Những người lính áo xanh giữ rừng

10 giờ sáng một ngày đầu tháng 3, những người lính kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) bắt đầu chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Mớ rau sống lặt vội, nồi cá trê kho thiếu gia vị được chuẩn bị nhanh chóng.

Bất chợt, chiếc điện thoại của anh Trần Đình Tâm, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Thuận Nam, vang lên. “Có cháy!”, anh Tâm thông báo vừa lớn vừa ngắn rồi chạy ra chiếc xe máy của mình. “Chắc nhà báo phải nhịn đói cùng anh em rồi!”, nói xong, anh Tâm cùng chiếc xe lao đi mất hút…

Lực lượng bảo vệ rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu đi tuần trong rừng

Lực lượng bảo vệ rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu đi tuần trong rừng

Tai họa chực chờ

Không khí trở nên khẩn trương hơn, anh em trong trạm chuẩn bị đồ bảo hộ, máy thổi gió… Bữa cơm trưa vẫn nằm im trong bếp. Vỗ vai tôi, ông Võ Hữu Phương, Phó Giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, người đưa tôi lên trạm, nói: “Nhà báo chuẩn bị đi tác nghiệp cùng anh em chúng tôi!”. Mọi người đang lật đật chuẩn bị đồ nghề thì ông Phương có điện thoại, sau đó reo lên: “Không sao rồi, chỉ là đám cháy nhỏ bùng lên từ vị trí cháy hôm trước, đã dập được lửa, anh Tâm đang trên đường về”. Mọi người thở phào.

Trở về sau vụ cháy hụt, anh Tâm hối anh em trong trạm nhanh chóng dọn cơm ăn, bởi thường vào giờ trưa, gió thổi rất mạnh nên cháy rừng thường xảy ra. Tôi chợt hiểu ra, thì ra bữa cơm trưa ở trạm thường chuẩn bị rất sớm là vì lý do này. Cầm chén cơm đã nguội, ông Phương chia sẻ về những hy sinh, mất mát và cả sự thiệt thòi của những cán bộ kiểm lâm đang ngày đêm căng mình gìn giữ những cánh rừng xanh ngút ngàn trên vùng núi Tà Kóu huyền thoại. Nhắc đến địa danh Bình Thuận, nhiều người liên tưởng ngay đến hình ảnh nắng và gió. Sự khô hạn vào loại bậc nhất cả nước nên hàng năm, nhất là vào mùa khô, khiến những cánh rừng nơi đây lúc nào cũng hừng hực. “Bởi vậy, chuyện anh em trong khu bảo tồn nhiều khi phải ôm bụng đói đi chữa cháy rừng. Còn chuyện nhiều người mệt lả, suýt bỏ mạng trong những lần đi cứu lửa, truy bắt lâm tặc, bị rắn độc cắn thì anh em sẽ kể cho nhà báo nghe”, ông Phương dẫn chuyện.

Lúc này, tôi chợt nhớ câu chuyện của người kiểm lâm trẻ tuổi Đinh Đức Linh tâm sự. Vụ cháy rừng xảy ra vào buổi trưa một ngày đầu mùa khô năm 2009-2010, lúc đó Linh mới vào công tác ở đơn vị hơn một năm. Nghe tin rừng bị cháy, với khí thế hừng hực của tuổi trẻ, Linh xách máy thổi gió theo chân những người anh nhiều kinh nghiệm băng lên đỉnh Tà Kóu. Sau hơn 3 giờ, ngọn lửa được khống chế, mọi người bắt đầu xuống núi thì tai họa ập tới. Do còn thiếu kinh nghiệm đi rừng, Linh bị trượt chân rơi xuống vực. “Tôi cứ thế lăn tròn rồi rơi thẳng xuống vực. Chắc thần rừng ra tay cứu giúp nên may mắn tôi rơi xuống đống cát, người chỉ bị thương nhẹ. Lúc ấy, chân tay tôi run lên bần bật”, anh Linh nhớ lại.

“Mọi người còn nhớ chuyện anh Tuyên đi tuần tra cháy rừng bị rắn cắn suýt mất mạng không?”, ông Phương hỏi những đồng đội của mình. Đó là trường hợp của anh Vũ Văn Tuyên, lực lượng bảo vệ rừng của khu bảo tồn bị rắn độc cắn vào chân, bất tỉnh trong rừng sâu. Nơi núi rừng heo hút, mọi người chỉ còn cách làm cáng võng rồi khiêng anh Tuyên băng rừng để chạy đua với sự sống. “Tuyên nằm bất động ở trạm xá mất gần một tháng mới dần hồi phục. Lâu lâu nhắc lại câu chuyện, xem như một ký ức đối với nghề giữ rừng, nhắc anh em cẩn trọng hơn khi làm nhiệm vụ ”, ông Phương chia sẻ.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu được đánh giá là 1 trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp. Nơi đây có diện tích khoảng gần 12.000ha, trong đó hơn 10.000ha rừng trên đất thấp và núi Tà Kóu có diện tích khoảng 1.000ha. Cùng với hệ sinh thái rừng đa dạng là hệ động vật khá phong phú, một số loại nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Giữ rừng không chỉ chống lửa, việc phải đối mặt với bọn lâm tặc liều lĩnh, ranh ma và sẵn sàng đổ máu để đạt được mục đích là chuyện mà hầu những kiểm lâm ở khu bảo tồn đều gặp phải. Như vụ truy bắt 3 lâm tặc tham gia phá rừng trong khu bảo tồn vào năm 2009. “Lúc bị chúng tôi vây bắt, chúng dùng rựa, cây lao tới hăm dọa. Khi ấy trời nhá nhem tối, chúng tôi bất đắc dĩ trở thành những lính trinh sát, quần với các đối tượng khá lâu mới khống chế được. Nhờ kinh nghiệm và sự mưu trí nên hôm ấy may mắn không ai bị thương. Các đối tượng này sau đó đã bị pháp luật xử lý”, vị Phó Giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu kể lại.

