Những người nên và không nên tiêm vắc xin Moderna phòng COVID-19
Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược về Tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (SAGE) đã đưa ra khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng vắc xin mRNA-1273 của Moderna phòng COVID-19 ở người từ 18 tuổi trở lên. Khuyến cáo này được cập nhật cuối tháng 6/2021.
Ảnh minh họa: Internet
Ai nên được tiêm chủng vắc xin Moderna?
Cũng như mọi vắc xin phòng COVID-19, nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm chủng.
SAGE cũng cho rằng người mắc các bệnh đi kèm (bệnh nền) được nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 bao gồm bệnh phổi mạn tính, bệnh lý về tim, béo phì nặng, đái tháo đường, bệnh gan và nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) có thể được tiêm vắc xin này. Khuyến cáo tiêm chủng cho nhóm những người mắc các bệnh nền này bởi các bệnh nền này được xác định làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Mặc dù cần phải có thêm các nghiên cứu ở người bị suy giảm miễn dịch, nhưng người trong nhóm này - nhóm được khuyến cáo tiêm chủng - có thể được tiêm sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn.
Người chung sống với HIV có nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng. Những người dương tính với HIV được tiêm vắc xin cần được cung cấp thông tin và tư vấn.
Có thể tiêm chủng vắc xin cho những người đã từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, những người này có thể hoãn tiêm chủng phòng COVID-19 khoảng 6 tháng kể từ thời gian bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ai không nên tiêm vaccine Moderna?
Những người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc xin không nên dùng loại vắc xin này hay vắc xin mRNA khác.
Mặc dù khuyến cáo tiêm chủng cho người cao tuổi do nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng và tử vong, nhưng những người cao tuổi rất yếu tiên lượng còn sống thêm dưới 3 tháng nữa cần được đánh giá cụ thể theo từng trường hợp.
Không dùng vắc xin này ở những người dưới 18 tuổi do chưa có kết quả từ các nghiên cứu thêm.
Vắc xin này có an toàn không?
Ngày 30/4, WHO phê duyệt vắc xin Moderna vào danh sách sử dụng khẩn cấp dựa trên đánh giá chất lượng, sự an toàn và hiệu lực của vắc xin COVID-19, và là điều kiện tiên quyết để cung ứng vắc xin theo cơ chế COVAX Facility.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho phép lưu hành sử dụng vắc xin Moderna ở tất cả các nước thuộc Liên minh Châu Âu.
SAGE khuyến cáo tất cả những người được tiêmvắc xin cần được theo dõi ít nhất 15 phút sau tiêm. Những người gặp phản ứng dị ứng nặng ngay trong liều đầu thì không nên tiêm liều tiếp theo.
Vắc xin này có hiệu lực như thế nào?
Vắc xin Moderna cho thấy hiệu lực bảo vệ khoảng 94,1% đối với COVID-19, hiệu lực bảo vệ bắt đầu 14 ngày sau khi tiêm liều đầu.
Dựa trên các bằng chứng ở thời điểm hiện tại, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bao gồm B.1.1.7 và 501Y.V2, không làm thay đổi hiệu quả của vắc xin mRNA Moderna. Cần tiếp tục theo dõi, thu thập và phân tích số liệu về các biến thể mới và tác động của chúng đối với hiệu quả chẩn đoán, điều trị và vắc xin COVID-19.
SAGE cho rằng vẫn phải duy trì các biện pháp y tế công cộng hiệu quả: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh tụ tập đông người, đảm bảo thông khí tốt sau khi tiêm vắc xin Moderna.