Những người mang tâm trí… không màu
Tiến sĩ David Mitchell nhận được lịch hẹn với một bệnh nhân vô cùng đặc biệt. Anh trông hoàn toàn khỏe mạnh, sở hữu một thân hình cân đối với phong thái đầy tự tin.
Thế nhưng, tâm trí của anh lại hoàn toàn trống rỗng, như một căn phòng bao phủ bởi bóng tối. Mọi hình dung về gia đình, về cuộc sống, về khung cảnh tươi đẹp ngoài kia đã hoàn toàn biến mất. Anh vẫn có thể nghĩ về mọi thứ, về những ý tưởng cho công việc của mình. Chỉ có điều, anh không thể tưởng tượng được nữa.
Không thể tưởng tượng
David Mitchell cầm trên tay một quả táo. Người bình thường chắc hẳn sẽ quan sát rất kỹ quả táo, rồi nhắm mắt và tưởng tượng thấy màu sắc của nó bên trong tâm trí của mình. Chúng ta đã quá quen thuộc với năng lực tưởng tượng và hình dung về vạn vật - khả năng thiên bẩm giúp loài người tồn tại, rồi tiến hóa suốt hàng triệu năm qua.
David Mitchell tin rằng, tưởng tượng chính là gia vị quan trọng bậc nhất trong đời sống tinh thần của mỗi cá thể, cho phép con người ghi nhớ, mơ mộng, sáng tạo, đọc hiểu và giải quyết vấn đề thông qua phân tích, xử lý thông tin ở não bộ.
Ngồi trước chàng thanh niên kỳ lạ, những điều khó tin dần được hé lộ. Anh phát hiện trải nghiệm thị giác của mình không giống mọi người sau khi đọc bài báo về một người đàn ông mất đi khả năng tưởng tượng sau phẫu thuật.
Anh có thể suy ngẫm về “khái niệm” của một bãi biển đầy cát, sóng nước và nhiều hoạt động trên bãi biển, nhưng lại hoàn toàn vô vọng khi cố gắng “vẽ” ra hình ảnh bãi biển trong đầu, cũng như không thể tưởng tượng ra cảnh con sóng vỗ bờ dạt dào. David Mitchell đã thử chụp cộng hưởng từchức năng, nhưng không phát hiện thấy bất cứ thương tổn nào trên não bộ.
Cách đây hơn 10 năm, những nhà thần kinh học hàng đầu như Martha Farah và Stephen Kosslyn từng nhắc đến hiện tượng “rối loạn năng lực tưởng tượng”.
Trong báo cáo ghi lại, họ tập hợp bản tự mô tả của nhiều cá nhân về vấn đề mất khả năng triệu hồi bất kỳ hình ảnh nào từ trí nhớ, cho dù đó là khuôn mặt của người thân yêu hay một nơi quen thuộc.
Số ít người tự lên tiếng với truyền thông về hiện tượng bí ẩn này, chẳng hạn như Ross Blake (một trong những người sáng tạo ra Firefox), hoặc Niel Kenmuir với tuyên bố... bất hủ trên kênh truyền hình BBC: “Tôi muốn tưởng tượng ra cừu để ngủ, nhưng chẳng thấy nổi một con trong tâm trí tối đen như mực”.
Thực ra, hiện tượng này không hề mới mẻ. 150 năm trước, nhà tâm lý học Francis Galton - ông tổ của của Thuyết ưu sinh - đã khiến giới khoa học kinh ngạc trước phép đo năng lực tưởng tượng, cùng kết luận gây tranh cãi suốt hơn một thế kỷ: không ít người có năng lực tưởng tượng bằng... không.
Đến thời của David Mitchell, khoa học đã chính thức thừa nhận sự tồn tại của “phi tưởng tượng”, ám chỉ rằng não bộ (bằng cơ chế bí ẩn nào đó) đã mất đi khả năng hình dung vốn có của nó, khiến một người cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải nhận diện gương mặt, mất dần năng lực xây dựng “ký ức tự truyện” trên não, đồng thời gặp ít nhiều rắc rối nếu phải gợi lại ký ức.
Khoa học hiện đại phỏng đoán, “sự cố” tưởng tượng khiến một người chẳng khác nào những đối tượng bị mù bẩm sinh. Bởi lẽ, họ vẫn có thể mô tả và đi lại trong một căn phòng, mặc dù họ không thể “nhìn thấy” nó bằng trí tưởng tượng của mình.
Có khoảng từ 1-3% dân số thế giới rơi vào trạng thái không thể tưởng tượng, mặc dù hầu hết những người này không hề biết bởi vì họ nghĩ rằng tất cả mọi người đều giống họ. Thế giới của họ quá đỗi hiếm gặp thứ người bình thường luôn sở hữu từng giây: hình dung và trải nghiệm giác quan.
Nhà tâm lý học Wilma Bainbridge, với nỗ lực giải thích “sự cố”, khẳng định trí tưởng tượng không hoàn toàn biến mất, mà đôi khi vô tình xuất hiện dưới dạng “mơ trực quan”.
Khi ấy, con người tạm thời mất năng lực truy xuất trí nhớ, nhưng có thể mã hóa trí nhớ bằng ngôn từ (chứ không phải hình ảnh). Có điều, Wilma Bainbridge không trả lời được câu hỏi: vì sao nhiều bệnh nhân chẳng bao giờ... mơ trực quan, mà chỉ luôn có một khoảng không gian tối trong não mỗi khi cố gắng tưởng tượng?
