Những người 'ngoại đạo' có tài văn chương ở Hà Tĩnh
Những người 'ngoại đạo' có tài văn chương ở Hà Tĩnh
Văn chương Hà Tĩnh thời gian gần đây có nhiều tác giả không chuyên với bút lực rất dồi dào và đa dạng. Mỗi gương mặt một màu sắc khác nhau và không chỉ “tung tẩy” trên sân nhà, họ còn là những cái tên có số lượng “đơn đặt hàng” khá lớn từ những tờ báo, tạp chí tên tuổi trong cả nước.
Tâm An trò chuyện cùng tôi tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du trong những ngày cuối năm mưa bụi giăng giăng. Đây cũng chính là nơi anh từng tổ chức lễ ra mắt cuốn truyện ngắn đầu tay của mình. Với Tâm An, khu di tích này mang một ý nghĩa rất đặc biệt, mỗi khi cảm thấy cần tiếp thêm năng lượng trong sáng tác thì anh sẽ đến đây, tản bộ trong vườn Nguyễn…
Tâm An tên thật là Nguyễn Ngọc Anh (SN 1982, tại xã Xuân Hải, Nghi Xuân). Anh từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Việt - Hàn (Nghệ An), có hơn 10 năm làm nghề xây dựng, bôn ba nhiều miền quê, từ miền Tây Nghệ An, vào Tây Nguyên, rồi xuống Đông Nam Bộ… Hiện anh làm nghề sửa chữa điện tử và có cửa hàng riêng tại thị trấn Tiên Điền.
Tâm An chia sẻ: “Tôi yêu thích văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và cũng bắt đầu tập tành sáng tác từ đó. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, bố mất sớm, sau tôi còn có 3 đứa em nên tốt nghiệp THPT, tôi chọn học nghề để ổn định cuộc sống. Khoảng từ năm 2017, tôi tìm được cảm hứng sáng tác trở lại và bắt đầu chuyên tâm hơn với niềm đam mê. Đây cũng là thời gian tôi tham gia Quán Chiêu Văn - một diễn đàn văn học online dành cho những người viết trẻ với hơn 42 nghìn thành viên trên cả nước tham gia”.
Bắt đầu từ truyện ngắn “Lời nguyền trên sông” được đăng trên Báo Nghệ An vào năm 2017, đến nay, Tâm An đã sáng tác được gần 100 tác phẩm. Các truyện ngắn của anh được nhiều tờ báo Trung ương và địa phương chọn đăng với tần suất khá nhiều như: Báo Văn nghệ quân đội, Báo Công an nhân dân, Báo Hà Tĩnh, Báo Nghệ An, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Hồng Lĩnh… Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Quán Chiêu Văn, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, thời gian qua, Tâm An đã xuất bản 2 tập truyện ngắn: “Chửa hoang” và “Đêm tái sinh”, mỗi tập dày 200 trang, gồm những tác phẩm anh tâm đắc nhất.
Tâm An được đánh giá là “kẻ ngoại đạo” có bút lực dồi dào. Truyện của anh được độc giả nhận xét phản ánh cuộc sống một cách dung dị, chân thực về thân phận con người. Đi sâu vào những góc khuất, bi kịch, số phận con người trong truyện của anh, dù ở tầng lớp nào cũng có những nỗi đau, bất hạnh riêng mà ở đó, bằng nghị lực và tình yêu thương, nhân vật đều nỗ lực vươn lên mang theo khát vọng hạnh phúc. Một đặc điểm nữa là bối cảnh trong sáng tác của anh có sự đa dạng và đa sắc về văn hóa vùng miền, từ cuộc sống ở làng quê nghèo miền Trung đến văn hóa nhà mồ đồng bào Tây Nguyên hay miền sông nước Nam Bộ… Đây là kết quả từ quá trình trải nghiệm, tích lũy của Tâm An trong nhiều năm tháng bôn ba mưu sinh và trái tim ấm áp, đồng cảm của tác giả với thân phận con người trong xã hội.
“Bên cạnh công việc để mưu sinh, viết lách với tôi là một niềm đam mê và nhu cầu tự thân. Bằng những trải nghiệm của mình, tôi muốn lan tỏa tới độc giả tình yêu cuộc sống và những giá trị chân, thiện, mỹ… Tôi muốn dùng văn chương của mình để giúp họ có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, bất hạnh, tìm thấy hạnh phúc cho mình” - Tâm An chia sẻ.
Cuộc thi “Viết - vẽ tuổi học trò” được tổ chức từ năm 1992 đã trở thành “vườn ươm” cho nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ ở Hà Tĩnh. Trần Thị Tú Ngọc (SN 1984) là một trong những cây viết trưởng thành từ sân chơi này và ghi được dấu ấn trong lòng độc giả. Tham gia cuộc thi lần đầu tiên khi đang học lớp 12 (năm 2002) với truyện ngắn đầu tay “Những chân nhang màu đỏ”, Tú Ngọc đã xuất sắc giành giải B (không có giải A). Đây là bước khởi đầu quan trọng, đặt nền móng cho những thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật của chị sau này.
