Những người lính biên phòng 'cắm bản'-Kỳ 2: Đưa chủ trương vào cuộc sống

Bộ đội Biên phòng là lực lượng 'mũi nhọn' thực hiện những chủ trương lớn của địa phương trong công tác phòng, chống hoạt động giã cào trái phép; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, để giữ gìn bình yên trên sóng.

Đại tá Hoàng Minh Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố trao cờ Tổ quốc, phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân

Đại tá Hoàng Minh Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố trao cờ Tổ quốc, phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân

Ghé vai “gánh bão gánh giông”

Tôi gặp ông Nguyễn Khái, ngư dân xã Quảng Công (Quảng Điền), điển hình cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, giúp BĐBP bắt, xử lý những tàu cá hoạt động giã cào trái phép hiệu quả (được Bộ Tư lệnh Biên phòng tặng kỷ niệm chương vì chủ quyền an ninh biên giới), trong một buổi chiều cách đây gần 6 năm, tại Hải đội Biên phòng 2.

Tôi đợi lực lượng đang dẫn giải đôi tàu cá công suất lớn hoạt động giã cào và các thuyền viên vi phạm, vừa bị bắt, đang được tàu Hải đội Biên phòng 2 dẫn giải về, tìm hiểu thông tin liên quan vấn nạn giã cào đang nhức nhối. Ông Khái cũng đợi, để trực tiếp chứng kiến và trở về địa phương, lan tỏa niềm vui.

Hôm đó, cũng từ tin báo của ông Khái và ngư dân Quảng Công; nhận lệnh Bộ Chỉ huy, tàu Hải đội Biên phòng 2 xuất kích, thực hiện nhiệm vụ. Rời cảng hải đội lúc 13h sau 12 tiếng đồng hồ cam go trên biển, đến 1 giờ sáng hôm sau, khi mọi nhà, mọi người đã say giấc ngủ, cán bộ, chiến sĩ Hải đội Biên phòng 2 mới đưa được tàu và người vi phạm về, để tiến hành lập thủ tục, hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhìn những bộ quân phục mồ hôi ướt sũng cùng sóng gió, ông Khái xúc động: “Các anh “gánh bão gánh giông”, để dẹp nạn giã cào, bảo vệ tài sản của ngư dân, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bình yên ngư trường, dù đối mặt với hiểm nguy sức khỏe, tính mạng”. Trong câu chuyện của ngư dân đã từng bao lần đau xót, bất lực vì ngư cụ, mồ hôi, nước mắt của gia đình bị tàu giã cào, cào nát, đầy ắp tình cảm biết ơn, dành cho những người lính biên phòng. Trong đó, Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Phòng phòng, chống ma túy & tội phạm Bộ Chỉ huy, BĐBP tỉnh (nay là thành phố) là một trong những người lính mà ông Khái trân trọng nhất.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố (trái) trong chuyến tham gia tuần tra biển

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố (trái) trong chuyến tham gia tuần tra biển

Năm 2018, khi nạn giã cào tác oai tác quái, hoành hành nhức nhối dọc biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế). Rất nhiều tàu cá công suất lớn từ tỉnh khác đổ về hoạt động giã cào trái phép, quần thảo, phá hủy môi trường, sinh vật tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây hại đến những loài thủy sản cần được bảo vệ; là mối họa đối với cộng đồng ngư dân đánh bắt gần bờ. Đầu tư ngư lưới cụ vài chục triệu đồng, vừa thả xuống biển “đón” cá, không ngờ bị những đôi tàu giã cào “càn” qua, cào nát. Chỉ trong tích tắc mất trắng tài sản. Có gia đình nhiều lần liên tiếp bị cào mất ngư cụ, phải bỏ nghề, còn ôm theo nợ nần chồng chất.

Ngư dân có đơn “kêu cứu” gửi đến các cơ quan chức năng, đồng thời có ý kiến bức thiết tại các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp. Trước tình hình “nóng bỏng” đó, UBND tỉnh có chủ trương, đồng thời giao BĐBP là lực lượng chủ công, nòng cốt (thay Chi cục Thủy sản) nỗ lực “phá án” vấn nạn giã cào, “trả lại” bình yên trên vùng biển ven bờ, để ngư dân yên tâm làm ăn, sinh sống.

