Những người không 'chém gió', lướt face chắt chiu thời gian nâng niu từng sự sống
Họ làm công việc mà nhiều người nghĩ chỉ có nữ giới mới làm. Họ cũng là những người ít 'chơi' facebook, không biết 'chém gió' trên mạng xã hội. Nhưng chính họ là người từng ngày, từng giờ giữ lại mạng sống, chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân.
Giấc mơ đặc biệt
Biết nghề điều dưỡng nhiều gian nan, vất vả và ít nam giới lựa chọn nhưng ngay từ khi còn là học sinh, anh Đỗ Quốc Định (37 tuổi, ĐD.CKI, khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy) đã ấp ủ khát vọng được sát cánh cùng các y, bác sĩ ngày đêm túc trực cứu người.
"Tôi vẫn nhớ, hồi tôi học cấp 3, ông bà tôi bệnh phải nằm viện. Khi từ viện về nhà, người nhà dù thương ông bà nhưng không biết chăm sóc như thế nào, lúc đó ở quê tôi cũng chưa có ai học nghề điều dưỡng cả. Tôi tìm hiểu nghề điều dưỡng thấy hay nên quyết định chọn", anh Định thổ lộ.
Và anh Định đã cố gắng biến mong muốn thành hiện thực. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp trường Đại học Y dược TP.HCM , anh Định về công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó anh tiếp tục học ngành điều dưỡng hệ đại học và hiện tại hoàn thành học cao học.
Những ngày đầu đi làm, ở trong phòng mổ cùng các bác sĩ, chứng kiến các bệnh nhân bị thương nặng có nguy cơ tử vong, nhất là bệnh nhân trẻ tuổi, mặc dù là nam giới, anh Định trải nghiệm đủ các cung bậc cảm xúc. "Tháng đầu tiên đi làm, có những ca nặng không qua khỏi, tôi cảm thấy mất hết sức lực. Những ánh mắt của bệnh nhân cũng khiến tôi không thể quên. Đó là ánh mắt buồn và thất vọng khi nhìn xuống tay chân và cơ thể mình, chỉ nghe thấy tiếng monitor kêu tít tít. Nhưng rồi, những lo lắng đã sớm được xua tan đi khi tôi nhìn thấy sự hồi phục kỳ diệu của các bệnh nhân "chết đi sống lại", ánh mắt lấp lánh niềm vui của họ khi biết mình còn sống", anh Định hồi tưởng.
Theo anh Định, người bệnh đến Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức lúc hôn mê. Khi tỉnh dậy, người đầu tiên họ gặp sẽ là điều dưỡng. Lúc đó, người điều dưỡng sẽ an ủi, trấn an người bệnh để họ yên tâm bởi nếu không họ sẽ hoang mang, không biết là họ bị gì, tình trạng bệnh hiện như thế nào. "Nếu mình giao tiếp tốt, người bệnh sẽ an tâm điều trị", anh Định nói.
Cũng theo anh Định, anh lựa chọn nghề điều dưỡng và được gia đình rất ủng hộ và tự hào. "Nghề điều dưỡng mọi người thường nghĩ là hợp với nữ giới hơn. Thực tế cũng cho thấy, điều dưỡng nữ tỉ mỉ, dịu dàng, mềm mỏng hơn nam. Tuy nhiên, có những việc của điều dưỡng phù hợp với nam giới hơn ví dụ như điều dưỡng ở phòng mổ, hồi sức. Ngoài việc chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng nam có thể xem xét, phụ trách máy móc hoặc phụ giúp điều dưỡng nữ các công việc nặng, vận chuyển người và vật tư. Gia đình tôi ai cũng ủng hộ tôi theo nghề bởi đây là công việc ý nghĩa, cứu giúp được nhiều người, trong đó có cả những người thân quen của mình".
Thực tế cho thấy, sau ca mổ, các bác sĩ phẫu thuật đã có thể tháo găng nhưng công việc của điều dưỡng gây mê vẫn chưa kết thúc. Lúc này các điều dưỡng gây mê sẽ cùng di chuyển với bệnh nhân đến phòng hồi sức và tiếp tục theo dõi cho đến khi người bệnh ổn định hoàn toàn mới bàn giao cho khoa điều trị. Chăm sóc bệnh nhân thông thường khó một thì những bệnh nhân Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức khó hơn nhiều lần. Công việc điều dưỡng hiện tại của anh Định khi vào ca là nhận bệnh, tiếp đến là xem hồ sơ đánh giá tình trạng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tỉnh sẽ rút nội khí quản, hút đờm, cùng đó là theo dõi và xét nghiệm máu; theo dõi dẫn lưu xem bệnh nhân có chảy máu hay không, có bị suy hô hấp không để phát hiện kịp thời báo cho báo sĩ.
