Những người mẹ đặc biệt

Dẫu không mang nặng đẻ đau, không bà con ruột thịt, nhưng qua những ngày tháng chăm sóc, bế bồng, nuôi dưỡng, từng ngày nhìn các con khôn lớn, các mẹ tại Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh đã xem các con như 'khúc ruột' mình sinh ra. Tình yêu thương bao la đó đã giúp cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, mất người nuôi dưỡng... nhận được hơi ấm tình thương có thêm sức mạnh vượt qua mọi chông gai cuộc sống.

Thầm lặng chăm sóc trẻ bị bỏ rơi

Năm 1994, Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được thành lập.

Trong số trẻ được nuôi dưỡng từ mái ấm của Trung tâm, có những cháu khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, nhưng cũng có nhiều cháu ốm yếu, xanh xao, thường hay bệnh tật do sinh thiếu tháng. Đặc biệt hơn với những trẻ bị bại liệt, bị hội chứng Down, sứt môi, hở hàm ếch, não úng thủy hay những căn bệnh hiểm nghèo…, ngoài việc ăn uống, vệ sinh rất khó khăn, các con còn thường xuyên phải đi bệnh viện điều trị bệnh. Chăm sóc những trẻ này vừa vất vả, vừa phải có kiến thức, kinh nghiệm và cả sự nhẫn nại, kiên trì, đặc biệt là tình yêu thương. Những lúc các con bệnh, các mẹ lại thay phiên nhau túc trực ở bệnh viện, lo lắng, chăm sóc không khác gì con mình sinh ra.

Các mẹ Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh tranh thủ lúc rỗi là dọn dẹp đồ cho các con.

Các mẹ Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh tranh thủ lúc rỗi là dọn dẹp đồ cho các con.

Chia sẻ với chúng tôi, “Mẹ” Bế Hồng Ngọc cho biết, dân gian thường có câu: “Còn cha gót đỏ như son; không cha, không mẹ như đàn đứt dây”. Mỗi con vào đây đều mang một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, tâm sinh lý lứa tuổi và điểm xuất phát khác nhau. Chính vì vậy mà đòi hỏi người trực tiếp chăm sóc phải có kinh nghiệm vững vàng trong công tác chăm sóc trẻ, phải thật sự gần gũi và hiểu được tâm lý của từng đứa trẻ. Việc giúp các con xóa đi những mặc cảm, tự ti do hoàn cảnh của mình để vươn lên trong cuộc sống, luôn mạnh khỏe, linh hoạt, học tập tốt đòi hỏi người cán bộ phải tâm huyết với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, thực sự là tấm gương sáng cho các con noi theo.

Đã làm mẹ, nên chị Hà Thị Nga, cô nuôi tại Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh rất thấu hiểu vai trò của người mẹ đối với trẻ em, cũng như sự bất hạnh của các con khi không có cha mẹ chăm sóc. Công việc vất vả, nhiều lần chị đã có ý định xin nghỉ. Song lần nào cũng vậy, về nhà chị lại nhớ những đứa con không cùng máu mủ, hình ảnh những đứa con đòi ăn, đòi mẹ luôn hiển hiện lên trong chị. “Có những đứa tôi chăm sóc từ khi mới vừa lọt lòng, đến nay các con đã hơn 10 tuổi, ngày ngày tôi chăm sóc, vệ sinh rồi đút từng giọt sữa, nhiều hôm phải thức trắng đêm để chăm sóc khi các con bệnh, gắn bó như thế làm sao không mến, không thương cho được” - chị Nga bộc bạch.

Chị Hà Thị Nga chăm sóc trẻ bị bại não, liệt toàn thân.

Chị Hà Thị Nga chăm sóc trẻ bị bại não, liệt toàn thân.

Chị Nga nhớ lại, đầu năm 2019, Trung tâm tiếp nhận một cháu gái được 2 ngày tuổi bị bố mẹ bỏ rơi ở cổng chùa. Sau khi vào Trung tâm được mấy ngày, sức đề kháng của con kém vì thiếu sữa mẹ, không chịu ăn, khóc, quấy nhiều. Sau đó, Trung tâm đã đưa con đi khám, các bác sỹ chẩn đoán con bị viêm phổi, suy hô hấp nặng phải chuyển con về Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) điều trị. Gần 1 tháng các mẹ của Trung tâm thay nhau chăm sóc con, nhưng do con bị viêm phổi nặng nên con không qua khỏi. Mặc dù không phải máu mủ của mình, nhưng sự ra đi của con, các mẹ ai cũng rất xót xa.

Nơi trao yêu thương

Dạy và chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã khó, thế nhưng chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật thì khó khăn lại tăng hơn gấp bội. Có những lúc các cháu quấy khóc, phá phách cán bộ, quản lý cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng khi nghe tiếng má ơi, mẹ ơi… thì mọi ưu phiền như tiêu tan.

Ở Trung tâm có cháu Đào Quỳnh Chi, sinh năm 2014 ai gặp cũng xót xa khi biết về tình cảnh của bé, Quỳnh Chi là trẻ bị bỏ rơi thế mà cháu còn mắc phải căn bệnh bại não, liệt toàn thân. Nhìn thấy cảnh con không cha, không mẹ, lại phải chịu bệnh tật chỉ nằm một chỗ, không lật được người nên mỗi cán bộ, nhân viên ở Trung tâm luôn dành nhiều sự quan tâm cho bé.

Chị Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh vui vẻ, hạnh phúc khi nhắc đến các con đã và đang được các mẹ của Trung tâm chăm sóc dạy bảo. Có nhiều trẻ sau khi đủ 18 tuổi đi học chuyên nghiệp, hay đi làm việc và cũng có trẻ vào Trung tâm được một thời gian được các gia đình nhận nuôi... đến nay các con thi thoảng lại về thăm các cô hoặc gọi điện hỏi thăm.

Chị Bế Hồng Ngọc pha sữa cho trẻ.

Chị Bế Hồng Ngọc pha sữa cho trẻ.

Chị Thủy tự hào khi nhắc đến cậu học trò tên Thắng mà chị có ấn tượng sâu đậm: “Ngày đầu đến Trung tâm Thắng là một đứa trẻ ngờ nghệch, ngỗ nghịch, có lúc lại sống thu mình, ngại giao tiếp. Thấy vậy các mẹ ở Trung tâm đã gần gũi, chia sẻ dần dần thấy Thắng đã mạnh dạn, hòa đồng và học tiến bộ hơn nhiều. Thắng đã biết đọc, biết viết, biết lắng nghe và chững chạc hơn hẳn. Giờ con làm tiếp thị cho công ty ở Quảng Ninh. Thắng tình cảm nên rất nhớ sinh nhật của các mẹ. Con thường nhắn tin, gọi điện thăm hỏi các mẹ. Với cán bộ làm việc tại Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh khi các con khôn lớn, trưởng thành có thể hòa nhập và sống vui giữa cộng đồng là niềm vui lớn của các mẹ” - chị Thủy chia sẻ.

Bằng tất cả trái tim, tình thương của mình, các mẹ ở Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh dành trọn yêu thương cho các con, mang đến cho các con mái ấm yêu thương đúng nghĩa. Họ đang ngày đêm thầm lặng chăm sóc, chắp cánh cho những mảnh đời bất hạnh bằng chính cái tâm, tình yêu thương thật sự để giúp những đứa con cảm nhận được tình người, tiếp thêm niềm tin, hy vọng trong cuộc sống, hướng tới tương lai tươi đẹp hơn.

Phóng sự: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhung-nguoi-me-dac-biet-177475.html