Những người lính cứu hộ - Sáng mãi với người dân Thổ Nhĩ Kỳ

Sau khi thảm họa động đất diễn ra vào ngày 6/2 khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Si-ri-a (Syria) bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Việt Nam đã cử ngay đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sang trực tiếp hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả sau động đất. 24 cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an và 76 cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trở thành '100 đại sứ nhân dân' giúp bạn bè quốc tế hiểu về đất nước, tình cảm và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng và nhân loại.

Thiếu tá Trần Quốc Hương và chú chó Pocka

Trong 76 cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia nhiệm vụ quốc tế lần này có Thiếu tá Trần Quốc Hương - Đội trưởng Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - một người con Đất Tổ. Anh đã cùng 8 cán bộ, chiến sĩ và 6 chó nghiệp vụ tinh nhuệ đóng góp rất lớn vào công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của đoàn Việt Nam tại nước bạn.

Báo Phú Thọ trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với Thiếu tá Trần Quốc Hương - Đội trưởng Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - một trong “100 đại sứ nhân dân” của Việt Nam.

PV: Xin đồng chí cho biết, ngay khi nhận nhiệm vụ này, cá nhân đồng chí cùng đồng đội đã có những chuẩn bị gì về mặt vật chất cũng như tinh thần trước chuyến công tác?

Thiếu tá Trần Quốc Hương: Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần một khí thế lên đường hừng hực, một tâm thế sẵn sàng đề nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đó là phẩm chất của một người lính cụ Hồ từ trước đến nay dù trong bất cứ nhiệm vụ nào. Ngay khi nhận lệnh, chúng tôi chỉ có một ngày để chuẩn bị quân tư trang và các máy móc, trang thiết bị, nhu yếu phẩm mang theo. Nói lời tạm biệt với gia đình qua điện thoại và sau đó là lên đường.

Thực hiện nhiệm vụ lần này tuy có đặc biệt hơn do ở một quốc gia khác, nhưng chúng tôi đã sơ bộ vạch ra được những khó khăn trước mắt: Sự khắc nghiệt của thời tiết, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu tốn và đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho chính đoàn cứu hộ, cứu nạn khi bên đó vẫn còn dư chấn và thậm chí là vẫn tiếp tục xảy ra động đất… Nhưng chính những sự khó khăn đó lại càng khiến cho cán bộ, chiến sĩ trong đoàn quyết tâm cao hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.

PV: Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Hatay - miền nam Thổ Nghĩ Kỳ và cũng là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất của trận động đất. Khi đến đó, tình hình thực tế và khó khăn có khác so với những gì đồng chí tưởng tượng hay dự tính hay không?

Thiếu tá Trần Quốc Hương: Quá khốc liệt, quá hoang tàn - đó là những gì chúng tôi chứng kiến khi lần đầu tiên đặt chân đến điểm tập kết triển khai nhiệm vụ. Cả một thành phố mênh mông, trước đây là chung cư san sát thì giờ chỉ toàn là đống đổ nát, có những tòa nhà sập hết, có tòa sập nghiêng, có tòa mất hết chân. Người dân ở trong các lều, bạt dựng tạm giữa trời, không nước, không điện, thiếu thốn lương thực, rất thương tâm.

Sau một hành trình dài đến nước bạn, các cán bộ, chiến sĩ đã bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch, chia các mũi và bắt đầu tìm kiếm. Có thể nói, dù đã lường trước được những vất vả nhưng thực tế thì đoàn đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trên tất cả các mặt, từ lương thực, thực phẩm đến chỗ ở… Nhưng khó khăn nhất chính là thời tiết khắc nghiệt. Bên đó, nhiệt độ ban ngày là 8-10 độ C, ban đêm xuống còn âm 6-7 độ C, có nơi âm 14 độ C, sau mỗi đêm, các chậu nước để ngoài trời đều đóng băng, mọi thứ đều phủ một lớp tuyết trắng. Đặc biệt, hai ngày đầu tiên ở nước bạn, toàn bộ số lều bạt của đoàn Việt Nam mang sang bị thất lạc, nên cả đoàn phải thức thâu đêm đốt lửa để sưởi ấm. Cũng may mắn là sau đó, số lều đã về đến nơi an toàn. Sức khỏe của mọi người đều đảm bảo, cùng với quyết tâm cao, tất cả đã vượt qua hết mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thiếu tá Trần Quốc Hương (bìa phải) tại hiện trường