Mang trên vai trách nhiệm to lớn, lực lượng biên phòng tăng cường những chuyến tuần tra bờ biển, tuần tra trên biển, “bám” ngư dân, vận động ngư dân là “tai, mắt”; đồng thời bất kể thời gian, không gian, sẵn sàng xuất kích, khi nhận tin báo từ ngư dân, người dân. Mỗi người lính, mỗi đơn vị sẵn sàng nỗ lực 200 - 300%, để hoàn thành nhiệm vụ mà UBND tỉnh và nhân dân giao phó. Trong một lần trực tiếp chỉ huy thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, bắt tàu hoạt động giã cào trái phép, những người vi phạm chống đối quyết liệt, Đại tá Nguyễn Văn Dũng (lúc đó là Thượng tá, Phó trưởng phòng Phòng phòng, chống ma túy & tội phạm) bị thương nặng, gãy xương sườn, phải nằm viện điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế gần cả tháng trời. Trong đó, gần nửa thời gian phải nằm tại phòng điều trị đặc biệt dành cho bệnh nhân nặng. Chấn thương để lại di chứng (đến tận bây giờ vẫn đau khi trái gió trở trời), nhưng ngay sau khi được ra viện, anh Dũng lại cùng đồng đội tiếp tục vững bước những chuyến hành quân cam go trên sóng.

Lực lượng cán bộ, chiến sĩ Hải đội Biên phòng 2 trước giờ xuất kích thực hiện nhiệm vụ

Lực lượng cán bộ, chiến sĩ Hải đội Biên phòng 2 trước giờ xuất kích thực hiện nhiệm vụ

Dốc sức, dốc lòng trong “chiến dịch” thực hiện chủ trương đúng đắn, đáp ứng mong đợi cháy bỏng của ngư dân, người dân, từ năm 2018 đến nay, có “vô vàn” chuyến xuất kích từ cảng Hải đội Biên phòng 2, trong đó phần lớn là xuất kích làm nhiệm vụ trong đêm khuya khoắt.

Trung tá Cao Quốc Giảng, Chính trị viên và Đại úy Nguyễn Quang Thành, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2 cho biết: Phần lớn tàu hoạt động giã cào trái phép đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, và thường hoạt động cao điểm từ 23 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Những người có hành vi vi phạm biết rõ, nếu bị bắt, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức rất nặng, do đó họ cố tình sử dụng “chiêu trò” trong lúc tháo chạy, ngăn cản tàu của lực lượng chức năng cập mạn hoặc sẵn sàng sử dụng các loại hung khí (vỏ chai, gậy tre, đá…) đã chuẩn bị trước, chống đối quyết liệt.

“Tuy nhiên, trong mỗi chuyến xuất kích, cùng tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, cán bộ, chiến sĩ đã đoàn kết, phối hợp ăn ý, tạo sức mạnh vượt qua mọi gian nan hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”- Đại úy Nguyễn Quang Thành chia sẻ. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng BĐBP đã bắt, xử lý gần 60 tàu hoạt động giã cào trái phép trên vùng biển ven bờ thành phố Huế; xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng; đồng thời thông báo đến cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, để giáo dục, quản lý người và tàu vi phạm.

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tàu hoạt động giã cào sai tuyến, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế đánh giá cao kết quả, những chiến công của lực lượng BĐBP. Theo thời gian, số lượng tàu hoạt động giã cào vi phạm giảm mạnh. Bây giờ, không còn tình trạng ngư dân phải “kêu cứu”. Thay vào đó, là yên vui trong những làng chài.

Nhớ nụ cười phấn khởi, hạnh phúc của ông Đỗ Mãi, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 6, xã Vinh Thanh, cũng là một ngư dân khi nói: biết ơn BĐBP đã dẹp nạn giã cào, “trả lại” cuộc sống bình yên cho ngư dân, tôi càng “thấm”, các anh thực sự là những người “gánh bão gánh giông”, để ngư dân yên tâm bám biển làm ăn, phát triển kinh tế.

