Những người khuyết tật vượt nghịch cảnh

Dù khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng bằng ý chí và nghị lực, nhiều người khuyết tật không chỉ vượt lên chính mình để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phục, mà còn tạo việc làm cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn với thu nhập ổn định.

Sau khi xong việc ở HTX, anh Chu Ngọc Đệ (xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa) lại về chăm sóc vườn cây của gia đình.

Sau khi xong việc ở HTX, anh Chu Ngọc Đệ (xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa) lại về chăm sóc vườn cây của gia đình.

Đó là Đàm Văn Thắng, sinh năm 1987, xã Quảng Yên (Quảng Xương). Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, song bố mẹ vẫn lo cho anh ăn học. Năm 2008, khi đang học năm thứ 2 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thì anh bị tai nạn giao thông, mất đi 1/3 chân phải dưới gối. Mọi dự định cho tương lai sụp đổ nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè, anh lấy lại tinh thần và quyết định học nghề sửa xe máy. Năm 2011, anh xây dựng gia đình. Do mắt vợ bị cận nặng, không xin làm ở các công ty được nên vợ chồng phải xoay xở đủ cách để sinh sống.

Cuộc sống đã khó lại càng khó khăn hơn khi 2 đứa con lần lượt ra đời. Chân anh bị biến chứng rồi hoại tử phải cắt cụt lên qua gối. Vì “cơm áo gạo tiền”, sau thời gian điều trị, vợ chồng anh đành gửi con cho bà nội chăm sóc, ra Hà Nội tìm việc. Lúc đầu làm bảo vệ, rồi thợ may, sau xin được làm tại một công ty du lịch. 3 năm vất vả, lăn lộn ở thủ đô, vợ chồng anh dành dụm được chút vốn và quyết định trở về quê tìm hướng làm ăn. Tại quê nhà, vợ chồng anh Thắng mạnh dạn thành lập công ty chuyên dọn nhà theo giờ và cung cấp người giúp việc. Nhận thấy xã hội ngày càng phát triển, các công trình xây dựng ngày càng nhiều, anh tiếp tục vay mượn tiền của người thân, bạn bè đầu tư máy móc chuyên về lĩnh vực vệ sinh công nghiệp. Hiện tại, Công ty TNHH Xây dựng và Công nghệ môi trường Thịnh Hưng do anh làm giám đốc hoạt động trên các lĩnh vực liên quan đến môi trường, đó là vệ sinh công trình sau xây dựng; kiểm soát côn trùng; vệ sinh đường ống nước sinh hoạt; giặt sofa, ghế văn phòng; giặt là công nghiệp; đánh bóng bảo trì sàn đá và các hạng mục nhỏ trong xây dựng. Sự nỗ lực của bản thân cùng nguồn cổ vũ, động viên của người thân, đến nay công ty của anh đã có một lượng khách hàng thường xuyên là các công ty xây dựng, người dân và một số cơ quan. Đáng nói hơn, công ty của anh Thắng đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 đến 12 lao động, với mức lương từ 300.000 đến 500.000 đồng/người/ngày. Riêng anh thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng.

Với anh Chu Ngọc Đệ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) thời trai trẻ từng xông pha chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại tuyến đầu biên giới Lạng Sơn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân đội. Vì vậy, anh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang và được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Rời quân ngũ trở về địa phương, anh lập gia đình và sinh được 4 người con. Với mong ước có một gia đình hạnh phúc, kinh tế vững vàng, nhưng không may, trong một lần tham gia lao động anh bị tai nạn phải cắt một phần cánh tay trái. Lúc đó, tình hình sức khỏe giảm sút, bản thân lại tật nguyền, 2 con nhỏ dại, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến anh hoang mang tột độ. Nhưng niềm vui cũng đến với gia đình anh Đệ khi HTX Dịch vụ nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Hoằng Phụ ra đời. Đây là cơ hội để gia đình anh tham gia HTX. Là thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Hoằng Phụ nên gia đình anh Đệ có điều kiện học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh việc đầu tư cải tạo 0,6ha đất để nuôi tôm sú, gia đình anh nuôi thêm cua, rau câu. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về từ 100 triệu đồng trở lên. Kinh tế gia đình từng bước đi lên, hiện nay, anh Đệ đang là Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Hoằng Phụ, quản lý 730 xã viên. Với trọng trách phó giám đốc HTX, anh không ngừng học tập, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về trồng trọt và chăn nuôi do tỉnh, huyện tổ chức để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho bà con xã viên.

Anh Đệ chia sẻ: "Trong tiềm thức, tôi luôn hướng tới những điều tốt đẹp, thường xuyện động viên bản thân “tàn nhưng không được phế”, không chấp nhận số phận, cố gắng tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh và gương mẫu tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua ở địa phương. Sự nỗ lực, cố gắng của bản thân cũng được đền đáp, nhiều lần được cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện Hoằng Hóa ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. Thời gian tới, tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp người khuyết tật chúng tôi vượt qua sự tự ti, nỗi đau, bệnh tật, tự lo cho bản thân, gia đình, không trở thành gánh nặng cho xã hội, đóng góp một phần nhỏ bé sức lực của mình vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-khuyet-tat-vuot-nghich-canh-235108.htm