Những 'người hùng' áo vàng trên bãi biển Đà Nẵng
Gần 15 năm làm công tác cứu nạn bãi biển Đà Nẵng, anh Lê Minh Nghiệp thuộc Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà, không nhớ nổi đội cứu nạn đã cứu bao nhiêu người khỏi lằn ranh sinh - tử.
Tại Đà Nẵng có một đội quân áo vàng luôn túc trực trên bãi biển, trên tay họ luôn cầm chiếc phao cây, miệng thổi còi, mắt liên tục quan sát, nhắc nhở du khách.
Đội cứu nạn biển Đà Nẵng hiện có 94 người, chia làm 19 tổ công tác, trải dài hơn 30km dọc hai tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Nguyễn Tất Thành. Họ có nhiệm vụ hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho người dân và khách tắm biển.
Bén duyên với nghề cứu nạn
Hơn 4h sáng, khi thành phố vẫn đang chìm trong giấc ngủ, anh Phạm Minh Ngọc (SN 1980, Đà Nẵng) đã rời khỏi nhà đến bãi biển.
Công việc của anh bắt đầu bằng việc quan sát dòng nước, tiến hành cắm cờ giới hạn khu vực được tắm, cắm cờ và bảng cấm tắm tại khu vực nguy hiểm, triển khai các loại dụng cụ khác như ghế quan sát, phao, ván lướt… Sau đó, anh hướng dẫn khách tắm đúng vị trí an toàn. Mùa hè, công việc này sẽ bắt đầu sớm hơn và kết thúc vào lúc 19h tối.
Anh Ngọc kể, anh vốn làm nghề đi biển đánh bắt cá. Hằng ngày ra biển, nhìn thấy đội cứu hộ làm việc, anh mong một ngày nào đó được đứng vào đội ngũ này. Cách đây 4 năm, khi nghe tin ban quản lý bãi biển có đợt tuyển chọn, anh liền nộp hồ sơ ứng tuyển. Trong cuộc thi bơi, anh đã vượt qua nhiều thí sinh khác để trở thành nhân viên cứu hộ.
Khác với nghề đi biển, bất kể thời tiết mưa gió hay dịp lễ, Tết, anh luôn phải túc trực ở bãi biển để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Ngoài bơi, lặn, am hiểu về biển, dòng chảy, anh và đồng đội còn phải có kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý tình huống.
Anh Ngọc vừa dõi mắt quan sát du khách đang tắm biển vừa nói: “Mùa này càng phải chú ý hơn vì sóng to, dòng nước chảy nhanh, chỉ sơ sểnh chút thôi là du khách có thể đối mặt với nguy hiểm”.
Cũng giống như anh Ngọc, cũng vì yêu thích mà anh Lê Minh Nghiệp (sinh năm 1979) đã có gần 15 năm trong nghề cứu hộ bãi biển.
“Chúng tôi làm việc từ mờ sáng đến tối muộn mới về nhà. Nếu không yêu nghề có lẽ không gắn bó được lâu như thế bởi mức lương của anh em chỉ khoảng 5-6 triệu đồng”, anh Nghiệp nói.
Anh Nghiệp chia sẻ, nhiều người vẫn nghĩ nghề cứu hộ đơn giản, nhàn hạ nhưng thực ra lại rất căng thẳng, không ít nguy hiểm. Bởi vì khi xảy ra tai nạn đuối nước, nạn nhân sẽ mất bình tĩnh, hoảng loạn, có những hành động ôm, ghì gây nguy hiểm cho cả nhân viên cứu nạn.
Cũng theo anh Nghiệp, mặc dù anh em đã cắm cờ, giăng phao khu vực tắm an toàn nhưng có nhiều khách ham chơi, vẫn bơi vượt qua. Chính vì thế, anh luôn tự nhắc nhở bản thân, trong công việc không được lơ là một phút giây, luôn trong tâm thế sẵn sàng.
“Những lúc như vậy, chúng tôi nhắc nhở ngay, hầu hết du khách hợp tác nhưng cũng có những người cố tình không nghe hoặc mắng lại anh em”, anh nói.
