Những người mẹ 'đặc biệt'
Nghề giáo viên đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ. Giáo viên dạy trẻ bị tự kỷ, trẻ khuyết tật thì sự hy sinh này còn lớn lao, vất vả, cực nhọc hơn rất nhiều. Đó là một hành trình đầy khó khăn, thử thách, sự kiên nhẫn và cả nước mắt. Song, bằng tình thương với trẻ, họ vừa là những người bạn tâm giao, vừa như người mẹ hiền dạy cho học trò những kỹ năng sống đơn giản nhất...
Gần 7 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, đó cũng là ngần ấy năm cô giáo Lường Thị Ngân, giáo viên Trung tâm Giáo dục chuyên biệt Phúc Tâm An, đường Lạc Long Quân, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) gắn bó với rất nhiều câu chuyện về những đứa con đặc biệt của mình. Ngoài những lần phải “vật lộn” với học sinh để tránh bị thương, cô giáo Ngân không ít lần phải rơi nước mắt khi chứng kiến học trò biết ngồi ghế, khoanh tay, phản xạ khi được gọi tên mình; biết bập bẹ những tiếng gọi bố, mẹ...
“Những điều đơn giản đó nhưng là điều kỳ tích đối với không ít đứa trẻ tự kỷ. Đối với giáo viên dạy trẻ bình thường đã vất vả, còn với giáo viên dạy trẻ tự kỷ thì không chỉ khó khăn mà còn muôn vàn áp lực...”, cô Ngân xúc động.
Ngân bắt đầu công việc dạy trẻ tự kỷ từ sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên vào năm 2013. Thời gian này cô làm việc tại một cơ sở chuyên về dạy trẻ tự kỷ ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Khi nhớ về quãng thời gian này, Ngân cho biết: “Ban đầu tôi vô cùng bỡ ngỡ khi thấy các em có những biểu hiện khác nhau. Có những trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, không giao tiếp với mọi người xung quanh, thậm chí có những em thích cào cấu, đánh người khác hoặc tự làm đau mình... Mặc dù đã được đào tạo thêm về dạy trẻ tự kỷ nhưng khi trực tiếp dạy, tôi không tránh khỏi những lo lắng, áp lực và luôn đặt câu hỏi liệu mình có trụ được với nghề này không?”.
Tuổi trẻ, kinh nghiệm còn hạn chế cùng với áp lực của công việc, Ngân quyết định bỏ việc sau thời gian gắn bó với nghề. Trở về quê tiếp tục học thêm văn bằng 2 và trở thành cô giáo mầm non ở quê nhà. Trong thời gian dạy học ở đây, những cuộc điện thoại liên tiếp hỏi thăm sức khỏe, nhờ Ngân tư vấn về người thân của họ khiến Ngân xúc động vô cùng. Thương phụ huynh gánh nặng cơm áo, lo toan cho con trẻ thiếu may mắn và thương các em khó hòa nhập cộng đồng, chịu nhiều thiệt thòi. Từ tình thương đó, Ngân quyết định học hỏi thêm kinh nghiệm và tìm đến Trung tâm Giáo dục chuyên biệt Phúc Tâm An, gắn bó với công việc mình từng trải qua.
“Trong công việc này, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì phải có tình thương với trẻ. Mỗi giáo viên phải có sự kiên trì, nhẫn nại hơn nhiều đối với mỗi trẻ bình thường khác. Ở trung tâm mỗi em có một khiếm khuyết riêng và trình độ nhận thức cũng khác nên đều có cách giáo dục cá nhân và giáo án riêng. Tuy nhiên, dù có giáo án cố định chuẩn bị sẵn nhưng giáo viên cũng phải linh hoạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ. Hạnh phúc của các cô là nhìn thấy bé tiến bộ, tự chăm sóc được cho bản thân hoặc có thể học hòa nhập cộng đồng”, cô Ngân chia sẻ thêm.
Nhiều năm gắn bó với trẻ tự kỷ, có nhiều kỷ niệm mà cô giáo Ngân không thể quên được. Em Thiện Ân - một trong bốn học sinh Ngân dạy khi bắt đầu chuyển xuống cơ sở 2 của Trung tâm Phúc Tâm An ở huyện Nga Sơn - là một trong những trường hợp đó. Ngày đầu tiên đến lớp, Thiện Ân la hét, không nhìn mặt cô giáo; tay em lúc nào cũng cầm một miếng đất sét, em chưa có ngôn ngữ, âm thanh duy nhất em phát ra mà tôi nghe được là “Ame, a me”. Mỗi khi Ngân bước lại gần, em đều gào khóc và luôn tỏ ra sợ hãi. Buổi học ấy, Ngân đã không thể làm gì khác ngoài để em chơi tự do.
