Những người làm báo ở đài huyện: Đa năng để sống với nghề

Phóng viên Minh Huyền tác nghiệp - Ảnh: CTV

Làm báo không dễ dàng, nhất là đối với các nhà báo ở đài huyện, khi họ phải làm việc với cường độ cao, cùng lúc đảm đương nhiều vai trò từ phóng viên, quay phim, dựng hình, phát thanh viên, biên tập đến trực kỹ thuật. Tuy nhiên, bằng sự yêu nghề, dấn thân, các nhà báo này vẫn nhạy bén, bám sát cơ sở để truyền tải thông tin của địa phương đến mọi người. Chính họ đã góp phần dệt nên những bức tranh đa màu của cuộc sống và nghề báo.

Dấn thân vào nghề là phải đa năng

Gần 15 năm qua, cùng chiếc máy quay phim, máy ảnh và máy ghi âm, anh Tạ Minh Huyền, phóng viên Đài Truyền thanh huyện Đông Hòa “xung trận” khắp các xã, thôn để thực hiện những bản tin, bài viết về mọi mặt đời sống diễn ra tại địa phương.

Công việc chính của anh hàng ngày là lấy thông tin, quay phim, viết tin, bài rồi dựng và biên tập chương trình, đọc phát thanh. Ngoài việc đảm bảo số lượng bản tin phát trên hệ thống đài truyền thanh huyện, viết cho Trang tin điện tử của huyện, anh còn cộng tác với Báo Phú Yên và một số cơ quan báo chí khác nhằm thông tin kịp thời những vấn đề, sự kiện diễn ra tại địa phương đến với người dân trong tỉnh và cả nước.

Anh Huyền chia sẻ: “Ở đài chỉ có hai phóng viên, nhân lực mỏng nên hầu như mọi hoạt động tôi đều phải xắn tay áo lao vào làm với áp lực, cường độ cao. Nhờ đó mà sự đa năng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng lên”.

Suốt 24 năm qua, mỗi ngày, anh Nguyễn Khắc Nho, đang công tác tại Đài Truyền thanh huyện Tuy An luôn tất bật và tận tụy với công việc của một phóng viên, biên tập viên đài huyện. Nhân sự của đài chỉ có hai phóng viên, nên anh Khắc Nho phải tự mày mò học cách quay phim, dựng chương trình, đảm đương nhiều vai trò và còn phải tham gia thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Một buổi sáng tác nghiệp tại hội nghị, anh vừa cầm máy quay để ghi hình, vừa cầm micro, máy ghi âm để phỏng vấn. Trưa về, anh tranh thủ ăn uống, sau đó ngồi ngay vào bàn gõ tin, bài để phát cho chương trình phát thanh của đài huyện, Trang tin điện tử của huyện và gửi cộng tác với các cơ quan báo chí khác trong tỉnh. Phát thanh yêu cầu tiếng động; báo in, điện tử yêu cầu ảnh; truyền hình cần có hình ảnh... Mỗi nơi cộng tác lại yêu cầu cách thức thể hiện tin, bài khác nhau nên với một tin đó, anh phải viết sao cho phù hợp.

“Mỗi khi thấy tin, bài của mình cộng tác được đăng, phát trên báo, đài, tôi cảm thấy rất vui vì đã kịp thời đưa những thông tin thời sự của địa phương đến với người dân trong tỉnh một cách nhanh nhất, trung thực nhất. Đó cũng là động lực để tôi đi nhiều hơn, viết nhiều hơn, có nhiều bài viết hay và ý nghĩa hơn”, anh Khắc Nho chia sẻ.

Tận tụy với nghề

Mặc dù cường độ làm việc cao, chế độ phụ cấp nghề nghiệp thấp, nhưng các phóng viên “nhà đài” chia sẻ, họ vẫn nguyện gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp mình đã chọn. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, họ còn được “tiếp lửa” từ gia đình bằng sự cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ để viết tiếp đam mê.

Chị Trương Thị Quỳnh Chi, phóng viên, biên tập viên Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Phú Hòa, chia sẻ: “Đặc thù công việc của phóng viên là đi sớm về muộn, ngày nghỉ cũng phải đi làm… Thậm chí có khi nửa đêm, có tin nóng, vẫn phải mang máy ảnh “lao” ra đường. Nếu gia đình không hiểu và thông cảm thì rất khó để gắn bó với nghề đến cùng”.

Tốt nghiệp ngành Ngữ văn, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, sau nhiều năm làm trái ngành, từ năm 2017, chị Quỳnh Chi mới được làm đúng công việc chuyên môn và yêu thích. Vì vậy, dù công việc áp lực khi hàng ngày phải đi lấy tin, dựng chương trình thời sự 20 phút/ngày, chế độ nhuận bút thấp, nhưng chị vẫn không quản ngại khó khăn, bám sát cơ sở. Chị tâm sự: “Vui nhất là viết về các gương điển hình, tôi được biết thêm nhiều người, nhiều việc làm, mô hình hay tại địa phương, thấy cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn”.

Lợi thế của phóng viên đài huyện là ở địa bàn gần nên nắm rất chắc tình hình tại địa phương. Cũng như phóng viên ở tuyến tỉnh, đặc thù nghề báo yêu cầu họ ra khỏi nhà bất kể lúc nào, không kể thời tiết nắng mưa, bão gió, hay đêm tối để theo sát các sự kiện đưa tin cho kịp thời. Anh Minh Huyền chia sẻ một kỷ niệm vui: Lúc mới vào nghề, anh rất sợ “ma” nhưng 1-2 giờ sáng, có thông tin xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn huyện, anh đều phải đi nên vừa chạy xe, vừa run.

15 năm công tác, cứ những ngày nghỉ lễ, Tết, hội hè, lúc mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi thì anh lại phải làm việc với cường độ cao gấp nhiều lần ngày bình thường. Nhưng vượt lên tất cả, anh vẫn động viên bản thân gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp mình đã chọn và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. “Bác Hồ đã dạy “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”, và đó chính là hành trang quý báu để tôi cùng các đồng nghiệp tiếp tục thực hiện cuộc hành trình phát triển sự nghiệp phát thanh - truyền hình ở tuyến huyện”, anh Huyền bộc bạch.

HÀ MY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/222334/nhung-nguoi-lam-bao-o-dai-huyen--da-nang-de-song-voi-nghe.html