Những người lính nơi phên giậu Tổ quốc

Với phương châm '3 bám, 4 cùng', 'đâu dân cần, đâu dân khó, có công an', lực lượng An ninh Công an tỉnh Nghệ An luôn bám địa bàn, sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý thông tin. Qua đó, phát huy vai trò trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Yên dân, ấm bản

Được thành lập vào năm 2009 từ người dân tái định cư của thủy điện Bản Vẽ, Ngọc Lâm là một trong những xã miền núi giáp biên với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của huyện Thanh Chương, Nghệ An. Xã có 1.446 hộ, 6.077 nhân khẩu, 4 dân tộc: Thái, Khơ Mú, Thổ và Kinh cùng sinh sống. Những năm trước đây ở đất cũ, bà con Ngọc Lâm đã quen với thói quen canh tác lên nương rẫy trỉa ngô, gieo lúa hay xuống suối bắt cá. Khi chuyển về nơi ở mới, do đặc thù là xã tái định cư, địa hình biên giới, dân cư đa dạng, nhiều rừng núi, phương thức sản xuất cũng có nhiều điểm khác biệt.

Năm 2019, công an chính quy về đảm nhận nhiệm vụ công an xã tại địa bàn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy làm kinh tế. Từ đó, bà con mạnh dạn đầu tư máy móc, nhiều mô hình sinh kế được triển khai cho hiệu quả thiết thực, điển hình như mô hình trồng chè kết hợp chăn nuôi trở thành động lực xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.

Đại tá Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ An ninh tặng quà Tết cho người uy tín tiêu biểu trong dân tộc thiểu số.

Đại tá Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ An ninh tặng quà Tết cho người uy tín tiêu biểu trong dân tộc thiểu số.

Những tuyến đường khang trang là “đòn bẩy” làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Nhận thức được điều đó, Công an xã Ngọc Lâm rất chú trọng trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Trước đây, tuyến đường chính của bản Tân Sáng, xã Ngọc Lâm là đường đất, sỏi đá lởm chởm. Mỗi khi trời mưa, mặt đường lầy lội, trơn trượt, khiến việc đi lại, giao thương của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm 2024, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã, tuyến đường giao thông liên bản được đầu tư bê tông hóa, nhưng việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại. Bởi, tuyến đường mở rộng đi qua vườn trồng hoa màu và có 2 hộ dân chưa đồng tình.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Công an xã Ngọc Lâm đã cùng trưởng bản kiên trì, vận động 2 hộ gia đình nhận thức rõ về lợi ích trong việc hiến đất làm đường. “Mưa dầm thấm lâu”, nhờ sự kiên trì, vận động của Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng, 2 hộ dân đã thu hoạch hoa màu, hiến hơn 50 m2 đất ở để “nhường đường” băng qua. “Khi địa phương vận động hiến đất, gia đình cũng tiếc lắm. Khi anh Hưng cùng trưởng bản bằng cái lý, cái tình giải thích, tôi nhận thấy nếu đường mở rộng thì nhà mình cũng sẽ đẹp hơn nên vợ chồng bàn bạc và đồng ý hiến đất để mở đường”, ông Ông Vi Văn Xuân (bản Tân Sáng) chia sẻ.

Trên địa bàn xã Ngọc Lâm có 3 trường học: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Riêng trường Mầm non Hương Tiến có 4 điểm trường, 271 học sinh, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cháu tại các điểm trường còn thiếu thốn chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Trước tình hình trên, Công an xã Ngọc Lâm đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí lắp đặt toàn bộ hệ thống ánh sáng và đóng 300 m2 trần các phòng học, phòng kho, phòng vệ sinh tại điểm trường Khe Tròn (thuộc trường Mầm non Hương Tiến) trị giá gần 200 triệu đồng.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Tiến chia sẻ: “Cơ sở vật chất, nhất là hệ thống đèn và trần nhà của nhà trường tại điểm trường Khe Tròn đã xuống cấp trầm trọng. Nhờ sự quan tâm của các cán bộ Công an xã Ngọc Lâm, đặc biệt là Thượng úy Ngô Xuân Duy đã kết nối với các nhà hảo tâm, hỗ trợ nhà trường lắp đặt hệ thống ánh sáng và đóng trần các phòng học. Giáo viên nhà trường và các cháu đi học được hưởng thụ công trình mới rất vui, cảm ơn các chú”.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn tuyên truyền để người dân hiểu rõ hậu quả của việc di cư trái pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn tuyên truyền để người dân hiểu rõ hậu quả của việc di cư trái pháp luật.

