Những người 'kể sử' ở Đền Hùng
Những hướng dẫn viên du lịch tại khu di tích lịch sử Đền Hùng được coi là 'đại sứ văn hóa', người gắn kết các giá trị văn hóa, lịch sử từ quá khứ tới hiện tại.
Không chỉ được đào tạo chuyên nghiệp, những hướng dẫn viên du lịch ở khu di tích lịch sử Đền Hùng còn không ngừng tự trau dồi kiến thức, kinh nghiệm hay để truyền tải những giá trị lịch sử, văn hóa linh thiêng của vùng đất này tới khách tham quan.
Những hướng dẫn viên du lịch tại khu di tích lịch sử Đền Hùng được coi là “đại sứ văn hóa”, người gắn kết các giá trị văn hóa, lịch sử từ quá khứ tới hiện tại. Họ chính là người “thổi hồn” vào những truyền thuyết, điển tích nơi đây để du khách dễ dàng cảm nhận chiều sâu trầm tích, giá trị lịch sử mà thời gian đã bồi đắp, tạo nên quần thể khu di tích linh thiêng này.
Không chỉ biết rõ về ý nghĩa của từng chi tiết, đường nét kiến trúc quần thể khu di tích lịch sử Đền Hùng, những hướng dẫn viên còn hiểu về đặc điểm hình thành, ý nghĩa, giá trị lịch sử - văn hóa của từng địa danh, không gian nơi đây. Ví như nói về cổng đền của Đền Hùng, các hướng dẫn viên không chỉ nhớ thời gian xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917) mà còn phải biết kết cấu kiến trúc cổng là xây kiểu vòm cuốn cao 8,5 m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống, giữa tầng một có đề bức đại tự “Cao sơn cảnh hành”, nghĩa là “lên núi cao nhìn xa rộng”… Tới đền Hạ, phải kể được sự tích nguồn gốc “đồng bào” gắn với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai được bắt nguồn từ đây. Cứ như vậy men theo hàng trăm bậc đá, ngược gần 175 m lên tới đỉnh Nghĩa Lĩnh, nhiều câu chuyện của các di chỉ, chứng tích lịch sử đều được các hướng dẫn viên khéo léo truyền tải tới du khách thập phương.
Làm hướng dẫn viên ở Đền Hùng khá vất vả bởi đặc thù địa hình khu di tích. Tất cả 8 hướng dẫn viên ở đây đều là nữ, trang phục khi hướng dẫn đoàn là áo dài truyền thống. Đã có kinh nghiệm hàng chục năm là hướng dẫn viên tại Đền Hùng, chị Nguyễn Thị Bích Phượng chia sẻ: "Những lần đầu leo đền hướng dẫn du khách rất mệt và mỏi gối. Có những ngày không chỉ dẫn một đoàn mà còn nhiều đoàn theo đúng lộ trình từ Đại môn về đền Giếng cũng khiến tôi kiệt sức. Nhưng qua nhiều năm rèn luyện với nghề thì không còn cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại, tôi thấy mình dẻo dai, bền bỉ hơn".
Tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, du khách tới đông nhất vào dịp Giỗ Tổ mùng mười tháng ba âm lịch hằng năm. Từ Tết Nguyên đán đến ngày hội mở, đội ngũ hướng dẫn viên làm việc hết công suất. Có những ngày, họ làm việc từ sáng tới chiều tối, đi nhiều tới mức bàn chân phồng rộp, giọng nói khản đi. Nhưng là lực lượng chính phục vụ du khách tìm hiểu về các giá trị lịch sử - văn hóa của Đền Hùng cho nên không ai xin nghỉ vào thời điểm đó.
Đa số các hướng dẫn viên tại khu di tích lịch sử Đền Hùng đều được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Họ không chỉ nắm tốt kiến thức mà còn rèn luyện âm sắc giọng nói, cách thức truyền tải câu chuyện sao cho mới mẻ và hấp dẫn người nghe. Qua thời gian, các hướng dẫn viên tiếp tục góp trữ những câu chuyện mới, kỷ niệm và dấu ấn mới của Đền Hùng. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự kiên trì trau dồi kỹ năng mà còn cần tình yêu và đam mê với nghề. Hướng dẫn viên tại Đền Hùng Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết: Nếu không tự làm mới cách thức truyền đạt, học thêm ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của khách tham quan thì sẽ rất nhanh… chán nghề. Cái gì cũng cần sự học hỏi, đổi mới để tiến kịp với thời đại, làm hướng dẫn viên cũng vậy. Trăn trở để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình tại Đền Hùng chính là nhiệm vụ của một người “kể sử”.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/nhung-nguoi-ke-su-o-den-hung-132449