Phút tập trung cao độ truy bắt tàu cá hoạt động giã cào vi phạm

Phút tập trung cao độ truy bắt tàu cá hoạt động giã cào vi phạm

Để không còn nỗi lo trên sóng

“Theo chân” chuyến tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 5/2023, điều khiến tôi ghi nhớ trong tâm khảm là những lúc tàu biên phòng cập mạn tàu cá, để đoàn công tác lên thăm hỏi, động viên, tặng cờ Tổ quốc, phát tờ rơi và đặc biệt là tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU (là hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo), đang là vấn đề nhức nhối trong ngành thủy sản hiện nay.

Có lẽ sự gặp gỡ giữa biển khơi mênh mông sóng nước, bao giờ cũng khiến người ta có cảm xúc gần gũi, thân thương hơn, nên nụ cười chân chất luôn sáng trên gương mặt ngư dân sạm nắng, gió. Ngư dân vui mừng, phấn khởi vì được tự tay ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh; Đại tá Hoàng Minh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, ân cần trao tặng cờ Tổ quốc và những phần quà ý nghĩa.

Lẫn trong tiếng sóng là những lời tuyên truyền, thủ thỉ dặn dò, cần chấp hành nghiêm các quy định trong quá trình khai thác. Bởi khai thác IUU là mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái biển và sự bền vững nghề cá; làm cạn kiệt nguồn thủy sản; trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế, thu nhập, đời sống của ngư dân hiện nay và con cháu đời sau.

Ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển

Ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển

Chế tài xử phạt khai thác IUU của Việt Nam và các nước ngày càng cứng rắn, nghiêm khắc, bao gồm phạt tiền, tước giấy phép khai thác, tịch thu, tiêu hủy phương tiện vi phạm... Đặc biệt, đoàn công tác gửi gắm đến các ngư dân thông điệp mạnh mẽ, cần phát huy vai trò chủ thể trong việc chung tay nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Theo Đại tá Hoàng Minh Hùng: Là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, và phòng, chống tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển của thành phố, thời gian qua cùng với các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương, BĐBP đã triển khai nhiều biện pháp có hiệu quả; tăng cường chỉ đạo các đơn vị tuyến biên giới biển tích cực phối hợp với ngành thủy sản và cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền cho ngư dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản.

“Lực lượng BĐBP phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số đến các chủ tàu cá, ngư dân trên địa bàn; đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện hoạt động ra vào các cửa biển, tổ chức tuần tra trên biển, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển của thành phố Huế và đẩy mạnh công tác đấu tranh chống khai thác IUU. Do đó trên địa bàn tỉnh đến nay chưa có trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ, xử lý”- Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng phòng, chống ma túy & tội phạm thông tin.

Đồng hành với người dân khu vực biên giới là "dân vận khéo" để người dân đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách

Đồng hành với người dân khu vực biên giới là "dân vận khéo" để người dân đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách

Người dân trên địa bàn phường Thuận An, xã Hải Dương (thành phố Huế), xã Phú Thuận và Phú Hải (huyện Phú Vang) những năm qua đã quen thuộc với hình ảnh những người lính biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An (điểm sáng trong lực lượng BĐBP thực hiện tốt công tác tuyên truyền IUU) “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa tuyên truyền kết hợp giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành cả về tinh thần lẫn vật chất đối với những hộ ngư dân khó khăn.

“Bên cạnh tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi đến nhân dân trên địa bàn thông qua nhiều hình thức, phương pháp, chúng tôi thường xuyên thông báo cho ngư dân về tình hình các vụ việc tàu cá (các tỉnh khác) vi phạm các quy định về khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ, xử lý để rút kinh nghiệm và nâng cao ý thức trong quá trình khai thác thủy sản. “Mưa dầm thấm đất”, các chủ tàu cá và ngư dân trên địa bàn thay đổi nhận thức, chấp hành tốt viết cam kết chấp hành nghiêm pháp luật, tuyệt đối không vi phạm; khai thác hợp pháp và có trách nhiệm”- Thiếu tá Nguyễn Duy Phương, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An chia sẻ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh- Hà Lê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/bien-gioi-bien-dao/nhung-nguoi-linh-bien-phong-cam-ban-ky-2-dua-chu-truong-vao-cuoc-song-152164.html