Những người 'liều' ra album Xẩm
Nhóm xẩm Hà Thành gồm nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, các nghệ sĩ Thúy Ngần, Mai Tuyết Hoa vừa ra mắt một album xẩm mang tên 'Trách ông Nguyệt Lão'. Đây là album được thai nghén lâu năm của Nguyễn Quang Long, trong đó anh đảm nhiệm cả phần biên soạn và thể hiện.
Việc ra album hát xẩm trong thời buổi hiện nay được đánh giá là khá mạo hiểm, bởi những thú vui công nghệ và giải trí đầy ắp và luôn sẵn có trong các thiết bị cầm tay hiện nay khiến số đông công chúng không mấy quan tâm đến những loại hình nghệ thuật truyền thống. Hơn nữa, đây lại là một album CD, vốn cũng không còn phổ biến như trước đây khi công nghệ lưu trữ đã rất phát triển. Chính vì thế, album xẩm “Trách ông Nguyệt Lão” bước đầu thu hút được khá nhiều sự quan tâm của giới truyền thông, như một sự kiện “lội ngược dòng” của nhóm xẩm.
Với Nguyễn Quang Long, đây là album đặc biệt ghi dấu ấn 25 năm đi theo âm nhạc chuyên nghiệp, 20 năm đi theo chuyên ngành nghiên cứu, lý luận âm nhạc. Quá trình làm nghề của anh đã được ghi dấu ấn bởi album “Xẩm Hà Nội” do NXB Âm nhạc phát hành năm 2016, thành quả đầu tiên của quá trình phục hồi và đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại với công chúng. Nhóm Xẩm Hà Thành ra đời sau đó, với các thành viên Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng, đã góp phần tái hiện một nét đẹp của Hà Nội xưa và giống như một dòng chảy nho nhỏ, lặng lẽ nhưng bền bỉ, mỗi tối lại thắp lên những ngọn lửa dành cho những người yêu nghệ thuật truyền thống ở Hà Nội.
Quá trình làm nghề và nghiên cứu cũng thôi thúc Nguyễn Quang Long phối hợp cùng các cộng sự của mình cho ra đời những bài xẩm mang tính thời sự như “Xẩm Trà đá”, “Tiễu trừ cướp biển”, “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Tứ vị Hà thành”…
Album “Trách ông Nguyệt Lão” gồm chín bài, tất cả đều do Nguyễn Quang Long biên soạn, với giọng hát của chính tác giả, cùng với NSND Thúy Ngần, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và ca sĩ Thu Phương. Phần lời anh chuyển từ thơ Nguyễn Bính, thơ Hồng Thanh Quang hoặc biên soạn dựa trên những điệu xẩm cổ như bài “Dặn con” dựa trên xẩm Thập ân. Các điệu xẩm sử dụng trong album cũng phong phú, bao gồm xẩm Chênh bong, xẩm Tàu điện, xẩm Chợ, xẩm Thập ân. Nguyễn Quang Long cho biết, anh tìm thấy nhiều đồng cảm trong những tứ thơ của hai tác giả Nguyễn Bính và Hồng Thanh Quang. Với Nguyễn Bính là những hoài niệm về thời thơ trẻ, của quê hương, còn với Hồng Thanh Quang là những năm tháng của tuổi thanh xuân.
Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên, Quang Long bật mí vui rằng, nếu anh không đầu tư hết cho xẩm thì cũng có đủ tiền mua ô-tô rồi. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, với sự hỗ trợ của bạn bè, đặc biệt bạn bè trong nghề, thì số tiền bỏ ra để làm album cũng như các MV xẩm trước đây sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều. “Bạn bè tôi hỗ trợ từ đạo diễn, hình ảnh, phối khí, thu âm…” - anh chia sẻ.
Thế nhưng, với các loại hình âm nhạc hiện đại, việc thu âm mặc dù có cầu kỳ, tỉ mỉ nhưng cũng đơn giản hơn rất nhiều. Với xẩm, như nghệ sĩ Ninh Kiên, người đảm nhận phần mix và master album chia sẻ, thì các nhạc cụ mỗi ngày lại có một sắc thái âm thanh khác nhau, tùy thuộc vào độ ẩm, thời tiết, và thu âm xẩm phải thu đồng thời tất cả các nhạc cụ chơi cùng nghệ sĩ hát chứ không thu riêng từng track rồi ghép vào được. Chưa kể, nhóm còn gặp phải sự cố mất dữ liệu ghi âm, phải làm lại từ đầu.
Với một loại hình nghệ thuật mang tính chất đường phố nhiều như xẩm, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long và nhóm xẩm Hà Thành không chỉ gìn giữ, lưu truyền như một báu vật của cha ông, mà còn thổi hồn cho xẩm, biến những giai điệu buồn thảm về những bấp bênh của nhân tình thế thái thành những bài hát đầy tính thời sự, thậm chí lãng mạn hoặc tươi vui, qua cách thể hiện khác biệt. Nói như nhà thơ Hồng Thanh Quang là, họ đã nâng xẩm lên thành một nghệ thuật với biên độ biểu cảm và cảm xúc nhiều hơn, đồng thời qua xẩm thể hiện được tài năng và cá tính của mình. Mong rằng, album sẽ được đông đảo công chúng đón nhận, đúng với công lao và tâm huyết mà các nghệ sĩ đã bỏ ra.