Video: Theo chân công nhân xuống 'thế giới ngầm' dưới lòng Hà Nội
7h30 hàng ngày, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội bắt đầu công việc quen thuộc xuống cống ngầm để vệ sinh, vét bùn, gom rác... đảm bảo cho dòng nước lưu thông. Công ty chia công nhân thành nhiều nhóm, nhiều ca, luân phiên nhau làm việc tại các địa điểm.
14h ngày 26/3, tổ làm việc của ông Đinh Gia Vũ vào ca. Tổ gồm 10 người, có nhiệm vụ dọn sạch rác trong cống ngầm trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội). Trước khi bắt đầu dọn rác, các công nhân khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, mang theo đèn pin mini, mũ bảo hiểm, phương tiện làm việc... Những bộ đồ bảo hộ được thiết kế bằng chất liệu cao su vừa chống thấm ẩm vừa có tính đàn hồi, thoải mái cho các công nhân khi hoạt động trong khu vực bùn lầy, thiếu không gian.
Đã gắn bó 34 năm với công việc móc cống, ông Đinh Gia Vũ (56 tuổi) cho biết, công việc này không dễ dàng, nhàn hạ, mọi người đều phải tập trung, chịu khó, có sức khỏe, không ngại khổ ngại bẩn thì mới bám trụ được.
Theo ông Vũ, lao động trên mặt đất khổ một thì làm việc dưới lòng cống khổ tới mười khi mà môi trường làm việc gò bó, độc hại, nguy cơ thương tích, nhiễm khuẩn. Ở dưới cống không thiếu thứ gì từ rác rưởi bẩn thỉu, xác động vật, bơm kim tiêm, mảnh thủy tinh, vật nhọn hoen gỉ...
Do môi trường ô nhiễm, thời gian mỗi ca của tổ làm việc chỉ có thể kéo dài 1-2 tiếng là công nhân phải lên nghỉ mới tiếp tục được. Tổ chia mỗi người một nhiệm vụ, người trực tiếp xuống cống, người ở trên nhận bùn, rác thải đưa lên để vận chuyển, người phụ trách lái xe bồn, người giám sát kỹ thuật, đảm bảo tiến độ trong công việc.
Là người trực tiếp xuống xử lý rác thải dưới cống ngầm, anh Vũ Văn Tiến Quỳnh (42 tuổi) cho biết, công việc trong ca của tổ anh là nạo vét khoảng 100m cống dưới tuyến phố đường Thụy Khuê. Đoạn cống này rộng khoảng 3m, cao 1m7. Làm việc trong môi trường ngột ngạt, nước thải ngập ngang ngực, đầu sát thành cống nên chỉ sau 15 phút làm việc, gương mặt anh Quỳnh đã nhễ nhại mồ hôi.
"Mỗi lần xuống cống hai chân tôi phải thăm dò địa hình trước. Nếu thấy vật nhọn thì lách sang, vật cứng và bằng thì mới dám đặt chân lên. Ở đáy cống, nhiều khi có cả tấm ván cốp pha còn nguyên đinh vít rơi xuống như bàn chông, hay sát hai bên thành cống cũng có chỗ nhiều thanh sắt thò ra sắc nhọn. Công nhân làm không cẩn thận mà chạm phải rất nguy hiểm", anh Quỳnh chia sẻ.
Dừng tay trò chuyện cùng PV vài câu, anh Quỳnh cùng các đồng nghiệp lại cúi gập người xuống gần mặt nước, vục những chiếc xô xuống múc sình lầy cùng đủ thứ rác rưởi, gạn nước, vợt cả những rác thải nổi phía trên gom đầy từng xô để đưa lên. Không ít lần chân anh đạp xuống điểm sâu khiến cả người chìm xuống nước, miệng nếm phải vị cay the, tanh nồng của của nước thải.
"Ai có sức đề kháng yếu, chỉ làm một thời gian là bị ho, đau đầu, tức ngực, tức bụng, khó thở vì làm việc trong môi trường yếm khí, nếm đủ thứ mùi hôi hám, tanh nồng. Đổi lại sự vất vả đó, điều an ủi lớn nhất đối với những công nhân nạo vét cống ngầm chính là công việc có mức thu nhập ổn định, cộng thêm tiền trợ cấp, bảo hiểm, thì cũng có thể đủ lo cho gia đình", anh Quỳnh chia sẻ thêm.
Những thùng chất thải chứa sình bùn đen kịt lẫn với rác được các công nhân kéo từng xô từ dưới cống ngầm đưa lên mặt đất, đổ vào xe gom rác.
Sau khoảng 1 giờ làm việc liên tục dưới cống ngầm, tổ công nhân tranh thủ nghỉ ngơi. Anh Đỗ Quang Trung, một nhân viên trong tổ, chia sẻ, làm nghề tuy vất vả nhưng anh cảm thấy vui vì mình có một công việc ổn định, giúp ích cho xã hội.
"Tôi và nhiều anh em công nhân ở đây, chỉ mong bà con có thêm ý thức, có thêm trách nhiệm, không xả rác bừa bãi thì công việc này cũng bớt đi nhiều phần nhọc nhằn. Ngoài ra, thành phố sẽ bớt ngập úng mỗi khi mưa lớn", anh Trung nói.
Các công nhân thường kết thúc công việc lúc 16h30. Trong hôm nay, tổ làm việc đã thu gom, xử lý 10 xe chất thải. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thông móc cống, các công nhân dọn dẹp bề mặt ống cống và thu gom những xe rác thải tập kết tại một địa điểm cố định, chờ xe chuyên dụng đến chở đi, trả lại đường phố sạch đẹp.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1, cho biết, đơn vị có hơn 140 cán bộ, công nhân và đang trực tiếp xử lý toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, 10/14 phường thuộc quận Ba Đình và 10/14 phường thuộc quận Tây Hồ.
Mỗi địa bàn quản lý sẽ có những đặc trưng khác nhau, ví dụ như khu vực phố cổ rất nhiều hộ dân kinh doanh hàng ăn, xả nhiều dầu mỡ và đặt những tấm chắn, vật cản xuống hệ thống thoát nước gây ảnh hưởng đến dòng chảy. "Chúng tôi phải thường xuyên phối hợp với quận, phường trực tiếp xuống từng khu vực kiểm tra, xử lý những thanh chắn dòng chảy để khi mùa mưa đến không làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước", ông Hòa chia sẻ.
Ngoài công tác chuyên môn, đơn vị cũng chú trọng đến đời đống, sức khỏe cho từng thành viên trong công ty. Đối với công nhân trực tiếp xử lý rác thải dưới cống ngầm, đơn vị trang bị từng bộ đồ bảo hộ, khẩu trang... Hàng năm, các công nhân được được khám định kỳ 2 lần và tiêm phòng đầy đủ.