Lê Thiết Cương: Người tạo xu hướng

Vẫn biết họa sĩ Lê Thiết Cương là người quảng giao, đông bạn, nhiều quan hệ…, nhưng phải tận đến lúc anh ra đi, những lời tiếc thương, đau buồn, nức nở… ngập tràn các mặt báo, các trang mạng xã hội… mới hay sức lan tỏa của người đàn ông tuổi Nhâm Dần ấy lớn đến mức nào.

Họa sĩ Lê Thiết Cương ký sách "Trò chuyện về hội họa". (Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn)

Họa sĩ Lê Thiết Cương ký sách "Trò chuyện về hội họa". (Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn)

Chỗ trống mà anh để lại, không chỉ riêng cho mỹ thuật, mà cho chính đời sống văn nghệ, chắc khó ai có thể thế vào…

Người tạo xu hướng

Y như con người của anh ngoài đời, đỏm dáng, cầu kỳ, trau chuốt, lúc nào cũng như vừa bước ra từ một tạp chí thời trang, Lê Thiết Cương tự hướng mình đi theo một chữ Đẹp. Ăn đẹp, mặc đẹp, chơi đẹp… nên có lúc mệt mỏi với hội họa giá vẽ, Cương quay sang vẩy gốm để rồi tạo nên trào lưu các họa sĩ tìm đến gốm như một cách giải tỏa bớt năng lượng dư dôi. Vẽ thơ trên những bình, lọ hoa rồi nung và bán, rất đắt, rất chạy, gốm Cương có lúc đã thành chỉ dấu nhận diện của những người vừa có điều kiện kinh tế lại vừa yêu nghệ thuật.

Lúc mọi người cũng đua chạy theo gốm, đã lại quay sang hướng mới, táo bạo hơn, kết nối Kinh Phật với gốm truyền thống. Là một họa sĩ đọc nhiều, đọc sâu, đọc một cách kén chọn, Lê Thiết Cương còn nghiên cứu Phật pháp, hiểu thấu đáo những lời Phật dạy và nghệ thuật hóa những “ngũ uẩn giai không”, “thực tướng vô tướng”, “niết bàn tại thế”… trên những sản phẩm độc bản gốm Hương Canh, Phù Lãng, Bát Tràng no nước sông Hồng…

 Sách và tác phẩm gốm trong triển lãm Kinh gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương. (Ảnh: BND)

Sách và tác phẩm gốm trong triển lãm Kinh gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương. (Ảnh: BND)

Bởi vậy có thể nói, sự trỗi dậy của gốm nghệ thuật trong đời sống, gốm cổ truyền đã trở thành tác phẩm nghệ thuật có tính ứng dụng cao một phần nhờ “con mắt xanh” của Lê Thiết Cương - người luôn tiềm tàng trực giác mạnh để tiên đoán và tạo ra xu hướng…

Có một điều tưởng nghịch lý nhưng hoàn toàn thực tế trong hằng ngày, là không phải họa sĩ nào cũng có… thẩm mỹ (và tất nhiên không phải người có thẩm mỹ nào cũng là họa sĩ) nhưng chắc chắn, Lê Thiết Cương là người rất có “gu”, rất “mô đéc”…

Yêu cái đẹp, hiểu về cái đẹp, nên Lê Thiết (như cách anh hay tự gọi mình) luôn tận tụy phổ biến cái đẹp ra đời sống bằng cách làm sách, thiết kế mỹ thuật cho sách.

Nhiều tác giả (may mắn) được Lê Thiết Cương không chỉ vẽ bìa cho cuốn sách chuẩn bị xuất bản, mà anh còn chau chuốt từng phông chữ, co chữ, o bế từng trang từng bức minh họa. Kỹ tính, khó tính và luôn khiến các cộng sự, các đối tác của mình “hết hồn” vì những đòi hỏi, thậm chí bắt bẻ cốt cho ra đời một cuốn sách hoàn hảo về mỹ thuật, Lê Thiết Cương cũng tác động để sách trở nên sang trọng, sang cả hơn và trở thành một xu hướng nữa được ưa chuộng: Sách đẹp.