Tốt nghiệp Khoa Địa lý - Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 2006, Tú Ngọc trở thành giáo viên tại Trường THPT Hương Khê (thị trấn Hương Khê). Công việc đứng lớp vất vả cùng những bộn bề của cuộc sống khiến chị phải “gác bút” một thời gian khá dài. “Như một duyên nợ không thể rời bỏ, đam mê với văn chương lại thôi thúc tôi trở lại với nghiệp cầm bút, sáng tác. Tôi viết các tác phẩm truyện ngắn, bút ký gửi một số cuộc thi, cộng tác cùng các tờ báo, tạp chí và đều giành được những thành công nhất định. Đó là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với văn chương” - chị Tú Ngọc chia sẻ.
Hai mảng đề tài đã ghi dấu ấn tên tuổi Trần Thị Tú Ngọc trong lòng độc giả là đề tài lịch sử và đề tài chiến tranh, người lính. Đây là những mảng đề tài không mới, là “mảnh đất” mà nhiều cây viết kỳ cựu đã “cày xới” kỹ càng. Hơn nữa, bản thân Tú Ngọc thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh nên không mấy dễ dàng. Bên cạnh tìm hiểu tư liệu, Tú Ngọc luôn phải trăn trở, tìm tòi góc nhìn mới - góc nhìn của một người trẻ đối với truyền thống, lịch sử cha ông và những cuộc chiến tranh trên thế giới.
Chia sẻ về tư tưởng trong các tác phẩm của mình, chị Tú Ngọc cho biết: “Góc nhìn đó cho phép tôi phản ánh những cuộc chiến một cách chân thực, đa chiều hơn. Tôi mong muốn qua tác phẩm của mình, người đọc thêm tôn trọng sự thật lịch sử, biết ơn những hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông, trân quý giá trị của hòa bình nhưng cũng hướng đến sự hòa hợp dân tộc để cùng phát triển trong một thế giới mở như hiện nay”.
Trong suốt quá trình sáng tạo văn chương của mình, Tú Ngọc có hàng chục tác phẩm được lựa chọn in chung trong các tập sách của những nhà xuất bản uy tín. “Ngụ ngôn tháng Tư”, “Tiếng rền của đá”, “Gió bên bờ vịnh”, “Chiều Cổ Loa nổi gió”... là những tác phẩm đã mang tên tuổi của Tú Ngọc đến gần hơn với độc giả văn chương. Chị cũng đã xuất bản 2 tập sách của riêng mình là “Ngụ ngôn tháng Tư” (2019) và “Linh mộc” (2021).
Trần Thị Tú Ngọc đã đạt giải C của Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 2019), Giải ba Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 2019). Đó là những gia tài quý giá, là niềm động viên, khích lệ lớn đối với một cây bút không chuyên. Chia sẻ về dự định sắp tới, Tú Ngọc cho biết, sau mỗi giờ lên lớp, chị vẫn say mê với từng con chữ và mong muốn xuất bản tập sách thứ 3. Đây sẽ là tuyển tập các truyện ngắn về đề tài chuyện cổ tích với góc nhìn mới mẻ.
Nếu ai đã đọc thơ Huy Linh (bút danh của Nguyễn Huy Linh) sẽ khá ngạc nhiên khi gặp anh ngoài đời. Một Huy Linh ngoài 30 tuổi, hồn nhiên khác xa những bài thơ giàu hình ảnh về làng quê, man mác hoài cổ, đầy chiêm nghiệm… mang dáng dấp của một người “có tuổi” và phải thật nhiều trải nghiệm, thật nhiều thăng trầm mới có được. Nguyễn Huy Linh (SN 1989) từng là sinh viên khoa sư phạm một trường đại học nhưng rồi hoàn cảnh gia đình khiến anh phải nghỉ học giữa chừng. Hiện anh là thợ sửa chữa điện lạnh ở quê nhà.
Huy Linh chia sẻ: “Tôi yêu thơ và đọc nhiều nhưng trước đây, việc viết ra những bài thơ của riêng mình chỉ như là một cách ghi nhật ký về những cảm xúc trong đời sống. Đến năm 2017, tôi bắt đầu đăng thơ của mình lên mạng xã hội, sau đó tham gia vào Quán Chiêu Văn - diễn đàn online của những người sáng tác trẻ khắp cả nước. Từ lúc đó, tôi mới bắt đầu chuyên tâm hơn trong việc viết lách”.
