Những người nuôi dưỡng ý chí
Tại sao đội tuyển Việt Nam lại có biệt danh là 'Những chiến binh sao vàng'? Đó là câu chuyện dài và cũng là câu chuyện lớn.
Có những thứ không thể tóm gọn, một trong số đó là việc giải thích những cái tên; Nguyễn là họ, Quang là tên đệm, Hải là tên, nhưng không đơn giản như vậy.
Tuổi thơ với trái bóng nhựa
Năm ta lên mười, đủ lớn để mơ hồ thẩm thấu những lớn lao như Tổ quốc, dân tộc qua những cuộc chơi trận giả với lũ bạn, chúng ta giành nhau để được về "phe ta" bằng cách oẳn tù tì, những đứa thua nhăn mặt như khỉ vì phải về phe xấu. Trong suy nghĩ của trẻ thơ, không bao giờ chúng ta muốn chọn cho mình điều xấu xa.
Rồi bắt đầu từ những mơ hồ đó, ta đón xem các trận đấu của đội tuyển Việt Nam, đơn giản chỉ là thói quen của ý nghĩ "về phe quân ta" thôi. Nhưng rồi tiếp điểm đầu tiên ấy lại là con đường đưa ta đến với bóng đá, không phải Ronaldo, không phải Cantona, không phải Batistuta, cũng không phải Man United.
Sáng tinh mơ, trưa nắng gắt, ngày mưa rào, trên đám ruộng ngày một trơ lỳ hay bãi cỏ càng lúc càng xơ cỗi với một trái bưởi hay một nhúm rơm cuộn tròn, bọn ta tự gọi mình là Huỳnh Quốc Cường, Nguyễn Mạnh Cường rồi thì Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Đặng Phương Nam, Nguyễn Hữu Thắng và có cả những luật chơi của riêng mình.
Thằng nào béo thì chụp gôn, đứa to con làm hậu vệ, ném biên nếu "bóng" bay vào bụi rậu, quyền đá phạt thuộc về đội to mồm hơn và chiến thuật duy nhất được áp dụng là "ruồi bu".
Đám bạn học cách "rang lạc" của Văn Sỹ Hùng, còn ta bị ám ảnh bởi pha giật gót của Quốc Cường, ta tập luyện mỗi ngày với bất kỳ vật thể nào có thể lăn, háo hư được trình diễn tuyệt kỹ làm ngơ ngác tất cả, lần đó kết quả không mấy vẻ vang khi mà những gì ta làm được chỉ là minh họa dáng đi "chấm phẩy" của ông Tâm cà nhắc làng bên. Cứ thế, những bàn thắng, tiếng cười đi cả vào giấc mơ.
Con trai! Giống như bây giờ các con được sắm cho một dàn siêu máy tính, hạnh phúc của bọn ta là góp đủ tiền mua được trái banh nhựa sọc đỏ trắng, đó là trái banh huyền thoại mà bây giờ con thấy trong viện bảo tàng và hãnh diện là khi được khoác lên mình chíec áo có số, có tên cầu thủ yêu thích.
Ta đã vừa hớn hở vừa làm mấy vòng "marathon" quanh làng trong lần đầu tiên có cho mình chiếc áo số 5 của Võ Hoàng Bửu, đó là một tiền vệ cừ khôi của đội tuyển Việt Nam, bao ngày sau ta vẫn mặc chiếc áo đó, ngày thứ tư bà của con khó khăn lắm mới dụ được ta cởi nó ra.
Những năm ấy, cả đất nước còn xoay mình trong khó khăn, nhưng mỗi lần tuyển Việt Nam thi đấu, thì đó là một ngày hội, mọi công việc sẽ được tạm ngưng, kể cả là đang trong mùa gặt, đây cũng là thời gian hiếm hoi ta không bị bắt học bài và tắm đúng giờ.
Những năm ấy, cả đất nước còn xoay mình trong khó khăn, nhưng mỗi lần tuyển Việt Nam thi đấu, thì đó là một ngày hội, mọi công việc sẽ được tạm ngưng
Trong làng chỉ một vài nhà có vô tuyến, đều là loại đen trắng, 14 inch. Nhưng đó là những tụ điểm cổ vũ bóng đá cực sôi động, chủ nhà mang vô tuyến ra ngoài sân, còn chuẩn bị cả nước non để phục vụ khách tới xem. Chắc chắn đấy là mô hình đầu tiên của những quán cafe bóng đá nở rộ về sau. Xem những trận đấu như thế, bọn ta có chủ đề để nói mấy ngày liền, xuýt xoa pha bóng của người này, chửi cầu thủ kia phạm lỗi với Việt Nam, khi hưng phấn lên cao thì “Ngán quái gì Thái Lan!”
Đất nước chuyển mình nhanh chóng và ta bước vào tuổi dậy thì, lòng nôn nao chờ đón những con sóng lãng mạn nhất của cuộc đời, Man United đến tỏ tình bằng lời ngọt ngào đến choáng ngợp, ta yêu, nhiệt cuồng như phong ba. Dù vậy, tuyển Việt Nam ở đấy, không gì thay thế được, Man United không ghen, vì nàng biết nàng không có quyền đó.