Trời càng về trưa không khí càng trở nên gắt hơn. Không chịu được cái nóng pha phả vào mặt, nhiều người cởi áo đã ướt sũng mồ hôi. Lúc này, tôi chợt nhận thấy trên cơ thể của những người kiểm lâm hằn lên những vết sẹo, những cánh tay cháy đen vì nắng. Đó là những dấu vết bị bỏng, bị côn trùng cắn, bị cây mắt mèo bám sau những lần đi cứu rừng...

Rừng là nhà

Tôi vừa thưởng thức ngon lành món cá trê kho tộ cay sè vị ớt rừng, vừa hỏi các anh về gia đình. Không khí bữa cơm chợt chùng xuống, mãi sau anh Tâm mới thở dài: “Vào mùa mưa thì đỡ chứ những tháng mùa khô phải trực chiến 24/24 giờ, có khi cả nửa tháng mới được nhìn mặt vợ con”. Nhà anh Tâm cách nơi làm việc gần trăm cây số nên muốn chu toàn cho gia đình, bạn bè, đến xã hội cũng rất khó. Với đồng lương chưa đầy 5 triệu đồng/tháng, chỉ vừa đủ chi tiêu ở nơi xa nhà, chắt chiu lắm thì mỗi lần về nhà chỉ đủ mua cho vợ con ít quà cho đỡ tủi. Vị trưởng trạm này đưa tay về phía lãnh đạo của mình rồi giãi bày: “Nói đâu cho xa, ngay cả anh Phương, nhà cách khu bảo tồn vài cây số mà lâu rồi chưa có được cái tết trọn vẹn. Tết Nguyên đán vừa rồi, anh Phương phải trực ở cơ quan từ ngày 29 đến mùng 3 Tết, mọi việc ở nhà đều do một tay vợ anh lo. Có lần chị ấy nói đùa: anh Phương đưa quần áo vào khu bảo tồn ở luôn đi!”.

Muốn chia sẻ câu chuyện với những các bậc đàn anh của mình, kiểm lâm viên trẻ Cao Thanh Hưng xen vào: “Nhà báo có biết khu rừng nào mà một ngày xảy ra 3 vụ cháy không? Đó là khu rừng do trạm em quản lý. Các vụ cháy xảy ra hồi tháng 3-2019. Chúng em chữa cháy từ sáng cho đến 12 giờ khuya mới xong, ai nấy đều mệt lử. Mùa khô ở đây khốc liệt lắm, đôi mắt anh em lúc nào cũng căng ra để giữ rừng, cho nên đôi khi thời gian dành cho gia đình, cho các mối quan hệ đành phải hy sinh”. Hưng tốt nghiệp Đại học ngành Lâm nghiệp, về khu bảo tồn công tác đã 5 năm. Ra trường, ai chẳng mơ có một công việc nhẹ nhàng, lương cao, nhưng Hưng chỉ mong được làm nghề giữ rừng như bao thế hệ kiểm lâm đi trước...

“Khu bảo tồn có 22 người, phân ra thành 5 trạm, quản lý gần 12.000ha rừng nhưng chỉ có 2 người ở địa phương, anh em còn lại đều gốc từ miền Bắc, miền Trung xa xôi vào lập nghiệp nên việc lo chu toàn cho gia đình là điều rất khó. Mọi người về đây xem rừng là nhà”, ông Phương cho biết. Nhắc đến từ nhà, tôi nhìn ngôi nhà cấp 4, nơi anh Tâm cùng 2 đồng đội của mình sinh sống, làm việc. Cả trạm chẳng có gì đặc biệt, tài sản cũng không. Chỉ duy chiếc ti vi cũ kỹ, bám đầy mạng nhện được đặt trong góc của phòng khách có vẻ là giá trị nhất; căn phòng bên hông được mắc 4 chiếc võng để anh em nghỉ ngơi. Trạm hiện chưa có nước sạch, để có nước sinh hoạt, tắm rửa, mọi người thường phải đi xin những hộ dân sống gần đó. Không chỉ ở trạm này, các trạm bảo vệ rừng còn lại cũng khó khăn trăm bề, có nơi còn chưa có điện.

Xế chiều, gió thổi lồng lộng, tôi nhìn về tán rừng tươi tốt một màu xanh ngút tầm mắt và hiểu hơn ai hết về những người lính áo xanh đang miệt mài ngày đêm giữ rừng, ngăn lửa, chống lâm tặc, bảo vệ tài sản của nhân dân cho dù có phải đánh đổi nhiều thứ.

NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-nguoi-linh-ao-xanh-giu-rung-652001.html