Những người góp sức lớn vào thành công trong phẫu thuật
Nếu như Ether - loại thuốc gây mê đầu tiên trên thế giới được ca ngợi là 'món quà vĩ đại nhất từng được tạo ra cho nhân loại đang thống khổ' thì bác sĩ (BS) gây mê được xem là 'nhạc trưởng' trong việc sử dụng, điều chỉnh liều lượng các loại thuốc gây mê, giúp những ca phẫu thuật đi đến thành công mà ít làm tổn hại đến bệnh nhân.
Những ca phẫu thuật càng lớn, bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền nguy hiểm hay những ca sơ sinh với thể trạng nhẹ cân thì vai trò của BS gây mê càng quan trọng.
Phối hợp nhịp nhàng cùng BS phẫu thuật
BS gây mê là người chịu trách nhiệm gây mê toàn thân hoặc chỉ gây mê một vùng nhất định trên cơ thể bệnh nhân để BS phẫu thuật và các BS khác tiến hành phẫu thuật.
BS CKI Nguyễn Văn Toàn, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, anh là BS phẫu thuật, chuyên về chấn thương sọ não. Hàng năm, anh cùng ê-kíp thực hiện thành công hàng trăm ca phẫu thuật, trong đó có nhiều ca rất khó. Để có được kết quả này, ngoài tay nghề, sự nỗ lực của ê-kíp phẫu thuật, phải kể đến công lao rất lớn của đội ngũ BS, kỹ thuật viên gây mê, hồi sức như BS Nguyễn Văn Mạnh, BS Lưu Nữ Trường Xuân, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Kim Hằng…
TS-BS PHAN TÔN NGỌC VŨ, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay: “Ngày nay, ngành Gây mê hồi sức đã tiến bộ rất nhiều. Bệnh nhân có thể tỉnh sớm, xuất viện sớm, giảm biến chứng, giảm chi phí điều trị hoặc có thể xuất viện ngay sau ca mổ hay không phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, tay nghề của BS gây mê”.
BS gây mê cho bệnh nhi đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu về nhi khoa, bởi nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi, trẻ sơ sinh nhẹ ký, thể trạng yếu, bị các bệnh nền nguy hiểm như tim bẩm sinh cần được gây mê rất cẩn trọng. BS gây mê phải túc trực theo dõi bệnh nhi sát sao trước, trong và sau mổ, không được phép lơ là. Có nhiều ca mổ, BS gây mê phải đứng liên tục trong nhiều giờ liền. Có những ngày, họ phải làm việc liên tục trong 24 giờ.
Mới đây, ê-kíp phẫu thuật và ê-kíp gây mê hồi sức của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho nam bệnh nhi 12 tuổi, ngụ xã Phú Điền (H.Tân Phú), bị áp xe não trên nền bệnh tim bẩm sinh. Bệnh nhi nhập viện cấp cứu với triệu chứng sốt cao, co giật, lơ mơ. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, các BS phát hiện bệnh nhi có ổ mủ khá lớn nằm ở bán cầu não phải, to bằng quả trứng gà, gây chèn ép não, đẩy lệch não qua trái, có nguy cơ vỡ vào não thất, có thể tử vong trong 1-2 ngày sau đó nếu không được phẫu thuật kịp thời.
Do vậy, ngay trong đêm, các BS của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi. Theo BS Toàn, một vấn đề rất đáng lo ngại là bệnh nhi có bệnh nền tim bẩm sinh nặng chưa được điều trị kèm hội chứng Down nên quá trình gây mê để phẫu thuật rất khó khăn. Độ bão hòa oxy trong máu thấp, sau khởi mê, bệnh nhi rơi vào trạng thái tím tái.
“Các BS gây mê phải liên tục điều chỉnh các thông số cho phù hợp, khoảng 5 phút sau, tình hình bệnh nhi ổn, chúng tôi mới an tâm và bình tĩnh để phẫu thuật, dẫn lưu hết mủ ra ngoài não cho bệnh nhi thành công” - BS Toàn chia sẻ.
Xem bệnh nhân như người thân
BS CKII Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, trước mỗi ca mổ, BS gây mê phải tiếp xúc với bệnh nhân, nắm được những bệnh nền mà bệnh nhân có thể mắc phải như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch và các xét nghiệm chẩn đoán của bệnh nhân. Từ đó đề ra kế hoạch, tối ưu hóa tất cả các vấn đề trước mổ cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân an tâm về ca mổ.
Trong ca mổ, ngoài việc quyết định phương pháp vô cảm cũng như sử dụng các loại thuốc mê để bệnh nhân không cảm thấy đau đớn, BS gây mê phải theo dõi sát chức năng sinh tồn của bệnh nhân (mạch, nhịp thở, huyết áp, nhịp tim) và điều chỉnh cân bằng điện giải giúp bệnh nhân ổn định trong cuộc mổ, giúp BS phẫu thuật an tâm để phẫu thuật.
“Với những ca mổ lớn, mổ khó như mổ tim, nếu gây mê không tốt, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Do vậy, ê-kíp gây mê, chạy máy phải cực kỳ tập trung, không được phép để xảy ra sai sót” - BS Định nói.
Sau mỗi ca phẫu thuật, bệnh nhân được đưa ra phòng hồi sức. Lúc này, BS gây mê phải theo dõi mức độ hoạt động của bệnh nhân như vấn đề hít thở, tuần hoàn, mức độ tỉnh táo và mức bão hòa oxy, sự phục hồi vận động. Ở khu vực này, các tai biến thường xảy ra nên BS gây mê phải theo dõi sát và phát hiện, xử trí kịp thời các tai biến do gây mê, gây tê và do phẫu thuật gây ra.
BS Định chia sẻ thêm, với khối lượng công việc như hiện nay, nhân lực trong khoa (hiện có 13 BS, 25 kỹ thuật viên cùng nhiều điều dưỡng dụng cụ, hồi sức) chưa đáp ứng đủ. Vì vậy, có những thời điểm nhân viên trong khoa rơi vào quá tải, có khi một BS gây mê hồi sức phải đứng trực 4 bàn mổ, chưa kể đến những công việc khác cũng cần đến BS gây mê.
Nói về lý do chọn chuyên ngành gây mê, BS Định tâm sự, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược Huế năm 2007, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, được lãnh đạo bệnh viện cử đi học chuyên sâu về gây mê. Càng làm, anh càng cảm thấy chuyên ngành này có sự cuốn hút đặc biệt. Nhưng điều để lại nhiều cảm xúc nhất đối với BS Định và nhiều BS gây mê khác không phải là khi bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện mà là khi bệnh nhân không thể qua khỏi vì bệnh quá nặng.
“Những lúc đó, bản thân tôi cảm thấy bất lực vì không thể làm được gì hơn cho bệnh nhân. Hình ảnh bệnh nhân ngưng tim ngay trên tay mình khiến tôi vô cùng bứt rứt. Để điều đó không lặp lại, tôi luôn phải trau dồi kiến thức, kỹ năng, tay nghề. Đồng thời nhắc nhở BS, nhân viên trong khoa phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phải ý thức được việc mình đang làm có tác động trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người bệnh. Phải xem bệnh nhân như chính người thân của mình, xem họ đau đớn cũng như mình đau đớn, để từ đó đi sâu, đi sát, làm tốt nhiệm vụ được giao” - BS Định bộc bạch.