Đi sớm về khuya, công việc dồn dập, nhiều áp lực, ít thời gian rảnh rỗi riêng tư là đặc thù của nghề điều dưỡng. "Có những hôm phẫu thuật cả buổi trưa và chiều, đến 7-8h tối, chưa kể những ngày trực đêm, mổ bất chợt lúc 1 – 2 giờ sáng rồi theo dõi bệnh nhân không chợp mắt" anh Định cho hay.
16 năm gắn bó với công việc điều dưỡng, anh Định không nhớ chính xác mình đã từng chăm sóc được cho bao bệnh nhân bởi trung bình mỗi ngày Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 80 bệnh nhân, mỗi điều dưỡng phải chịu trách nhiệm chăm sóc cho 4-5 người bệnh.
Trong hàng ngàn bệnh nhân ấy, anh Định đặc biệt nhớ về một bệnh nhân nam 32 tuổi. Cách đây 3 năm, bệnh nhân đó bị chấn thương sọ não, hẹp khí quản, phải nhập Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức thở máy kéo dài. Mặc dù bệnh nặng, song bệnh nhân rất hợp tác với bác sĩ và anh điều dưỡng, sau đó bệnh nhân hồi phục tốt và được chuyển sang khu Hồi sức. "Khi đi thăm bệnh nhân trên lầu, mặc dù tôi đeo khẩu trang kín mít nhưng chỉ nghe thấy giọng của tôi, bệnh nhân đó đã reo lên "Anh ơi, em cảm ơn anh đã cứu sống em". Ánh mắt và giọng nói của bệnh nhân đó khiến tôi không thể quên. Hạnh phúc nhất của tôi là vậy", anh Định tâm sự.
"Mày chỉ là y tá, điều dưỡng chứ có phải là bác sĩ đâu..."
Bất kể ngày hay đêm, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn "nóng". Ở khoa này, hầu như ngày giờ nào cũng tiếp nhận các bệnh nhân nên các điều dưỡng liên tục làm việc, chạy như con thoi để thông tin tới bác sĩ mọi chuyển biến về sức khỏe bệnh nhân.. Chuyện ăn uống thất thường của các điều dưỡng cũng thành… bình thường. Tuy nhiên, công việc vất vả đó không phải ai cũng hiểu.
"Có lần, tôi hướng dẫn bệnh nhân tập để mau lành vết thương nhưng bệnh nhân đó không nghe mà gắt lại: "Mày chỉ là y tá, điều dưỡng chứ có phải là bác sĩ đâu mà bắt tao phải làm như thế này thế kia". Nghe bệnh nhân nói vậy, tôi "điếng người" nhưng nín nhịn và ra khỏi phòng", anh Trương Út Lượm, 52 tuổi, điều dưỡng hạng III, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy kể lại.
Theo anh Lượm, 27 năm làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh đã tiếp xúc và theo dõi điều trị cho rất nhiều bệnh nhân, cũng vô số kỷ niệm vui buồn với nghề. Trước câu nói của bệnh nhân trên, anh Lượm chạnh lòng nhưng phải kiềm chế bản thân. "Đấy chỉ là cá biệt thôi. Mỗi lần vậy mình đi chỗ khác, để lâu lâu họ bớt giận, mình sẽ quay lại nói chuyện với họ để họ hiểu ra. Mình là người chăm sóc bệnh nhân, mình hiểu bệnh nhân họ lúc nào cũng lo lắng, thấy người ta vậy mình phải thông cảm. Có người hiểu, họ sẽ xin lỗi, cũng có người sau này nhìn thấy mình họ chỉ cười thôi, có thể họ cũng quên rồi. Chuyện đụng chạm là chuyện bình thường ngoài đời, đâu có phải to tát. Nếu chuyện đó mình để lòng thì chịu sao nổi", anh Lượm vừa cười vừa nói.
Cũng theo anh Lượm, có những chi tiết tưởng rất nhỏ mà điều dưỡng làm như: vỗ lưng, dịu dàng động viên người bệnh tập vật lý trị liệu hay uống thuốc cũng đóng vai trò rất quan trọng bên cạnh sự điều trị của bác sĩ.
Khi được hỏi "điều gì khiến anh gắn bó với nghề điều dưỡng – một công việc mọi người thường nghĩ dành cho nữ giới những gần 30 năm?", anh Út Lượm cho hay, anh sinh ra trong gia đình khó khăn, theo nghề điều dưỡng là cái "duyên". Qua thời gian, anh càng thêm yêu nghề và nhận được sự chia sẻ của gia đình.
