Những người không giấy tờ tùy thân
Vì nhiều lý do khác nhau, không ít người sống trong cộng đồng nhưng không một mảnh giấy tờ tùy thân. Thời bao cấp, họ không hề biết hạt gạo, ký đường, hộp sữa… Kinh tế phát triển, họ lại không được tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng như: xe lửa, máy bay. Khi dịch Covid-19 hoành hành, họ cũng không được xét nghiệm hay tiêm vaccine.
Không được hưởng quyền lợi
Vừa gặp nhau, ông Nguyễn Công Tiến (63 tuổi, tạm trú đường Trần Văn Đang, phường 9, quận 3, TPHCM) đưa cho chúng tôi một xấp giấy tờ. Nói là xấp cho oai, thật ra chỉ gồm: Thẻ căn cước được cấp từ thời chế độ cũ, Giấy chứng nhận quá trình công tác của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM, Giấy khai sinh vừa trích lục vào tháng 7-2022. Điều lạ là mỗi loại giấy tờ lại có một địa chỉ khác nhau.
Ông Tiến kể: “Tôi sinh ra khi gia đình cư ngụ ở đường Mã Lộ, quận 1. Đến tuổi làm thẻ căn cước thì gia đình chuyển về đường Bà Lê Chân, quận 1. Tôi đi TNXP từ tháng 3-1977, lúc đó hộ khẩu ở địa chỉ 79/16 Trần Văn Đang, phường 9, quận 3. Tôi tham gia công tác nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đầu năm 1978, tôi về phép và vì việc gia đình tôi không trở lại đơn vị nữa!”.
Giấy chứng nhận quá trình công tác của lực lượng TNXP TPHCM cũng đã xác nhận vụ việc này. Lúc bấy giờ, theo quy định, người tham gia TNXP và thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị cắt hộ khẩu. Hộ khẩu sẽ được nhập theo đơn vị công tác. Chính vì lý do này, ông Tiến đã không có hộ khẩu từ năm 1978 đến nay. Do không có hộ khẩu, ông Tiến không thể nào làm CMND, và đó chính là nỗi khổ đeo đẳng ông Tiến dai dẳng mấy chục năm nay.
Ông Lê Phúc Hòa, bạn cùng xóm với ông Tiến, cho biết: “Tôi có quen mấy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhưng không thể nào giới thiệu ông Tiến đi làm được. Phòng tổ chức hỏi đến CMND thì ông lấy xe đi về. Ông Tiến sống lây lất bằng nghề phụ hồ, nhưng nay lớn tuổi, chẳng ai thuê mướn. Lúc trước, thời bao cấp, ai cũng có “sổ gạo”, ông Tiến không có nên không thể hưởng chính sách của nhà nước. Bây giờ kinh tế phát triển, người ta đi đây đi đó bằng máy bay, ông Tiến lại không thể lên đường. Thậm chí bây giờ ông còn chưa trải nghiệm đi xe lửa ra sao”.
Đợt dịch bệnh vừa qua, ông Tiến cũng không được xét nghiệm. May nhờ mấy người bạn thân đưa đi tiêm vaccine, nhưng chắc chắn một điều là ông sẽ không có hộ chiếu vaccine!
Minh “cô đơn”
Hơn chục năm qua, người đi đường và sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM đã quá quen mặt với chú Minh “cô đơn”. Bất kể đêm khuya, mưa gió bão bùng hay buổi trưa trời nắng chang chang, gay gắt, khi xe bị bể bánh, hết xăng, hư hỏng hay sinh viên nữ bị kẻ biến thái quấy rối, cặp tình nhân bị kẻ cướp trấn lột, chỉ cần a lô là chú Minh “cô đơn” xuất hiện. Xe bể bánh, hết xăng, chú Minh cho xăng, vá xe miễn phí. Nếu phải thay vỏ, ruột, giá cả rất bình dân; nếu không có tiền thì được chú Minh tặng luôn! Xe hư máy không thể khắc phục tại chỗ thì chú Minh đẩy xe về đến tận nhà.
Chú Minh tâm sự: “Mới chập chững biết đi, tôi đã lạc gia đình. Cuộc sống đẩy đưa, tôi sinh sống qua ngày nhờ lòng thương của khách tứ phương qua lại bến phà Mỹ Thuận. Năm 6 tuổi, một phụ nữ nhận tôi làm con nuôi và đưa về nhà nuôi dưỡng. Hình như đó là tỉnh Long An. Nhưng vì không chịu nổi sự ức hiếp của người con trai của má nuôi, tôi bỏ nhà ra đi và trôi dạt về khu vườn chuối ở Trường bắn Thủ Đức. Cứ sáng sớm thì đạp xe về bến tàu, rồi dắt xe đi bộ ngược lại vườn chuối. Trên đường về, tôi lượm bao thuốc lá, ni lông, nhựa bể… bán ve chai. Sau này, về khu vực Đại học Quốc gia TPHCM thì tôi lượm bao ni lông và đủ thứ việc. Ai mướn cái gì thì làm cái đó. Bây giờ tôi sống bằng nghề chạy xe ôm, rảnh rỗi thì bơm, vá xe miễn phí”.
Đưa ánh mắt nhìn về phía rừng hoang, nơi có căn bạt của mình, chú Minh cười hiền và nói: “Sinh ra trên cõi đời này, ai cũng có một cái tên, có giấy tờ tùy thân đầy đủ để trình khi hữu sự. Mấy lần bị thương tích vào bệnh viện, vì không có giấy tờ tùy thân, tôi không được nhập viện để chữa trị. Cái tên Nguyễn Văn Minh là do mấy chú Công an quận Thủ Đức khi xưa đặt cho để làm hồ sơ khen thưởng truy bắt tội phạm. Sau này, thấy tôi một mình làm việc thiện, đi bắt cướp nên người ta đặt biệt danh là Minh “cô đơn”.
Về việc không có giấy tờ tùy thân, Luật sư Nghiêm Xuân Lý, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết: “Đúng là khi không xác minh được nhân thân thì rất khó thực hiện việc đăng ký làm CCCD cũng như các loại giấy tờ cá nhân khác. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được, nếu chính quyền địa phương và cơ quan nghiệp vụ… quan tâm xem xét, giải quyết.
Trường hợp chú Minh “cô đơn” phức tạp hơn của ông Tiến. Bởi lẽ, ông Tiến đã bị cắt hộ khẩu để đi TNXP và ông Tiến bỏ nhiệm vụ, công tác. Lực lượng TNXP xử lý với trường hợp đội viên loại ngũ như thế nào thì pháp luật đã có quy định. Như vậy, hộ khẩu ông Tiến vẫn còn ở lực lượng TNXP, bây giờ có thể chuyển về địa phương để ông Tiến bổ túc hồ sơ cá nhân!”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//nhung-nguoi-khong-giay-to-tuy-than-845572.html