PV: Việc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân của đoàn mình được diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tá Trần Quốc Hương: Đoàn được chia làm hai nhóm tìm kiếm ở các khu vực không quá xa nhau. Mỗi nhóm gồm hai chó nghiệp vụ, hai huấn luyện viên, một cán bộ, bảy đồng chí công binh và hai quân y. Trong quá trình tìm kiếm, đoàn cứu hộ, cứu nạn của hai nước Mê-xi-cô (Mexico) và Ba-ranh (Bahrain) thấy chó nghiệp vụ của đoàn Việt Nam làm việc rất hiệu quả nên đã nhờ đoàn mỗi ngày cho mượn hai chú chó để hỗ trợ tìm kiếm.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguy cơ rung chấn vẫn thường xuyên được cảnh báo và các đoàn chỉ được thực hiện tìm kiếm vào ban ngày. Đoàn Việt Nam cũng tuân thủ nghiêm những yêu cầu, cảnh báo và đảm bảo an toàn cho mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ, tuy nhiên, với suy nghĩ coi những người dân Thổ Nhĩ Kỹ như đồng bào, người thân của mình, đoàn Việt Nam rất quyết tâm, lăn xả, chui vào từng ngóc ngách, từng hầm, từng khe hở, từng tòa nhà nghiêng đổ, không nề hà hay sợ hãi gì, chỉ với mong muốn tìm được người còn sống sót hoặc chí ít là mang được thi thể về cho gia đình.

8h tối ngày 20/2, một đợt rung trấn mạnh 6,4 độ richter đã xảy ra tại khu vực đoàn đóng quân. Rất may mắn đợt rung chấn vào buổi tối khi hoạt động cứu hộ đã tạm dừng, nên cả đoàn đã ở nơi an toàn và đang nghỉ ngơi. Mọi người nhanh chóng nằm rạp xuống đất để tránh va đập nên không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

PV: Như trên đồng chí đã chia sẻ, trong công cuộc tìm kiếm người bị nạn của các đồng chí có sự “sát cánh” của những “đồng đội đặc biệt”, đó là những chú quân khuyển. Theo thông tin từ hiện trường có một chú chó đã bị thương khi đang làm nhiệm vụ. Xin đồng chí cho biết tình hình hiện giờ của chú chó đó như thế nào ạ?

Thiếu tá Trần Quốc Hương: Nhiệm vụ lần này có sáu chú chó nghiệp vụ được mang theo có tên lần lượt là Ê Py, Javo, Pocka, Or Tơ, Vat và Tôm Pa. Bởi đây là lực lượng có khả năng tìm kiếm các nạn nhân ở độ sâu lớn tới hơn 10m, phù hợp với các điều kiện địa hình phức tạp. Trong đó, Pocka và Ê Py là dạn dày hơn cả khi đã từng tham gia nhiều vụ tìm kiếm lớn như cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng, sạt lở ở Quảng Trị, sạt lở tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), sạt lở ở Mai Châu (Hòa Bình) và đã tìm thấy nhiều thi thể bị chìm trong lòng đất... Trong thời gian kiếm tại Hatay, Pocka đã tìm ra hàng chục vị trí các nạn nhân gặp nạn. Tuy nhiên, trong quá trình đào bới, Pocka cũng đã bị cọc sắt và mảnh thủy tinh cứa vào chân trước và bị chảy rất nhiều máu. Vết thương đã buộc Pocka phải nghỉ 2 ngày trước khi tiếp tục ra thực địa.

