Những người không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe mà không bị phạt

Đội mũ bảo hiểm là quy định bắt buộc đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe máy điện. Tuy nhiên, có một số trường hợp không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông mà không bị phạt.

3 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy mà không bị phạt

Căn cứ theo Khoản 3, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a, b, Khoản 4, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.

+ Chở người ngồi trên xe không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, trong mọi trường hợp người điều khiển phương tiện đều phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng cách. Còn người ngồi sau có thể không đội mũ bảo hiểm nếu thuộc một trong 3 trường hợp:

- Chở người bệnh đi cấp cứu;

- Trẻ em dưới 06 tuổi;

- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không bị phạt. Ảnh minh họa: TL

Theo quy định trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không bị phạt. Ảnh minh họa: TL

Vì sao phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông?

Đa số những loại mũ bảo hiểm đều được bọc bên ngoài bởi lớp nhựa cứng, phần bên trong có xốp. Khi xảy ra va đập thì lớp vỏ bên ngoài và bên trong sẽ giúp phân tán bớt lực đập, giảm phần lực tác động lên phần sọ não giúp bảo vệ tính mạng người tham gia giao thông.

Đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông mang đến những công dụng và lợi ích

Giảm bớt các chấn thương não bộ: Đội mũ bảo hiểm sẽ giúp bảo vệ vùng đầu và phân tán lực, giảm bớt lực tác động vào đầu, hạn chế được những chấn thương ở vùng đầu.

Bảo vệ tính mạng cho người đội: Đội mũ bảo hiểm giảm thiểu hậu quả do tai nạn giao thông gây ra khi tham gia giao thông đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy.

Cách chọn mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Chọn mũ sản xuất đúng kiểu cách quy định

Căn cứ vào quy chuẩn QCVN2:2008/BKHCN, một chiếc mũ bảo hiểm chất lượng tốt, đạt chuẩn sẽ có các yếu tố như sau:

Xác định theo vùng che phủ, sẽ có ba loại: Mũ 1/2 che nửa đầu giúp bảo vệ vùng đầu ở trên, mũ 3/4 che đầu và tai giúp bảo vệ vùng tai đến đầu, mũ che toàn bộ gương mặt giúp bảo vệ đầu, tai và cằm của người đội.

Xác định theo chu vi vòng đầu, gồm ba loại: Mũ có chu vi vòng đầu >500 mm, mũ có chu vi vòng đầu từ 500 mm - 520 mm, mũ có chu vi vòng đầu từ >520 mm.

Độ dài của lưỡi trai: Lưỡi trai có thể gắn mở thì độ dài không quá 70 mm và góc nghiêng tránh ảnh hưởng đến góc nhìn. Lưỡi trai gắn liền với vỏ mũ thì độ dài tính từ điểm kết nối không được lớn hơn 50 mm và góc nghiêng tránh ảnh hưởng đến góc nhìn.

Mũ có phần cứng xung quanh: Phần nhô dài không được quá 20 mm.

Kích thước mũ vừa với kích cỡ đầu

Mũ bảo hiểm có kích thước vừa với kích cỡ đầu sẽ mang đến sự thoải mái và an toàn khi di chuyển.

Để xác định đường kính đầu, có thể sử dụng thước dây vòng quanh trán. Sau đó, so sánh với bảng size mũ bảo hiểm lựa chọn. Ngoài ra, cần đội thử xem mũ có thoải mái không vì mỗi nhà sản xuất có cách tính size khác nhau.

Chất liệu mũ đạt chuẩn

Những mẫu mũ bảo hiểm có chất liệu đạt chuẩn là được sản xuất bằng chất liệu tốt như: Nhựa ABS, HDPE, sợi cacbon… có khả năng chịu va đập cao và không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Đồng thời, những góc cạnh bề mặt vỏ đảm bảo trơn nhẵn, không sắc nhọn.

Vỏ mũ và lớp đệm bảo vệ phải che chắn và đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ được phần đầu.

Nhẹ và không gây mỏi cổ

Nên lựa chọn những loại mũ bảo hiểm có trọng lượng nhẹ để không gây mỏi cổ, đơ cổ khi đội, nhất là trong trường hợp sử dụng mũ bảo hiểm di chuyển đường dài.

Tiêu chuẩn trọng lượng mũ bảo hiểm

Mũ che toàn bộ gương mặt: Mũ cỡ lớn có trọng lượng 1.5 kg. Mũ cỡ trung và cỡ nhỏ có trọng lượng 1.2 kg.

Mũ che nửa đầu và che phần đầu, tai: Mũ cỡ lớn đạt 1.0 kg. Mũ cỡ trung và cỡ nhỏ đạt 0.8 kg.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-nguoi-khong-doi-mu-bao-hiem-khi-chay-xe-ma-khong-bi-phat-172231030124427435.htm