Những người lính 'chung lưng' giữa thời bình

HNN - Ở một góc nhỏ nằm khuất sau dãy ki-ốt trên đường Chương Dương, chợ Đông Ba là nơi hoạt động của 'Tổ giữ xe thương binh'. Nơi mà đang có những người lính năm xưa, nay là thương, bệnh binh vẫn đều đặn vượt qua những cơn đau dai dẳng do di chứng chiến tranh để tiếp tục lao động.

 Dù cơ thể không lành lặn, nhưng bác Hân vẫn rất đảm việc và thấy vui khi hằng ngày vẫn còn được góp sức cho cộng đồng

Dù cơ thể không lành lặn, nhưng bác Hân vẫn rất đảm việc và thấy vui khi hằng ngày vẫn còn được góp sức cho cộng đồng

Không chỉ là mưu sinh

Dưới cái nóng gay gắt của những ngày giữa tháng 7, chúng tôi lại ghé thăm “Tổ giữ xe thương binh” - nơi 100% thành viên đều là thương, bệnh binh nặng. Khác với sự nhộn nhịp thường thấy ở các bãi xe phía trước chợ, nơi đây yên ắng hơn. Khoảng 80% xe máy là của các tiểu thương gửi “nằm” dài ngày, chỉ lác đác vài lượt khách vãng lai ghé gửi xe.

Ông Trương Đình Hạnh, một trong những thành viên kỳ cựu kể, tổ được thành lập từ năm 1987 với 21 người, đều là thương binh nặng. Qua thời gian, giờ đây chỉ còn lại 8 người đủ sức khỏe duy trì công việc. “Cách đây 1 - 2 năm còn 12 người, vậy mà 4 người đã phải nghỉ vì bệnh trở nặng. Chúng tôi ngày một già đi, trái gió là trở bệnh, nhưng vẫn cố gắng theo việc”, ông Hạnh chia sẻ.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi người đều mang trên mình những vết thương không lành. Gần 40 năm cùng nhau chia sẻ buồn vui, cùng gắn bó với công việc trông giữ xe cho tiểu thương, khách hàng đến chợ Đông Ba, mỗi thương, bệnh binh trong tổ gần như thấu rõ gia cảnh của nhau. Như ông Phạm Văn Giới, người lớn tuổi nhất, nay đã 74 tuổi, dù là thương binh hạng 1/4 nhưng suốt những năm qua vẫn phải gánh gồng chăm lo cho hai người con mắc bệnh thần kinh từ nhỏ. Trong ngần ấy năm, ông vẫn gắn bó với công việc giữ xe dù thu nhập không nhiều, cùng với các khoản trợ cấp của Nhà nước dành cho thương, bệnh binh, nên cuộc sống gia đình bớt chật vật.

“Chúng tôi làm không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà để tìm sự đồng cảm, tình đồng đội, giúp tinh thần khuây khỏa hơn, đầu óc bớt u uất”, ông Nguyễn Văn Đính tâm sự.

Ông Lê Văn Hân gia nhập tổ từ những ngày mới thành lập cũng góp chuyện: “Từ thời giá vé xe chỉ vài chục đồng/mỗi xe, đến giờ là 3.000 đồng. Thu nhập mỗi tháng hiện tại cũng chỉ từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người, nhưng anh em vẫn vui, vẫn bám trụ. Chừng nào còn sức thì còn làm”.

Ấm lòng khi được quan tâm

Ít ai biết rằng, nguyên thủy của khu giữ xe nhỏ này trước đây vốn là khu vực trồng cây nằm dọc bờ sông Hương. Vào năm 1987, chính quyền địa phương cùng Ban quản lý chợ Đông Ba đã tận dụng diện tích chưa tới 250m2 này để tạo điều kiện cho các thương, bệnh binh thành lập điểm trông giữ xe, giúp họ có việc làm, có thu nhập ổn định trong thời bình.

“Chúng tôi từng vào sinh ra tử ở chiến trường, giờ cơ thể không còn lành lặn, nhưng vẫn cảm thấy mình may mắn khi được sống, lao động và được Đảng, Nhà nước quan tâm”, ông Hạnh xúc động nói.

Giờ đây, tổ chỉ còn lại 8 người. Người trẻ nhất trong tổ cũng đã ngoài 61 tuổi. Họ chia làm 2 ca, ngày làm ngày nghỉ. Công việc bắt đầu từ tờ mờ sáng, kết thúc lúc trời nhá nhem tối. Ngày hai bữa cơm ăn vội ở chợ, có hôm mưa gió, bệnh trở trời, những người lính già vẫn kiên trì bám trụ. “Nghỉ ở nhà buồn, dễ sinh bệnh. Ra đây làm việc, trò chuyện với đồng đội, gặp gỡ bà con, thấy mình còn có ích”, ông Hân chia sẻ.

Đại diện Ban quản lý chợ Đông Ba cho biết, Tổ giữ xe thương binh hoạt động độc lập về tài chính, được Ban quản lý chợ tạo điều kiện về điện, nước và cơ sở vật chất, còn tổ nhận giữ xe miễn phí cho nhân viên Ban quản lý và phục vụ gửi xe qua đêm cho tiểu thương. Đây là một hình thức sẻ chia rất đỗi chân tình.

Tuy rất được quan tâm, tạo điều kiện, nhưng bãi giữ xe hiện tại cũng đang đối mặt với nhiều bất tiện. Diện tích chắp vá, sức chứa chỉ khoảng 250 chiếc. Không như những nhà xe thông minh khác, các thương binh vẫn phải dùng sức để nhận, trả, sắp xếp xe thủ công. Với người lành lặn, có sức khỏe thì không sao, nhưng với những tổn thương khi có người mất chân phải đeo chân giả, người mất tay, người đang mang trong mình nhiều mảnh đạn thì đây quả là điều không dễ dàng.

“Chúng tôi không mong điều gì lớn lao, chỉ mong được cải tạo lại khu vực giữ xe cho thông thoáng hơn, để anh em bớt cực nhọc hơn, nhất là bớt gồng mình, giảm nhẹ cơn đau toàn thân những ngày trái gió trở trời”, ông Đính bày tỏ.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/nhung-nguoi-linh-chung-lung-giua-thoi-binh-155876.html