Tối giản nghệ thuật để tối đa cái Đẹp

Trong hành trình đổi mới của ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng (Báo Nhân Dân) - một hành trình của Đẹp dấu ấn của họa sĩ Lê Thiết Cương cũng luôn được ghi nhớ. Không chỉ vì anh đã từng giữ một chuyên mục: Thấy - và sau này, năm 2017 những bài viết ít chữ nhiều ý từ trang Thấy trên Nhân Dân hằng tháng đã được tuyển chọn in thành cuốn sách đầu tay của Lê Thiết Cương do NXB trẻ ấn hành, cuốn "Thấy"…

Có những cộng tác viên như Lê Thiết Cương, hằng tháng không còn thuần túy tô điểm cho bài viết, mà đã thành tác phẩm có thể tồn tại độc lập và đã độc lập hiện diện trong triển lãm Minh họa trên Nhân Dân hằng tháng tổ chức ngay dưới bóng rợp của cây đa di sản ở trụ sở 71 Hàng Trống (Hà Nội)…

Lê Thiết Cương cũng là họa sĩ được xướng tên bởi phong cách tối giản. Nhưng tối giản của Lê Thiết Cương là sự kiệm hình, kiệm màu, là sự tiết chế cảm xúc và tỷ lệ nghịch với đó là những dồn nén được bật tung, vỡ òa của tâm tưởng, mộng tưởng, của suy nghiệm về cõi nhân sinh, về không gian thời gian bủa vây mỗi đời người.

Giống ngoài đời, Cương nói ít chỉ hay cười hiền, nhưng nói chữ nào thì đắt giá chữ ấy, hội họa tối giản của Lê Thiết Cương là công cụ, phương thức để anh tối ưu cái đẹp, tinh lọc cái đẹp.

Tương tự “ý tại ngôn ngoại” trong thơ, cả đời vẽ, chỉ quanh đi quẩn lại vài cái hình, có điều anh đã biểu tượng hóa được chúng, biến chúng thành ngôn ngữ quy ước của riêng mình. Tối giản của Cương cũng được (bị) học theo nhiều, tuy nhiên “biểu tượng” mà anh mã hóa, thì chỉ chính anh mới giải mã được và đã chống chỉ định với những sự bắt chước.

G39 - Một “con mắt xanh” hào sảng…

Tất nhiên không phải , một salon nghệ thuật tọa lạc ngay tại nhà riêng trên phố cổ Lý Quốc Sư mà chính Lê Thiết Cương là người liên tài, hào hiệp… đã phát hiện, nâng đỡ và tạo điểm tựa cho nhiều tài năng từ thuở còn lận đận. Có những nghệ sĩ rất nổi tiếng đương thời từng chia sẻ với người viết bài này: “Không có Lê Thiết Cương thì không có anh”.

 Họa sĩ Lê Thiết Cương "vẽ thơ Thiền" của Vua Lê Thái Tông bằng chất liệu bột màu trên vải màn, với phong cách tạo hình tối giản.

Họa sĩ Lê Thiết Cương "vẽ thơ Thiền" của Vua Lê Thái Tông bằng chất liệu bột màu trên vải màn, với phong cách tạo hình tối giản.

Nhiều năm gồng gánh gắng gượng duy trì G39 - mà đúng ra nên gọi là salon nghệ thuật, Lê Thiết Cương đã làm đủ việc: Giám tuyển, tổ chức triển lãm rồi cả viết bài giới thiệu cho nhiều gương mặt trẻ. Tưởng “chanh sả” khó gần, kỳ thực Lê Thiết Cương dễ mềm lòng, nhiệt tình giúp người bằng cả tài năng, danh tiếng và các mối quan hệ rộng khắp của mình.

G39 hơn một thập niên qua, cũng là điểm hội tụ của nhiều tao nhân mặc khách, nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ lừng lẫy… Mọi người tới đó, vì có một không gian đẹp, có rượu ngon, có những món bánh tinh tế do thân mẫu Lê Thiết Cương - nhà quay phim Đỗ Phương Thảo tự tay làm, nhưng trước hết và hơn hết là ở đó có chủ nhà Lê Thiết Cương - một tài hoa độc bản trong đời sống văn nghệ những tháng năm dồn dập này…

NGÔ HƯƠNG SEN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-thiet-cuong-nguoi-tao-xu-huong-post895115.html