Ý chí
Con yêu, con có thể lựa chọn cho mình một trong nhiều CLB để hâm mộ, nhưng đội tuyển thì không bởi nó không chỉ là một đội bóng, đó còn là niềm tự hào của dân tộc. Trước trận đấu, cờ đỏ sao vàng tràn ngập trên khán đài, những bài ca hào hùng vang lên, dẫu chỉ mới thắng một trận ở vòng bảng thôi. Tất cả đều hô lớn “Việt Nam vô địch!", ngoài đường phố người ta bắt đầu tái hiện cảnh tượng huy hoàng của những tháng ngày lịch sử, từng đoàn người đi trong niềm hân hoan vô bờ, họ chia nhau niềm vui, trao nhau nụ cười và chan hòa vào nhau. Điều đó chỉ có đội tuyển quốc gia mới làm được.
Rồi khi thăng trầm, dạn dày đã chất chồng thì những giây phút cùng ĐT Việt Nam là lúc ta có lại sự mãnh liệt của tuổi trẻ, hét toáng lên vui sướng, nhảy nhót như chú khỉ tăng động, nổi loạn trong men say chiến thắng và buồn nỗi buồn trong veo.
Khi chúng ta lớn lên, già đi, điều kỳ diệu là có những thứ vẫn vẹn nguyên, thậm chí còn to hơn, đẹp hơn, bởi ta biết nhiều, hiểu nhiều, cảm nhận nhiều thì tâm hồn cũng thênh thang những hàm chứa.
Bây giờ, con trai, trở lại với chuyên biệt danh của tuyển Việt Nam.
Đôi khi và dường như, việc duy nhất chúng ta làm trong suốt khoảng thời gian đi học đó là tìm mọi cách để tránh phải mang những biệt danh đáng xấu hổ. Một vài người thì lại chủ quan trong đời thường, chú Ken là người mà dầu trời có sập tới nơi cũng ngồi rung đùi xem Thần Điêu Đại Hiệp và tiến tục chửi thằng Bình... cho đến khi có một thứ gì đó giống con gián chay qua, mọi người gọi chú ấy là Ken Gián.
Mẹ con gọi ta là Ròm vì ta gầy tới mức bộ xương sườn của ta có khả năng"phóng dao găm” bất kỳ lúc nào. Thế đấy con trai, biệt danh của chúng ta thường gắn với những kỷ niệm ngớ ngẩn không thể nào quên, hoặc đó là dấu hiệu nhận dạng "xấu” nổi bật nhất.
Con yêu, con có thể lựa chọn cho mình một trong nhiều CLB để hâm mộ, nhưng đội tuyển thì không bởi nó không chỉ là một đội bóng, đó còn là niềm tự hào của dân tộc.
Nhưng biệt danh của một đội tuyển thì khác, nó mang lại sự tự hào và có tính biểu trưng cao hơn rất nhiều. Ta muốn nói với con rằng tinh thần bật ra từ biểu tượng Ngôi sao Vàng như là một mũi tên của khát vọng được tận lực bắn ra từ lịch sử tới tương lai mà ma sát của thời gian là bằng không.
Thế hệ của bọn ta, thế hệ hậu hiện đại, Thuyết tương đối và sự đo vào các chủ thuyết lớn đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của nhân loại về thế giới, bọn ta lật từng mảnh vỡ còn sót lại, ghép nối để vẽ lại bức tranh, bọn ta hoài nghi và xét lại tất cả.
Bọn ta chứng kiến sự phai nhòa của các bản sắc, lấy phá cách làm tôn chỉ, thế giới bọn ta nhìn thấy là một đống hổ lốn, không chỉ logic mà phi logic, phản logic cùng được chấp nhận, sự lan truyền nổi bật hơn cả sự thẩm thấu và những điều lớn lao thì không mang lại cơm gạo.
Nhưng ở đó, còn thứ vẫn vẹn nguyên sự tươi đẹp, là ý chí được kế thừa trong biểu tượng Sao Vàng, nó xuất hiện mọi nơi, những ngày hội, những cuộc chinh phục.
Đội tuyển Việt Nam nhận nhiệm vụ nuôi dưỡng ý chí Sao Vàng đó, họ tiên phong và cả dân tộc đứng phía sau, cộng dồn khát vọng, chia nhau gian khó, gắn kết nghĩa đồng bào. Và ta lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng đó, có trong mình ý chí Sao Vàng như bao người con đất Việt khác.
Điều gì giúp những chàng trai vượt qua tất cả? Đó là ý chí Sao Vàng, con trai ạ. Hãy gọi họ là Chiến binh Sao Vàng, là những người nuôi dưỡng ý chí được kế thừa!
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-nuoi-duong-y-chi-post1216597.html