Những người Mỹ mất tất cả sau siêu bão
Cơn thịnh nộ của bão Ian đã khiến nhiều người dân Mỹ mất đi tất cả chỉ trong một thời gian ngắn, đồng thời phải đối mặt với những sang chấn tâm lý sau đó.
Với ngôi nhà biến mất và tất cả đồ đạc bị cuốn trôi sau cơn bão Ian, Alice Pujols vừa khóc, vừa thu gom lại những bộ quần áo ướt sũng và đồ dùng đang chất đống bên ngoài ngôi nhà của một người lạ. Bà hy vọng tìm kiếm được thứ gì đó cho bản thân và 4 đứa con của mình, theo AP.
“Đó là tất cả những gì tôi có thể làm. Điều đó thật sự rất đau lòng”, bà nói.
Đối với những người mất mọi thứ vì một thảm họa thiên nhiên, họ đã đau khổ tột độ khi trở về nhà và thấy rất nhiều thứ đã biến mất.
Nỗi đau thể hiện qua những dòng nước mắt đến nỗi tuyệt vọng. Hai người đàn ông ở độ tuổi 70 thậm chí đã tự kết liễu đời mình sau khi chứng kiến những thiệt hại của họ, giám định viên y tế ở Lee County - nơi Ian đổ bộ lần đầu tiên ở Florida - cho biết.
Những nỗi đau về mặt cảm xúc có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng sau một cơn bão, lũ lụt hoặc cháy rừng. Nhiều người cũng tìm kiếm dịch vụ tư vấn sau sự kiện này.
“Khi ai đó rơi vào tình trạng sang chấn, họ không biết bắt đầu từ đâu. Họ cần sự nắm tay đó và cần biết rằng có rất nhiều người ở đây để giúp họ”, Beth Hatch, Giám đốc điều hành Collier County (Florida), một chi nhánh của Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần, cho biết.
"Tôi đã mất tất cả"
Bão Ian đã tấn công Florida với mức độ dữ dội đến mức quét sạch toàn bộ khu dân cư, cuốn tàu thuyền lên đường cao tốc. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào phía tây nam Florida.
Ian đã trở thành cơn bão chết chóc thứ ba đổ bộ vào đất liền Mỹ trong thế kỷ này. Bên cạnh đó, cơn bão này đã khiến gần 2,6 triệu người phải sống trong cảnh mất điện.
Bão cũng làm ngập lụt các thành phố và tàn phá nhà cửa trên khắp Florida và ven biển Nam Carolina, theo ABC. Theo một dự báo của công ty dữ liệu Enki Research, thiệt hại kinh tế do cơn bão Ian gây ra có thể lên tới 75 tỷ USD.
Tom D’Angelo, 60 tuổi, một lính cứu hỏa đã nghỉ hưu, cho biết ngôi nhà mà ông ở cùng vợ và hai cháu đã bị hủy hoại sau cơn bão Ian, cùng với ngôi nhà di động.
"Tôi đã mất tất cả. Tôi hoàn toàn mất đi ngôi nhà chính, cũng như ngôi nhà dự phòng", ông nói, Reuters đưa tin.
Theo giáo sư Jennifer Horney, thuộc Đại học Delaware, nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 1/3 đến 1/2 số người sống sót sau thảm họa thiên nhiên đã phải đối mặt với nỗi đau khổ về tinh thần.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn, trầm cảm và lo lắng gia tăng cùng với tình trạng lạm dụng chất kích thích. Những người đang gặp rối loạn tâm thần hiện có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng hơn.
Nhiều nguồn lực bổ sung đã được gửi đến khu vực bị ảnh hưởng. Bang Florida đã thành lập các trung tâm hỗ trợ. Chính quyền liên bang cũng thiết lập đường dây 24/24 để cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ khủng hoảng. Một tổ chức của ông Hatch đã đến một số ngôi nhà ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề để kiểm tra người mắc bệnh tâm lý.
Trên đảo Pine, ngay gần đất liền Florida, Alan Bickford cho biết ông đang cố gắng nhìn xa hơn vì những gì trước mắt thật ảm đạm.
Sàn nhà của ông phủ đầy những rác rưởi bốc mùi hôi thối. Trong khi đó, những tấm ảnh, đồ nội thất và nhiều vật dụng khác nằm ngổn ngang ngoài sân.
“Điều đó giống như cái chết của một người thân yêu. Nỗi đau chỉ đến và đi. Đôi khi có những tia hy vọng nhỏ nhoi, và rồi mọi thứ sụp đổ”, ông xúc động nói.
Đối mặt với một cơn bão dữ dội, hoặc trốn thoát khi nguy hiểm ập đến là điều đáng sợ và đau thương. Sống trong một trung tâm sơ tán cũng thật khó chịu, căng thẳng và chán nản. Và việc trở về ngôi nhà bị tàn phá sau trận lũ lụt cũng thật đau lòng.
Mao Lin đã đi bộ một giờ vào ngày 6/10 để đến khu đất nơi cô đã sống trên bãi biển Fort Myers. Cô đau khổ khi thấy nó đã biến mất.
“Toàn bộ con phố - không còn gì cả”, cô nói. “Chúng tôi không còn nhà. Chúng tôi không còn ôtô. Chúng tôi không còn bất cứ thứ gì. Chúng tôi không còn gì cả”, cô nói.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn
Trong những ngày gần đây, số lượng cuộc gọi tại tổ chức của ông Hatch đã tăng gấp đôi, khi mọi người nhận ra rằng họ không thể xây dựng lại cuộc sống - và vượt qua sang chấn - một mình.
Dọn dẹp đống hỗn độn của một ngôi nhà bị hư hại hoặc tìm một ngôi nhà mới sau thảm họa sẽ nhường chỗ cho những thách thức lâu dài hơn, trong đó có việc tìm kiếm hỗ trợ tài chính.
Nhận định về vụ tự sát của hai người đàn ông ở độ tuổi 70, bà Horney cho biết: “Những vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài đã trở nên trầm trọng hơn do thảm họa thiên nhiên. Theo thời gian, điều đó có xu hướng dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng hơn như tự sát”.
Sau một thảm họa, các cộng đồng cùng nhau khôi phục và xây dựng lại. Lực lượng cứu hộ, nhân viên cứu trợ và các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp thực phẩm và trợ giúp trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả tư vấn.
Tuy nhiên, sự quan tâm cuối cùng phai nhạt, trong khi nguồn tài chính cạn dần.
Bà Horney cho biết với việc các thảm họa ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, chúng có thể mang đến ảnh hưởng ngày càng tăng đối với sức khỏe tâm thần.
Hầu hết tác động cảm xúc của một thảm họa chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chúng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu một sự kiện nghiêm trọng khác xảy ra sau đó.
Joe Kuczko ngồi thụp xuống với cha mẹ khi ngôi nhà di động ở đảo Pine của họ bị bão đánh sập. Kuczko bị một vết thương ở chân và anh đã tự khâu lại. Nhiều mảnh kim loại nằm ngổn ngang trên mặt đất.
“Tôi đã mất 30 năm đầu tiên của cuộc đời mình. Mỗi khi tôi nghe thấy tiếng gió thổi và một mảnh nhôm dịch chuyển, nó giống như rối loạn căng thẳng sau sang chấn”, anh nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-my-mat-tat-ca-sau-sieu-bao-post1364274.html