Những người lính băng rừng, vượt suối tìm 'đồng đội' trong thời bình
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn nhiều gia đình luôn đau đáu khi hài cốt của người thân - là những người lính đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến nay vẫn chưa tìm thấy...
Làm việc chủ yếu trong rừng, vùng hẻo lánh
Những ngày cuối tháng 4/2021, trong lúc nhiều gia đình chuẩn bị cho kỳ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thì cán bộ chiến sĩ Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Đội K72) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vẫn ngày đêm khẩn trương đào từng đoạn hào, từng gốc cây để tìm hài cốt liệt sĩ (HCLS).
Thiếu tá Vũ Văn Thọ - Phó đội Trưởng K72 cho biết, việc cán bộ chiến sĩ (CBCS) của đội thường xuyên không nghỉ lễ, thậm chí Tết Nguyên đán nhiều anh em vẫn ở trong rừng sâu để làm nhiệm vụ tìm kiếm HCLS là chuyện thường tình.
Đối với một số chiến sĩ trẻ, lúc đầu cũng nhớ nhà. Nhưng nhờ sự động viên của những người đi trước, các chiến sĩ trẻ hiểu rằng việc tìm kiếm HCLS là nhiệm vụ thiêng liêng, nên hầu hết đều hăng hái tình nguyện đi những chuyến dài ngày.
“Có những đợt tìm HCLS bên nước bạn Campuchia kéo dài đến 3 - 4 tháng, anh em ăn ngủ, làm việc trong rừng sâu, không sóng điện thoại để gọi điện về nhà thăm hỏi người thân, nhưng không ai dao động. Tất cả CBCS vì đều có chung ý nghĩ phải làm sao tìm được mộ hoặc hài cốt của các bác, các chú đã hy sinh để đưa về đất mẹ. Mỗi khi anh em tìm được 1 hài cốt, cả đội rưng rưng nước mắt, bởi lẽ ít nhất đã tìm thấy được 1 đồng đội. Nếu HCLS còn tên tuổi, phiên hiệu chưa phai mờ trên các di vật thì sẽ có thêm một gia đình vơi đi nỗi mất mát do chiến tranh gây ra” - Thiếu tá Vũ Văn Thọ xúc động nói.
Cũng theo Thiếu tá Vũ Văn Thọ, nhiều đợt tìm kiếm HCLS ở trong rừng, có vị trí xe cơ giới không vào được, CBCS Đội K72 phải băng rừng, gùi hàng gồm trang thiết bị dùng cho việc tìm kiếm, lương thực, nước uống… cả chục cây số. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, phương tiện, trang bị kỹ thuật, trước khi đào để tìm kiếm ở khu vực xác định có HCLS nằm trong rừng sâu (nơi bom mìn chiến tranh còn sót lại khá nhiều), công tác dò bom mìn được thực hiện cẩn trọng rồi mới tiến hành việc đào tìm. Ở trong rừng thường có thú dữ và các loài rắn độc, chỗ nào được chọn làm nơi ăn ở sinh hoạt cho cả Đội, chỗ đó được phát quang sạch sẽ và cắt cử CBCS trực theo quy định.
Gian khó vẫn ở phía trước
Không những thường xuyên làm việc trong rừng sâu, ở khu vực hẻo lánh trong thời gian dài ở nước bạn hoặc trong nước, theo thiếu tá Vũ Văn Thọ, CBCS Đội K72 còn phải làm việc trong điều kiện phân tán, độc lập (1 phân đội chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 2 - 3 CBCS làm tại 1 điểm). Do đó, khi công tác tại Đội K72 phải hội đủ các tiêu chuẩn: Đạo đức, chính trị; chuyên môn, nghiệp vụ (biết lái xe cơ giới, xe múc đất, biết cưa cây, đào đất…) và phải biết tiếng Khơmer vì làm nhiệm vụ bên nước bạn Campuchia.
Gian khổ là vậy, nhưng mỗi khi nhận được tin báo của người dân hoặc của các tổ chức, đơn vị phát hiện có HCLS, thì CBCS Đội K72 lập tức bắt tay vào việc.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Ánh - Chính trị viên Đội K72 kể lại: Gần đây nhất vào ngày 5/11/2020, sau khi tiếp nhận thông tin từ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Lộc Ninh báo việc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Long Phú trong quá trình làm đường tại khu vực ấp K54 (xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh), phát hiện nhiều vị trí có dấu hiệu mộ liệt sĩ. Sau khi được Phòng Chính trị báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh cử Đội K72 tổ chức đào tìm, trong suốt 40 ngày làm việc với tổng cộng 1.070 ngày công lao động của nhiều đơn vị. Đội K72 đã đào tìm trên diện tích hơn 10.000m2, móc bỏ hoàn toàn 296 cây cao su, đào bới khoảng 10.000m3 đất, đá.
