Những người 'Mẹ đỡ đầu' mang sắc phục Công an
Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' - một chương trình mang dấu ấn của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 nói riêng và trẻ em mồ côi nói chung vì mục tiêu 'Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau'.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" và phát động của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị trong Công an nhân dân, Hội Phụ nữ Bộ Công an, Đoàn Thanh niên, Công đoàn Công an nhân dân đã triển khai nhiều hình thức đỡ đầu, hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đơn vị đóng quân với các chương trình "Con nuôi công an", "Con đỡ đầu công an xã", "Mẹ đỡ đầu", "Nâng bước em đến trường", "Con nuôi công đoàn"…
Hơn 3 nghìn trẻ mồ côi có nơi nương tựa
Hội Phụ nữ Công an các đơn vị, địa phương đã chỉ đạo 100% hội phụ nữ cơ sở quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung của chương trình “Mẹ đỡ đầu” góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị, hội viên hội phụ nữ và nhân dân trong việc chung tay cùng xã hội nâng đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Nhờ đó, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, xã hội và sự ủng hộ của tất cả cán bộ, hội viên. Nhiều đơn vị đã được các tổ đơn vị kinh tế bên ngoài hỗ trợ đồng hành cùng các con.
Tại một số công an đơn vị, địa phương, chương trình đã lan tỏa rộng rãi tới các đơn vị trong công an tỉnh, công an huyện, công an xã; hội phụ nữ một số đơn vị phối hợp cùng công an xã, công an huyện cùng đỡ đầu trẻ mồ côi trên địa bàn.
Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Ban Phụ nữ Công an nhân dân, cho biết, qua 2 năm, đã có những kết quả đáng ghi nhận với số lượng hơn 3 nghìn trẻ mồ côi trên toàn quốc được các bố, mẹ công an nhận đỡ đầu.
Trong đó, có 307 con mồ côi cha mẹ, 315 con là người dân tộc thiểu số, 518 con có bố/mẹ là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, lao động hợp đồng trong lực lượng công an (trong đó có 42 cháu là con liệt sĩ), 14 cháu có bố mẹ đang thi hành án phạt tù, một số cháu là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục, nhiều cháu đang mắc bệnh hiểm nghèo, bại não, khuyết tật cơ thể, thiểu năng trí tuệ…
Mức hỗ trợ trung bình từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/tháng/con tùy theo điều kiện từng đơn vị. Ngoài ra, các đơn vị, bố còn tặng con dụng cụ học tập, quần áo, đồ dùng thiết yếu; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, kèm cặp con học tập và tư vấn tâm lý cho con mỗi khi con gặp khó khăn.
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình đa phần dựa trên kinh phí đóng góp của cán bộ hội viên Hội Phụ nữ các đơn vị. Tính đến thời điểm hiện tại, các cấp Hội đã đóng góp và vận động gần 22,7 tỷ đồng để nuôi dưỡng các con đỡ đầu.
Trong quá trình thực hiện chương trình, xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao như: Đưa nội dung thực hiện Chương trình là 1 tiêu chí trong các tiêu chí thi đua của các cấp Hội. Thông qua chương trình, hình ảnh của người cán bộ, chiến sĩ công an ngày càng đẹp trong lòng nhân dân.
Đồng thời, giúp đỡ hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp, giúp các con những điều kiện tốt hơn để phát triển về thể chất và tinh thần, tạo dựng niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho các cháu; phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm từ sớm, từ xa có thể xảy ra trong tương lai đối với những trường hợp trẻ em không có nơi nương tựa, góp phần trực tiếp ngăn ngừa tội phạm vị thành niên trong xã hội.
Trưởng Ban Kinh tế-Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Thị Thu Thủy nhận định, ngay từ khi ra đời, chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đồng hành và thực sự trở thành những điểm tựa đầy yêu thương của các con mồ côi trên khắp mọi miền đất nước.
Điểm nổi bật của chương trình là, hoạt động dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, các hoạt động hỗ trợ bảo đảm phù hợp nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, cộng đồng, với những nội dung đỡ đầu hết sức linh hoạt (đỡ đầu trực tiếp, đỡ đầu gián tiếp), trong đó vai trò của cán bộ Hội ở cơ sở là hết sức quan trọng.