Ngân kể chuyện với chúng tôi rằng: “Những ngày sau đó, tôi tìm cách chơi với em. Tôi nhìn cách Ân chơi, nhìn cách em thể hiện hành vi “kỳ quặc” của mình ra bên ngoài. Có lẽ, thế giới của em cũng thật đẹp, em thích thú với việc chui gầm bàn, tay không ngừng vân vê đất nặn. Tôi quan sát mọi thứ em làm và bắt đầu có những hành động “kỳ quặc” giống Ân. Và thật vui sướng khi vào một ngày của tuần thứ ba, em đã nhìn vào mắt tôi. Đó là lần đầu tiên, em giao tiếp mắt với cô giáo. Cứ như thế, tôi giao tiếp với cậu học trò mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nặng bằng tiếng “A me”. Tôi làm mọi hành động tưởng như điên rồ để em chú ý đến gương mặt mình. Dần dần, Thiện Ân đã nói được từ đầu tiên, đó là từ “ông”. Ông em đã rất vui. Vì có lần ông đưa em đi học, Ân chạy xuống cánh đồng. Người trong xã nghĩ em bị bắt cóc, họ xúm nhau lại định làm ra lẽ, may mắn có người thanh minh giúp. Ngoài phát triển về ngôn ngữ, Ân có khả năng chụp hình ảnh và làm toán rất tốt. Bây giờ Thiện Ân đã học lớp 3, mặc dù em vẫn cần sự hỗ trợ của giáo viên đi kèm nhưng kết quả em đạt được là sự nỗ lực rất lớn của bản thân em, gia đình và các thầy cô giáo...”.
Câu chuyện về cô giáo Trịnh Mỹ Thương, giáo viên ở Trường Trung cấp Nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Ngân kể rằng, khi đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, tai nạn giao thông đã làm Thương bị ảnh hưởng nhiều về sức khỏe cũng như ngoại hình. Lúc đầu cũng có đôi chút bi quan, nản chí, nhưng nhờ sự động viên của người thân, giáo viên cũng như bạn bè đã vực Thương đứng lên để nỗ lực vươn lên và đạt được thành tích trong học tập.
Sau khi ra trường, Thương đã có thời gian gắn bó gần 4 năm với Công ty TNHH Youngone Nam Định với công việc là phiên dịch viên. Tuy nhiên do điều kiện gia đình, Thương trở về quê hương và đây cũng là cơ duyên để gắn bó với các em bị khuyết tật. Đó là quãng thời gian bắt đầu từ tháng 3-2009, Thương được phân về phòng đào tạo quản lý học sinh và cũng trong tháng 9-2022, được nhà trường cử đi học về ký hiệu cho các em khiếm thính ở lớp sơ cấp nghề.
Hàng ngày công việc của cô giáo Thương là buổi sáng dạy Tiếng Anh cho học sinh trung cấp, buổi chiều cô dạy các em ký hiệu khiếm thính lớp sơ cấp nghề. Khi được hỏi về những khó khăn trong nghề, cô giáo Thương cười nói: “Dạy trẻ em bị khuyết tật ngoài kiến thức thì cái tâm và trách nhiệm với công việc là điều vô cùng quan trọng”.
13 năm gắn bó với Trường Trung cấp Nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa là từng ấy thời gian, cô giáo Mỹ Thương say mê với công việc. Chia sẻ về phương pháp dạy học, cô Thương cho biết: “Các em đều là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và là những đứa trẻ kém may mắn. Chính vì vậy, nhiều học sinh mặc cảm, tự tin, không cởi mở và hòa nhập với mọi người xung quanh. Những lúc này, giáo viên phải gần gũi các em hơn, để các em coi giáo viên như người thân trong gia đình".
Những tấm gương bình dị mà rất đỗi cao quý, những việc làm đậm tính nhân văn của các cô đã góp phần xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn vượt lên nghịch cảnh, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, xứng đáng được xã hội tôn vinh...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/nhung-nguoi-me-dac-biet/25109.htm