Cùng với đó, xác định tầm quan trọng của việc an ninh, trật tự được bảo đảm là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, Công an xã Ngọc Lâm bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào và cùng đồng hành, đối thoại để nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả các vụ việc, điểm nóng ngay từ sớm. Phối hợp hiệu quả với lực lượng Biên phòng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng mô hình điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, tăng cường đoàn kết toàn dân...

Mường Lống là xã miền núi, rẻo cao, cách trung tâm huyện Kỳ Sơn gần 50 km, nơi 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, có 13 bản với 1.037 hộ, 5.531 nhân khẩu. Người dân chủ yếu luân canh nương rẫy và chăn nuôi. Những năm về trước, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phức tạp, nổi lên là tình trạng di dịch cư trái pháp luật sang Lào. Vào những đêm sương trắng bao trùm thung lũng, đã có nhiều gia đình lặng lẽ bỏ nhà, bỏ ruộng nương, bỏ bản, dắt díu nhau băng rừng đi tìm “miền đất hứa”. Chỉ tính từ năm 2010 đến tháng 6/2019, trên địa bàn xã đã phát hiện 29 hộ, 138 nhân khẩu di cư sang Lào.

Trước tình hình trên, lực lượng An ninh Công an tỉnh phối hợp với công an cơ sở đã có những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng di dịch cư trái pháp luật. Theo đó, mô hình “Phòng, chống di dịch cư trái pháp luật” tại xã Mường Lống được thành lập. Ngay sau khi ra mắt, ban chỉ đạo đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức phong phú như xây dựng pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; xây dựng phóng sự và hàng trăm lượt tin bằng tiếng dân tộc Mông phát trên hệ thống loa truyền thanh của bản. Lực lượng Công an thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát trên các bản làng bất kể đêm hay ngày.

Bên cạnh đó, tổ chức các buổi họp dân, tranh thủ tuyên truyền qua đội ngũ già làng, người có uy tín, đến từng nhà, trực tiếp gặp gỡ vận động cá biệt; tổ chức các buổi đối thoại với những hộ dân di dịch cư trái pháp luật để họ trở về địa phương hoặc từ bỏ ý định di dịch cư; duy trì thường xuyên, có hiệu quả 26 hòm thư tố giác tội phạm tại bản. Qua đó, kịp thời phát hiện, phối hợp các lực lượng chức năng giải quyết 42 vụ mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, đẩy đuổi 56 đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo người dân di dịch cư. Đến nay, xã Mường Lống đạt “3 không”: không ma túy, không tội phạm và không di dịch cư, được cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân ghi nhận, đánh giá cao thành tích của lực lượng Công an.

Công an tỉnh Nghệ An luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả các vụ việc, điểm nóng ngay từ sớm.

Công an tỉnh Nghệ An luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả các vụ việc, điểm nóng ngay từ sớm.

Trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, các già làng, trưởng bản, người có uy tín giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Nhận thức sâu sắc điều này, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các huyện miền núi đã sát cánh, gần gũi, lắng nghe ý kiến của các già làng, người có uy tín, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc để họ phát huy vai trò, trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ bình yên thôn, bản.

Bảo đảm vững chắc An ninh Tổ quốc vùng phên giậu

Tỉnh Nghệ An có 11/21 huyện trung du, miền núi với hơn 45 vạn đồng bào dân tộc thiểu số; có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài hơn 468 km. Nhận thức vai trò quan trọng của công tác bảo đảm an ninh biên giới, thời gian qua, Công an Nghệ An tập trung chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 01-CT/TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, gắn với tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp công tác. Công an Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng và cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyến biên giới tổ chức nhiều buổi họp dân, đưa tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự đồng thuận của nhân dân để tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh biên giới.

Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Công an huyện Tương Dương chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Dân vận khéo”, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Công an huyện Tương Dương chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Dân vận khéo”, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Thường xuyên công tác, chiến đấu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đối mặt với nhiều hiểm nguy phức tạp, thấm nhuần sâu sắc Sáu điều Bác Hồ dạy CAND với phương châm “chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, bảo vệ từ xa”, lực lượng An ninh Công an Nghệ An đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, không để đột xuất, bất ngờ, hình thành “điểm nóng”, phức tạp. Tham mưu, phối hợp giải quyết tốt các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân; thường xuyên phối hợp với các lực lượng khác để đảm bảo an ninh, an toàn tuyến biên giới đất liền; triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động.

Những cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh vẫn đang miệt mài, thầm lặng ngày đêm bám dân, bám bản, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Những nẻo đường biên giới xanh hơn, no ấm và yên bình hơn, nhờ có các anh - những người chiến sĩ công an bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân miền biên viễn xứ Nghệ.

Phạm Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-nguoi-linh-noi-phen-giau-to-quoc-i726474/