Những người lính tình nguyện của 'Mùa chinh chiến ấy'
'Mùa chinh chiến ấy' là tên cuốn hồi ký của tác giả Đoàn Tuấn, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307. 'Một ngày mùa chinh chiến ấy/ Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay…'. Những câu hát trong bài 'Hướng về Hà Nội' của nhạc sỹ Hoàng Dương thi thoảng lại thầm thì bên tai người lính trẻ Đoàn Tuấn trên bước đường hành quân.
Là người Hà Nội, vì yêu bài hát ấy mà sau này Đoàn Tuấn đã mượn một câu ca từ đặt tên cho cuốn sách của mình. Tôi chỉ mới gặp tác giả có một lần trong khoảng thời gian không dài, chưa hỏi được nhiều chuyện, nhưng bằng tác phẩm của anh, tôi biết rằng khi bắt đầu mặc bộ quân phục bộ đội, anh chưa hình dung được cái cuộc chiến mà mình sắp tham gia nó như thế nào. Đến khi thực sự cầm súng xung trận, anh mới nhận ra nó khủng khiếp hơn anh tưởng tượng rất nhiều.
Cuộc chiến với một đội quân tàn bạo nhất trong lịch sử: bọn diệt chủng Pônpốt - Iêngxari. Một cuộc chiến tranh tự vệ, vừa bảo vệ tổ quốc mình, vừa tấn công xóa bỏ địa ngục trần gian do chúng dựng lên ngay trên đất nước của chúng nhằm tiêu diệt chính đồng bào của mình. Những người lính tình nguyện Việt Nam phải chiến đấu trong điều kiện không có một điểm tựa hậu phương, nếu ngã xuống không được chôn cất trong lòng đất quê hương xứ sở.
Khi họ hy sinh phải mai táng ẩn giấu, những đồng đội còn sống thay phiên nhau trông coi “nghĩa trang” vì lo ngại bọn Pônpốt phát hiện sẽ moi xác họ lên tiêu hủy. Họ phải chịu đựng gian khổ, hy sinh rất lớn mà không phải ai cũng hiểu được. Đã sang đến xứ sở xa lạ này, họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ. Người chiến sĩ Đoàn Tuấn nảy ra ý định viết văn từ đó.
Anh tự răn mình: phải viết trung thực để cho đồng bào mình và cộng đồng nhân loại nhận chân bản chất cuộc chiến. Viết để cho các thế hệ mai sau phải luôn nhắc nhau nhớ câu nói bất hủ của Fuxich trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ”: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác!”.
Chất liệu cho văn chương ở chiến trường này rất nhiều, chẳng cần hư cấu cũng đã thành điển hình. Nhưng nhiệm vụ nặng nề, điều kiện sống khắc nghiệt, người chiến sĩ Đoàn Tuấn không có điểm dừng để tư duy về tác phẩm. Thậm chí không có nổi một chỗ ngồi yên ổn mà viết. Anh chỉ ghi nhanh dưới dạng “Nhật ký” những gì mà anh thấy cần phải ghi lại, để rồi hơn 30 năm sau, khi đã trở thành một nhà biên kịch điện ảnh, anh mới mang tập nhật ký ra viết thành hồi ký.
Đã có một độ lùi cần thiết về thời gian cùng với sự trải đời và một kiến văn khá vững nên anh biết chọn những gì có giá trị văn học cần viết. Cũng như nhiều cuốn hồi ký khác, “Mùa chinh chiến ấy”, Đoàn Tuấn cũng viết theo tuần tự thời gian: Từ cái đêm đầu tiên ở chiến trường (giữa tháng 11-1978) cùng đồng đội chiến đấu, vào sinh ra tử suốt 5 năm cho đến khi được xuất ngũ được trở về Tổ quốc (tháng 5 năm 1983).
Khá nhiều sự kiện, địa danh, trận đánh được ghi lại. Nhiều gương mặt bạn bè, đồng đội xuất hiện trong từng câu chuyện một cách tự nhiên, như Phú “râu”, người Trung đoàn trưởng có dáng cao to, bộ râu không có điều kiện để cạo lại hóa “đẹp”; Trung đội trưởng Lê Quỳnh Lan đẹp trai, quê Bình Định, chiến đấu rất dũng cảm, hy sinh như một người anh hùng; Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Khang hiền hậu như một người mẹ; chiến sĩ Nguyễn Đức Thừa, quê Quảng Nam, ít nói, rất giỏi khâm liệm thi hài liệt sĩ; rồi Thạo “điên”, Minh “sứt”, Thuận “áo trận”, Vinh “Nam Đồng”, Toàn “cây si”, Thắng “gái”...
Mỗi người một tính cách, một đời sống riêng tư, vẻ ngoài và suy nghĩ khác nhau; lúc bình thường thì tếu táo, hay pha trò, bốc phét để làm vơi bớt cơn đói, cơn khát lúc nào cũng hành hạ; khi vào trận thì ai cũng quả cảm, kiên cường, sẵn sàng chọn sự nguy hiểm về mình để đồng đội được an toàn.
