Những người lính Cụ Hồ vì nhân dân quên mình
Nhường doanh trại, nhường luôn chăn màn, giường chiếu, những người lính Cụ Hồ còn nấu từng bữa cơm dẻo, canh ngọt, mang từng ly nước, ân cần đón nhận, chăm sóc Việt kiều Campuchia hồi hương về đất mẹ tránh dịch Covid-19. Đó là trách nhiệm, tình cảm xuất phát từ trái tim người chiến sĩ với đất nước và dân tộc trong hoạn nạn.
Đến khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An các cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh huyện tất bật với công việc đến mức chúng tôi phải rất tranh thủ mới trao đổi được thông tin. Công việc của các anh bắt đầu khi người dân trong khu cách ly chưa thức dậy và kết thúc lúc mọi người đã đi ngủ.
18 chiến sĩ từ binh nhì đến trung sĩ nhận nhiệm vụ bên trong khu vực cách ly đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân từ những việc nhỏ nhất: Vo gạo, nấu cơm, lặt rau, làm cá, nấu nướng, vệ sinh,... ngày nào hoàn tất tốt ngày đó. Các chiến sĩ san sẻ, chu toàn mọi nhiệm vụ được phân công, không để người dân trong khu cách ly phải phàn nàn hay có tâm lý căng thẳng.
Trong số cách ly theo cha mẹ, có những em nhỏ còn bú sữa bình, nửa đêm hết nước sôi pha sữa, đang ngủ ngon, anh em cũng bật dậy nấu nước mang lên tận phòng phục vụ. Các bạn thanh niên có thói quen ăn tối cũng được bộ phận hậu cần phục vụ tận tình. Trong số cách ly đó còn có những người cao tuổi - đây là đối tượng được cán bộ, chiến sĩ quan tâm, chăm sóc đặc biệt như nấu cơm riêng, chọn thức ăn phù hợp, dễ tiêu hóa,…
Khi được hỏi làm việc có vất vả lắm không, Trung sĩ Phạm Văn Tường - Tiểu đội trưởng, vừa rửa rau, vừa tươi cười: “Khi đất nước trong hoàn cảnh khó khăn, góp sức nhỏ để phục vụ người dân, chung tay phòng, chống dịch bệnh là việc nên làm!”.
Ngoài phụ trách, điều hành công việc, Thượng úy Trương Công Bình - Đại đội trưởng Đại đội Bộ binh huyện Mộc Hóa, còn tích cực tuyên truyền cho người dân trong khu cách ly thực hiện đúng biện pháp phòng, chống dịch bệnh; động viên họ chung tay chia sẻ, cảm thông với điều kiện sinh hoạt và an tâm thực hiện cách ly.
Lúc đầu, cũng có vài thanh niên là lao động từ Campuchia về nước có thái độ bất hợp tác nhưng sau khi được giải thích, thuyết phục, họ đã hiểu và chấp hành tốt nội quy.
Cũng như bao đồng đội khác, Thượng úy Trương Công Bình hiếm có thời gian để điện thoại về gia đình, nỗi nhớ vợ con đành nén lại trong lòng. Anh chia sẻ: “Ngày cũng như đêm, khi đã nhận nhiệm vụ thì chúng tôi luôn chú tâm vào công việc. Để người trong khu cách ly có cuộc sống tốt trong 14 ngày, chúng tôi phải làm việc gấp 3, 4 lần ngày thường, luôn thực hiện “3 sau, 3 trước”: Ăn sau, ngủ sau, sinh hoạt sau - thức dậy trước, làm việc trước, trách nhiệm trước”.
Đến thời điểm này, 137 người ở khu cách ly huyện Mộc Hóa hoàn thành thời hạn 14 ngày. Anh Nguyễn Phan Cầu Thủ, ngụ xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, không giấu được niềm vui, bày tỏ: “Thời gian chúng tôi ở đây, các chiến sĩ vất vả nhiều, họ đối đãi với người dân như người thân của mình, phục vụ vô cùng tận tâm. Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm ấy, đây cũng là dịp để chúng tôi tận mắt chứng kiến cái tình, cái nghĩa của bộ đội đối với nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Suốt những ngày qua, cùng với cả nước chống dịch Covid-19, những chiến sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc luôn xứng đáng là lực lượng xông pha, đi đầu trên trận tuyến ấy. Đầu tháng 4, không riêng Mộc Hóa mà Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở Bến Lức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh cũng có chung niềm vui khi nhiều người hoàn thành cách ly. Góp phần trong niềm vui chung đó có sự hy sinh thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa của những người chiến sĩ trọn nghĩa với đồng bào, Tổ quốc./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nhung-nguoi-linh-cu-ho-vi-nhan-dan-quen-minh-a92914.html