Hạnh phúc khi bảo vệ tính mạng mọi người
Gần 15 năm trong nghề, anh Nghiệp không nhớ bản thân và các đồng nghiệp đã cứu được bao nhiêu người qua lằn ranh sinh - tử.
Kể về kỷ niệm vui, buồn đã qua, anh nói, vào một buổi sáng mùa hè năm 2022, anh và đồng nghiệp đang đứng quan sát ở bãi biển, bỗng nghe du khách ở resort cách đó vài trăm mét vừa chạy vừa kêu thất thanh cứu người. Anh cùng đồng nghiệp tức tốc lao đến. Lúc này 2 du khách đang giơ tay chới với, anh nhanh chóng bơi ra, đưa phao cây, kéo được 2 người vào bờ.
“Nhóm du khách có 4 người đi cùng nhau tắm biển lúc 5h sáng thì gặp nạn, chỉ có một người bơi vào được, 2 người suýt nữa bị sóng nhấn chìm nếu chúng tôi không tới kịp.
Hai du khách sau đó được đưa lên bờ sơ cứu trong lúc chờ xe cứu thương tới. Tuy nhiên, một người nữa không may mắn như vậy, khi chúng tôi đến thì đã không tìm thấy đâu”, anh Nghiệp nhớ lại.
“Khi đã xảy ra sự cố chúng tôi chỉ có 4 phút vàng để cứu người, nếu người đuối nước không được đưa lên bờ cấp cứu kịp sẽ bị chết não, tử vong”, anh Nghiệp nói thêm.
Trong khi đó, anh Phạm Minh Ngọc tuy mới vào nghề 4 năm nhưng đã có 2 lần cứu sống được du khách gặp nạn.
Anh Ngọc kể, mới đây khi đang làm nhiệm vụ ở bờ biển tại khu vực đường Hồ Xuân Hương, anh đã cứu sống được nam du khách người Brazil bị sóng cuốn trôi. Nam du khách sau khi được cứu đã ôm chầm lấy anh, liên tục nói cảm ơn.
Một lần khác, nhóm 7 học sinh lớp 8-9 xuống tắm, đùa giỡn và rớt vào chỗ nước xoáy. Khi phát hiện sự việc, anh lập tức thổi còi, báo động để đồng đội đến ứng cứu.
Có 2 em vùng vẫy, đập nước được anh và đồng đội kéo bám vào dây phao. Một em khác bị chìm xuống nước, không còn biết gì, được anh Ngọc túm áo, ôm ngang ngực, bơi ngửa đưa vào bờ.
“Chúng tôi hô hấp nhân tạo và ủ ấm cho các em 30 phút sau mới tỉnh táo. Lần đó chỉ chậm chân vài phút thôi thì không biết hậu quả sẽ như thế nào, thật sự rất may mắn”, anh nói.
Anh Ngọc tâm sự, anh và đồng đội coi cứu người là nhiệm vụ, không ai đo đếm thành tích của mình. “Kết thúc một ngày làm việc, thấy du khách được an toàn, bản thân tôi thấy rất vui, tối đó ăn ngon, ngủ yên”, anh nói.
Công việc cứu nạn vất vả và không ít hiểm nguy nhưng anh Ngọc thấy rất tự hào. Đối với anh, giữ an toàn cho mọi người cũng là cách góp phần làm đẹp hơn hình ảnh du lịch Đà Nẵng. Anh chỉ mong thành phố có chế độ đãi ngộ phù hợp hơn để anh em bám trụ được với nghề.
Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu nạn tại các bãi tắm du lịch biển Đà Nẵng chia sẻ: “Vào giờ cao điểm, công việc của đội đầy áp lực. Với lượng người tập trung quá đông, việc phải căng mắt theo dõi nhất cử nhất động của từng người thực sự là một thách thức đối với nhân viên cứu hộ. Các đội viên phải tập trung tinh thần cao độ để nhận biết ai có nguy cơ gặp nguy hiểm để cảnh báo hoặc ứng cứu kịp thời. Từ năm 2017 đến nay, đội cứu nạn đã cứu được 549 trường hợp an toàn.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-nguoi-hung-ao-vang-tren-bai-bien-da-nang-2246836.html