Kết quả tìm và quy tập được 58 HCLS, tất cả những hài cốt này đều nằm trong khu vực nghĩa trang liệt sĩ của Bệnh viện K54 thuộc Phòng Quân y - Cục Hậu cần Miền (B2), đóng tại ấp K54 (xã Lộc Thiện) và ấp 4, ấp Bù Núi (xã Lộc Tấn hiện nay) từ tháng 4/1973.
Mặc dù được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp như Ban Chỉ đạo 515 (BCĐ 515) Quân khu 7, BCĐ 515 tỉnh, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước và của người dân. Nhưng theo CBCS Đội K72, hiện nay công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ vẫn còn gặp không ít khó khăn do địa hình thay đổi, sơ đồ mộ chí của các đơn vị trong chiến tranh thất lạc. Nhiều nhân chứng đã già, trí nhớ giảm hoặc không còn ở tại địa phương. Nhiều HCLS còn lại hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, rừng núi hiểm trở, ít người biết nên khó khăn cho quá trình khảo sát, xác minh.
Tìm kiếm, quy tập được gần 2.800 HCLS
Đội K72 được thành lập tháng 11/2000, trải qua hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập HCLS ở Campuchia, trong đó có 8 năm thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đến cuối năm 2020, theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Ánh, Đội K72 đã tìm kiếm quy tập được 2.758 HCLS. Riêng tại Vương quốc Campuchia tìm được 2.634 HCLS (235 mộ có tên, địa chỉ), còn tại tỉnh Bình Phước tìm được 124 HCLS (10 mộ có tên, địa chỉ).
Riêng từ đầu năm 2021 đến thời điểm hiện tại, Đội K72 đã tìm kiếm, quy tập thêm 37 bộ HCLS. Trong đó, tại ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh tìm được 32 bộ HCLS, thị xã Bình Long 5 bộ HCLS. Tất cả HCLS sau khi tìm được đều giao cho Sở LĐ-TB&XH để cơ quan này quản lý và liên hệ các tỉnh, thành thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Ánh cho biết: “Công tác tìm kiếm quy tập HCLS là nhiệm vụ thường xuyên không ngừng nghỉ, kể cả mùa mưa. Ở tỉnh Bình Phước, hiện chúng tôi đang đào tìm kiếm ở huyện Lộc Ninh, thị xã Bình Long và Phước Long. Riêng tại Phước Long, qua khảo sát ngoài thực địa, kết luận địa bàn, hiện nay trên địa bàn này vẫn còn khoảng 680 liệt sĩ đang được tìm kiếm, quy tập”.
Còn theo BCĐ 515 tỉnh Bình Phước, trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp. Vì vậy việc tìm kiếm quy tập HCLS lấy trọng tâm trong tỉnh với gần 30 vị trí có thông tin xác định có mộ liệt sĩ. Đối với việc tìm kiếm HCLS ở Vương quốc Campuchia, Đội K72 được giao nhiệm vụ tìm kiếm ở 2 tỉnh Kratie, Kampongthom, khi hết dịch bệnh Covid-19 và có chủ trương của BCĐ 515 Quốc gia, lúc đó Đội K72 tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.
Tìm kiếm HCLS, nhưng không quên công tác dân vận
Thiếu tá Vũ Văn Thọ - Phó đội trưởng Đội K72 cho biết, những thông tin quý giá trong công tác tìm kiếm quy tập HCLS được tham khảo từ nhiều nguồn: Các đơn vị từng tham gia chiến đấu trên địa bàn, những đồng đội của liệt sĩ, các thông tin về tài liệu chiến tranh Việt Nam đã được công bố.
Ngoài ra, trong quá trình tìm kiếm, quy tập HCLS, Đội K72 luôn chủ động làm công tác dân vận, kết hợp thu thập thông tin, nhân chứng có liên quan để từ đó nhanh chóng kết luận thông tin mộ liệt sĩ, đơn vị tham gia chiến đấu, thời điểm hy sinh của các liệt sĩ. Đồng thời phát huy vai trò của các già làng, những người sống lâu năm tại địa phương để họ cung cấp vị trí chính xác nơi an táng liệt sĩ. Khi đã nắm chắc đặc điểm tình hình mộ liệt sĩ tại từng vị trí, đơn vị, thời gian chiến đấu, số liệt sĩ hy sinh, cách thức an táng liệt sĩ lúc ban đầu, từ đó có hướng tìm kiếm hiệu quả.