Cảnh những người lính khiêng cáng thương binh - liệt sĩ trong đêm mưa rừng tối om, vừa đi vừa dò mìn; cảnh bắt sống những tù binh nữ Pônpốt; cảnh bọn lính Pônpốt quậy phá không cho bộ đội ta ăn Tết… bạn đọc sẽ không thể quên được. Càng không thể quên cảnh Trung đội trưởng Hà Huy Lan hy sinh nhưng vì đơn vị bận truy kích địch, phải đặt anh nằm tạm trong lán, ba ngày sau đơn vị quay về, xác anh trương lên, bốc mùi khiến những người lính mới sợ hãi thì Nguyễn Đức Thừa xung phong khâm liệm rất mau lẹ, chu đáo; cảnh người lính lớn tuổi Trần Thanh Miện có đời sống riêng tư đau khổ, bị dính mìn hy sinh, trong ba lô có một bó thư tình thấm máu chưa kịp gửi…
Đoàn Tuấn mô tả sự kiện nào cũng hay, nhân vật nào cũng ấn tượng, ám ảnh. Những người chưa hiểu lắm về cuộc chiến ở Campuchia mà đọc “Mùa chinh chiến ấy” hẳn sẽ rất kinh ngạc bởi không hiểu vì sao ở đất nước lắm chùa chiền, chỗ nào cũng thấy thờ Đức Phật mà lại nảy nòi ra một chế độ man rợ, coi việc bắt bớ, tra tấn, chém giết đồng bào mình (nhất là những người thuộc nhóm trí thức tinh hoa) như là một lẽ sống!?
Họ cũng tự hỏi: chẳng hiểu từ đâu ra mà chúng có nhiều loại vũ khí giết người “sành điệu” đến thế? Trong Tiểu đoàn 8, hầu như ngày nào cũng có người bị thương và hy sinh. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một gang tấc, một khoảnh khắc. Bọn Pônpốt có hàng trăm loại mìn. Mỗi loại mang một công năng giết người khác nhau. Có loại chỉ nhỏ và dẹt như một quả bàng nhưng khi người lính giẫm phải là nó “xin một chân”. Có loại khi quệt chân vào sợi dây nhỏ như sợi cước lẫn trong cỏ, lập tức quả mìn nhảy lên ngang bụng mới phát nổ, xé toang ổ bụng của nạn nhân. Mìn rải dày đặc trên các lối đi trong rừng, trên các ngả đường qua phum, sóc, gây biết bao cái chết đau thương cho những người lính tình nguyện Việt Nam.
Đoàn Tuấn từng là lính thông tin Trung đoàn nhưng anh thường phải đeo máy vô tuyến “cắm” xuống Tiểu đoàn, Đại đội, trực tiếp tham gia trận mạc; khi được điều động lên phụ trách chính sách của Trung đoàn thì anh lại thường xuyên phải đến tận nơi nhận mặt những liệt sĩ hy sinh, làm thủ tục báo tử, khâm liệm, chôn cất.
Trong tác phẩm anh ghi lại gần 30 trường hợp đồng đội hy sinh. Mỗi người chết một kiểu. Có người chết tức tưởi. Có người chết từ từ. Chết vì các loại đạn pháo, đạn cối và rất nhiều các loại đạn khác. Nhưng nhiều nhất là chết vì mìn. Một số loại mìn có pha chất độc với thuốc nổ bên trong nên người lính nào đã dính những loại mìn này hầu như không cứu được.
Không ít lần Đoàn Tuấn ngồi chứng kiến cái chết từ từ của đồng đội mà bó tay không cứu được. Chết vì đói, vì khát, vì ăn phải nấm độc, vì sét đánh, vì muỗi, vắt, vì ruồi xanh, ruồi vàng. Campuchia khi ấy là chiến địa của chết chóc nên ruồi rất nhiều, nhiều đến nỗi lính ta ngồi ăn cơm ruồi bu đen bát đĩa, ruồi chui cả vào họng, vào mũi. Đơn vị phải mở “chiến dịch” diệt ruồi; chúng chết nhiều đến mức phải đào hố chôn.
Và cái đói, cái khát trong mùa khô nơi biên giới Campuchia - Thái Lan mới khủng khiếp làm sao. Những người lính tình nguyện đói đến nỗi phải bắn cả chim kền kền mà ăn. Loài chim này chuyên ăn xác thối, chúng ăn cả những xác liệt sĩ hy sinh ở trong rừng mà đồng đội chưa tìm thấy. Thịt kền kền hôi tanh, lúc bình thường chỉ ngửi mùi từ xa đã lợm giọng, muốn nôn mửa, thế mà vì đói quá họ cũng phải nhắm mắt mà nuốt. Đói đi liền với khát. Khát đến nỗi tê cứng người, đau nhức chân tay, không lê bước đi được. Khát đến độ để sống sót người này phải vạch quần tè ra cho người kia uống.
Tuy mô tả về sự hy sinh của đồng đội khá nhiều. Song âm hưởng chủ đạo của gần 500 trang sách vẫn là tinh thần lạc quan, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho nghĩa vụ cao cả. Điều gì được kể cũng chân thực, hấp dẫn, ám ảnh khó quên. Vì mọi sự kiện, các nhân vật đều là thực nên tác giả cho in ngoài bìa là “Hồi ký” nhưng âm hưởng chủ đạo của tác phẩm là nhất quán, chứa đầy kịch tính, từng chương tồn tại độc lập nhưng lại có sự đan cài, gắn kết với nhau, nhân vật nào cũng lồ lộ cá tính nên cuốn sách xứng đáng được gọi là “Tiểu thuyết”, một tiểu thuyết đáng đọc về chiến tranh. Có điều không may cho “Mùa chinh chiến ấy” xuất bản vào cái thời mà số lượng bạn đọc văn chương không còn đông đảo nên sự lan tỏa của tác phẩm không được rộng rãi.