Hiện tại thì sức khỏe của Pocka đã ổn định, chỉ là vết thương phần mềm nên không có gì đáng lo ngại.

PV: Sau một thời gian dài đi một quãng đường xa, đến nơi có địa hình phức tạp và khí hậu khắc nghiệt, các chú quân khuyển có bị sợ hãi hay gặp trở ngại gì hay không, thưa đồng chí?

Thiếu tá Trần Quốc Hương: Khi đến một môi trường mới, chắc chắn những chú chó sẽ mất thời gian để tìm kiếm, quan sát và thụ động. Tuy nhiên, trong quá trình huấn luyện, chúng tôi đã thành lập phản xạ rất vững chắc, nên những chú chó luôn tuân theo mệnh lệnh của huấn luyện viên. Ngoài ra, loài chó thích nghi với khí hậu lạnh hơn là nắng nóng, nên quá trình thực hiện nhiệm vụ có nhiều thuận lợi.

Tuy là lần đầu tiên tham gia tìm kiếm nạn nhân sau động đất, nhưng kinh nghiệm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của đội chó nghiệp vụ ở các tình huống như sạt lở đất, mưa bão ngập lụt, sập nhà… trên các địa hình như bùn nước, mặt đất khô, hay bãi thải… ở Việt Nam đã có nhiều. Đội chó nghiệp vụ được huấn luyện làm việc trong mọi điều kiện hoàn cảnh để tìm kiếm nguồn hơi dù là nhỏ nhất.

Sau sáu ngày tìm kiếm, đội sử dụng chó nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn đã triển khai tìm kiếm xác định 31 điểm, phát hiện 15 vị trí có nạn nhân trong đống đổ nát, đưa được 28 thi thể và hai nạn nhân có dấu hiệu sự sống, phối hợp với các nước bạn tìm được ba vị trí có 10 thi thể nạn nhân.

PV: Lần đầu tiên tham gia cứu hộ, cứu nạn ở nước ngoài, xin đồng chí cho biết tình cảm của người dân nước sở tại dành cho đoàn như thế nào, có kỷ niệm nào khiến đồng chí nhớ nhất không?

Thiếu tá Trần Quốc Hương: Hình ảnh làm tôi nhớ đến tận bây giờ và cả sau này là hình ảnh mỗi buổi sáng, trên đường đi bộ đến hiện trường, người dân đứng đón đoàn ở hai bên đường, họ đặt tay lên tim để thể hiện sự tin tưởng cũng như cảm ơn đoàn Việt Nam. Nhiều người dân đến chỉ cho đoàn những vị trí có người bị nạn, cũng có nhiều người đến nhờ bộ đội tìm kiếm những vị trí mà người thân của họ bị vùi lấp.

Thực tế thì có tới 41 đoàn cứu hộ các nước cùng tìm kiếm khu vực đó, nhưng có nhiều đoàn chỉ tìm kiếm dấu hiệu sự sống chứ không tìm kiếm thi thể. Còn đoàn Việt Nam luôn sẵn sàng lăn xả, trách nhiệm, chui vào những nơi nguy hiểm nhất để tìm kiếm hy vọng cho người dân. Chính bởi đoàn Việt Nam luôn coi mỗi người dân Thổ Nhĩ Kỳ như người thân trong gia đình nên người dân cũng rất tin tưởng, yêu quý cán bộ, chiến sĩ, không ngần ngại chia sẻ từng phần lương thực và cả những giọt nước quý giá cho đoàn, cho các chú chó.

PV: Còn đánh giá của các đoàn cứu hộ quốc tế thì sao, thưa đồng chí?

Thiếu tá Trần Quốc Hương: Quốc tế khẳng định Việt Nam là một trong những nước có kinh nghiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ quốc tế, bằng chứng là hàng ngày đều có kết quả tìm kiếm. Đặc biệt là đội quân khuyển Việt Nam làm việc rất hiệu quả, được nhiều nước bạn đề nghị phối hợp hỗ trợ. Hai chú chó được hai nước Mê-xi-cô (Mexico) và Ba-ranh (Bahrain) mượn đã tìm kiếm được tổng cộng 10 nạn nhân. Đội quân khuyển của Việt Nam nói riêng và đoàn Việt Nam nói chung được quốc tế đánh giá rất cao.