Bằng tình thương và trách nhiệm, nữ cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ công an trên toàn quốc đã hưởng ứng rất hiệu quả. Các đồng chí dù ở các lĩnh vực công tác khác nhau nhưng đều có chung một trái tim nhân hậu, sẵn sàng đón nhận, không chỉ 1 con mà có đơn vị nhận tới 84 con để yêu thương, sẻ chia, đồng hành, giúp các con viết tiếp những ước mơ tươi sáng trên chặng đường sắp tới, đồng chí Trương Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Lan tỏa, nhân rộng chương trình trong toàn lực lượng Công an
Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên bằng tình thương và trách nhiệm, Hội Phụ nữ Công an nhân dân đã thẳng thắn nhìn nhận chương trình còn một số hạn chế. Số lượng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc chưa được nhận đỡ đầu, chăm sóc lớn. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động cho chương trình chủ yếu dựa trên nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện của cán bộ, hội viên, cho nên các cấp hội chỉ nhận đỡ đầu một số cháu trong phạm vi điều kiện của Hội, của đơn vị.
Một số đơn vị nhận con đỡ đầu là người dân tộc thiểu số, con đỡ đầu ở xa khu vực đơn vị đóng quân gây khó khăn cho việc thường xuyên gặp gỡ, chăm sóc, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các con. Do đặc thù công việc, một số mẹ đỡ đầu không có điều kiện thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn các con.
Cách thức triển khai chương trình ở một số Hội phụ nữ cơ sở chưa tạo sức lan tỏa, hoạt động đỡ đầu mới chủ yếu hỗ trợ bằng tiền, quà cho trẻ theo tháng hoặc các dịp lễ, Tết; việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho trẻ chưa thường xuyên dẫn tới tính gắn bó giữa mẹ đỡ đầu và con còn hạn chế.
Với mong muốn lan tỏa, nhân rộng chương trình ra toàn lực lượng Công an nhân dân, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu cho rằng, cơ quan tham mưu công tác trẻ em trong Công an nhân dân cần bám sát chủ trương, ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong triển khai các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em con cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả, đưa chương trình đi vào thực chất hơn; tiếp tục phát huy những mô hình tốt, cách làm hay nhân rộng các điển hình tiêu biểu, các sáng kiến sáng tạo trong việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm chương trình được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở mọi địa phương.
Đồng chí Trương Thị Thu Thủy cho rằng, Hội Phụ nữ Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những tấm gương, câu chuyện xúc động của chính lực lượng mình tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ công an để có thêm nhiều trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu, giúp đỡ ngay tại địa phương trẻ sinh sống; hỗ trợ trẻ có điều kiện phát triển toàn diện ngay tại gia đình và cộng đồng.
Đề xuất Đảng ủy Bộ Công an có chỉ đạo chung, ban hành văn bản hưởng ứng và triển khai Chương trình Mẹ đỡ đầu trong Công an nhân dân, phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam ở các cấp để bảo trợ cho hoạt động: truyền thông, vận động, truyền cảm hứng, biểu dương tôn vinh Mẹ đỡ đầu ở các cấp và trên địa bàn cả nước... Phấn đấu mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đang công tác tại các địa bàn xã, các phòng chức năng của Công an các cấp biết đến chương trình, hiểu cách thức đỡ đầu và nhận đỡ đầu ít nhất một con mồ côi.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ Lê Thị Thúy Hằng khẳng định, ý nghĩa lớn nhất của chương trình không chỉ dừng lại ở con số và số tiền hỗ trợ, mà còn là tình yêu thương từ những “mẹ đỡ đầu” đối với các trẻ thiếu may mắn. Sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ chăm sóc cho trẻ em mồ côi không chỉ ngày một, ngày hai mà cần làm trong thời gian dài để giúp trẻ phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng mới là điều vô cùng cần thiết.
Chính vì vậy, các cấp Hội trên địa bàn thành phố trong đó có Hội Phụ nữ Công an thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục nối rộng vòng tay nhân ái, đồng hành, hỗ trợ, kết nối để chương trình “Mẹ đỡ đầu” ngày càng phát huy hiệu quả, tính nhân văn, tình yêu thương, để các con được phát triển toàn diện ngay tại gia đình và cộng đồng như bao trẻ nhỏ khác; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương xây dựng thành phố Cần Thơ sinh thái, văn minh, hiện đại xứng tầm là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-nguoi-me-do-dau-mang-sac-phuc-cong-an-post856125.html