Những người Mỹ không muốn về nhà, bất chấp lời kêu gọi hồi hương

Nhiều người Mỹ, từ người trẻ đến người đã về hưu, đang nhắm đến một nơi an toàn hơn để trốn dịch và chưa có ý định trở về nước.

Trong khi số đông chọn cách ở yên tại New York, lo lắng về tình trạng dịch bệnh kéo dài thì nhiều người khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chính phủ hoặc các công ty an ninh tư nhân để nhanh chóng sơ tán, dời đến khu vực Mỹ Latinh, theo Reuters.

Trước lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại Mỹ, Lola Daehler (22 tuổi, New York), đang đi du lịch với bạn bè ở Hawaii. Sau đó, cô quyết định tiếp tục đi đến hồ Atitlan ở cao nguyên Guatemala, nơi được bao quanh bởi những ngọn núi lửa và ngôi làng Maya cổ kính.

Cả ngày của Daehler xoay quanh việc đọc sách, chơi đàn, chạy bộ và đi bơi. Cô nói rằng bản thân cảm thấy may mắn vì hiện tại không ở New York, nơi dịch bệnh đang diễn biến tồi tệ.

Nhiều bạn bè đã thuyết phục Daehler quay về nhưng cô cho rằng điều đó là chưa thể xảy ra, ít nhất là vào lúc này.

 Daehler dành thời gian để học tập và tham gia các hoạt động ngoài trời cùng bạn mình suốt thời gian ở lại Guatemala. Ảnh: Luis Echeverria.

Daehler dành thời gian để học tập và tham gia các hoạt động ngoài trời cùng bạn mình suốt thời gian ở lại Guatemala. Ảnh: Luis Echeverria.

Christopher Landau, đại sứ Mỹ tại Mexico, đã đưa ra lời khẩn cầu, thuyết phục người Mỹ trở về nhà bằng cách yêu cầu họ nghĩ xa hơn về tương lai và địa vị của bản thân ở hiện tại.

Thế nhưng, những người rời đi có vẻ hài lòng với lựa chọn của mình, bởi họ không thể sống trong sự “giam lỏng” kéo dài.

Felisa Rogers (41 tuổi), nhà văn về du lịch và ẩm thực, đang sống ở trung tâm thành phố Mexico từ cuối tháng 11 năm ngoái cùng với bạn trai của mình.

Cô dành thời gian nấu ăn, viết blog, cũng như tổ chức các buổi họp mặt online cùng những người bạn thân thiết.

Rogers cho biết cô có lịch trình trở về Oregon (Mỹ) vào ngày 5/4, tuy nhiên, cô hy vọng Chính phủ sẽ hủy chuyến bay này vì cô không muốn chứng kiến tình hình đang dần xấu đi ở Mỹ.

Sam Berkrot (23 tuổi), giáo viên tiếng Anh ở Connecticut (Mỹ), cũng đang trải qua tình trạng tương tự.

Mặc dù hợp đồng giảng dạy kéo dài đến khoảng tháng 7, Berkrot vẫn quyết định trú ẩn tại thành phố nhỏ Loja (Ecuador), nơi giờ giới nghiêm bắt đầu lúc 2 giờ chiều.

Anh cảm thấy an toàn hơn khi ở lại quốc gia này, nơi các biện pháp phòng chống dịch bệnh được diễn ra nghiêm ngặt.

Dù vậy, tất cả họ đều hy vọng dịch bệnh sẽ qua nhanh để có thể gặp lại gia đình và người thân của mình.

Tính đến 8 giờ sáng ngày 6/4 theo giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận 9.616 ca tử vong do dịch Covid-19, trong đó New York là bang có số người tử vong cao nhất với 4.159 ca.

 Khung cảnh tại một thị trấn yên bình ở Guatemala, nơi Lola Daehler ở lại trú ẩn cùng những người bạn của mình. Ảnh: Luis Echeverria.

Khung cảnh tại một thị trấn yên bình ở Guatemala, nơi Lola Daehler ở lại trú ẩn cùng những người bạn của mình. Ảnh: Luis Echeverria.

Yến Nhi (Theo Reuters)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-khong-muon-ve-nha-bat-chap-loi-keu-goi-hoi-huong-post1069345.html