Ngày kết thúc nhiệm vụ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp đến để cảm ơn đoàn cứu hộ của Việt Nam đã hỗ trợ tìm kiếm và viện trợ sau động đất, ông nhấn mạnh thảm họa động đất cho thấy tầm quan trọng của tình đoàn kết quốc tế và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ quên sự hỗ trợ hết mình của Việt Nam.

Có thể khẳng định, sau nhiệm vụ này, hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, một Việt Nam có đầy đủ năng lực để thực hiện trách nhiệm đó một cách cao nhất đã được quốc tế ghi nhận.

PV: Ngoài công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn thì đoàn có làm công tác dân vận gì không, thưa đồng chí?

Thiếu tá Trần Quốc Hương: Tình cảm của người dân dành cho Việt Nam có phần nhiều hơn các nước khác cũng chính là bởi công tác dân vận của ta. Trong quá trình tìm kiếm, bộ đội ta sẵn sàng nhận lời giúp người dân lấy lại tài sản từ trong đống đổ nát hoặc trong những tòa nhà cheo leo chờ sập. Ngoài ra, đoàn còn sẵn sàng bê vác những đồ dùng còn sót lại và dùng được bàn giao lại cho người dân và giúp họ chuyển đến nơi ở mới.

Đặc biệt, công tác hỗ trợ nhân đạo được xác định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của đoàn trong chuyến đi lần này. Đoàn đã mang sang 25 tấn hàng viện trợ gồm lương khô, gạo, sữa, thiết bị y tế và nhiều nhu yếu phẩm khác để trao tặng địa phương, phục vụ công tác khắc phục hậu quả do thảm họa động đất. Các cán bộ, chiến sĩ đã dành hai ngày cuối cùng để đến từng lều bạt phân phát cho người dân, đội ngũ quân y cũng thường trực 24/24h để giúp đỡ người dân cũng như thành viên các đội cứu hộ trong trường hợp cần thiết.

PV: Thưa đồng chí, Phú Thọ rất tự hào khi có những người con Đất Tổ tham gia vào đoàn cứu hộ, cứu nạn lần này của Quân đội nhân dân Việt Nam. Là một người con Đất Tổ, một người dạn dày 30 năm kinh nghiệm, đồng chí có điều gì muốn nhắn nhủ với thanh niên Phú Thọ nói chung và những chiến sĩ trẻ đang rèn luyện trong quân ngũ nói riêng?

Thiếu tá Trần Quốc Hương: Thế hệ cha anh đi trước luôn mang trong mình quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam lại càng mang trong mình lời thề “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam”, bởi vậy lớp trẻ cần noi theo tấm gương những người đi trước, trở thành người có ích cho xã hội, trở thành một người lính cụ Hồ, tiếp nối truyền thống Đất Tổ anh hùng, dân tộc anh hùng.

Muốn làm được điều đó cần tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức thật tốt, không ngừng trau dồi, nâng cao năng lực công tác, quyết tâm trong mọi công việc, nhiệm vụ, nói đi đôi với làm, lấy hành động để minh chứng cho lời nói. Có như vậy thế hệ trẻ, những người lính trẻ mới có thể cống hiến cho xã hội, cho quê hương, cho Tổ quốc, để đất nước ta mãi vững mạnh.

PV: Xin cảm ơn đồng chí vì buổi trò chuyện ngày hôm nay.

Một số hình ảnh cứu hộ cứu nạn tại Hatay do nhân vật cung cấp:

Hiếu Nghĩa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/nhung-nguoi-linh-cuu-ho-sang-mai-voi-nguoi-dan-tho-nhi-ky/191122.htm