"Mỗi khi chăm sóc người bệnh tôi luôn nghĩ đó như người thân của mình. Tôi nhớ mãi trường hợp bé trai 14 tuổi bị ung thư xương, cháu nhập viện trong tình trạng bệnh đã nặng, phải đoạn chi. Hàng ngày chăm sóc cháu, chứng kiến cháu bị đau, tôi thương chảy nước mắt. Tội lắm. Cháu bé đấy cuối cùng đã không qua khỏi …", giọng anh Lượm trầm xuống.
Mình là người nuôi bệnh, mình hiểu bệnh nhân họ lúc nào cũng lo lắng, thấy người ta vậy mình phải thông cảm. Có người hiểu, họ sẽ xin lỗi, cũng có người sau này nhìn thấy mình họ chỉ cười thôi, có thể họ cũng quên rồi. Chuyện đụng chạm là chuyện bình thường ngoài đời, đâu có phải to tát. Nếu chuyện đó mình để lòng thì chịu sao nổi"
Điều dưỡng Trương Út Lượm
Nhìn lại chặng đường gần 30 năm đã đi qua với nghề điều dưỡng, anh Út Lượm tâm sự, những năm tháng chăm sóc các bệnh nhân, mang đến cho anh nhiều tình huống vui buồn nhưng anh thường nghĩ đến những kỷ niệm và khoảnh khắc hạnh phúc với nghề. Đó là khi bệnh nhân từ nặng chuyển thành nhẹ dần, từ thờ ơ với điều dưỡng đến biết nghe lời và cảm ơn. Cùng đó là những lời khen của bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân như: "Anh này chăm sóc bệnh nhân cẩn thận, tốt lắm"; "Anh ấy vừa giỏi lại vui vẻ, hòa đồng". Đây chính là động lực giúp anh Lượm tận tụy và bám nghề bao năm nay.
Cũng như anh Định, anh Út Lượm, nhiều điều dưỡng nam tiếp tục gắn bó với nghề mình đã chọn và hết lòng vì bệnh nhân. Họ có thể thức trắng đêm khi chăm sóc và điều trị bệnh nhân, có thể nhịn đói quên ăn khi làm việc, là chấp nhận gác lại những riêng tư và không có thời gian dành cho vợ con, nín nhịn cái "tôi" của mình. Họ không có thời gian "chơi" facebook, không biết "chém gió" trên mạng xã hội. Nhưng họ sẵn sàng san sẻ những khó khăn với những đồng nghiệp là điều dưỡng nữ. Chính họ là người giữ gìn từng hơi thở và nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân.
Đó là sự hy sinh thầm lặng của những người làm nghề y mà ít người thấy được.
Quan điểm coi điều dưỡng là "công việc của phụ nữ" có nguồn gốc từ lâu và đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người. Florence Nightingale ((1820 – 1910)- người đã thiết lập các nguyên tắc điều dưỡng hiện đại vào những năm 1860, khẳng định rằng bàn tay "cứng và thô ráp" của nam giới "không phù hợp để chạm vào, tắm và mặc quần áo cho các vùng cơ thể bị thương".
Thực tế cho thấy, quan điểm cho rằng điều dưỡng phải là nữ không phù hợp với hiện tại. Trong các bệnh viện, điều dưỡng làm công việc của họ một cách độc lập và là những người đầu tiên ứng phó và hỗ trợ bệnh nhân khi họ gặp vấn đề.
Tại Việt Nam, các bệnh viện đều có điều dưỡng nam mặc dù tỷ lệ này còn thấp. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), điều dưỡng nam chiếm 15,8%. Tổng số điều dưỡng của bệnh viện là 1893 người (nam là 300 người và nữ là 1593 người).
Nếu như điều dưỡng nữ có ưu điểm là tỉ mỉ, dịu dàng, mềm mỏng thì điều dưỡng nam lại có ưu điểm, thế mạnh riêng.
"Điều dưỡng nam làm việc theo kinh nghiệm chứ không cảm xúc. Điều dưỡng nữ thường làm việc theo cảm xúc, ví dụ như: bữa nay con ốm, con đau, gây lộn với chồng... Tâm trạng của người nữ bị chi phối bởi cảm xúc nhiều hơn nam. Trong khi đó, điều dưỡng nam họ làm theo kinh nghiệm, trình độ và đam mê của họ, khả năng chi phối cảm xúc ít. Bên cạnh đó, điều dưỡng nam cũng thường nhanh nhẹn, hoạt bát hơn nữ. Họ có thể sử dụng máy móc nhanh và hỗ trợ điều dưỡng nữ các công việc nặng như vận chuyển bệnh nhân....", (ĐD.CKI Nguyễn Thị Kim Hiệp - Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy) nhận định.