đãi hến đỏ quanh năm, cũng là nguồn sống của hàng trăm lao động nơi đây. Sau thời gian "giữ lửa", phát triển nghề đãi hến, nay làng Tân Phú không còn là xóm nghèo như xưa…
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-nguoi-giu-lua-nghe-cao-dai-hen-post260935.html