Những nét vẽ trên giấy
Không ai dám chắc về nguồn gốc của một tâm trí “mù lòa”, hay ít nhất đưa ra một giả thuyết được số đông ủng hộ. Bẩm sinh từ trong trứng, hay tự xuất hiện sau chấn thương não đột ngột?
Nghiên cứu của Rebecca Keogh và Joel Pearson chỉ khẳng định: so với người bình thường, người bị mất năng lực tưởng tượng cực kỳ kém hoạt động ở vùng võ não trước trán.
Không giống nhiều ý kiến tiêu cực, Rebecca Keogh và Joel Pearson nhận định tâm trí “mù lòa” khiến chúng ta không bị phân tâm bởi hình ảnh nhiễu loạn trong não cùng đoạn hồi tưởng tiêu cực, khiến chúng ta tập trung vào hiện tại để đạt được thành tựu.
Craig Venter (với hành trình 20 năm giải mã gene người), hay Ed Catmull (cựu chủ tịch Pixar Animation làm ra bộ phim hoạt hình bằng máy tính đầu tiên trên thế giới) đều công khai sống chung với tâm trí “mù lòa” nhưng lại cực kỳ thành công trong lĩnh vực đòi hỏi sáng tạo.
Neesa Sunar từng là một hiện tượng trên Facebook với nhóm cộng đồng về ý nghĩa thực sự của sức khỏe tinh thần trong một thế giới hiện đại đầy biến động và căng thẳng.
Là người sáng tạo nội dung, “sự cố” tưởng tượng trở thành một thông điệp chung gắn kết những người như Neesa Sunar, tạo nên cơ hội chia sẻ câu chuyện cuộc đời, và quan trọng hơn, nhờ khoa học tìm cách lưu lại ký ức.
Trải nghiệm tâm trí “mù lòa” đánh thức giới khoa học thần kinh đã ngủ quên suốt nhiều năm qua. Nỗi đau lớn nhất của Sunar chính là tâm trí trống rỗng, đến độ cô xuất bản sách nhưng không thể đọc sách.
Khoa học viễn tưởng trở thành cơn ác mộng vì não bộ không thể tự vẽ lên những hình dung về nhân vật. Điều này khiến cô trở thành một trong những đối tượng nghiên cứu thuộc dự án “Ánh mắt của tâm trí” do David Mitchell thực hiện.
Dường như vị tiến sĩ đã phát hiện ra sự khác nhau cơ bản giữa truyền tải ý tưởng bằng “từ” và bằng “ảnh”. Tức là, khi tâm trí “mù lòa”, chúng ta sẽ trở nên độc lập về ngôn ngữ, dùng từ ngữ để hình dung về cuộc sống, hay mã hóa thông tin thay vì tưởng tượng.
Liệu có cách nào để miêu tả lại thế giới khi chúng ta không thể tưởng tượng? Khao khát của Neesa Sunar, hay Niel Kenmuir, khiến họ muốn được giải phóng tâm trí bằng những bức tranh tự vẽ.
Như Francis Galton từng nói, nếu một ngày không thể thưởng lãm cuộc sống bằng tưởng tượng hình ảnh, thì ta cần dùng đôi mắt ngắm nhìn cảnh vật thật lâu, và vẽ chúng lên giấy trắng bằng đủ gam màu.
Cho đến năm 2019, những triển lãm tranh nội tâm và phong cảnh của nhiều người thuộc nhóm tâm trí “mù lòa” thu hút đông đảo người xem ở Scotland, với tiếng vang lớn hơn cả thuộc về dự án “Tột cùng của trí tưởng tượng: Phía sau một tâm trí không màu” ở Bảo tàng Royal Albert Memorial (Anh).
Lịch sử cho thấy hội họa chính là viên thuốc giúp tô điểm những tâm trí không màu. Họa sĩ diễn hoạt Glen Keane, tác giả của “Nàng tiên cá” (1989) hay “Người đẹp và quái vật” (1991), bất chấp thực tế gần như không thể tưởng tượng, được vinh danh huyền thoại của Disney.
Chính khả năng “múa cọ” đã đưa Glen Keane lên đỉnh cao, tạo nên những nàng công chúa Disney thành công nhất. Một cách lạc quan, chúng ta tin rằng tâm trí “mù lòa” phần nào khơi dậy chất nghệ sĩ của họ, khiến giới khoa học phải kinh ngạc về những bức tranh hiện thực hoặc trừu tượng xuất sắc, gợi lên các chi tiết sống động về cuộc sống nhưng cũng chứa đựng chất suy tư, mơ hồ.
Niềm tin của Neesa Sunar hướng tâm trí “mù lòa” đến một khía cạnh khác ít được khám phá của não bộ. Với cô, con người chung sống với sự đa dạng trong hoạt động của não bộ, cho dù có đôi chút khác thường thì họ vẫn phải sống cuộc sống của mình, và tìm mọi cách để vượt lên khó khăn.
Con người là sinh vật phức tạp, trí tưởng tượng chỉ như một mảnh ghép nhỏ bé của khả năng nhận thức, trong khi nghiên cứu về hiện tượng mất năng lực tưởng tượng vẫn còn cả chặng đường dài phía trước.
Từng chia sẻ với truyền thông, Neesa Sunar hi vọng “rối loạn năng lực tưởng tượng” không phải là một bệnh lý hay khuyết tật, mà chỉ giống như một biến thể hấp dẫn trong trải nghiệm cuộc đời của con người, đặt ra vô số câu hỏi thú vị thách thức giới khoa học của tương lai...
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/nhung-nguoi-mang-tam-tri-khong-mau-645584/