Dù sáng tác chưa lâu, lại là người viết không chuyên nhưng đến nay, Huy Linh đã có trong tay gần 100 bài thơ. Nhiều bài thơ của anh được chọn đăng trên những tờ báo, tạp chí văn nghệ có uy tín trong cả nước, như: Báo Văn nghệ, Báo Nghệ An, Báo Hà Tĩnh, Báo Thái Nguyên, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Hồng Lĩnh… Vào tháng 9/2022, Huy Linh đã ra mắt độc giả tập thơ “Cõi xưa” với 46 tác phẩm tiêu biểu nhất.
Thơ Huy Linh có sự đa dạng trong thể loại từ lục bát đến thơ 7 chữ, 5 chữ, thơ tự do… giàu hình ảnh biểu cảm, tươi mới trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh ẩn dụ. Đặc biệt, đọc thơ Huy Linh, độc giả như được tìm về với “cõi xưa” tại một làng quê Việt mà ở đó vấn vít ký ức miền nhớ với bờ tre, gốc rạ, bờ ao, cánh đồng, nhất là hình ảnh mái chùa làng, nơi cất giữ những nét văn hóa thuần chất, mộc mạc. Thơ anh còn thấm đẫm chất thiền của sự tĩnh lặng, suy tư về nhân tình thế thái, về sự giác ngộ sau những mất mát, biến thiên lịch sử… Buồn mà không lụy, hoài niệm mà không bi quan, thơ Huy Linh thức dậy niềm nhớ về quá khứ tươi đẹp, nên thơ để đánh thức mỗi người biết trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống vốn dĩ đang bị mai một trong đời sống hiện đại.
“Tôi mong tiếng thơ của mình sẽ là men xúc tác giúp độc giả thêm yêu cuộc sống, yêu quê hương và những giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ mà cha ông để lại, để từ đó, mỗi chúng ta cùng chung tay gìn giữ” - Huy Linh chia sẻ.
Trần Ngọc Diệp (tên thật là Trần Thị Diệp, SN 1988) là em gái của tác giả Trần Thị Tú Ngọc và cũng được phát hiện, ươm mầm tài năng từ Cuộc thi “Viết - vẽ tuổi học trò”. Ngọc Diệp được đánh giá là một cây viết trẻ, có dấu ấn trên văn đàn.
Khác với tính cách trầm lắng, hướng nội của chị gái, Ngọc Diệp là người sôi nổi, hướng ngoại. Tính cách đó đã chi phối nhiều đến xu hướng văn chương nghệ thuật của chị. Những tác phẩm của Ngọc Diệp đi sâu vào đời sống thực, những tâm tư sâu kín của con người trong xã hội hiện đại như: “Phố bụi”, “Bất chợt mưa”, “Khói mật hương”, “Đảo trong đêm”... Đọc những dòng văn thấm đẫm hơi thở cuộc sống, thổn thức lòng người của Ngọc Diệp, ít ai biết chị là một giáo viên Toán của Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê). Chị chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã rèn cho mình thói quen đọc sách hằng ngày. Lớn lên, mặc dù theo ngành sư phạm Toán nhưng bằng niềm đam mê với từng trang sách, từng con chữ, cùng với sự đồng hành, động viên của chị Tú Ngọc, tôi đã thử sức mình ở địa hạt văn chương và gắn bó đến nay cũng đã được 13 năm”.
Môn Toán với những con số, công thức, mệnh đề khô khan tưởng chừng không liên quan đến văn chương nhưng với Ngọc Diệp, tư duy logic của Toán học đã cho chị khả năng xây dựng cốt truyện, bố trí bối cảnh, tình huống trong tác phẩm một cách khoa học, mạch lạc nhất. Nhờ đó, không gian trong tác phẩm của Ngọc Diệp luôn “thoáng đãng” nhưng vẫn chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh về cuộc sống, gia đình, tình yêu và những trăn trở trước thế sự.
Ngọc Diệp tâm sự: “Tôi luôn tìm thấy niềm vui trong mỗi công việc mình làm. Giải một bài toán khó hay gõ những dòng đầu tiên của bản thảo văn chương, tôi đều bắt đầu bằng một tâm thế say mê, háo hức nên hoàn thành mọi thứ khá dễ dàng. Những “đứa con” tinh thần ra đời may mắn được sự đón nhận của độc giả là niềm hạnh phúc, động viên lớn lao để tôi tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa”.
Đến với văn chương bằng tâm thế đó, Ngọc Diệp đã ghi dấu tên tuổi của mình bằng những tác phẩm được đăng tải trong các tập sách, báo, tạp chí; giành một số giải thưởng như: giải tư Cuộc thi “40 năm rực rỡ tên vàng” do Báo Lao động tổ chức (năm 2021); lọt vòng chung khảo Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 2019) cùng một số giải thưởng các cuộc thi trong tỉnh. Tháng 6/2022, Ngọc Diệp là đại diện của Hà Tĩnh tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Đây là dịp cây viết trẻ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, cho ra đời những sáng tác hay, góp phần thực hiện dự định ra mắt tập sách trong thời gian tới.